Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

BỘ TRƯỞNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ SẢY MIỆNG

Bộ trưởng và báo chí

SGTT.VN - Sáng 5.4, hàng chục cơ quan báo chí đã được bộ Tài chính “trân trọng mời đến tham dự và đưa tin” về hội nghị học tập, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 của bộ này. Nhưng tại đây, các nhà báo đã được bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ dành cho một bất ngờ.

Khi phát biểu về chủ đề báo chí và truyền thông, Bộ trưởng Huệ nói khá dài, đại ý hiện nay báo chí và truyền thông phát triển, nhưng cũng vì thế mà việc quản lý trở nên khó khăn, nhất là đối với báo điện tử, blog...

Bộ trưởng Tài chính nói về tôn chỉ mục đích của báo chí

Rồi ông bày tỏ sự không hài lòng về việc các báo hiện nay thường đề cập đến các nội dung không phải “của mình”. “Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi viết về chính trị?”, ông Huệ nêu vấn đề.

Vấn đề được Bộ trưởng Huệ nêu khiến không ít nhà báo có mặt tại hội nghị cảm thấy ngỡ ngàng. Thậm chí đã có người đặt câu hỏi về cách nhìn nhận của Bộ trưởng đối với báo chí và vai trò của báo chí.

Nếu báo chí của tổ chức nào cũng chỉ được viết về lĩnh vực của tổ chức đó thì liệu có hợp lý? Và nếu như vậy, thì Bộ Tài chính có cần thiết phải mời hàng chục cơ quan báo chí thuộc nhiều “thành phần” khác nhau đến để dự một hội nghị về triển khai nghị quyết Trung ương, một nội dung thuần túy về chính trị, theo “phân loại” của Bộ trưởng Vương Đình Huệ?

Có lẽ cũng nên nhắc lại một văn bản được coi là cơ sở của hoạt động báo chí. Theo Luật Báo chí, “nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí”. Điều 10 của luật này quy định về “những điều không được thông tin trên báo chí” cũng không có khoản mục nào giới hạn nội dung mà báo chí được đề cập, trừ những nội dung như kích động nhân dân chống phá nhà nước, kích động bạo lực, tiết lộ bí mật nhà nước...
Đọc tiếp...

VĂN PHÒNG ÔNG PHẠM QUANG NGHỊ ĐÃ NHẬN ĐƯỢC VĂN THƯ ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI


Thưa chư vị,

Vào chiều nay, thay mặt các công dân Hà Nội gửi ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, BÍ THƯ THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HÀ NỘI PHẠM QUANG NGHỊ về việc Thực thi các quyền cơ bản của công dân tại địa bàn Hà Nội, bà Đặng Bích Phượng đã liên lạc được với Thư ký của Ông Phạm Quang Nghị. Thư ký của Ông Phạm Quang Nghị xác nhận đã nhận được văn thư đề nghị nói trên. Bà Đặng Bích Phượng yêu cầu văn phòng của Bí thư thành ủy liên lạc theo địa chỉ và số ĐT ghi trong văn thư và sớm có trả lời công dân. 

Từ khi văn thư Đề nghị đối thoại được đưa lên NXD- Blog, rất nhiều người đã liên lạc với Nguyễn Xuân Diện và đề nghị bà Đặng Bích Phượng tiếp nhận đăng ký để được dự cuộc đối thoại sắp tới (nếu có). Mọi người nói rằng, 25 vị đã ký tên không ai đại diện cho ai, và mỗi người đều có "hoàn cảnh riêng" cần được đối thoại với Đại biểu Quốc hội, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Vì vậy, nếu các vị có yêu cầu tham gia cuộc gặp gỡ đối thoại với Bí thư thành ủy Hà Nội sắp tới, xin gửi thông tin đầy đủ: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email liên hệ đến hộp thư điện tử:
phuongbich06@gmail.com
________________________________________________

Đọc tiếp...

BÀ LÊ HIỀN ĐỨC TRẢ LỜI RFA VỀ ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI

Các nhân sĩ trí thức đề nghị đối thoại với chính quyền Hà Nội

2012-04-06
Sáng ngày 5 tháng 4 vừa qua, một nhóm 25 nhân sĩ trí thức yêu nước đã gửi một văn bản đề nghị đối thoại với đại biểu quốc hội, Bí thư thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị về việc thực thi các quyền cơ bản của công dân tại địa bàn Hà Nội. Phóng viên Việt Hà từ Bangkok gửi về bài tường trình.

25 nhân sĩ trí thức yêu nước vừa ký tên vào một bản đề nghị đối thoại với Bí thư thành ủy Hà nội, Phạm Quang Nghị vào ngày 3 tháng 4 vừa qua, yêu cầu chính quyền Hà nội gặp gỡ và trao đổi với người dân về việc thực hiện những quyền tự do cơ bản tại địa bàn Hà Nội. 

Người dân bị đối xử tệ

Bản kiến nghị lần này quy tụ những tên tuổi lão thành cách mạng, những người đã phục vụ chính quyền nhiều năm như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, bà Lê Hiền Đức, giáo sư Chu Hảo, những trí thức yêu nước như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ, tiến sĩ Nguyễn Quang A.  

Bà Lê Hiền Đức, người đã tham gia ký tên vào bản đề nghị này cho biết:
.
Bà Lê Hiền Đức: tôi có ký tên vào thư đề nghị đối thoại với đại biểu quốc hội, đồng thời là bí thư thành ủy Hà Nội, Phạm Quang Nghị. Đây là một việc làm rất bình thường bởi như Bác Hồ đã nói là cán bộ là đầy tớ của nhân dân, và vì thế dân yêu cầu thì đầy tớ phải đáp ứng. Nếu được gặp, chúng tôi sẽ chất vấn ông bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị về chính quyền Hà Nội đã đối xử rất tệ với công dân yêu nước. 

Văn bản đề nghị đã đề cập trực tiếp đến trường hợp chị Bùi Minh Hằng, người đã bị chính quyền bắt giam vì tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc vào giữa năm ngoái. Cũng theo văn bản này, chính quyền Hà Nội đã không có trả lời theo quy định của pháp luật đối với đơn khiếu nại đến chủ tịch UBND Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo, của chị Bùi Hằng đề ngày 18 tháng 12 năm 2011. Những người làm đơn cho rằng những gì đang diễn ra tại Hà Nội là rất hệ trọng vì nó có liên quan đến những quyền căn bản của người dân đã được quy định trong hiến pháp Việt Nam.

Đọc tiếp...

Hoàng Anh: NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Những thách thức đối với Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoàng Anh

Là đảng duy nhất và nắm quyền lãnh đạo tại Việt Nam, Đảng cộng sản VN đã mặc định về vị trí của mình trong toàn bộ quy trình quyền lực và ra quyết định cũng như kiểm soát hệ thống quản trị. Nhưng hiện nay Đảng cộng sản VN đang đối mặt với một số thách thức mà nếu có cái nhìn thật khách quan, sẽ dễ dàng cảm nhận ra tính nghiêm trọng hay không của nó.

Thách thức từ những xung đột lợi ích liên quan đến quyền sở hữu đất đai

Khiếu kiện đất đai không phải là vấn đề phức tạp duy nhất đối với Việt Nam, nhưng đây rõ ràng là một quả bom đối với toàn bộ cục diện. Chính quyền từ cấp cao nhất có vẻ đã không đủ sâu sắc để phân tích hết tín hiệu phát ra từ vụ nổ súng phản kháng ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, một trong khoảng trên 500 đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước. Trước rất lâu và ngay sau khi vụ việc được mệnh danh “Hoa cải đỏ” xảy ra, những vụ cưỡng chế tương tự đã và vẫn diễn ra theo nhiều mức độ khác nhau ở hầu như toàn bộ các huyện. Theo cách lý giải gần đây nhất từ bộ Thông tin Truyền thông trong hội nghị báo chí ngày 30/3 tại Quảng Ninh thì bản chất của vấn đề là: “Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn, cho rằng, gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai trong khi thực ra, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chống chéo, phức tạp” (trích Toàn văn Báo cáo Đánh giá Công tác Báo chí 2011).
Đọc tiếp...

Bùi Văn Bồng: ĐIỂM QUA 10 LẦN "HỘI NGHỊ BÁC NGAO"

ĐIỂM QUA 10 LẦN “HỘI NGHỊ BÁC NGAO”
Bùi Văn Bồng

Bác Ngao là một thị trấn rộng 31Km2, bên sông Vạn Tuyền, thuộc huyện Quỳnh Hải, thị trấn Hải Nam (Trung Quốc), cách Hà Khẩu 105 km. Đây là nơi diễn ra “Diễn dàn Bắc Ngao về châu Á”. Dường như được tổ chức thường niên trong tinh thần thay thế Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy sĩ), Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (Boao Forum for Asia - viết tắt là BFA) là một diễn đàn kinh tế quốc tế mang tính phi chính phủ và phi dành cho các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu của các nước Châu Á và các châu lục khác, nhằm chia sẻ tầm nhìn về mọi vấn đề trong khu vực và trên thế giới.

Diễn đàn này do Cựu tổng thống Philippines – ông Fidel V. Ramos, Bob Hawke - cựu  thủ tướng Úc và Morihiro Hosokawa, cựu  thủ tướng chính phủ  Nhật Bản khởi xướng từ năm 1988, Trụ sở Ban Thư ký đặt tại Bắc Kinh).  Diễn đàn Châu Á Bác Ngao được chính thức thành lập vào tháng 2-2001 và được tổ chức thường niên tại Băc Ngao.

Diễn đàn châu Á-Bác Ngao ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp, giới học giả không chỉ của khu vực châu Á, mà còn của nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong một vài lần tổ chức, diễn đàn đã tập trung vào vấn đề Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cùng như khủng hoảng kinh tế châu Ấ 1997. Năm 2008, diễn đàn có sự tham gia của những người đứng đầu chính phủ các quốc gia: Úc, Pakistan, Kazakstan và Na Uy.  Đây cũng là dịp gặp gỡ lịch sử giữa phó tổng thống ông Vincent, Tổng thống Đài Loan và chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào.
Đọc tiếp...

Bùi Văn Bồng: TRUNG QUỐC CỐ TÌNH VI PHẠM TUYÊN BỐ DOC


TRUNG QUỐC CỐ TÌNH VI PHẠM TUYÊN BỐ DOC  
Bùi Văn Bồng

Tháng 11-2002, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 nhóm họp tại CPC, Trung Quốc cùng các bên trong khối ASEAN ra “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (viết tắt là DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá quan trọng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việc ký DOC là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là của bốn nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở  quần đảo Trường Sa trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Theo điều 1  trong cam kết này: “Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC), với năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước. Điều 3 trong cam kết DOC nêu rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Nam Trung Hoa như đã được minh thị bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Trong điều 5, quy định cam kết rõ hơn về ứng xử và hành động: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống…”.

Thế nhưng, suốt 10 năm qua, Trung Quốc vẫn không thực hiện đúng những “lời hứa” trong cam kết DOC. Không những thế, mọi nỗ lực của Hiệp hội Đông Nam Á nhằm thúc đẩy Bắc Kinh thực thi lời cam kết đều bị gạt bỏ. TQ không thực hiện đúng theo lập trường không thương thuyết đa phương của mình. Ngoài ra, vì chỉ nhăm nhe lo mở rộng quyền lợi và cả quyền lực trên Biển Đông và cả khu vực, Trung Quốc không ngần ngại dùng ảnh hưởng của mình để tạo ra tình trạng chia rẽ trong ASEAN, giữa các nước có tranh chấp với Trung Quốc và các nước ít dính dáng đến những gay cấn thường trực trên Biển Đông. Nhóm nước thứ hai này được coi là ít có sự phản ứng, hoặc cố chịu im tiếng, tỏ ra thuận chiều theo ý Bắc Kinh hơn. Chẳng qua vì họ còn yếu thế  và không muốn mất quyền lợi kinh tế thương mại với TQ, lại rất ngại làm phật ý, va đụng với một nước lớn đang có nhiều tiềm lực, nỗ lực và thủ đoạn hòng trở thành một siêu cường Á Đông, một đại cường quốc lắm mưu mô, thủ đoạn, nổi tiếng là liều lĩnh và bất cần để đạt những gì tham muốn.

Đọc tiếp...

TÀU CÁ CÙNG 9 NGƯ DÂN BỊ TÀU LẠ ĐÂM CHÌM

Tàu cá cùng 9 ngư dân bị tàu lạ đâm chìm

(Dân trí) - Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam tối qua 3/4 tiếp nhận thông tin từ tàu BĐ 51349 TS (Bình Định) báo bị tàu lạ đâm chìm, trên tàu có 9 ngư dân.

Vị trí xảy ra vụ việc là tại tọa độ 09-49 N; 110-34 E, cách Bình Thuận 170 hải lý về hướng Đông Nam. Trước tình huống này, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phát thông báo khẩn cấp, phối hợp với tàu thuyền hoạt động trong khu vực để tổ chức cứu nạn. 

Đến 23h30, Trung tâm đã liên lạc được với tàu SOUTHERN FALCON mang quốc tịch Panama và tàu KH 96732 TS do ông Nguyễn Ngọc Tý làm Thuyền trưởng tổ chức cứu nạn thành công 9 ngư dân trên tàu Bình Định bị chìm. 

Dự kiến 14h00 chiều nay (4/4), tàu KH 97632 sẽ đưa 9 ngư dân bị nạn về Nha Trang. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đang tích cực phối hợp với thân nhân người bị nạn, chính quyền địa phương tổ chức đón tiếp, chăm sóc y tế, bàn giao 9 thuyền viên gặp nạn an toàn, thuận lợi nhất.

Hiện vẫn chưa rõ tung tích tàu lạ đâm chìm tàu cá BĐ 51349, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra xác định.
Quỳnh An
Nguồn: Dân trí.
Đọc tiếp...