Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

CÁC NHÀ THƠ NÊN XẤU HỔ TRƯỚC HAI CÔ GIÁO LÀM THƠ


Phạm Xuân Nguyên

CÁC NHÀ THƠ NÊN XẤU HỔ TRƯỚC HAI CÔ GIÁO LÀM THƠ

Hai cô giáo dạy văn trung học, họ không phải là nhà thơ, nhưng họ đã viết nên những câu thơ của họ để nói về hiện tình đất nước thời họ sống. Cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh viết bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” (2016) giữa những ngày vùng biển quê nhà đang bị ô nhiễm nặng nêu lên những câu hỏi về những vấn đề nhức nhối của đất nước mong được chia sẻ và tìm một lời giải đáp. Cô giáo Chu Ngọc Thanh ở Gia Lai viết bài “Đất nước ở trong tim” (2020) ca ngợi sự đồng lòng đồng tâm của chính phủ và người dịch trong việc phòng ngừa và ngăn chặn dịch cúm COVID-19 mong lan tỏa niềm vui. Hai cô giáo đều lấy cảm hứng từ đất nước và viết ra thành thực cảm xúc, suy nghĩ của mình. Họ viết thơ theo quan niệm về thơ của họ cốt để dùng hình thức đó bày tỏ được thái độ của mình trước cuộc sống, trước những ngổn ngang thế sự xã hội mà với lương tâm và trách nhiệm của một công dân họ thấy cần phải lên tiếng. Chê bai thơ họ làm ai cũng có thể, nhưng dám viết ra thật lòng mình, nhất là trong trường hợp bài thơ của Trần Thị Lam, thì không phải ai cũng có thể.

Thì đấy, các nhà thơ chuyên nghiệp đã viết gì trong thời cuộc hiện nay. Họ không viết gì cả! Họ cao đạo, họ làm nghề, nên họ giữ mình, họ im lặng và ngoảnh mặt trước những thảm cảnh tang thương của nước nhà, trước những khổ đau oan trái của người dân. Khi có một sự việc, một biến cố xảy ra trong cuộc sống, mạng xã hội phản ứng tức thì với rất nhiều ý kiến, trong đó có không ít những bài thơ sâu sắc, thấm thía của các người dùng facebook. Các nhà thơ nghĩ gì? Họ nghĩ đó không phải là thơ. Họ coi thế là “làm nhục” thơ. Và họ nghĩ viết thơ thế sự như thế là mất giá nên họ không viết. Họ đành câm để giữ giá thơ của họ. Họ không biết cô giáo Trần Thị Lam đã khốn đốn một dạo ra sao vì bài thơ của mình. Bài thơ đó nếu đứng tên một nhà thơ tên tuổi sẽ còn vang động hơn nữa. Nhưng các nhà thơ tên tuổi còn bận sợ hãi. Còn cô giáo ở Hà Tĩnh thì không. Vì cô không muốn đứng trên bục giảng nói dối học sinh của mình.

Các nhà thơ nên xấu hổ trước hai cô giáo làm thơ.

Có thể hai cô đã đọc hoặc chưa biết những câu thơ sau đây của nhà thơ Chile Pablo Neruda (1904 – 1973), nhưng các nhà thơ chuyên nghiệp ở ta mà không biết chúng thì càng đáng xấu hổ. Trong bài thơ đúng như tên gọi “Giải thích” P. Neruda đã giải thích cho các đồng nghiệp và bạn đọc vì sao ông lại viết một thứ thơ trần trụi, nóng bỏng như vậy.

“Bạn sẽ hỏi vì sao thơ tôi
Không nói đến mộng mơ, hoa lá
Không nói đến những hỏa diệm sơn hùng vĩ
Của đất nước quê hương?
Hãy đến xem máu chảy trên đường
Hãy đến xem
Máu chảy trên đường
Hãy đến xem máu chảy
Trên đường”

(Đào Xuân Quý dịch từ tiếng Pháp)

Xin chú ý câu thơ “Hãy đến xem máu chảy trên đường” đã được nhà thơ lặp lại ba lần với cách ngắt câu khác nhau. Ông muốn nhấn mạnh máu đã chảy và nhà thơ phải đến xem thật kỹ, thật nhiều lần, thật tận mắt máu đã chảy thế nào để câu thơ viết ra không lạnh tanh. Máu người không phải là nước lã. Và thơ càng không thể đem nước lã pha vào máu.

Máu Đồng Tâm đã chảy.
Thơ có chảy máu cùng nhân dân?

Lẽ ra câu hỏi này Thủ tướng Chính phủ và những người lãnh đạo đất nước phải đặt ra cho các nhà thơ nhà văn gọi là chuyên nghiệp, cho Hội Nhà văn trung ương và các hội văn nghệ địa phương trong cả nước. Nếu nhà chính trị hỏi được thế thì các nhà thơ sẽ ào ào viết ngay, không kiêng dè và sợ hãi. Còn một lời khen của thủ tướng, một bằng khen của chủ tịch tỉnh cho cô giáo Chu Ngọc Thanh vì coi bài thơ đó như một lời truyên truyền chống dịch theo kiểu tư duy và cách làm chính trị ở ta thì được các nhà thơ hân hoan chê bai thơ và nhân thể chửi xéo. Họ quên mất rằng nhiều tập thơ bài thơ được khen được giải lâu nay cũng chỉ vì ý nghĩa tuyên truyền cho chính trị, chứ giá trị thơ không có hoặc rất thấp.

Ôi làm thơ và làm nhà thơ ở xứ ta thực khó thay!

Hà Nội 21.2.2020
P.X.N
 

3 nhận xét :

  1. Chính vì thế nên bệnh bệnh hình thức, dối trá lên ngôi

    Trả lờiXóa
  2. Có thể hai cô đã đọc hoặc chưa biết những câu thơ sau đây của nhà thơ Chile Pablo Neruda (1904 – 1973), nhưng các nhà thơ chuyên nghiệp ở ta mà không biết chúng thì càng đáng xấu hổ.
    “Bạn sẽ hỏi vì sao thơ tôi
    Không nói đến mộng mơ, hoa lá
    Không nói đến những hỏa diệm sơn hùng vĩ
    Của đất nước quê hương?
    Hãy đến xem máu chảy trên đường
    Hãy đến xem
    Máu chảy trên đường
    Hãy đến xem máu chảy
    Trên đường”
    (Đào Xuân Quý dịch từ tiếng Pháp)

    Trả lờiXóa
  3. Xin hãy nghe và lắng nghe sự thật và hơn nữa phải nói sự thật mói thành người. Mỗi quốc gia, chính thể cũng thế.

    Trả lờiXóa