Được sự đồng ý của ĐD Trần Văn Thủy, xin chia sẻ mấy email anh tâm tình với bạn bè trong những ngày qua về đôi điều đáng suy ngẫm
TRẦN VĂN THỦY: (Ngày 29/1/2020)
Thưa các anh chị !
Tôi rất cám ơn chị Chi Lan, anh Gia Hảo, Chi Mai đã sốt sắng dự kiến tổ chức cuộc gặp bạn bè với anh Nguyễn Ngọc Giao và phu nhân- chị Phạm Tư Thanh Thiện khi họ từ Pháp về Sài gòn và ra Hà Nội .
Tôi tán thành và rất cảm động về tình nghĩa của Anh Chị Hảo - Lan với bằng hữu.
Vừa bận, vừa mệt, sức khỏe của Chị chưa tốt, bận rộn mấy ngày tết vừa qua...Lại vất vả vì chúng tôi ?
Điều e ngại duy nhất của tôi là sợ các chị, anh vất vả quá và cái lưng của chị Chi Lan chưa bình phục ?
Anh Nguyễn Ngọc Giao là người tôi đặc biệt quý trọng, đã giúp tôi với tất cả thịnh tình trong nhiều lần tôi qua Pháp và Tây Âu. Thực hiếm có con người đắm đuối với xứ sở này, đất nước này, dân tộc này bền bỉ như thế.
Phim Chuyện Tử Tế tham dự International Film Festival ở Center Pompidou, Paris, 1989 , bán bản quyền cho nhiều Đài Truyền Hình lớn trên thế giới ( thu về khá nhiều tiền cho nhà nước VN), tôi đi thuyết trình ở Lyon, Toulouse, Marseille và nhiều nơi ở miền Nam nước Pháp là do anh Giao thiết kế, tổ chức. Tôi phỏng vấn, ghi hình học giả Hoàng Xuân Hãn gần 1 tuần tại nhà riêng cũng do anh Giao tổ chức và trực tiếp hỏi chuyện bác Hãn về những đề tài lịch sử xẩy ra trong quá vãng ( vào trước và sau khi học giả Hoàng Xuân Hãn tham gia chính phủ Trần Trọng Kim ) mà không phải ai cũng biết, mà chưa sách sử nào ghi lại.
Nhân đây buộc phải nói một điều rất buồn khi những người trẻ có quyền hành hiện thời đối xử với Anh rất tệ : 12 năm liền không cho Anh về nước ? Coi Anh như một thế lực thù địch ? Liệu họ có biết rằng Anh sang Pháp du học (1958) là một học sinh suất sắc từ chế độ VNCH . Anh, trong suốt thời gian sống học tập, làm việc, giảng dậy tại Đại Học Denis Diderot (Paris 7) , rất gắn bó, nhiệt thành tham gia phong trào Việt Kiều (theo Việt Cộng) như một thủ lĩnh tinh thần . Anh ,một thành viên phải nói là quan trọng trong Hội Nghị Bốn Bên Paris trong pháí đoàn VNDCCH (1968-1973). Anh, khi về nước những năm trước đây được thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp riêng...
Vậy mà bây giờ, cấm về nước, bị ghi tên vào sổ đen và được công an theo dõi ?
Những điều Anh nói, những gì Anh viết, có gì là tai hại đến mức coi Anh nguy hiểm như kẻ thù ? Hiển nhiên, như vậy là người ta đã thực thi một quốc sách :"Ai không giống ta, không nghe ta đều là kẻ thù."
Một con người yêu thương, khát khao những điều tốt đẹp cho sứ sở này, dân tộc này còn giữ được sự kiên nhẫn đến năm nay, 80 tuổi mà bị phụ bạc thì để làm cái gì nhỉ ?
Nguyễn Trãi xưa nói rằng :" Trời không che riêng ai. Đất không chở riêng ai..." .Vậy các vị nhân danh cái gì mà đối xử với "Con dân nước Việt" một cách "Cạn tàu ráo máng" đến như vậy ?
Chắc chắn nhiều người và tôi rất buồn và rất bất bình về chuyện này mà chuyện của anh Nguyễn Ngọc Giao chỉ là một thí dụ. Còn nhiều bạn bè tôi ở nước ngoài, ở Pháp như anh Trần Hải Hạc, Hà Dương Tường, Bạch Thái Quốc, các anh chị trong nhóm "Bạn Trần Văn Thủy" ở Paris...đều cùng một tâm trạng.
Có ai thống kê xem, liệu có bao nhiêu người bị bạc đãi như anh Nguyễn Ngọc Giao, cả trong và ngoài nước ? Chắc chắn không đếm xuể !
Thưa các anh chị ! Tôi bị tai nạn xe cộ hôm 23 tết âm. . Đau lắm, mất máu,bàn chân, mắt cá chân, đầu gối... Bác sĩ đến chữa tại nhà, nay đã đỡ một chút nhưng vẫn chưa đi lại được . Tôi không có Tết.
Nhưng tôi sẽ cố gắng, bằng mọi cách có mặt trong buổi vui hiếm có và tình nghĩa này cùng các anh, các chị vào ngày 8/2 tới như chị Chi Lan thông báo.
Thân kính !
TV Thủy
************************
(Ngày 9/2/2020)
Thưa các anh chị !
Có lẽ cũng như các anh, các chị, tôi thực sự xúc động trong buổi gặp mặt đầu năm,chiều hôm qua, được cùng các anh chị tiếp đón anh Nguyễn Ngọc giao và phu nhân - chị Phạm Tư Thanh Thiện tại tư gia của anh chị Nguyễn Gia Hảo & Phạm Chi Lan ở Ciputra !
Và không thể không nói lời cám ơn, rất cám ơn "Khổ chủ", cám ơn tất cả bằng hữu, những trí thức lớn mà tôi kính trọng và đặc biệt anh Nguyễn Ngọc Giao, chị Thanh Thiện đã bay nửa vòng trái đất về đây tụ bạ.
Trong buổi gặp mặt, tôi đã may mắn được thấy tình cảm của mọi người đối với nhau nồng nhiệt như thế nào, trân thành như thế nào. Hình như nó làm sống lại cái hồn nhiên, cái tếu táo khi chúng ta còn trẻ, chứ không phải cuộc tụ bạ để "Giối già" của những cụ 70,80,90 tuổi đời.
Tôi đã tự hỏi : Lý do nào mang lại sự chân thành, nồng nhiệt ấy? Tuổi già ư ? Xa cách nhiều năm ư ? Đúng cả ! Nhưng có lẽ trên hết là sự đồng cảm, sự khát khao cho những điều tốt đẹp hơn trên quê hương chúng ta, cho các thế hệ sau chúng ta.
Vì nhiều lý do, trong buổi gặp mặt tôi đã kiệm lời để được lắng nghe, quan sát và ngẫm nghĩ.
Tôi thấy anh Giao & chị Thiện chẳng già đi tí nào, mà vẫn nhanh nhẹn, nồng nhiệt như ngày xưa.
Mỗi người trong chúng ta đều có những kỷ niệm riêng với Anh Chị . Xin có vài dòng về phía tôi :
Nhớ chị Thiện, (khi tôi "Thân tàn ma dại" chạy chốn từ Liên Hoan Phim quốc Tế Leipzig "Bỏ giải thưởng, chạy lấy người" sang Paris vào một đêm khuya khoắt cuối tháng 11/1988...) sau đó đã dẫn tôi đến một nhà hàng sang trọng, mua sắm quần áo theo kiểu Parisien để tôi xuất hiện trước công chúng, trước Truyền hình Pháp không xấu mặt người Anamit . Tôi rất nhớ lúc ở cửa hàng, chị Thiện còn bắt tôi bỏ giầy ra xem tất có...rách không...Hồi đó tôi sang Tây Đức (khi nước Đức vẫn phân chia Đông - Tây) ở Frankfurt/am có chị còn hồn nhiên hỏi tôi :"Anh sài đồ oách thế này chắc chị Thiện sắm hả ?".
Hồi ấy chị Thiện làm ở RFI, một phụ nữ thông minh, mạnh mẽ, công việc ở Hội, ở báo Đoàn Kết chiếm rất nhiều thời gian và công sức. Vậy mà Chị đã giành thời gian thu thập những bài báo viết về tôi và phim của tôi trên các tờ Liberation, Guardian, Le Monde Diplomatique,The New York Times, Le Peuple du Monde, Figaro...những bài báo này tôi vẫn còn lưu giữ như một kỷ niệm.
Vậy thì không thể không nói lời tri ân với Chị khi lâu rồi Chị mới "Được phép" cùng Anh về Việt Nam.
Thưa các anh chị !
Hồi ấy, ở Paris tôi rất nhớ cái thời điểm bức tường phân đôi thành phố Berlin lung lay sụp đổ, anh Giao và các nhân vật tinh anh trong Hội Người VN tại Pháp họp bàn lu bu rồi "Rút ruột" ra được cái TÂM THƯ đầy nhiệt huyết, chân thành gửi về nước. Ai ngờ cái TÂM THƯ chết tiệt ấy chẳng làm nên cơm cháo gì mà những ai ký vào đó đều... bị ghi vào sổ đen và cấm về nước !!!
Sau này, cũng tại Paris, tình cờ tôi cầm trên tay tờ "Quê Mệ" của ông Võ Văn Ái. Ngay trang đầu có bức hình to tướng in ảnh anh Nguyễn Ngọc Giao ngồi trong phái đoàn VNDCCH ở Hội nghị 4 bên Paris và với đề tựa, tôi không nhớ chính xác ngôn từ, nhưng đại ý : Hãy xem thân phận một trí thức phục vụ chế độ cộng sản ! Tôi không rõ anh Giao đọc bài báo đó nghĩ gì. Còn tôi thấy đau sót cho bạn mình, cho cả một lớp người dấn thân với tấm lòng trong trắng,chân thiện. Xin cho tôi được nói thật cái điều có thể sai nhưng có trong đầu tôi : Tờ Quê Mẹ đã viết đúng sự thật !
Làm sao mà vui được ? Nhưng tôi biết chắc chắn anh Giao là một con người không dễ gì Buồn vì những chuyện mà anh cho là vặt vãnh này.
Cách đây mấy tuần tôi nhận được email của anh Giao, xin trích phần đầu :
"Thân gửi anh Thuỷ,
Giao đây, viết cho anh từ Sài Gòn. Vợ chồng tôi về đây được hơn 1 tuần. Hai lý do chính để nhà nước cấp visa sau 12 năm từ chối, và mặc dầu tôi kiên trì không chịu ký "giấy cam kết không làm gì phương hại an ninh trong thời gian ở trong nước":
1/ Một là cháu Đôn, sáng tác nhạc Rap, về nước, gặp và kết hôn với cô Suboi, cô ca sĩ nhạc ráp cách đây đã gặp và hát cho TT Obama nghe. Chúng tôi ngồi đợi cháu nội ra đời, theo bác sĩ thì chỉ 1, 2 ngày nữa thôi.
2/ Hai là chúng tôi đưa di cốt của ông bạn Georges Boudarel (1926-2003) về nước. Một nửa di cốt đã trải ngoài khơi nước Pháp. Phần còn lại, chúng tôi giữ ở nhà 17 năm qua, nay đưa về : một phần ngày 4.2.2020 tới, sẽ trải ở Sông Bé, nơi Bouda công tác Đài phát thanh TIẾNG NÓI SAIGON CHỢ LỚN TỰ DO năm 1951 khi anh rời Trường trung học Marie Curie SG ra chiến khu Đ tham gia kháng chiến, một phần ngày 8.2. ở Sông Hồng (chắc từ trên cầu Long Biên)...."
Qua chuyện trò trong buổi gặp mặt chiều qua, tôi nghĩ :
- Anh Giao chị Thiện chẳng làm gì, chẳng nói câu nào "phương hại an ninh" cả mà rất chi là từ tốn, lịch lãm, khiêm nhường. Tếu táo là bọn tôi, những người "Nằm trong chăn".
- Tro cốt của ông Georges Boudarel ,( để hiểu biết Boudarel, xin đọc "Cuộc trở về đất Việt của Georges Boudarel", trang 30-31, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ngày 9/2/2020) anh Giao giữ ở Pháp 17 năm, bây giờ 1/2 được đưa về VN, anh Giao trải xuống sông Bé, Nam Bộ và sông Hồng ,Hà nội theo di nguyện của người quá cố. Thật là xúc động. Nhưng Boudarel theo Việt Minh quá sớm , tôi trộm nghĩ là bây giờ nếu sống lại ,ông ta sẽ theo... Andre' Menras.
Thưa các anh chị !
Nhân chuyện anh Nguyễn Ngọc Giao có nên lan man một chút : Quốc nạn "Không chấp nhận sự khác biệt" hiện hữu trên đất nước này đã hơn nửa thế kỷ qua. Không thể có một thống kê nào, không có ai tính đếm được những mất mát, đổ vỡ, sai lầm, tan nát chỉ vì bởi nguyên nhân đó. Đặc biệt là đối với giới trí thức kể cả những trí thức lớn, lừng danh ở nước ngoài theo về phục vụ Tổ Quốc từ thời đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường ...( Xin đọc Hà Văn Thùy : "...62 năm trước, sau một cuộc đấu tố, giáo sư Trần Đức Thảo bị một sinh viên bắt trói dẫn đi. Cùng với ông, các giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu những đại thụ của học thuật dân tộc bị đày xuống chín tầng địa ngục..." Trích thư của Hà Văn Thùy viết cho bằng hữu ngày 3/2/2020)
Tôi có một người bạn sống ở Canada. Vào giữa những năm 80 khi mà rộ lên sự ồn ĩ của 2 bộ phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế , anh cùng mấy người bạn về Hà Nội. Nồng nhiệt vô cùng, tha thiết vô cùng và sốt sắng hẹn hò có những đóng góp cho sự đổi mới của quê hương. Rồi không rõ anh vấp phải những tai ương nào đó trong đối xử khi về nước. Bẵng đi, đến cuối năm 2002 tôi qua Mỹ, alô sang Canada cho anh. Rất lạ khi tôi không nhận ra giọng của anh, mà đó là một tiếng nói xa lạ, lạnh lùng, trầm mặc :" Tôi... bây giờ... gõ chuông... tụng kinh... niệm phật... không quan hệ gì tới thời cuộc... tới Việt Nam nữa...Mô phật..." . Người đó chính là anh Tổng Biên Tập tờ Đất Việt nổi tiếng một thời của "Việt Kiều yêu nước" tại Canada. Anh tên Lương Châu Phước !
Có ai tính đếm được : Hơn nửa thế kỷ qua, bao nhiêu con người nhiệt huyết đã phải buông bỏ, về ở ẩn hoặc chạy chốn?
Chúng ta, có thể "Đồng sàng dị mộng".
Bài toán này không bao giờ có lời giải, dù biện minh cách nào, tuyên truyền cách nào, đe dọa cách nào chỉ bởi không tìm ra mẫu số chung.
Đại bi kịch ! Và kéo dài không biết đến bao giờ. Thế hệ chúng ta đã già, rất đau buồn khi biết rằng, có thể cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, vẫn không thấy được chút ánh sáng ở cuối con đường hầm.
Tôi không cho rằng những điều tôi viết là đúng mà chỉ đơn giản đó là những điều tôi nghĩ.
Hãy để mọi người, dù là thường dân như tôi được nói thật những điều mình nghĩ. Chỉ cần thế thôi.
Thưa các anh chị !
Một hôm, ở Paris, cũng quãng năm 1989 anh Giao đưa tôi đến Bộ Ngoại Giao Pháp. Tôi nghĩ trong đầu, mình là thằng "Chân đất mắt toét", ông này đưa mình đến chốn quan trường ấy để làm gì nhỉ ? Bước vào phòng lễ tân sang trọng, ông Blanche Maison đã chờ sẵn ở đó. Thì ra ông này sắp bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ Cộng Hòa Pháp tại VN. Ông ta niềm nở cám ơn anh Giao đã giúp ông gặp tôi và lịch lãm ngỏ ý muốn tôi cho ông ta biết thêm về Việt Nam,phong tục,thời tiết,cư xử,dân tình, văn hóa và mấy bộ phim của tôi ra đời trong hoàn cảnh nào...Tôi cũng cởi mở nói với Blanche Maison rất giản dị như tôi biết. Khi chia tay, tôi có nói đùa rằng :" Ở Paris này ông trịnh trọng mời tôi đến đây nói chuyện, nhưng khi ông đã là Đại sứ Cộng Hòa Pháp ở Hà Nội thì gặp ông không dễ dàng gì ! ". Ông ta đưa hai tay lên trời cười lớn và rằng :" Tôi hứa là khi tôi làm Đại Sứ thì cánh cổng của Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội luôn mở rộng đón chào ông !". Nhưng phải nói ngay rằng suốt nhiệm kỳ ông Blanche Maison làm Đại sứ ở VN, tôi không một lần bén bảng tới Đại Sứ Quán Pháp .
Chuyện chỉ có thế, nhưng về VN,khi tôi bị tóm, giữ ở trại giam Thủ Đức mấy ngày ( tôi đã viết khá kỹ ở phần cuối cuốn "Chuyện Nghề Của Thủy" ), trong nhiều chuyện họ truy hỏi tôi, có mấy điều tôi không quên:
- Nguyễn Ngọc Giao là người thế nào ?
- Cớ gì mà Bộ ngoại giao Pháp mời Nguyễn Ngọc Giao cùng anh ( có lúc gọi tôi là "Mày") gặp Blanche Maison ? - Họ bàn những chuyện gì ?
- Ai tổ chức ra cái nhóm "Bạn Trần Văn Thủy" ở Paris ? Và mục đích của nhóm này ?
Trời ơi ! Ông Nguyễn Ngọc Giao đầu têu ra cái nhóm đó chứ còn ai nữa. Còn mục đích ư ? Đàn đúm cùng nhau, uống vang Pháp, nói chuyện trời đất như nhóm bạn già TTST của chúng ta bây giờ.
Thế thôi.
Tôi đã may mắn có những người bạn quý ở Pháp và các nước mà Anh Giao, chị Thiện, anh Hạc, anh Tường, anh Quốc...là những người gần gũi. Ngắn thì vài ba tháng, lâu thì cả năm làm việc ở bên đó, tôi tình cờ được cùng các anh chị chứng kiến lễ kỷ niệm 100 năm tháp Eiffel, chứng kiến lễ duyệt binh kỷ niệm 200 năm Cách mạng 1789, ghi hình dân Đức đập phá bức tường Berlin , sự rối loạn dẫn đến sụp đổ của CNXH ở đông Âu và cả Liên Bang Sô Viết....Cuộc đời một "Thảo dân" như tôi mà được chứng kiến những sự kiện có tầm Nhân Loại như thế thì thực là lạ lùng !
Thư tâm tình này tôi viết cho nhóm bạn già TTST của tôi nhưng cũng là lời tri ân tình sâu nghĩa nặng với anh chị Nguyễn Ngọc Giao. Hãy coi đó là những lời Tâm Tình,Chào Mừng anh chị về lại cố quốc của mình, mảnh đất mẹ thời ấu thơ của mình, trong vòng tay thân ái, chung thủy của bạn bè.
Bỗng nhớ lại câu ca của Phạm Duy khi chúng ta còn là trẻ con:" Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời..."
Thân ái !
Trần Văn Thủy
( PS : Chỉ vài tuần nữa ,chân tôi sẽ lành thôi ! Lại được phi xe máy, đi bơi, uống bia và tán gẫu với các cụ ở bể bơi Ba Đình. )
***************************************
Ảnh 2: phái đoàn VNDCCH tại Trung tâm hội nghị quốc tế (đại lộ Kléber, gần Khải Hoàn Môn). Trong ảnh, hàng đầu, có thể nhận ra (từ trái sang) : Nguyễn Thành Lê - người phát ngôn, Mai Văn Bộ - đại sứ, Xuân Thuỷ - trưởng đoàn, Lê Đức Thọ - cố vấn đặc biệt , Nguyễn Ngọc Giao đứng dựa tường, giữa Nguyễn Thành Lê và Mai Văn Bộ. Ảnh chụp trước khi khai mạc phiên họp, trưởng đoàn Xuân Thuỷ trả lời câu hỏi của nhà báo trước khi bước vào hội trường.
.
.
Ảnh 4: Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Giao chụp chung với TRần Văn Thủy, Mạc Văn Trang
Ôi đất nước tôi, thế thái nhân tình.
Trả lờiXóaXin được chia sẻ tình cảm với các bậc trí thức, những người con ưu tú của đất nước đã không có cơ hội đóng góp tài sức cho quê hương xứ sở. Nhưng không sao cả, mất cái này sẽ được cái khác. Câu chuyện này sẽ được lưu lại trong lịch sử cho các thế hệ mai sau. Xin cảm ơn tất cả mọi người.
Vẫn chưa thể so với tấm gương Mao Trạch Đông đối xử với Lưu Thiếu Kỳ, hoặc Stalin đối xử với Zinoviev, Bukharin...
Trả lờiXóa