Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

NỮ THẦN CÔNG LÝ TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TP.HCM BỊ XẾP XÓ


Trần Đình Thu

CÂU CHUYỆN TƯỢNG NỮ THẦN CÔNG LÝ TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TP.HCM BỊ XẾP VÀO KHO 
VÀ CHUYỆN ÔNG ĐỖ MƯỜI GỌI ĐIỆN CHO BÁO THANH NIÊN 

Đây là tượng Nữ Thần Công Lý tại kho chứa đồ của Tòa án nhân dân TP.HCM. Nhìn qua thì thấy nó có vẻ như đang trưng bày nhưng thật ra khu vực đó được ngăn lại làm kho chứa đồ. Người đứng bên là luật sư Trần Đình Dũng cho biết anh quen với một cán bộ tòa án nên xin người này mở cửa kho vào chụp một tấm hình kỷ niệm. Anh nói chung quanh bức tượng các thứ bàn ghế hư gãy nằm ngổn ngang.

Là một tòa án của một thành phố lớn nhất nước, lẽ ra bức tượng này phải được đặt nằm trên bệ ở giữa sân tòa án thì mới đúng.

Thảm thương thay bức tượng Nữ Thần Công Lý nằm trong kho chứa đồ.

Viết tới đây tôi nhớ câu chuyện xảy ra ở báo Thanh Niên liên quan tới bức tượng.

Hồi 1996 khi ấy tôi công tác ở báo Thanh Niên thuộc Ban kinh tế chính trị xã hội. Nhà báo Nguyễn Công Khế là tổng biên tập còn nhà đấu tranh Huỳnh Ngọc Chênh hiện nay là trưởng ban.

Trong ban tôi có một phóng viên hay viết về tòa án là anh Lý Trung Dũng nay đã mất. Anh là con trai cụ Lý Chánh Trung một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng thời VNCH.

Hồi ấy tờ Thanh Niên chủ nhật có mục Câu chuyện pháp đình, ra sau mục Ký sự pháp đình của báo Tuổi Trẻ một thời gian. Một hôm mục này đăng một bài viết tường thuật một phiên tòa của anh Lý Trung Dũng.

Dĩ nhiên là phiên tòa xử không khách quan và dĩ nhiên là anh Lý Trung Dũng bức xúc.

Anh Lý Trung Dũng có một nét đặc biệt là anh viết báo như viết văn, khi viết báo anh thường hay viết bình rộng ra ngoài rất nhiều.

Với bài viết này thì cũng thế. Phần mở đầu như mọi khi anh chưa đi vào nội dung ngay mà anh nói lòng vòng văn chương trước.

Có lẽ anh thường hay ngắm Nữ Thần Công Lý ở Tòa án nhân dân TP.HCM nhiều lần và lần này đứng trước một vụ án mà anh cho là bất công nên anh thấy có gì đó thật trớ trêu. Vì vậy anh mở đầu bài báo bằng cách tả Nữ Thần Công Lý.

Lưu ý là ở Tòa án nhân dân TP.HCM còn có bức phù điêu Nữ Thần Công Lý đúc bằng ciment trên tường và nay vẫn còn không bị gỡ ra chắc có lẽ không ai dám quyết cho gỡ, còn bức tượng bằng đồng phía dưới mới dẹp vào kho.

Lâu quá tôi không nhớ anh Lý Trung Dũng tả Nữ Thần Công Lý nào.

Bằng một giọng văn mỉa mai chua cay anh viết một đoạn dài rằng anh cảm nhận Nữ Thần Công Lý đang rất buồn thảm thế này thế khác vì công lý bây giờ không còn nữa bla bla.... đọc lên thấy rất chua xót.

Xong phần tả Nữ Thần Công Lý mới đến phần nội dung phiên tòa diễn ra tại Tòa án nhân dân TP.HCM.

Và dĩ nhiên là một phiên tòa anh cho là bất công.

Thật ra với bài này thì tất cả các báo đều cắt phần tả Nữ Thần Công Lý nhưng Thanh Niên thì không.

Bài báo được anh Huỳnh Ngọc Chênh duyệt cho đi và ban thư ký Thanh Niên chủ nhật gồm các anh Trịnh Đình Sĩ và Phạm Chu Sa duyệt, tổng thư ký tòa soạn Nguyễn Khắc Nhượng cũng duyêt.

Nhưng ông tổng bí thư Đỗ Mười thì không "duyệt" bài báo đó. Bởi vì bài báo này có phần mở đầu móc méo chế độ.

Báo số chủ nhật nhưng ra ngày thứ bảy. Lâu quá tôi không nhớ văn phòng tổng bí thư gọi vào cho tổng biên tập Nguyễn Công Khế vào thứ bảy hay thứ hai. Chỉ nghe kể lại là anh Khế đang họp thì cô thư ký nói là văn phòng tổng bí thư muốn nói chuyện với anh.

Sau khi anh cầm máy thì ngoài Hà Nội thông báo là tổng bí thư Đỗ Mười muốn nói chuyện.

Đầu Hà Nội là giọng giận dữ của ông Đỗ Mười:

- Tự do ngôn luận thì tự do ngôn luận nhưng tự do ngôn luận không có nghĩa là muốn viết gì thì viết.

Ông Mười chỉ nói ngắn gọn như vậy rồi giận dữ gác máy.

Dĩ nhiên là thư ký ông Mười đã giải thích với tòa soạn Thanh Niên vụ Nữ Thần Công Lý.

Vụ việc được anh Chênh thông báo lại với ban để rút kinh nghiệm nhưng không phải nghiêm trọng lắm. Tôi hỏi nhỏ anh Chênh là tổng biên tập có gì không anh Chênh bảo là ảnh nhắc chừng vậy thôi chứ có mẹ gì đâu.

Quả thật thì hồi ấy với chúng tôi nhiều chuyện căng hơn nhiều nhưng với anh Khế là "chẳng có mẹ gì" và nhờ thế chúng tôi đã có những năm tháng rất kiên cường.

Trở lại tượng Nữ Thần Công Lý ở Tòa án nhân dân TP.HCM không rõ bức tượng này được nhập kho lúc nào.

Với một tòa án của một thành phố lớn như thế mà đem Nữ Thần Công Lý nhốt kho như thế thì thảm quá.

Và nay Tòa án tối cao muốn thay bằng một biểu tượng quân chủ phong kiến là vua Lý Thái Tông thì Nữ Thần Công Lý sẽ mãi mãi chôn vùi trong kho rồi.

5 nhận xét :

  1. Than ôi! Thảm thương số phận Nữ Thần Công Lý!lúc 20:46 26 tháng 4, 2020

    Nữ Thần Công Lý ở Tòa án nhân dân TP.HCM bị nhốt trong nhà kho! Hèn chi luật pháp ở TP.HCM được thực hiện bát nháo theo kiểu đổi trắng thay đen tùy theo tiền - quyền và quan hệ. Điển hình là vụ Thủ Thiêm và Vườn Rau Lộc Hưng với hàng ngàn người dân là nạn nhân.
    Thể chế chính trị theo đường hướng Xã hội Chủ Nghĩa mang ấm no thừa mứa cho một thiểu số nằm trong hệ thống lãnh đạo, còn người dân chỉ là thứ công cụ lao động nhọc nhằn bán sức để nuôi thân.

    Trả lờiXóa
  2. Phải chăng nhoốt kho do ... tượng không đẹp, không chuẩn (cân và kiếm đâu?!)

    Trả lờiXóa
  3. Đến nữ thần Công lý còn bị giam kho thì người dân đang bị xét xử như hiện nay cũng là điều không khó hiểu.

    Trả lờiXóa
  4. Tòa án đông lào khi tuyên thì ko nhân danh công lý mà nhân danh "....chủ nghĩa xã hội"! nên cho công lý nhập kho là đúng còn gì?

    Trả lờiXóa
  5. Lần làm lần khó ngành toà án nên chọn tượng Bao Công để sau này không đổi nữa...

    Trả lờiXóa