Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Bùi Văn Bồng: TRUNG QUỐC CỐ TÌNH VI PHẠM TUYÊN BỐ DOC


TRUNG QUỐC CỐ TÌNH VI PHẠM TUYÊN BỐ DOC  
Bùi Văn Bồng

Tháng 11-2002, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 nhóm họp tại CPC, Trung Quốc cùng các bên trong khối ASEAN ra “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (viết tắt là DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá quan trọng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việc ký DOC là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là của bốn nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở  quần đảo Trường Sa trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Theo điều 1  trong cam kết này: “Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC), với năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước. Điều 3 trong cam kết DOC nêu rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Nam Trung Hoa như đã được minh thị bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Trong điều 5, quy định cam kết rõ hơn về ứng xử và hành động: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống…”.

Thế nhưng, suốt 10 năm qua, Trung Quốc vẫn không thực hiện đúng những “lời hứa” trong cam kết DOC. Không những thế, mọi nỗ lực của Hiệp hội Đông Nam Á nhằm thúc đẩy Bắc Kinh thực thi lời cam kết đều bị gạt bỏ. TQ không thực hiện đúng theo lập trường không thương thuyết đa phương của mình. Ngoài ra, vì chỉ nhăm nhe lo mở rộng quyền lợi và cả quyền lực trên Biển Đông và cả khu vực, Trung Quốc không ngần ngại dùng ảnh hưởng của mình để tạo ra tình trạng chia rẽ trong ASEAN, giữa các nước có tranh chấp với Trung Quốc và các nước ít dính dáng đến những gay cấn thường trực trên Biển Đông. Nhóm nước thứ hai này được coi là ít có sự phản ứng, hoặc cố chịu im tiếng, tỏ ra thuận chiều theo ý Bắc Kinh hơn. Chẳng qua vì họ còn yếu thế  và không muốn mất quyền lợi kinh tế thương mại với TQ, lại rất ngại làm phật ý, va đụng với một nước lớn đang có nhiều tiềm lực, nỗ lực và thủ đoạn hòng trở thành một siêu cường Á Đông, một đại cường quốc lắm mưu mô, thủ đoạn, nổi tiếng là liều lĩnh và bất cần để đạt những gì tham muốn.

Cuộc họp gần đây tại Côn Minh của các nước  ASEAN-Trung Quốc cho dù chỉ đạt rất khiêm tốn mục tiêu đề ra: Thông qua dự thảo bản hướng dẫn thực hiện Bản Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông – DOC, nhưng phía Trung Quốc đã bỏ qua những cam kết DOC, bất chấp dư luận, dấn lên để đưa ra yêu sách đường lưỡi bò - hay “đường chữ U”, “đường đứt khúc 9 đoạn”, đường Lưỡi Quỷ... Thực ra, việc khởi sự đường ngắt đoạn chữ U là do Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) xuất bản năm 1947, chỉ đơn thuần với tựa đề “Bản đồ vị trí của các đảo trên biển Đông”. Đường lưỡi bò trong bản đồ nguyên thủy này không nhằm mục đích khẳng định chủ quyền, mà chỉ xác nhận là sự sự hiện hữu của các đảo trên một vùng biển, như một sự ghi chép quan trắc địa đồ hải dương học. Lợi dụng việc này, giờ đây, chính quyền TQ đã biến một bản đồ có tính chất “hải đồ tham khảo địa hình” đó thành một Tuyên bố chủ quyền cụ thể (bao quát gần trọn Biển Đông) và họ không ngừng phát hành những tấm hải đồ có đường yêu sách ngang ngược ấy ra thế giới. Trước lòng tham vô đáy theo mộng bá vương này, các nước trong khu vực không gọi đường chữ U, mà gọi là “đường lưỡi bò”, ám chỉ TQ là con bò tham lam, vươn dài cái lưỡi bá quyền muốn liếm trọn cả khu vực Đông Nam Á.

Việc mới đây TQ phổ biến rộng rãi tấm bản đồ “đường 9 vạch” trên Biển Đông. Thực ra tấm hải đồ đầy tham vọng và thể hiện rõ tính lưu manh này cũng không có gì mới. Họ từng đính bản đồ này trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ để đáp lại yêu sách của Philippines... Đối với động thái mới nhất của TQ, VN có thể đưa ra tuyên bố phản đối chính thức như thường lệ, đồng thời tái khẳng định yêu sách về chủ quyền của mình... VN cũng có thể phối hợp cùng các bên khác tiến hành các biện pháp pháp lý, trong đó có thể bao gồm việc tìm kiếm ý kiến từ trọng tài quốc tế, chẳng hạn như Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS). Nhưng VN không vội làm thế, vì đã quá hiểu một quy luật từ nhiều đời nay rồi: “Có thế mới là TQ”.

Xưa nay, TQ vẫn có cái trò gây hấn chung quanh để che lấp những vấn đề gay cấn, rối rắm trong nội bộ. Như những năm cuối thập niên 1960, TQ gây hấn với Liên Xô ở biên giới An-ma-a-ta, một mặt để che giấu phức tạp nội bộ thanh trừng phe phái với Giang Thanh (bè lũ 4 tên), mặt khác răn đe VN đừng “chơi” với Liên Xô, chỉ quan hệ với TQ mà thôi. Thực ra, vào thời đó TQ rất sợ khi VN thắng Mỹ thì Liên Xô sẽ “cuỗm” mất địa bàn, khó cho mưu đồ bành trướng xuống phương Nam.

Trước sự kiện mới đây TQ vẽ lại đường lưỡi bò, Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) đã nhận định: “TQ muốn duy trì liên tục tham vọng của nhiều thế hệ truyền đời trong việc độc chiếm biển Đông. Một lý do nữa đó là, vào quý 3/2012 sắp tới, Đại hội đảng Cộng sản TQ sẽ diễn ra, có thể họ muốn dư luận thế giới bớt quan tâm đến các vấn đề nội bộ (như vụ Bạc Hy Lai) bằng cách gây điểm nóng ở biển Đông. Nhưng quan trọng nhất, tôi cho rằng đây là phép thử phản ứng mà TQ đưa ra sau tuyên bố của Mỹ trong chiến lược trở lại châu Á và có sự thay đổi trong thế ứng xử của các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Philippines cũng như thăm dò thái độ của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku trong vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á và châu Á -  Thái Bình Dương”.

Từ nhiều thập niên qua, rõ nhất là từ những năm đầu 1960, với ý đồ thôn tính khu vực, bá chủ Đông Nam Á, ý đồ làm nước lớn nhất, mạnh nhất thế giới, thể hiện Trung Quốc-nước làm trung tâm thế giới, Bắc Kinh đang thực hiện kế hoạch dài hạn theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để “hợp pháp hóa” những đòi hỏi vô lý. Từ những đòi hỏi này, TQ và VN vẫn có nhiều điểm dù nỗ lực thân thiện đến mấy cũng rất khó đi đến nhất trí, khó thỏa thuận lành mạnh. Sự diễn tiến như đấu khẩu ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục với việc Bắc Kinh bác bỏ "cáo buộc không xác đáng" về hoạt động chiếm đoạt trắng trợn quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 16-3 mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố tại cuộc họp báo: "Trung Quốc không chấp nhận những cáo buộc không xác đáng từ những nước liên quan." Và khi Việt Nam đưa ra yêu cầu Bắc Kinh "chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa", ông Lưu Vi Dân trả lời như một tuyên bố lấp lửng nhưng cũng ẩn chứa đầy thách thức: "Ưu tiên hàng đầu bây giờ là có hợp tác thực tiễn ở Nam Hải (Biến Đông) càng sớm càng tốt, trong khuôn khổ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Nam Hải."

Bộ ngoại giao VN buộc phải đưa ra Thông cáo liệt kê một loạt các "vi phạm" của Trung Quốc từ nhiều năm qua đối với chủ quyền VN trên Biển Đông, trong đó có thể hiện rõ thêm những nội dung liên quan đến dầu khí, một ham muốn tột bậc của TQ trên vùng biển này. Đó là việc "Công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiến hành mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía Bắc Biển Đông trong đó có lô 65/24, cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 01 hải lý". Thông tin mời thầu dầu khí 19 lô của CNOOC đã được loan báo từ hồi năm ngoái. Trước sự kiện này, Công ty điều tra & nghiên cứu thị trường IHS Global Insight viết trong một báo cáo năm ngoái: "Không rõ diện tích của lô 65/24 và 55/03 có nằm ngoài ranh giới đòi chủ quyền của Việt Nam hay không." Và  "Các nhà thầu có rủi ro kẹt trong căng thẳng chính trị giữa hai nước?".

Các công ty năng lượng nước ngoài đang gia tăng hoạt động khảo sát trong khu vực tranh chấp, một điều có thể khiến tình hình thêm phức tạp. Forum Energy PLC, một hãng đặt ở Anh, đang tìm dầu theo thỏa thuận với Philippines, và tháng rồi tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục thăm dò bất chấp phản đối của Trung Quốc. Tập Đoàn ONGC Videsh của Ấn Độ đã nói họ sẽ bắt đầu khoan dầu trong khu vực theo thỏa thuận với Việt Nam.

Mùa hè năm ngoái, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có biểu hiện căng thẳng bất thường, sau việc tàu Trung Quốc cắt dây cáp tàu Bình Minh 2 khảo sát do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê. Sự cố này đã gây nên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của những người Việt Nam yêu nước, yêu tự do, độc lập dân tộc. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 10, và ký “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển". Nhưng, thực tế cho thấy, thỏa thuận thì cứ thỏa thuận, ký thì cứ ký, nhưng “ngộ” vẫn làm theo ý thích cá nhân của “ngộ”.

Nhìn lại hơn một năm trước, ngày 12-10-2010, hơn 20 quan chức quốc phòng Asean dự hai ngày diễn đàn tại Học viện quân sự Thạch Gia Trang, thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Các quan chức Asean cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng trong lúc còn khác biệt về khái niệm an ninh ngoài biển. Diễn đàn quốc phòng Asean+3 họp tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh đến các "đe dọa không truyền thống" cho an ninh vùng. Tại đây, tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chỉ nói "trọng tâm của nhóm chuyên gia Trung - Việt là hỗ trợ nhân đạo và cấp cứu khi có thiên tai". Cũng trong tuần đó, các nước Asean và 8 quốc gia bên ngoài vừa kết thúc hội nghị ADMM+ tại Hà Nội. Ở đây, phía Trung Quốc không nói chuyện về Biển Đông trong khi Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước Asean khẳng định rằng "an ninh hàng hải" trong vùng biển Đông Nam Á là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Dư luận VN không ngừng theo dõi các vụ TQ xâm phạm chủ quyền trên biển Đông, bức xúc mới đây nhất là tàu Ngư Chính TQ đã vào tận khu vực mỏ dầu DK1 của VN “ngang nhiên cần gì biết trên đời có ai”, và nhiều vụ bắt ngư dân VN đang đánh cá ở vùng lãnh  hải của VN. Khi VN coi đây là mối đe dọa đến an ninh trên biển, thì ngược lại TQ lại cho rằng hoạt động đánh bắt cá của nước ngoài ở vùng biển tranh chấp là "đe dọa" cho nguồn hải sản của TQ (?!). Nhưng khi một phóng viên phương Tây hỏi: “Đe dọa là thế nào?” thì ông Tàu đó né tránh, không trả lời.

Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản (NIDS) đã có Báo cáo nêu rõ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông bắt đầu căng thẳng hơn từ cuối thập niên 1960 và tiếp tục là một trong những yếu tố gây bất ổn ở Đông Nam Á cho đến nay. Thái độ của Trung Quốc cũng thay đổi tùy thời điểm. Thập niên 1970 và 1980 chứng kiến Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, bãi đá Gạc Ma năm 1988 và đảo đá ngầm Vành Khăn năm 1995.

Sang cuối thập niên 1990, Bắc Kinh thay đổi giọng điệu và bắt đầu bàn bạc với Asean, dẫn đến Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 hứa hẹn kiềm chế và không dùng vũ lực. Trung Quốc lại trở nên cứng rắn hơn từ vài năm qua, cùng với sự tăng tiến hoạt động của các lực lượng quân sự trá hình mang tên “Hải giám” và “Ngư chính”. Ví dụ, tàu Ngư chính lớn nhất mang số hiệu 311 được điều ra Biển Đông từ tháng Ba 2009 và ngày càng có những hành động khiêu khích, mà điển hình là dính líu vụ cắt cáp tàu Viking 2 quốc tịch Na-Uy do Việt Nam thuê hồi tháng Sáu 2011.

Tài liệu của NIDS cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng chủ động diễn tập trên Biển Đông cùng các cơ quan giám sát hàng hải. Mỗi năm đều có ít nhất vài ba sự kiện như vậy kể từ 2009, trong đó có cuộc tập trận nhằm "giành lại đảo do quân thù chiếm đóng" hồi mùa hè năm ngoái.

Đối với Biển Đông, TQ có ít nhất ba mục tiêu chiến lược từ trung hạn đến dài hạn. Mục tiêu thứ nhất là bảo đảm các lợi ích, đặc biệt là kinh tế, trên Biển Đông. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng lớn, khi mà phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu đã lên đến 55.2% năm ngoái, cao hơn cả Mỹ (53.5%). Bắc Kinh ngày càng tin rằng sẽ tuyệt vời nếu khai thác được tài nguyên dưới lòng Biển Đông.

Điều đáng nói, các dự báo của Trung Quốc về trữ lượng ở vùng biển này thường cao hơn của nước ngoài. Một nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng có 36.78 tỉ tấn dầu và 7.55 nghìn tỉ mét khối khí đốt ở nơi được gọi là "Vịnh Ba Tư thứ hai", trong khi phía Nhật Bản lại dẫn nguồn của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đoán chỉ có khoảng 3.78 tỉ tấn dầu, còn Husky Energy của Canada thì nói khí đốt tự nhiên gần quần đảo Trường Sa ở khoảng 170 tỉ mét khối.

Mục tiêu thứ hai là bảo đảm tuyến đường vận tải trên Biển Đông, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ngày càng gắn chặt với kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển đi qua eo biển Malacca - khoảng 60% tàu bè đi qua nút thắt cổ chai này treo cờ Trung Quốc hoặc là đang vận chuyển hàng cho Trung Quốc.

Mục tiêu thứ ba xa hơn là đối chọi với quân lực Mỹ mà một dẫn chứng là căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Nhật Bản nói Trung Quốc lo ngại việc các láng giềng tranh chấp như Malaysia và Việt Nam đặt mua tàu ngầm. Theo báo cáo, tàu ngầm là vũ khí thích hợp để phá vỡ các tuyến đường biển huyết mạch, và đây cũng là lý do để Trung Quốc đẩy nhanh sự hiện diện của hải quân trong vùng.

Ông Ernest Z.Bower, Cố vấn cấp cao, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhìn nhận: “Nếu xem xét lại một chuỗi hành động gần đây của TQ, có thể thấy rằng nước này không chỉ có một giọng điệu duy nhất về các mục tiêu và ý định của họ tại biển Đông... Nhiều nhà phân tích cho rằng các thông điệp không nhất quán của TQ nằm trong một chiến lược dài hơi của họ về đòi hỏi chủ quyền, trong đó có nỗ lực biến các yêu sách lịch sử thành yêu sách pháp lý. Nếu các nước yếu hơn không phản đối các yêu sách này và đưa ra yêu sách của chính mình, thì theo thời gian, bằng sức mạnh quân sự, bằng phát ngôn cứng rắn và bằng áp lực kinh tế, các yêu sách của TQ sẽ có chỗ đứng pháp lý mạnh hơn.

Hiện nay, về mặt quân sự, tham vọng lớn của Trung Quốc là cố gắng chế tạo tên lửa đạn đạo đối hải có thể bay xa hơn 1500 cây số để bắn chìm tàu sân bay Mỹ trước khi quân Mỹ kịp vào Vòng phòng thủ thứ nhất (first island chain) trong trường hợp xung đột ở Đài Loan hay Biển Đông. Chuyên gia quân sự Nhật nhận định mặc dù Trung Quốc "có thể thành công" trong tương lai gần, nhưng hiện tại dự án này vẫn gặp nhiều trục trặc về kỹ thuật.

Những hoạt động trên nằm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (từ 2011 - 2015) mà TQ đang triển khai. Mới đây, tờ Asahi Shimbun dẫn lời thiếu tướng La Viện, Phó tổng thư ký Hội Khoa học quân sự TQ, cho hay nước này đang tiến hành một loạt hoạt động liên quan đến củng cố các tuyên bố chủ quyền trong kế hoạch 5 năm. Theo đó, Bắc Kinh dự định thiết lập cả Bộ Đại dương phụ trách kiểm soát các vùng biển, “quân sự hóa” các lực lượng hải giám, ngư chính… Có điều, suốt chiều dài hơn 3.200 km biển Đông và một phần biển Tây của VN là biển. VN lại có Nghị quyết chuyên đề Hội nghị TW4 (khóa 10) chuyên đề Phát triển kinh tế biển, thế nhưng tại sao VN chưa có “Luật biển” và không thành lập “Bộ kinh tế biển”?

Vì tham vọng quá lớn và đến mức bức xúc muốn nhanh chóng chinh phục để độc chiếm, độc quyền Biển Đông, Trung Quốc đang cố nhào nặn các bằng chứng mang tính pháp lý trong những tuyên bố chủ quyền những vùng biển, đảo không phải là của mình. Vì thế, VN cần luôn luôn đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa những thủ thuật ẩn chứa nguy cơ lâu dài mà TQ đang tiến hành. Hồi đầu tháng 3-2012, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao TQ nói rằng “không nước nào đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông”. Nói cách khác, Bắc Kinh có thể đang mưu tính tự vẽ bản đồ rồi tự kiểm soát, khai thác vùng biển của các nước khác một cách bất hợp pháp. Cứ như thế, sau một thời gian dài, họ biến vùng biển nước khác thành của họ, bất chấp luật pháp quốc tế. Đây càng thể hiện sự lì lợm và cố tình của Bắc Kinh, tỏ ra dứt khoát không chịu “cam” và cũng chẳng “kết” DOC một chút nào cả. Nhà cầm quyền TQ trước sau chỉ có một hướng duy nhất là nghĩ ra mọi thủ đoạn và tiến hành nhiều hoạt động quân sự, ngoại giao và cả những chính sách huy động “sức mạnh mềm”  để vơ cả Biển Đông về phía mình mà thôi. Và nếu như nước nào chống lại, TQ sẵn sàng “dạy cho bài học”.

Hơn 3 tuần trước, ngày 1 đến 2-3-2012, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18. Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), duy trì đối thoại ở các cấp và tích cực phối hợp để triển khai bản quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC được thông qua tháng 7-2011, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển LHQ 1982 vì mục đích thúc đẩy an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực, trong đó có việc triển khai hiệu quả kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 và Tuyên bố DOC, vì hòa bình, hợp tác phát triển và xây dựng lòng tin ở khu vực. Sau cuộc họp này, với sự thể hiện rõ quan điểm và xu thế chung của các nước ASEAN trước những lợi ích của các quốc gia,  góp phần vì hòa bình, phát triển thịnh vương trong khu vực và toàn cầu, không biết Trung Quốc có còn tiếp tục hăng máu dấn lên để lặp lại hoặc phát sinh những vi phạm cam kết nưa xhay không?

B.V.B

*Bài do Đại tá Bùi Văn Bồng gửi trực tiếp cho NXD-Blog. 
Xin chân thành cảm ơn tác giả!

2 nhận xét :

  1. Quách Thành Danhlúc 08:30 6 tháng 4, 2012

    Trung quốc vẫn luôn lật lọng vấn đề Biển Đông, theo tôi Việt Nam đưa vấn đề này ra tòa án Quốc tế sớm ngày nào hay ngày ấy.
    Mà anh Diên ơi, các ngư dân Việt Nam được tàu khựa thả chưa anh??? Chẳng nhẽ anh PTT Hoàng Trung Hải sang nói không có ích gì à???

    Trả lờiXóa
  2. Công dân miệt vườnlúc 09:05 6 tháng 4, 2012

    Cần phải vạch rõ hơn nữa cho cả thế giới biết những âm mưu thâm độc của TQ đối với VN, nhất là vấn đề Biển Đông.
    Cần phải dậy cho các cháu học sinh VN từ Tiểu Học về lịch sử VN bị TQ nhiều lần xâm lăng như thế nào và lịch sử cha ông chúng ta đã đánh thắng quân xâm lược phương Bắc qua các thời đại như thế nào .
    Chậm trễ trong việc này, tôi e là có tội với lịch sử, với dân tộc .

    Trả lờiXóa