MỘT PHIÊN BẢN KIỀU QUÝ CỦA HOÀNG GIA TRIỀU NGUYỄN
ĐÃ LẠI XUẤT HIỆN Ở VIỆT NAM
Nguyễn Xuân Diện
Một nhóm những người yêu Truyện Kiều của Nguyễn Du vừa in xong ấn phẩm “Kim Vân Kiều Tân Truyện” với chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất. Cho đến nay, đây là bản Kiều in đẹp nhất mà tôi được biết.
Bản gốc của cuốn Kiều này hiện được lưu giữ tại Thư viện Hoàng gia Anh và lần đầu tiên được đông đảo học giới biết đến vào năm 1995, qua bài giới thiệu của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn (Viện trưởng Viện Văn học) trên hai trang báo Nhân Dân Chủ nhật.
Điều đặc biệt là, đây là bản Kiều chép tay trên giấy dó khổ lớn 22x35cm, trong có hình vẽ minh hoạ theo lối “trên truyện dưới tranh”, “nhất thi nhất hoạ”. Và vì vậy nên bản Kiều này còn được gọi là “Kim Vân Kiều hội bản”. Chữ “hội” trong nghĩa là hội hoạ. Trong bản Kiều này có một bức tranh được cho là chân dung tác giả Nguyễn Du. Tranh vẽ đen trắng, chữ cũng màu đen, có xen những dòng chữ bằng mực son đỏ gạch. Bìa sách được bọc bằng lụa vàng có thêu rồng.
Cuốn Kiều này lưu truyền trong Hoàng gia triều Nguyễn vào cuối thế kỷ XIX, rồi sau đó lưu lạc sang Pháp và cuối cùng thì Thư viện Hoàng gia Anh quốc mua được và lưu trữ cho đến hôm nay.
Những nhà KIỀU học rất háo hức với bản Kiều này và nó đã từng được phiên âm giới thiệu bởi Nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo ở Bắc Ninh vài năm trước.
Một người trẻ tuổi say mê cổ văn Hán Nôm, hiếu cổ là Anh Dương Trung Dũng đã xin phép được Thư viện Hoàng gia Anh để xuất bản dạng ảnh ấn toàn bộ cuốn sách này với đúng kích thước, màu sắc của bản gốc, đồng thời cũng phiên âm lại phần chữ Nôm và dịch phần chú giải bằng chữ Hán (Phần phiên âm và dịch chú do Hoàng Ngọc Cương và Nguyễn Đức Bá thực hiện).
1000 bản sách đã được lưu hành để đến tay những người yêu thích cổ văn, yêu sách đẹp, trân trọng kiệt tác Kim Vân Kiều (Truyện Kiều).
Ngoài 1000 bản in đã quá sang trọng và đẹp, còn có một bản bọc bằng gấm vàng và thêu chữ thêu rồng đạt đến độ tinh tế, không bán.
Sách in xong Anh Dương Trung Dũng đã mang đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm tặng tôi một bản.
Xin cảm ơn Anh và trân trọng giới thiệu cùng anh chị em khắp cả nước.
Nếu nhà anh chị chưa có bản Kiều nào thì đây là bản Kiều xứng đáng có mặt trong nhà.
Nếu nhà anh chị em đã có nhiều bản Kiều rồi, thì đây là nàng Kiều còn nguyên vẻ đẹp “làn thu thuỷ nét xuân sơn” thời Nguyễn Du ngày đêm miệt mài hoạ ra, rất xứng đáng hội ngộ cùng chị em Kim Vân Kiều đã có trên giá sách của gia đình anh chị.
Anh chị em liên hệ với FB Dung Duong Trung
để mua sách.
****
NHẠC CỤ TRONG TRANH TRUYỆN KIỀU
(Kim Vân Kiều tân truyện hội bản)
Như đã giới thiệu, cuốn Truyện Kiều vẽ tranh “nhất thi nhất hoạ” gồm 152 trang tính cả bìa, trong đó có 6 trang bìa và 146 trang nội dung (73 tờ). Cả cuốn sách gồm 146 bức tranh đen trắng được vẽ bằng bút lông mực nho rất tỉ mỉ.
Hiện chưa rõ tranh do ai vẽ. Song khả năng rất cao là do người Việt vẽ chứ không phải người Tàu.
Tôi muốn biết xem tranh Kiều vẽ cảnh ta hay Tàu và trước hết quan tâm đến các nhạc cụ được vẽ trong tranh. Và tôi thống kê được 35/146 bức tranh có vẽ nhạc cụ.
Nhạc cụ thấy nhiều nhất là đàn Nguyệt. Đàn nguyệt treo trong thư phòng và trong tay các nhân vật đang chơi. Rồi đến đàn Tranh / Thập lục, Tỳ bà, Sáo, Nhị.
Có một số bức tranh vẽ cả dàn nhạc: dàn quân nhạc của Từ Hải, dàn nhạc đám ma,v.v. Rất thú vị.
Nhưng thú vị nhất là ở tờ 4b của nguyên bản, tức là trang 34 trong sách vừa in (XEM ẢNH DƯỚI) có vẽ một cái Đàn Đáy và một cái Trống Chầu (Tom Chát đấy). Đàn Đáy là nhạc cụ chỉ có ở Việt Nam (theo GS Trần Văn Khê), và chỉ dùng trong hát Ả đào / Ca trù. Thế thì đích thị Việt Nam mình rồi!
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét