NGƯỜI XƯA KHÁM NGHIỆM TỬ THI NHƯ THẾ NÀO?
Trình bày: Nguyễn Xuân Diện
Lược thuật kết quả nghiên cứu của Nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh
300 năm trước, cha ông ta đã viết sách hướng dẫn cách khám nghiệm tử thi phổ biến đến các quan lại địa phương để họ tự xử lý hiện trường lúc xảy ra án mạng.
"Nhân mạng tra nghiệm pháp" lưu tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm kí hiệu A2034. Sách dày 56 trang khổ 27 x 16, niên đại ghi trên sách là Vĩnh Hựu 3 (1737).
Về nội dung, ở trang đầu, dòng chữ Hán ghi "Hình bộ Lâm quận công Phạm Trạc phụng biên tập" cho biết, sách do Lâm quận công Phạm Trạc ở bộ Hình biên tập theo yêu cầu của triều đình. Có lẽ chính vì vậy so với sách Công án tra nghiệm bí pháp sách này có tính chất qui phạm hơn.
Sách gồm 49 mục, trình bày khá chi tiết tỷ mỉ về cách xem xét các loại tử thi, các loại vết thương. Cho biết cách phân biệt các vết thương bị đánh do loại hung khí nào, cách làm bộc lộ các vết thương chùm dưới da, cách khám nghiệm xương khi người chết đã bị thiêu cháy, phân biệt xương của nạn nhân là nam hay nữ, cách khám nghiệm tử thi đã rữa nát. Ngoài ra còn có một số bản vẽ cơ thể người ở các vị trí nằm sấp, nằm ngửa cùng các chú thích về tên gọi của các vị trí trên cơ thể. Xin dẫn ra một số dẫn chứng cụ thể. Chẳng hạn khám nghiệm tử thi chết do bị sát thương, sách viết: "người bị sát thương, mắt miệng đều mở, tóc rối, hai tay giơ lên, trên tay tất có thương tổn, chỗ bị thương da thịt rách nát, xung quanh bậm máu". Bàn về khám nghiệm xương thì "Trên xương có chỗ bị đánh thì lộ rõ ngấn đỏ. Nếu bị đánh gẫy thì hai đầu xương vầng máu, lại có các mảnh xương, giơ lên ánh mặt trời để soi thấy sắc hồng còn hoạt thì rõ ràng lúc còn sống bị đánh". Hoặc nói về cách làm bộc lộ vết thương, sách cho biết: Vết thương trên thi thể không rõ, chỉ có chỗ khả nghi thì trước hết đem nước rửa sạch, sau đó dùng hành đâm nhuyễn đắp lên chỗ nghi ngờ, chờ một lúc rồi bỏ hành đi lấy nước rửa sạch, nếu thấy có vết tím đem lấy nước rỏ lên, thực sự là vết thương thì chỗ đó cứng, nước đọng lại không chảy, còn nếu không phải là vết thương thì chỗ đó mềm, nước tuột đi…"