Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

HÔM NAY, LỄ HỘI ĐÌNH SO - PHỦ QUỐC OAI

Lễ hội Đình So, Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh Nguyễn Đức Bình.

Xứ Đoài Đẹp Nhất Đình So

Nguyễn Xuân Diện

Dân gian tứ chiếng có câu: Cầu Nam - chùa Bắc - đình Đoài. Dân gian xứ Đoài lại có câu: Đẹp đình So, to đình Cấn (đẹp đình So, to đình Cấn, bẩn đình Ngọc Than, tan hoang đình Phú Mỹ, cũ kỹ đình Yên Nội). Như vậy là vẻ đẹp của đình So đã được dân gian công nhận. Đình So là ngôi đình đẹp vào hạng nhất trong những đình làng của xứ Đoài.


Đình So là đình của làng So (tên chữ của làng là Sơn Lộ), trước gọi là trang Sơn Lộ, nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai. Làng So là nơi dừng chân của vua chúa khi đi thăm Phủ Quốc năm xưa. Nhà chúa có ngự đề bài thơ Nôm ở chùa Nhạc Lâm (chùa So), nay vẫn còn treo, như sau:

Mảng vui Thiên Phúc cảnh thiên thành
Ngoạn thưởng âu đây thức tính tình
Thái thản nhân cơ trông vợi vợi
Đùn đùn đạo ngạn bước thênh thênh
Trời xuân vặc vặc hoa kê cửa
Gió thuỵ hiu hiu nguyệt giãi mành
Trong thuở tỉnh phương buồm thuận tới
Tiệc vầy ngâm ngợi khúc long bình.

Vào làng So, đến đình So mà ngắm nghía thật lâu mới thấy được rằng đình không chỉ đẹp trong kiến trúc mà đẹp cả trong phong cảnh, phong thuỷ, đáng làm một mẫu hình tiêu biểu cho kiến trúc cổ. Đình nằm gối lên núi rùa, trước mặt là đê sông Đáy đã được nắn lại tạo thành một hồ nước hình bán nguyệt như tấm gương khổng lồ in bóng soi cả ngôi đình đồ sộ. Hai bên đình, phía trái là núi Rồng (còn gọi là núi Cả), phía bên phải là núi Phượng, tạo cho đình nằm gọn giữa một cỗ ngai lớn. 


Hiện chưa biết đình So được khởi dựng từ bao giờ, nhưng theo văn bia Tu sáng Hoa đình bi ký hiện còn dựng tại đình, được khắc vào năm Dương Đức thứ 3 (1674) thì đình này được tu bổ và tôn tạo vào năm Quý Mão (1663). Văn bia cho biết ngày khởi công tu tạo là ngày 27 tháng 7 năm Quý Mão, hơn hai tháng sau công việc hoàn thành. Ngôi đình đã trải qua 4 lần trùng tu nữa vào các năm 1743, 1924, 1928, 1953. Quy mô hiện nay của đình là kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2. Tổng cộng tất cả toà ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ. Riêng nhà Tả văn chỉ dùng để viết văn tế thần. Hành lang của đình được chia cho 28 giáp trong làng, mỗi giáp một gian để làm chỗ hội họp riêng và sửa soạn lễ lạt của các giáp khi ra việc làng. Đình So có tòa nghi môn đẹp, hoành tráng, uy nghi, và có bậc đá 29 cấp dẫn xuống hồ bán nguyệt. Kiến trúc và điêu khắc của tam quan có thể được xem là một mẫu mực về sự cân đối, vừa vững chãi vừa bay bổng thanh thoát. Đình thờ Tam vị Nguyên soái Đại vương, là những vị tướng của Đinh Tiên Hoàng.
.

Thần tích chép rằng: Vào mùa xuân năm Canh Thìn (930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng. Từ đấy hai ông bà làm ăn cứ khấm khá mãi lên nên cuộc sống rất khá giả. Hiềm nỗi hai ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Ông vẫn thường nói: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Hát. Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang. Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba đứa trẻ lớn lên thành những chàng trai khoẻ mạnh rồi theo Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn. Quân sĩ kéo từ Hoa Lư thắng trận về đến trang Sơn Lộ thì nghỉ lại và tập hợp trai tráng trong vùng tiếp tục chiến đấu dẹp loạn 12 sứ quân. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi bèn sắc phong 3 ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, Tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng.

Làng So có lá cờ thần rộng tới 24 mét vuông, cứ mỗi khi cờ bay trên nền trời xanh in bóng mặt hồ nước lung linh cùng với tiếng trống sấm vang lên là làng đang có hội. Lễ hội đình So, làng So được diễn ra vào ngày hai dịp mùa xuân và mùa thu. 

Lễ hội mừng ngày Thánh Sinh 

Hội mùa xuân, là lễ hội mừng ngày Thánh sinh  nhằm ngày 8 tháng 2. Ngày này dân làng tổ chức rước bài vị từ Miếu Ông và Miếu Bà, là song thân của các Thánh về đình để chung hưởng sự thành kính của dân làng. Theo ghi chép trong sách cổ thì hội diễn ra trong 3 ngày nhưng không khí chuẩn bị cho ngày lễ này thì rộn dịp trước đó khá lâu.

Trong lễ hội mừng ngày Thánh sinh thì vui nhất, và hồi hộp nhất vẫn là cuộc thi lợn anh. Từ trước đó hàng năm mỗi giáp chọn lấy một con lợn đen tuyền, rồi giao cho một nhà trong giáp nuôi. Nhà ấy cha mẹ song toàn, gái trai đầy đủ, hiếu hạnh. Sau khi chọn được lợn mới ra đình xin chân nhang về để làm lễ trình ở nhà. Kể từ đó, con lợn ấy được gọi là lợn anh. Không ai được gọi là con lợn, mà cũng không ai được đánh mắng nữa. Lợn anh được nuôi dưỡng theo một chế độ đặc biệt, chuồng trại phải sạch sẽ, thức ăn phải thanh sạch. Khi lợn anh lớn một chút người ta đem thiến đi.

Vào ngày mồng 7 tháng 2, lợn anh của 28 giáp trong làng đều được tắm rửa sạch sẽ bằng nước thơm, ăn bằng thức ăn tinh khiết và được đưa vào cũi để rước ra đình. 28 giáp là 28 cái cũi, trên mỗi cũi đều được cuốn một tràng hoa  bưởi, đủng đỉnh để tiến ra sân đình. Các cũi lợn được xếp thành hai hàng dọc theo sân đình, trước sự chứng kiến của Thánh và hội đồng lý dịch cùng đông đảo dân làng. Làng chọn ra những lợn anh to nhất để cân xem anh nào to nhất, nặng nhất để trao giải thưởng. Lợn anh của giáp nào được giải thì không chỉ người nuôi được vui mừng và hãnh diện mà cả giáp ấy đều thấy phấn chấn tự hào. Giải thưởng gồm hai bậc: giải dân và giải giáp. Giải dân do làng thưởng, còn gọi là giải đất, vì người nuôi sẽ được cấp 3 sào đất ở cánh bãi để canh tác và lấy hoa lợi mà không phải nộp thuế má gì. Đất ấy người này sẽ được giữ cho đến khi nào có ai đó nuôi được lợn anh có số cân nặng hơn lợn anh được giải, dù chỉ một vài cân. Giải giáp thì do giáp thưởng, và khi giáp mổ con lợn ấy thì nhà chủ nuôi sẽ được biếu một cái tràng hoa (tức là cái khoanh cổ lợn). Các cụ bảo vào một năm, cũng gần đây thôi, giáp nọ có lợn anh nhỏ hơn giáp kia, đáng ra là không được giải, nhưng dùng thế lực áp đảo để lấy giải nhất. Khi khiêng lợn về đến nhà thì lợn xổng ra khỏi cũi rồi lại đi ra đình.

Ngày này, sau bữa trưa tại các giáp, là đến cuộc hát thờ ở đình. Thường làng đón các giáo phường ở Phủ Quốc về hát hầu Thánh. Các ả đào đứng trước điện, tay cầm lá phách hát các bài hát thờ như Thét nhạc, Bắc phản, hát Giai, Độc phú… trong tiếng hoà âm của các nhạc khí. Giáo phường được mời đến hát nhất định sẽ hỏi cho bằng được tên huý của các Thánh thờ trong đình để khi hát đến những chữ ấy thì tránh đi. Hát cửa đình So có các chữ không được nói tới là Hiển, Lã, Hiện, Suý, Lang. Hiển là tên huý của ông cụ thân sinh ra các Thánh; còn Lã là tên họ của cụ bà Lã thị. Hiện là tên huý của ba anh em nhà Thánh; Suý và Lang là tước phong của Thánh. Các cô đầu hát đến những câu có chữ ấy thì hát thật nhỏ, và tránh đi; ví như chữ Hiển thì đọc là Hởn, chữ Lã thì đọc là Lữ. Nếu cô đầu không nhớ ra, cứ thế hát thẳng không kiêng thì người cầm chầu sẽ gõ liên hồi vào tang trống và cho ngừng cuộc hát. Bấy giờ người quản ca của giáo phường phải đến nói khó với các cụ trong làng để xin cho làm lễ tạ với thánh và xin các cụ chiếu cố cho. Khi ấy, người đào nương sẽ biện cơi trầu, đến trước điện làm lễ tạ lỗi với Thánh và các quan viên. Cô đầu sẽ hát từ chiều đến tối, có khi đến tận canh khuya, trước là để hầu thánh, sau là để giúp vui cho quan viên.

Theo nghi thức về việc mở lễ hội được ghi trong bản thần tích do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, thì hội  mở trong 3 ngày mới thôi. Ngoài hát xướng còn có các trò chơi đánh cờ, đấu vật. Ngày lễ mừng thánh sinh, các cô gái làng đi lấy chồng xa về làng rất đông vui và đua nhau làm lễ và cung tiến rất nhiều vào đình. 
.

Lễ mừng thắng trận, khao quân 

Về mùa thu, lễ hội đình So nhằm ngày 10 tháng 7. Đây là lễ hội kỷ niệm Thánh giải vây, thắng trận, tế cáo thiên địa và khao thưởng quân sĩ. Lễ mừng khao quân là một lễ vui vẻ trong dân. Ngày này, sẽ dâng tế vật là một con trâu. Làng có 28 giáp, mỗi năm, có một giáp phải lo việc sắm sửa lễ vật. Như vậy, nếu năm nay giáp này chuẩn bị tế vật thì phải 28 năm sau nữa thì mới lại đến lượt sắm lễ. Con trâu phải được thui khéo, da vàng xộm, quỳ trên cái giá gỗ, mõm hếch lên, còn sừng thì lấy giấy đỏ cuốn vào. Nội tạng của con trâu đã được lấy ra, làm sạch, nên con trâu tế được dân làng gọi là trâu trong. Cảnh tượng hiến tế trâu trong thật long trọng tôn nghiêm. Sau khi tế xong, đồng dân cùng hưởng lộc, rồi chiều và tối thì tập trung nghe hát ở đình hoặc các miếu quán trong làng. Đào kép cũng có khi vừa hát xong ở miếu này lại xách đàn sang miếu khác.

Những người già trong làng vẫn còn nhớ dịp “đóng đám năm Bảo Đại tam niên”. Ấy là năm 1928. Năm ấy vì đình làng sửa đình nên rước bài vị gửi ở nơi khác, khi công việc hoàn thành thì làm lễ hoàn cung. Bấy giờ làng có mua đèn lồng về mắc lên mái đình, đao đình, và trên các con rồng con nghê trên mái đình, để đêm đến sáng lung linh rất đẹp. Hội làng được tổ chức rất to, phần lễ thì trang nghiêm hoành tráng, phần hội thì vui vẻ, linh đình. Về trò chơi có trò bắt chạch trong chum, bắt dê. Làng còn cho mời đội cồng chiêng Mường ở Lương Sơn về để hoà âm trong lễ tế ở đình.Làng đóng đám 7 ngày 7 đêm, mà đêm nào cũng có hát ả đào, mới từ ấp Thái Hà ngoài tỉnh về. Hội kéo dài trong 3 ngày. 

Lễ chay kỷ niệm ngày Thánh hoá 

Ngày thánh hoá là ngày 10 tháng Chạp. Ngày nay là lễ cúng chay. Công việc chuẩn bị cho lễ cúng chay được tiến hành từ trước đó cả tháng trời. Những người chuẩn bị cho lễ chay bao giờ cũng là đám con trai khoảng 18, 19 tuổi. Họ phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới đến tập trung ở nhà ai đó để chọn gạo làm bánh. Gạo được chọn thật kỹ càng từng hạt, không có hạt gãy, hạt chẩm. Bấy giờ mới đồi xôi, rồi cho vào cối giã như giã bánh dầy. Nhân của bánh bằng đỗ xanh rang kỹ, nghiền nhỏ, trộn với nước mật. Hương liệu là thảo quả thơm ngát. Nhân này được bao bọc bằng xôi giã. Cuối cùng là lấy lá chuối bọc bên ngoài. Lễ vật dâng trong ngày Thánh hoá bao giờ cũng là lễ chay, được làm từ nguyên liệu thanh khiết và với tấm lòng thành kính nhất. Được biết bánh cuốn dâng Thánh có thể để được trong thời gian rất lâu, và người dân làng cho rằng đó chính là thứ lương thực của quân sĩ của thánh năm xưa.

Vào ngày này, dân không tổ chức hội mà chỉ có lễ chay. Không có tổ chức rước xách và các trò chơi dân gian, cũng không có hát thờ. Tất cả các công việc chuẩn bị cho lễ cúng chay được thực hiện trong niềm thành kính nhất để tưởng niệm đến công lao và ân đức của Thánh. 
.

Lễ hội đình So ngày một đơn giản đi so với trước kia. Vẫn có bánh chay dâng Thánh, nhưng không có trâu trong nữa, và tục nuôi lợn anh thì chỉ còn trong câu chuyện của những người già. Hát thờ ở cửa đình cũng không còn nữa. Người dân vẫn bày tỏ lòng thành kính lên Tam vị Nguyên soái Đại vương bằng các nghi thức tế lễ, nhưng phần vui hội thì gần như vắng bóng.

Và hằng năm, mỗi khi tiếng trống sấm vang dội và lá cờ đại rộng tới 24 mét vuông được kéo lên, bay giữa trời và lồng trong bóng nước hồ bán nguyệt, là khi làng mở hội, thì trong lòng người già làng So, những ký ức xa xăm về  hội xưa lại vọng về, nao nao nhớ đến dịp đóng đám năm 1928, nhớ đến cái ngày làng thi lợn anh và rước trâu trong ra đình, thật oai hùng và trang trọng.

Nguyễn Xuân Diện               

7 nhận xét :

  1. Rất cảm ơn anh Diện !

    Trả lờiXóa
  2. Xin hỏi bác Xuân Diện: Trong chùa Bộc có tượng đề Vua Quan Trung, nhưng em thấy tượng chỉ có một chân đi giầy, còn chân kia để trần, sự tích là gì vậy. Cám ơn bác nhiều!

    Trả lờiXóa
  3. trên vietnamnet có đăng bài "Vì sao thu nhập của Việt Nam vẫn thấp...?" nay đã gỡ xuống rồi. Đề nghị bác Diện đăng lại cho mọi người đọc.

    Trả lờiXóa
  4. KTS Trần Thanh Vânlúc 18:10 9 tháng 9, 2011

    Cám ơn Tiến sĩ về cái ảnh Tam quan đình So rất đẹp. Tôi ăn trộm, cất vào tủ riêng của tôi rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn chú Xuân Diện đã cho cháu hiểu hơn về đình So quê ngoại cháu!

    Trả lờiXóa
  6. Ôi quê tôi! Nhớ những ngày hội làng 8/2 hàng năm quá :(

    Trả lờiXóa
  7. Bài viết hay rất cuốn hút, hình ảnh Đình So đẹp thâm trầm cổ kính, tuyệt!
    Đây là một địa chỉ tham quan giá trị, Đình So - Làng So - Xã Cộng Hoà - Huyện Quốc Oai, Xứ Đoài Hà Tây.
    Cảm ơn Nguyễn Xuân Diện nhé!

    Trả lờiXóa