Bà Trần Thị Nga ôm con nhỏ đi biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, Hà Nội ngày 08/06/2012. HOANG DINH NAM / AFP
Trần Thị Nga, người tranh đấu cho những thân phận bị dồn vào đường cùng
Trọng Thành thực hiện phỏng vấn
RFI
08/02/2020
Những ai theo dõi các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo tại Hà Nội những năm gần đây không thể quên hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn bế con nhỏ thường xuyên có mặt. Năm 2017, chị bị một tòa án Việt Nam kết án 9 năm tù vì tội ''tuyên truyền chống Nhà nước''. Gương mặt tiêu biểu của cuộc tranh đấu cho những con người bị đẩy đến bước đường cùng, quê Hà Nam, được giới bảo vệ nhân quyền quốc tế đặc biệt quan tâm.
Ngày 10/01/2020, sau 1.084 ngày bị giam giữ, với sự can thiệp của chính quyền Mỹ, chị Trần Thị Nga đã từ nhà tù ra thẳng máy bay sang Hoa Kỳ. Đầu tháng 2/2020, hiệp hội chống tra tấn và án tử hình của Pháp (Fondation ACAT - France) trao tặng chị Trần Thị Nga giải thưởng nhân quyền Engel-du Terte, để vinh danh một người đã hết mình cho cuộc chiến bất bạo động, vì những quyền tự do căn bản, bất chấp những truy bức, hành hạ, ngược đãi đủ loại từ phía chính quyền.
Ý thức thiết thân về những quyền con người căn bản là động lực thôi thúc Trần Thị Nga từ khi chị dấn thân vào con đường tranh đấu. Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt từ Atlanta (Mỹ), nơi chị đang cư trú cùng với gia đình, chị Trần Thị Nga chia sẻ với công chúng về những căn duyên nào đã đưa chị đến với con đường tranh đấu, những thách thức lớn nhất trong thời gian lao tù, cũng như những cảm nhận và suy nghĩ đầu tiên khi được trả tự do.
Ý thức thiết thân về những quyền con người căn bản là động lực thôi thúc Trần Thị Nga từ khi chị dấn thân vào con đường tranh đấu. Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt từ Atlanta (Mỹ), nơi chị đang cư trú cùng với gia đình, chị Trần Thị Nga chia sẻ với công chúng về những căn duyên nào đã đưa chị đến với con đường tranh đấu, những thách thức lớn nhất trong thời gian lao tù, cũng như những cảm nhận và suy nghĩ đầu tiên khi được trả tự do.
Tổ chức bảo vệ
nhân quyền Foundation ACAT-France hoan hỉ vì chị Trần Thị Nga được trả
tự do trước thời hạn, nhưng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ''đừng
xem hành động trả tự do này như là một sự nới lỏng các đàn áp nhắm vào
xã hội dân sự Việt Nam. Hơn bao giờ hết, cần phải tiếp tục nỗ lực vì
những nhà bất đồng chính kiến đang bị đàn áp, lên án chiến lược của nhà
cầm quyền, cách ly các nhà bất đồng chính kiến ra khỏi xã hội Việt Nam,
để cản trở họ tiếp tục công việc của họ trên đất nước mình''.
***
RFI: Động cơ gì đã khiến chị đi vào con đường tranh đấu cho nhân quyền?
Trần Thị Nga:
Tôi bị đẩy vào con đường đấu tranh, chứ không phải đi theo lý tưởng
ngay từ đầu. Khi tôi đi ''xuất khẩu lao động'' sang Đài Loan gặp nạn,
thì chính phủ Việt Nam đã bỏ rơi tôi. Chính vì thế mà tôi đã phải tự
học, tự tìm hiểu luật để bảo vệ chính cái quyền lợi của mình. Tìm hiểu
quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cũng như các quyền con
người căn bản. Sau đó thì tôi đã dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình
để giúp đỡ những nạn nhân khác.
Chị bị bỏ rơi như thế nào tại Đài Loan ?
Tôi
đi Đài Loan theo chính sách mà chính phủ Việt Nam gọi là ''xuất khẩu
lao động'', nhưng thực chất đó là buôn bán nô lệ. Bởi vì năm đó là 2003,
tôi phải bỏ tiền mặt ra là hơn 20 triệu đồng Việt Nam. Khi sang Đài
Loan, tôi làm việc 6 tháng trong nhà chủ, từ 4 giờ sáng cho đến 9 giờ
tối. Trong vòng 6 tháng đó, chỉ được lĩnh 13 nghìn đô la Đài tệ, chưa đủ
bằng một tháng tiền lương. Công ty môi giới Việt Nam lại là nơi đưa tôi
ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Trong khoảng thời gian đấy, tôi
bị tai nạn giao thông. Tôi đã bị hôn mê rất nhiều ngày. Tiền viện phí
rất là cao. Chính vì vậy mà chính phủ Đài Loan đã phải mở cuộc họp báo
để yêu cầu chính phủ Việt Nam đứng ra cùng giải quyết, nhưng chính phủ
Việt Nam đã làm ngơ.
Sau đó làm thế nào mà chị thoát ra được ?
Sau
đó chính phủ Đài Loan và văn phòng trợ giúp cô dâu và công nhân Việt
Nam của linh mục Nguyễn Văn Hùng đã giúp đỡ tôi. Tôi đã về văn phòng của
Cha. Trong quá trình ở đấy, tôi tự học tiếng Trung, tự tìm hiểu về luật
pháp, tự tìm hiểu về quyền con người căn bản. Sau đó tôi đã làm thiện
nguyện cho văn phòng của Cha Hùng để giúp những người hoạn nạn khác
trong vòng hơn hai năm.
Xin chị cho biết thêm về điều gì đã đánh thức chị trong nhận thức về quyền căn bản của con người.
Đơn
giản thôi. Lúc đó tôi chơi với rất nhiều người dân Đài Loan. Cái mà họ
chỉ cho tôi biết là họ có quyền tự do ngôn luận, họ có quyền tự do biểu
tình, và chính phủ Đài Loan có tam quyền phân lập. Đó là một đất nước tự
do. Cho nên người dân họ được hưởng rất nhiều quyền lợi căn bản. Và họ
cũng phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cũng rất là cao. Điều học
được của tôi chính là từ những người bạn Đài Loan ấy.
Điều mà chị gọi là ''tam quyền phân lập'' là gì ?
Tam
quyền phân lập có nghĩa là các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp
phải độc lập. Còn ở Việt Nam, tất cả những cơ quan đấy đều do đảng Cộng
Sản chỉ đạo. Cái đó nó hoàn toàn phi lý.
Vì sao việc này lại là ''phi lý'' ?
Như
trong cái bản án của tôi, họ ghi là tôi đòi ''tam quyền phân lập'' là
vi phạm pháp luật. Trước tòa, tôi nói tôi chống là tôi chống những cái
sai, cái ác của những người công an, cán bộ đảng viên đảng Cộng Sản, chứ
tôi không chống người dân, không chống đất nước của tôi. Và đòi tam
quyền phân lập là quyền của tất cả người dân. Nhà cầm quyền cộng sản chỉ
là một bộ phận trong cơ cấu vận hành của đất nước Việt Nam.
Toàn
bộ quan tòa họ lặng câm. Tôi bảo là việc tôi chống lại cái sai, cái ác
của đảng viên đảng Cộng Sản, không phải là tôi chống Nhà nước. Như các
nước có tam quyền phân lập, thì theo Hiến pháp, các cơ quan tư pháp,
hành pháp, lập pháp độc lập, ở Việt Nam thì sao ? Tất cả các cơ quan ấy
đều chấp hành mệnh lệnh của đảng Cộng Sản. Đó là phi pháp rồi.
Đấy là nhận thức của chị đúc kết khi phát biểu trước phiên tòa, hay ngay từ đầu, tại Đài Loan, chị đã nhận thức như vậy ?
Cái
chính là trong khoảng thời gian tôi bị giam cầm trong trại tạm giam ở
Hà Nam, tôi đã bị họ chà đạp, tôi đã bị họ dùng đủ mọi trò hèn, thì điều
đó nó thúc đẩy tôi mạnh hơn. Những điều đó tôi vốn đã được học, được
tiếp cận trong quá trình tôi chưa bị bắt. Chính vì có kiến thức như thế,
tôi mới có khả năng trợ giúp những người khác. Nhưng khi bị vào trong
chốn ngục tù, thì đó là khoảng thời gian cho tôi trải nghiệm thực tế về
mức độ những tội ác, cũng như những vi phạm pháp luật, do đảng Cộng Sản
lãnh đạo đã gây nên cho người dân Việt Nam.
Trở lại với hành trình tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, chị có kỷ niệm nào đặc biệt đáng nhớ ?
Trong
quá trình ở Việt Nam, làm những công việc giúp đỡ người gặp nạn, cũng
như đấu tranh để bảo vệ môi trường sống, và biển đảo của quê hương, thì
điều mà tôi cảm thấy có ấn tượng, là một kiến thức và kinh nghiệm thực
sự rất quý báu, đó là khi tôi đã đồng hành, lên tiếng giúp đỡ ba nạn
nhân bị án tử hình oan (Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh). Lúc
đó đã có một phản ứng rất mạnh mẽ, kể cả quốc tế, truyền thông, tất cả
mọi người đã hỗ trợ cùng lên tiếng để vạch trần những cái sai trong bản
án phi pháp ấy.
Trong hoàn cảnh nhà tù, trại giam như thế, sức mạnh nào đã khiến chị vượt qua?
Thực
ra để có được cái ý chí, cái lý trí để vượt qua được cái khó khăn trong
chốn ngục tù không phải là đơn giản. Tôi tiếp cận với với những người
phụ nữ có con, có con nhỏ, mà họ phải đi tù, thì những người phụ nữ nào
mà yêu thương, nhớ thương con mình, thì dễ bị nhà cầm quyền cộng sản nắm
được điểm yếu đấy, để bắt họ phải làm những việc độc ác đối với những
người phụ nữ khác. Đó là làm tay sai cho những người công an, để đi rình
rập, rồi vu khống những người tù khác. Không riêng gì những người tù
chính trị như tôi. Bản thân tôi, điều đầu tiên mà một người mẹ như tôi
phải làm là xóa bỏ tất cả hình ảnh con cái của mình ra khỏi đầu. Buộc
mình phải loại suy nghĩ nhớ con ra khỏi đầu, thì mình mới có thể tồn tại
được, và giữ vững được tinh thần của mình.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ
đơn giản là, lúc đó tôi cúi đầu nhận tội chỉ vì tôi thương con, nhớ con,
cúi đầu nhận tội theo ý của nhà cầm quyền Việt Nam, thì sau này làm sao
sau này tôi có thể dậy con tôi trở thành người lương thiện, một người
tử tế được.
Có một sự kinh khủng nhất mà những người tù ở miền
bắc phải gánh chịu. Tôi chưa ở tù miền nam nên tôi chưa biết, nhưng khí
hậu miền bắc, mùa đông rất lạnh, mùa hè rất nóng. Lúc tôi bị tạm giam
trong trại giam của Công An tỉnh Hà Nam, mùa hè trong một căn phòng có
mấy mét vuông mà mấy người ở. Bí và nóng kinh khủng, trong một căn phòng
kín như vậy lúc nào người cũng phải dội nước. Tường xung quanh mình
cũng phải dội nước lên để bớt sức nóng. Khi dội nước lên, hơi nóng sẽ
hầm lại. Nếu không hắt nước lên như vậy, thì sức nóng ập vào khiến đầu
như muốn nổ tung. Trại giam Hà Nam, không riêng tôi, mà mọi người đều
như thế. Có nhiều người để tồn tại phải bán lương tâm, đạo đức của mình
đi, để làm tay sai cho công an, thì được ra ngoài để hít thở không
khí…Có những người con trai, tù nam ở trong trại tạm giam Hà Nam, trong
khoảng thời gian nóng như thế, thần kinh của họ yếu đi, hết sức chịu
đựng, cứ những lúc nóng như thế họ đập đầu vào tường, đập đầu vào cửa,
họ rồ lên giống như người điên vậy.
Chính quyền đưa ra những lời mời mọc như vậy thường xuyên, hay chỉ vào một thời điểm nhất định?
Chuyện
đó xẩy ra liên tục chứ không phải đến lúc mà chuẩn bị ra xét xử đâu.
Những lúc mà họ dùng những trò hèn mạt như vậy để tra tấn tinh thần tôi,
thì hầu hết tôi chỉ nhắm mắt cầu nguyện. Có những lúc thì mình phải
lảng đi làm chuyện khác. Sức chịu đựng của những con người mà đặc biệt
là những người mẹ. Nói năng bằng lời không được, có những khi tôi phải
cãi nhau với họ.
Lần cuối cùng, nói theo ngôn ngữ thông thường
của người Việt, tôi đã ''chửi nhau'' với họ. Tôi đã nói thẳng là : Các
anh có là công an, là đảng viên Cộng Sản, các anh cũng là những con
người, các anh cũng có bố, mẹ, vợ, chồng, con cái. Các anh hãy đặt giả
sử mẹ anh, vợ anh, con gái của anh là nạn nhân như tôi, các anh sẽ làm
gì. Và từ nay trở đi, nếu mà – tôi gọi là '' thằng'' – ''thằng nào vào
đây mà vận động tao nhận tội, mà tao không có vi phạm. Lôi con tao ra để
mà tra tấn tinh thần tao như thế này, tao sẽ chửi cả con, cả bố, cả mẹ
chúng mày lên đấy, chứ đừng có mà làm cái trò hèn mạt như thế ! ''. Nói
thẳng là phải dùng những lời lẽ của một con người bị dồn vào đường cùng,
sau lần đấy, họ không vào vận động tôi nữa. Mà toàn là lãnh đạo cao
cấp, chứ không phải là những người công an thường. Sau đấy họ giao lại
cho những người tù trong ban giúp việc hàng ngày vận động tôi.
Những lúc cảm thấy khó khăn nhất, chị cầu nguyện gì?
Trong
tù, thường là tôi viết trên tường. Có lúc tôi viết là : Tôi yêu bản
thân tôi, tôi sẽ dùng cơn hoạn nạn trong chốn lao tù, như là cơ hội để
tôi học hỏi, cầu nguyện, học tập để phát triển bản thân, làm người có
ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Có đoạn thì tôi viết : Tôi
yêu bản thân tôi, tôi sẽ tha thứ cho những kẻ gây tội ác cho mẹ con
tôi, theo gương của Chúa Giê Su và và ông Mahatma Gandhi... Tôi cứ viết
như vậy để tôi tự phục hồi tinh thần của mình.
Sau khi ra khỏi tù rồi, ý nghĩ đầu tiên của chị là gì ?
Ngay
trong tù, tôi đã xác định là khi ra khỏi tù, bất cứ là ngày nào, việc
đầu tiên tôi cần làm là giữ sức khỏe đã. Bởi vì trong quá trình vào tù,
bị cách ly với mọi thứ, mình đã phải xóa bỏ mọi sự nhớ con, rồi là những
bất công mà nhà cầm quyền cộng sản đã gây ra cho bản thân tôi, và những
người dân khác. Khi ra tù, việc đầu tiên tôi cần phải làm là khôi phục
lại trí nhớ, sức khỏe, cũng như tinh thần của mình, dành thời gian để
chăm sóc con cái, bù đắp lại những gì chúng đã phải chịu đựng trong
khoảng thời gian tôi bị đi tù, và ổn định cuộc sống kinh tế cũng như gia
đình, vì có sức mới vực được Đạo. Thì lúc đó tôi mới tiếp tục công cuộc
đấu tranh của tôi. Tôi không thể dừng được, khi mà nhà cầm quyền cộng
sản chưa dừng tội ác của họ.
Khi được tự do rồi, chị coi những thông tin nào đầu tiên, thông tin nào gây ấn tượng nhất với chị?
Tin
đầu tin mà tôi biết là Hồ Duy Hải được xóa án tử hình và điều tra, xét
xử lại. Còn vụ đầu tiên làm tôi bị choáng nhất là vụ Đồng Tâm. Tôi đã
trải qua rất nhiều khổ nạn rồi, nhưng tôi không tưởng tượng được là
chính phủ Việt Nam họ lại độc ác đến mức đó đối với cụ Kình, và đối với
người dân Đồng Tâm. Tấm hình đầu tiên tôi được nhìn trên mạng xã hội là
cái chết của cụ Kình. Và tôi đã rùng mình, tôi sợ đến mức độ tôi phải
tắt máy đi, phải vứt máy ra một chỗ khác. Tôi cảm thấy tội ác của nhà
cầm quyền quá cao. Đó cũng là một điều làm cho tôi phải nghĩ lại xem
mình sẽ phải làm cái gì, mình cần phải làm như thế nào.
Khi
ở trong nước, tôi là người đấu tranh trực diện, còn khi ra tới nước
ngoài rồi, thì môi trường đấy của tôi, tôi không thể phát huy được nữa.
Nên tôi phải học, phải tìm một cái phương pháp mới. Việc quan trọng nhất
hiện tại là tôi phải học. Bây giờ, thứ nhất là tôi phải học tiếng Anh,
phải học những điều luật căn bản của nước Mỹ, cũng như những quyền căn
bản khác.
(Chị Trần Thị Nga cũng cho biết chị đặc biệt quan
tâm đến hai nhà tranh đấu cao tuổi tỉnh Hà Nam, hai ông Trương Minh
Hưởng, và Hoàng Đức Doanh, hiện đang bị chính quyền sử dụng các biện
pháp đàn áp tương tự như với chị Nga và các con. Theo chị Trần Thị Nga,
nhóm các nhà tranh đấu nhân quyền trẻ hơn tại Hà Nam, gồm chị cùng các
anh Hoàng Dũng (Con đường Việt Nam), Trương Minh Tam và Bạch Hồng Quyền,
đã bị truy bức đến mức đều phải ra nước ngoài).
Trước khi chia tay, chị có chia sẻ gì thêm với công chúng?
Với
những kinh nghiệm tôi đã trải qua, cũng như những gì đã xảy ra trên đất
nước Việt Nam của chúng ta, thì tôi mong các khán thính giả theo dõi
chương trình đài RFI, hãy lên tiếng, hãy làm những việc gì dù nhỏ nhất.
Có thể khi mình làm, mình nói, thì mình nghĩ là nó không có tác dụng gì,
nhưng thực ra khi quý vị nói và làm cái điều mà bản thân mình cảm thấy
là đúng, thì dù có nhỏ đến mấy chúng ta cũng cần làm. Vì chỉ khi chúng
ta hành động, chúng ta nói lên chính kiến của mình, phản đối những cái
sai, cái ác, những sự bất công, để bảo vệ những quyền căn bản của mình,
và không những của mình mà còn của người thân trong gia đình mình, đặc
biệt là những người dân trong đất nước mình, khi chúng ta đã làm hết khả
năng, hết trách nhiệm - nghĩa vụ của một công dân, thì dù có bị hoạn
nạn, chúng ta vẫn được những người khác quan tâm. Ví dụ như điển hình là
trường hợp như tôi. Khi tôi bị nhà cầm quyền cộng sản bách hại vào chốn
ngục tù, tôi đã được rất nhiều cơ quan, tổ chức xã hội dân sự, các cá
nhân, đặc biệt là các tổ chức nhân quyền thế giới quan tâm giúp đỡ, và
hiện nay tôi đã được ra khỏi chốn ngục tù, để được sống một cuộc sống tự
do trên đất Mỹ, cùng chồng và các con của tôi. Nên quý vị đừng lo lắng
khi nói và làm những điều căn bản của một người dân cần làm. Tôi chúc
quí vị những điều tốt lành nhất!
Xin cảm ơn chị Trần Thị Nga.
Tin bài liên quan:
Là Người hay là con người , con vật là đây ! Đây là Người Việt Nam chân chinh
Trả lờiXóaKính trọng chị Nga. Đây chính là người "yêu tổ quốc, yêu đồng bào"
Trả lờiXóaQua nhữg lời chị Nga và nhiều tù nhân chính trị khác về sự hành hạ, ngược đãi tù nhân của chính quyền, tôi thấy rất cần thiết phải lên tiếng tố cáo tội ác như vậy lên các cơ quan nhân quyền quốc tế để họ can thiệp nhằm giảm sự khốn khổ cho các tù nhân.
Trả lờiXóa