Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

MUỐN MÌNH KHÔNG GIỐNG AI, HAY... CÁI GÌ ĐÂY?


Nguyễn Đông Thức

MUỐN MÌNH KHÔNG GIỐNG AI, HAY... CÁI GÌ ĐÂY?
 
Có 2 biểu tượng về 2 ngành nghề đã được cả thế giới đón nhận, từ rất lâu, đi bất cứ nơi đâu cứ nhìn là mặc nhiên biết.

Đầu tiên là biểu tượng của ngành Y - dược. Đó là hình ảnh một con rắn quấn quanh một cây gậy (hoặc một cái ly, hay gặp trong ngành dược).

(Muốn biết vì đâu có biểu tượng này, xin cứ tra Google).

Biểu tượng thứ 2 là của ngành toà án: Nữ thần Công lý. Bà thường được biết đến với cái tên Lady Justice, với một tay cầm cái cân – tượng trưng cho sự suy xét cẩn trọng và công bằng, một tay cầm thanh kiếm – tượng trưng cho sức mạnh cưỡng chế, và một dải băng bịt kín đôi mắt – tượng trưng cho sự vô tư, không bị tác động bởi ngoại cảnh.

Biểu tượng này có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp và La Mã.

Nữ thần Justitia, tiếng Latin là Iustitia, là hiện thân của công lý trong thần thoại La Mã. Bà là một trinh nữ sống giữa loài người cho đến khi loài người trở nên hủ bại và tha hóa, buộc bà phải bay lên trời và hóa thân thành chòm sao Xử nữ (Virgo).

Có nhiều điểm tương đồng giữa Justitia và hai nhân vật thần thoại có từ trước đó của Hy Lạp. Đó là nữ thần Themis và người kế tục bà là thần Dike.

Theo thần thoại Hy Lạp, Themis là một trong những bà vợ của thần Zeus, hiện thân của pháp luật và trật tự tự nhiên. Bản thân từ “themis” cũng có nghĩa là luật tự nhiên, hay luật của Chúa trời (divine law). Bà cũng được miêu tả là cố vấn pháp lý đầu tiên của thần Zeus và thường ngồi cạnh ngai vàng của Zeus.

Themis có sáu người con với thần Zeus, và một trong số đó đã kế tục bà trở thành hiện thân của công lý, đó là Dike.

Có ý kiến cho rằng, Justitia trong thần thoại La Mã được kế thừa từ hình tượng Themis và Dike trong thần thoại Hy Lạp. Điều này có thể được giải thích bởi sự ảnh hưởng to lớn của văn hóa Hy Lạp từ trước khi đế chế La Mã ra đời, và khi người La Mã thôn tính Hy Lạp từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, họ đã mượn hình tượng Themis và Dike để xây dựng nên nữ thần Justitia.

Cũng có kiến giải cho rằng hầu hết các hình tượng Nữ thần Công lý ngày nay (Lady Justice) được kết hợp từ thần Themis (Hy Lạp) và thần Justitia (La Mã).

Nữ thần Công lý, dù với nguồn gốc nào và với ý nghĩa gì, thường được các họa sĩ và nhà điêu khắc sau này khắc họa cùng với chiếc cân, thanh gươm hay chiếc gậy hoặc cuốn sách luật. Các nhà khoa học không tìm thấy hiện vật, tài liệu nào trước thế kỷ 16 mô tả Nữ thần Công lý bịt mắt.

Chỉ đến thế kỷ 16, các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ mới bắt đầu bổ sung chiếc băng bịt mắt vào hình tượng Nữ thần Công lý. Bức tượng đầu tiên thể hiện điều này được tìm thấy ở thành phố Berne (Thụy Sĩ), do nhà điêu khắc Hans Gieng hoàn thiện từ năm 1543, có tên là Gerechtigkeitsbrunnen (Fountain of Justice).

Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều bức tượng và tranh vẽ Nữ thần Công lý không bị bịt mắt trên thế giới, với lời giải thích rằng, nguyên gốc của các vị thần này không bị bịt mắt, rằng Nữ thần Công lý, với quyền năng của mình, không cần phải bịt mắt vẫn có thể tránh được sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh và đảm bảo được việc xét xử công bằng, không thiên vị.

(Cá nhân tôi thì thích nữ thần mắt sáng hơn, vì không thấy đường thì làm sao mà xử? Tuy nhiên bịt mắt cũng có cái hay là không nhìn thấy của hối lộ để trước mặt)

*
Đó là 2 biểu tượng đã được cả thế giới loài người công nhận. Chỉ cần nhìn thấy chúng ở đâu, trên bất cứ quốc gia nào, là biết chỗ đó liên quan đến công việc gì.

Thế nhưng mới đây ngành toà án Việt Nam đã ra một quyết định không giống ai: Đó là sẽ cho đúc tượng đồng đỏ nguyên khối vua Lý Thái Tông (1000-1054) và đặt trước các toà án trên cả nước, làm biểu tượng cho công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.





Theo giải thích về lý do việc đúc tượng ông vua này làm biểu tượng thì, “Lý Thái Tông từ sớm đã là người nhân triết thông tuệ, có đại lược về văn võ, biết trước mọi việc, đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy. Khi trở thành Hoàng đế, ông thân oan, đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất trong thời đại quân chủ Việt Nam.

Vua Lý Thái Tông đã Ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng; góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.

Ông cũng trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị Hoàng đế rất mực thương yêu dân. Ông cho đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức, thì đến đánh chuông bày tỏ nỗi oan lên Hoàng đế để được thấu xét.

Ông chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện cho Khai Hoàng Vương và đào tạo trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi trở thành Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông, để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho mọi thời đại...”.

Theo TAND Tối cao, việc xây dựng công trình này vừa thể hiện tình cảm, lòng thành kính; vừa là nguyện vọng, mong ước của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TAND với các bậc tiền nhân. Thông qua bức tượng về vua Lý Thái Tông nhằm khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và truyền thống vẻ vang của TAND...

Bức tượng đầu tiên sẽ được đặt ở chính giữa sảnh tầng 1 trụ sở Tòa nhà TAND Tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chiều cao dự kiến của tượng là 5,3m (bao gồm cả chân đế).

*
CHXHCN VN luôn muốn chứng tỏ mình... không giống ai trên phạm vi toàn thế giới? (Có ai biết về biểu tượng công lý bên Tàu+ không?). Cũng có thể, tôi tin, là rất rất nhiều ông cán bộ không hề biết Nữ thần Công lý là con khỉ gì!

Một trong những lập luận mà họ luôn dùng khi làm bất cứ việc gì không giống ai, là “thể theo nguyện vọng, mong ước của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, tuyệt đại đa số nhân dân lao động...”, dù không ai biết căn cứ đó ở đâu ra!

Đây là cái tư duy kiêu ngạo cộng sản, hay... cái gì đây? Bởi ai cũng biết cái thói ngửi đâu cũng ra mùi tiền ở đất nước này! Giá thành một bức tượng đồng đỏ nguyên khối thế này là bao nhiêu? Tỷ lệ “ăn” có cỡ máy xét nghiệm virus Vũ Hán không ta?

(Viết nhân coi stt mới của Trần Đình Thu về tượng Nữ thần Công lý ở Toà án Saigon bị quăng vô kho)

3 nhận xét :

  1. Mẫu nào cũng nhìn thấy công lý tàu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cả thế giới đều chỉ có Thần Công lý, dở tỉnh dở mê muốn làm khác loài người hay sao?

      Xóa
  2. Ông Nguyễn Đông Thức nói có tình có lý, đúng với truyền thống văn minh của nhân loại đã có nguồn gốc lịch sử lâu đời như một quy ước chung. Ta yêu Tổ quốc Việt Nam, tôn trọng và tôn thờ các vị vua đã có công dựng nước và giữ nước, nhưng không vì thế mà làm cái việc không
    giống ai. Công lý, nói theo hình ảnh nào đó là ước mơ muôn đời như một lý tưởng mà con người chưa bao giờ thỏa mãn. Con người của nhân loại chứ không phải của một nhóm nào hay của một quốc gia nào, một tổ chức nào.
    Tượng Nữ Thần Công Lý là hình ảnh ước vọng sự bình đẳng của nhân loại, có tính thiêng liêng. Một vị vua trong lịch sử của chúng ta dù được tôn kính đến đâu thì cũng là ông vua nắm quyên sinh sát.
    Dựng tượng một ông vua ở tòa án, phải chăng tòa án Việt Nam muốn làm vua ?

    Trả lờiXóa