Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Nguyễn Xuân Diện: THĂM ĐỀN HAI BÀ TRƯNG


Đền Hai Bà Trưng

Theo Từ điển Bách Khoa mở Wikipedia: Đền Hát Môn, còn gọi là đền Quốc tế, đền Hai Bà Trưng, tọa lạc ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Di tích Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).

Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt.

.
Đền quay hướng Tây Nam gồm các công trình kiến trúc chính: quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, nhà khách, khu phụ…

Quán Tiên: là một kiến trúc nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền kiểu vòm cuốn, có mái đao cong, nền cao hơn mặt đường 45 cm, tạo ba bậc lên nền quán. Theo cuốn thần tích của làng chép lại, thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội tại đàn Thề, bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận dẹp giặc. Ngôi quán nhỏ này được dân làng dựng lên để tưởng nhớ công ơn đối với bà hàng bánh trôi.

Miếu Tạm ngự: nằm phía trước bên phải đền chính, có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế ba gian, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Các bộ vì kết cấu kiểu vì “giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”. Toà hậu cung ba gian, xây nối liền với tiền tế, hệ vì đỡ mái có kết cấu tương tự nhà tiền tế. Phía trước mở hệ thống cửa kiểu bức bàn. Công trình kiến trúc này là nơi tạm ngự của Thánh Bà. Khi mùa nước lũ hàng năm, khu đền chính bị ngập, dân làng rước tượng, ngai thờ và toàn bộ đồ thờ tự của đền về đền Tạm ngự, hết mùa nước lũ lại rước Thánh hoàn cung.

Nghi môn ngoại: có niên đại khởi dựng vào thời Nguyễn, được làm theo kiểu tứ trụ xây gạch, đỉnh trụ đắp nổi hình tứ phượng, lân. Phần lồng đèn đắp nổi hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Thân trụ có câu đối chữ Hán. Từ nghi môn theo triền đê xuống là khu đền chính, bên phải có hồ nước, giữa hồ có nhà thủy đình (phương đình) mới xây dựng gần đây. Bên trái đường trên mặt đê là nhà tưởng niệm nữ tướng - nữ anh hùng Nguyễn Thị Định.

Đàn Thề: được xây dựng mới ở phía trước cổng tam quan, cột đá thề được tạo kiểu trụ hình tháp, bốn mặt có khắc chữ Hán, đặt trên nền cao hơn mặt sân 65 cm, trổ năm bậc lên, mặt hướng vào đền khắc nội dung lời thề của Hai Bà Trưng. Bao quanh đàn thề là tường bao lửng, phía ngoài đặt các tượng voi và ngựa bằng đá.

Nghi môn: gồm ba gian kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Ba cửa vào đền làm kiểu ván bưng. Các bộ vì đỡ mái được kết cấu theo dạng “giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên”, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch Bát.

Nhà bia: hai nhà bia được xây ở vị trí phía ngoài dãy nhà tả/ hữu mạc, trên nền cao hơn mặt sân 30 cm, kiểu phương đình, mái lợp ngói ta, bốn đầu đao tạo cong vút.

Tả/ hữu mạc: mỗi dãy năm gian chạy dọc theo sân đền, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, các bộ vì đỡ mái kết cấu dạng “giá chiêng, hạ kẻ”, được đặt lên tường bổ trụ trốn một hàng cột.

Nhà đại bái: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, cốn mê, bẩy hiên”, hoành mái phân “thượng tam - hạ tứ”, mái lợp ngói ri, nền lát gạch Bát. Trang trí trên kiến trúc tập trung dày đặc ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng …, với các đề tài rồng, tứ linh. Đây là sản phẩm nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức Hai Bà.

Tiền tế: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, nền nhà cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh bó gạch vỉa, các bộ vì kết cấu“thượng rường giá chiêng, hạ bẩy hiên”.

Hậu cung: gồm ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Phần mái của tòa này được nối với tòa trung đường qua phần mái của nhà cầu. Bộ khung gỗ đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo dạng “chồng rường”. Trang trí trên kiến trúc này chủ yếu là phượng. Gian giữa cung cấm được tạo một khám gỗ bưng kín bằng các ván gỗ, là nơi thờ Hai Bà.

Nhà khách: gồm năm gian, kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì đỡ mái tạo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên” cột trốn.

Gò Giấu Ấn: ở phía sau hậu cung đền. Tương truyền, đây là dấu tích nơi Hai Bà Trưng cất giấu ấn tín trước lúc rút quân hoá thân về cõi vĩnh hằng ở cửa sông Hát. Hiện nay, gò Giấu Ấn được bó vỉa, xây tường gạch bao quanh.

Đền Hát Môn còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về văn hoá, lịch sử, gồm: 293 di vật, cổ vật với nhiều chủng loại và phong phú chất liệu, như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy, kim loại... có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đến nay. (Wikipedia ngày 29.2.2020)


Điện thờ


Tượng thờ Hai Bà. Bà Trưng Trắc bên phải.


Song thần kiếm của Hai Bà. Hai Bà sẵn sàng tuốt vỏ để trừ giặc


Cụ Thủ từ tuyên sớ


Nguyễn Xuân Diện trước linh vị Hai Bà Trưng


Đồ thờ


Hổ phù ở nhang án thờ


diệp long


Hoành phi: Hưởng thành tích hỗ


Hoành phi: Hùng Lạc chính thống


Hoành phi: Trì tiết hành nghĩa


Bức hoành do các vị: Phan Duy Tiếp, Trần Lê Nhân...cúng tiến


Bia đá


Bia: Miếu hướng bi ký dựng năm Tự Đức 35 (1882)


Kiệu đền Hai Bà


Kiệu long đình, sơn đen


Án dâng lễ vật, sơn đen


Án sơn đen


Linh thú ở đền Hai Bà


Đền Hai Bà nằm giữa một không gian cổ kính


Bia ghi dấu: GÒ GIẤU ẤN
Ngày 6.3 năm 43, (Quý Mão) trước lúc Hai Bà hóa thân xuống dòng sông Hát
Hai Bà sai tướng tùy tòng chôn cất ấn tín ở khu vực này


Toàn cảnh Gò Giấu Ấn


Gò Giấu Ấn


Cây cối rườm rà, phong cảnh linh thiêng


Khu đàn thề mới tôn tạo

BẮC THÀNH ĐỊA DƯ CHÍ LỤC

Đền thờ Trinh Linh Nhị Trưng vương

Ở địa phận xã Hát Môn huyện Phúc Lộc. Vương người huyện Mê Linh thuộc Châu Phong. Nguyên họ Lạc, con gái của Lạc tướng Giao Châu, chị húy Trắc, em húy Nhị. Người chị lấy chồng người huyện Chu Diên. Bấy giờ Thử sử Tô Định tham tàn bạo ngược, hai chị em dấy binh đánh lại, chiếm Giao Châu, bình định 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua nước Việt, xưng họ là Trưng. Hán Quang Vũ sai bọn Mã Viện, Lưu Phong đánh lại. Quân kéo đến Lãng Bạc, hai bà chống đỡ không nổi, lui về giữ Cấm Khê, sau không biết dấu tích. Về sau người châu ấy lập đền thờ cúng. Triều Lý Anh Tông cầu mưa được ứng nghiệm. Vua mộng thấy hai bà nói rằng: “Bọn thiếp là hai chị em họ Trưng, vâng mệnh thượng đế làm mưa”. Vua tỉnh giấc, ban sắc tu tạo từ vũ, phong làm Trinh Linh nhị phu nhân. Trải các triều nhiều lần được phong tặng. (Trích Sử ký [tức Đại Việt sử ký toàn thư], Lĩnh Nam chích quái).

ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ

Đền Hai Bà Trưng

Ở địa phận xã Hát Môn huyện Phúc Thọ.

Vương là người huyện Mê Linh thuộc châu Phong (nay là xã Hạ Lôi huyện Yên Lãng), nguyên trước là họ Lạc, bà chị huý là Trắc, vì Thái thú Tô Định giết mất chồng nên cùng với bà em huý là Nhị dấy quân, đánh phá lị sở Giao Châu, bình định được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vương và đổi họ là Trưng. Sau khi bị Mã Viện đánh bại [hai bà tự vẫn]. Sau khi mất nhân dân nhớ mến lập đền thờ ở cửa sông Hát Môn. Hai xã Yên Cư và Hạ Lôi huyện Yên Lãng cũng có đền thờ, thường được các triều phong tặng.

Sử chép: Trưng Vương kháng cự Mã Viện, thế không địch nổi phải rút quân giữ Cấm Khê (có sách chép là Kim Khê). Thuỷ kinh chú chép: Cấm Khê là đất Cấm (Kim) Khê ở phía tây nam huyện Mê Linh. Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn nói: Trưng Trắc chạy vào trong khe Kim Khê, 2 năm mới bắt được.

Lại xét: trong đền thờ Bà Trưng, phàm kỷ án và các đồ tự khí hết thảy sơn then, tuyệt nhiên không dùng màu đỏ, dân địa phương không dám dùng sắc đỏ, những người đến lẽ hoặc xem, ai mặc sắc đỏ đều phải cởi ra. Tương truyền thần mất về binh khí, nên kiêng màu đỏ giống máu.

Trích: Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu văn hiến. Địa chí. Nxb. Hà Nội, 2010 
Huyện Phúc Thọ - Làng xã và những di sản văn hóa. Hà Nội, 2010.

Bài đăng lần đầu 9.9.2011

12 nhận xét :

  1. Dù ở xa nước cả nửa vòng trái đất cũng xin một lần được thành kính dâng hương khấn vái 2 vị liệt nữ anh hùng tổ tiên của Việt tộc bất khuất và kiên cường

    Xin hai nữ vương luôn phò trợ cho hậu duệ của các ngài luôn sống xứng đáng với những di sản đồ sộ mà các ngài đã để lại, là "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh " và nhất là bái học lẫy lừng "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh"

    Ở cõi phúc, kính xin hai nữ vương luôn đặc biệt dõi mắt trông coi những người con VN anh hùng đang phải chống chọi để được "quyền yêu nước" ngay chính trên quê hương mình, khi nạn ngoại xâm còn không đau xé lòng bằng cảnh người yêu nước chống ngoại xâm lại bị những thế lực mờ ám vu vạ cáo gian một cách trơ trẽn và oan ức !

    Trả lờiXóa
  2. Dù chưa 1 lần được thăm viếng đền Hai Bà , nhưng được thấy hậu duệ của 2 Bà qua hình ảnh các bà , các chị , các cháu biểu tình chống Trung quốc những ngày vừa qua . Xứng danh con cháu Hai Bà Trưng :
    http://www.youtube.com/watch?v=DzmHvEKacqo

    Trả lờiXóa
  3. Hai Bà Trưng khởi binh chống lại quân Hán,lập ra một quốc gia có kinh đô tại Mê Linh và tự phong là nữ vương.Sau cuộc khởi nghĩa này bị quân Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện tiến công, nên cuộc khởi nghĩa bị thất thủ.Hai Bà không chịu khuất phục đã nhảy xuống sông tự tự.
    Đại Việt Sử ký Toàn thư coi Trưng Trắc như một vị vua trong lịch sử Việt Nam.
    Hoàng đế Tự Đức viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục:Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa,thế mà quyết tâm hăng hái khởi nghĩa,làm chấn động cả triều đình Hán.Dẫu rằng thế lực cô đơn,không gặp thời thế,nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người,lưu danh sử sách.Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác,chẳng những mặt dày thẹn chết lắm!
    Những lời viết về Hai Bà,đến nay vẫn nguyên giá trị.Có những câu trách chẳng khác lời tiên tri cho hậu thế và cho hiện tại bây giờ.

    Trả lờiXóa
  4. Chưa một lần đến viếng nơi yên nghỉ của Hai Bà .Bồi hồi cảm xúc khi nhìn những hình ảnh về Đền của Hai Bà trên trang của bác Diện . Xin dâng Hai Bà một nén nhang thơm với lòng thành kính !
    Dân tộc Việt Nam mãi mãi nhớ ơn và tự hào về công lao giữ nước và tinh thần anh hùng bất khuất của HAI BÀ TRƯNG .

    Trả lờiXóa
  5. Phất cờ nương tử thay quyền tướng quânlúc 14:42 9 tháng 9, 2011

    Đây là bài Thơ thuộc lòng đầu tiên trong đời khi tôi vừa đọc trơn tru chữ Quốc ngữ. Đó cũng là bài văn vần Quốc ngữ đầu tiên bố tôi chép ra cho tôi từ một cuốn sách chữ Nôm,và Bố tôi có chỉnh sửa vài dòng cho hợp tình hợp lý. Lần đầu tiên tôi được bố tôi giảng giải cho biết về Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà vào thập niên thứ ba và thứ tư theo Dương lịch. Cũng kể từ đó, bố tôi đã hun đúc lòng ái quốc và tình yêu nòi giống Lạc Hồng trong tôi.



    BÀ TRƯNG

    Bà Trưng quê ở châu Phong

    Hận phường tham bạo thù chồng chẳng quên

    Chị em nặng một lời nguyền

    Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

    Ngàn Tây nổi áng phong trần

    Ầm ầm binh mã tiến gần Long Biên

    Hồng quần nhẹ bước chinh yên

    Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành

    Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

    Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

    Ba thu gánh vác sơn hà

    Một là báo phục, hai là Bá vương

    Uy danh động đến bắc phương

    Hán sai Mã Viện lên đường tiến công

    Hồ Tây đua sức vẫy vùng

    Anh Thư chẳng sợ gian hùng hiểm sâu

    Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo

    Hai Bà bất khuất theo dòng Trường giang!


    http://vienxumagazine1.com/images518103_HaiBaTrung-tranh.jpg

    Trả lờiXóa
  6. Mong hai ba phu ho cho Phuong Bich,Minh Hang,Kim Tien cung moi nguoi suc khoe,chi ben dap tan am muu bon hau due To Dinh,Ma Vien,cung con chau Tran Ich Tac va Le Chieu Thong.

    Trả lờiXóa
  7. Tại sao lại gọi là "Kiệu Long Đình"? Hai Bà là Nữ Vương mà, sao không gọi là Kiệu Phượng Đình? Hay Kiệu Phụng Đình?

    Trả lờiXóa
  8. Sự nghiệp lừng lẫy của Hai Bà cùng chư tướng được tác giả Trần Đại Sỹ thuật lại trong tác phẩm "Anh Hùng Lĩnh Nam" và "Động Đình Hồ Ngoại Sử" (vao google tìm). Tác giả viết lên các tác phẩm này dựa vào các dữ liệu lấy từ các cuốn phổ của các đền thờ các anh hùng Lĩnh nam (tác giả được thừa hưởng từ ông ngoại là Hàn Lâm Đại Học Sỹ triều Nguyễn)và từ các chuyến đi Trung Quốc (thư viện, gia phả dòng họ, các địa danh...) và Nhật bản (thư viện chứa các sử liệu của TQ mà Nhật Bản mang về).

    Trả lờiXóa
  9. Tôi muốn hỏi anh Diện, thực hư của việc thờ vua bà ở bên Tàu là thế nào ? có phải hồi trước Hai bà Trưng có đánh sang bên đất Tàu bây giờ ?

    Trả lờiXóa
  10. Hai Bà phù hộ cho chị Bùi Hằng

    Trả lờiXóa
  11. TS ơi cho hỏi: Trong LS viết: "Hai Bà Trưng mất ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão 43"
    Mà trong bài lại là: "Ngày 6.3 năm 43, (Quý Mão) trước lúc Hai Bà hóa thân xuống dòng sông Hát Hai Bà sai tướng tùy tòng chôn cất ấn tín ở khu vực này"
    Vậy thông tin nào đúng ạ?
    Xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  12. Thời của 2 Bà mà được thể hiện lòng yêu nước! Càng ngẫm càng thấy ngưỡng mộ 2 Nữ Tướng và thầy hổ thẹn cho công dân của nước nam ở thế kỉ 21! Lũ giặc tầu cộng tùy tiện tung hoành khắp mọi nơi trên mảnh đất Vn. "Câu hỏi gửi trời xanh/gửi người sau người trước/xin trả lời dùm/đất nước sẽ về đâu Nhà giáo Trần Thị Lam!

    Trả lờiXóa