Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

THĂM LÀNG CỔ CỰ ĐÀ TRONG XÓT XA LO BUỒN

THĂM LÀNG CỔ CỰ ĐÀ TRONG XÓT XA LO BUỒN 

Nguyễn Xuân Diện

Cự Đà là một làng cổ, theo sự phân loại của Pierre Gourou thì đây là “làng ven sông”. Làng Cự Đà nổi tiếng làm tương ngon đã thành thương hiệu từ lâu. Cự Đà nay còn có thêm nghề làm bánh đa và bột đao cũng rất được tiếng. 

Cự Đà cách Hà Nội khoảng ngót 20 km, nhưng chỉ có 1 con đường độc đạo dẫn đến làng - đường dọc sông Nhuệ. Cự Đà nằm bên sông, dân cư bám lấy sông và bố trí theo hình xương cá. Con đường ấy, ngày xưa có thể đủ cho hai cỗ kiệu hoặc cỗ xe song mã, 2 chiếc xe hơi cổ tránh nhau. Nhưng nay, con đường đã thành quá nhỏ.

Cự Đà là một làng độc đáo lắm! Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, làng đã có nhiều người tài giỏi đi buôn bán và làm cho Tây ở khắp trong nước và số người làm ăn, định cư ở Châu Âu rất đông. Những người dân làng Cự Đà xa quê, nhớ quê nên mỗi khi hồi hương hoặc thăm quê đều muốn đóng góp cho làng. Những người làng làm ăn ở Pháp và các nước Châu Âu họp bàn với nhau quyết xây dựng làng mình, quê mình thành một làng "thu nhỏ cả Châu Âu lại". Họ về làng và đặt máy phát điện, khiến Cự Đà là làng đầu tiên ở nước Việt Nam có điện thắp sáng, ngay từ những năm thập kỷ đầu tk 20. Họ xây hàng trăm ngôi nhà theo lối biệt thự châu Âu, Pháp ngay trong làng. Và ngay từ những năm đầu của thập kỷ 20 của thế kỷ 20, làng Cự Đà đã được đánh số nhà và đây là làng đầu tiên được đánh số nhà.

Năm 1929, một cột cờ được dựng lên, làm cái tiêu cho thuyền bè buôn bán trên sông Nhuệ biết điểm để buông neo. Khi ấy, bến sông Nhuệ ở Cự Đà là nơi buôn bán nhộn nhịp sầm uất. Thuyền bè tấp nập ngày và đêm, đến nỗi, sợ đêm tối thuyền bè có thể đi qua Cự Đà lỡ quên không ghé bến, dân làng Cự Đà đã dựng ở hai đầu làng, áp sát sông hai cột đá, trên có con cóc đá, lưng cóc đội một cây đèn để làm giang đăng cho các thuyền bè nhận lối, biết cữ mà cập bến. Nay, hai con cóc đó vẫn còn...

Mới cách đây ngót 20 năm (1994), thi sĩ Hoài Yên viết Chiều Sông Nhuệ: "Sông Nhuệ chiều như thơ mộng hơn/Trời in đáy nước lộng hoàng hôn". Đẹp quá! Vậy mà nay, dù sông vẫn còn chảy lờ đờ nhưng nước thì thối quá, dòng nước đen ngòm, trông xa như một con quái vật đang trườn giữa khu dân cư. Lỡ mà cô Anh Thơ, cô Minh Phương nghe theo bác Nguyễn Trọng Tạo mà "úp mặt vào sông quê" thì có mà toi đời!

Cự Đà ngày càng tàn tạ. Dân làng Cự Đà đã tự bức tử làng mình, bán nhà cổ, cơi nới, tàn phá biệt thự. Dân Cự Đà hôm nay nghèo khổ và lạc hậu, tối tăm hơn cha ông họ cách đây 100 năm trước. 

Nữ ký giả Hồng Minh viết hai bài báo về Cự Đà mà lòng buồn rười rượi. Cô biết là không làm gì được và cũng không ai cứu được Cự Đà và bài viết của cô như là cái điếu văn cho một ngôi làng cổ. 

NXD
12/5/2011.
___________

Chùm ảnh dưới đây chụp ngày 12/5/2011, cách nay 10 năm, trong chuyến thăm Cự Đà gồm các anh: Thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo, Đại sứ Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Nhà báo Mai Thanh Hải và Nguyễn Xuân Diện. Ảnh do Mai Thanh Hải chụp.
























2 nhận xét :

  1. Chả lẽ ở VN chỉ có phá?

    Trả lờiXóa
  2. Một sự khác nhau rất lớn :
    - Con sông Nhuệ thời Tây : "Trời in đáy nước lộng hoàng hôn" .
    - Đến thời ta ngày nay : " Trời ơi sông Nhuệ sao thối thế - Cứ thấy mỗi ngày mỗi thối hơn". BUỒN !

    Trả lờiXóa