- Lễ hội ở Việt Nam có nguồn gốc từ khi nào, thưa ông?
- Các lễ hội ở Việt Nam ra đời từ xa xưa, thủa ban đầu gắn với những lễ mừng lúa chín. Với người Việt cổ, mùa thu hay còn gọi là "mùa cơm mới" là mùa quan trọng nhất, bởi đây là thời điểm lúa chín để thu hoạch. Sau đó, mọi nhà đều làm lễ mừng cơm mới.
Vì vậy, mùa thu với người Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các lễ
hội trước đây cũng ra đời gắn liền với mùa thu. Tập tục này còn lưu giữ
đến ngày nay khi nhiều làng quê vẫn mở các lễ hội mùa thu.
PGS Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Viết Tuân
|
Sau đó, người Việt biết dùng Âm lịch (lịch Trung Hoa) thay cho cách tính
mùa lúa chín. Người Việt biết ăn Tết Nguyên đán vào đầu mùa xuân. Các
nghi lễ thờ cúng quan trọng nhất trong năm dần chuyển từ mùa thu sang
mùa xuân, kéo theo sự chuyển dịch các lễ hội. Mùa xuân được quan niệm là
khởi đầu cho một năm mới, nên các lễ hội ngày càng nở rộ.
Lễ hội thủa sơ khai chỉ là những hoạt động cúng lễ của từng gia đình.
Sau khi làm lễ, mọi người cùng uống rượu, vui chơi, ca hát. Dần dần,
nhiều gia đình cùng tổ chức cúng lễ, vui chơi chung, tạo ra hoạt động
của cả xóm làng.
Khi đình làng ra đời, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa chung
của cộng đồng cũng là lúc có tục thờ thành hoàng làng, thì những hoạt
động cúng lễ, vui chơi diễn ra thường xuyên hơn. Đặc biệt, từ thời nhà
Lê, nhà nước phong kiến muốn nâng cao sự gắn kết của cộng đồng dân cư
trong làng xã nên đã đưa ra các quy định về nghi thức, nghi lễ cho các
lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ. Cũng từ đó, các hội làng được tổ chức bài bản
hơn và có phần giống nhau.
- Hội làng có vai trò ra sao trong đời sống tinh thần người Việt?
- Từ xa xưa, các hội làng có vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần
người Việt. Ý nghĩa rất lớn của lễ hội là gắn kết cộng đồng cư dân trong
một làng, xã, thôn, bản. Vì các hội làng thường gắn với tục thờ cúng vị
thành hoàng làng nên trong quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động
vui chơi, người dân sẽ gắn bó, ràng buộc với nhau hơn về tinh thần.
Đồng thời, ý thức, trách nhiệm về một cộng đồng cư dân cũng được củng
cố.
Điệu múa "Con đĩ đánh bồng" ở hội làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) được duy trì
hàng trăm năm nay. Ảnh: Giang Huy
|
Từ các hội làng sau này hình thành nên lễ hội của một vùng, cùng thờ
chung một vị thần, với quy mô lớn hơn và tục cúng rước, vui chơi cũng
được tổ chức quy củ hơn, tạo ra sự đoàn kết trong các vùng miền khắp đất
nước.
Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội được duy trì thường xuyên vào dịp nhất
định trong năm, không chỉ hình thành các ý niệm chung của cộng đồng mà
còn làm tươi mới các mối quan hệ trong xã hội. Sau một năm lao động, làm
việc vất vả, cộng đồng lại được gặp nhau, cùng cầu mong sự an lành cho
làng xóm, mùa màng tốt tươi, được các vị thành hoàng, thánh thần trợ
giúp. Tâm thức mong muốn cho một tương lai cộng đồng tốt đẹp ngày càng
được củng cố.
- Lễ hội ở Việt Nam đã thay đổi ra sao từ xưa đến nay?
- Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội hiện nay đã có nhiều biến đổi, nhưng
vẫn giữ được những cốt cách chủ yếu. Điều bất biến trong hội làng là sự
tôn thờ các vị thành hoàng làng. Hầu hết làng đều giữ nguyên vị thành
hoàng qua hàng nghìn năm, chỉ một số rất ít nơi thay đổi.
Làng Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) - nơi tôi sinh ra, trước đây thờ
một vị vua. Nhưng sau đó, tương truyền ông Trần Liễu đến làng nên người
dân quyết định chuyển sang thờ ông ấy. Nhưng sự thay đổi các vị thần
linh trong hội làng như vậy không nhiều.
Hơn nữa, dù thay đổi vị thành hoàng làng, các nghi lễ cúng tế, đón rước,
tập tục trước đây vẫn được trao truyền và gìn giữ, nên rất ít biến
đổi.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố của hội làng ngày nay đã khác xưa. Trước đây,
hội thường kéo dài từ nửa tháng đến một vài tháng. Bởi khi đó, đời sống
nông nghiệp lúa nước nên người dân có nhiều thời gian rảnh rỗi sau mùa
thu hoạch.
Nhưng bây giờ, hầu hết hội làng được rút ngắn chỉ còn một đến hai ngày,
chỉ giữ lại những nghi lễ cơ bản, còn lại đều đã được lược bỏ. Hội được
cô đọng hết mức có thể, để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Chẳng hạn, trước đây vào ngày lễ hội, các làng thường cắt cử thanh niên
tráng kiện nhất để khiêng kiệu rước. Nhưng bây giờ thanh niên làng quê
đều đi làm ăn xa, nên nhiều nơi dùng xe kéo hoặc ôtô để rước.
- Điều gì trong các hội làng hiện nay khiến ông lo ngại nhất?
- Điều tôi lo ngại nhất là người dân đang mất niềm tin vào lễ hội, bởi
nhiều nơi có sự nhầm lẫn giữa niềm tin tín ngưỡng và mê tín. Dù nguy cơ
này chưa đến mức báo động, chúng ta cần đặt ra để giáo dục thế hệ trẻ.
Niềm tin tín ngưỡng là điều thiêng liêng, khi người dân gửi gắm tình
cảm, hy vọng đến một vị thần linh nào đó, để cầu mong cuộc sống ấm no,
sung túc, ở hiền gặp lành. Nhưng hiện nay, rất nhiều người tham dự lễ
hội đã vượt qua ranh giới tín ngưỡng, trở thành mê tín. Điển hình nhất
là câu chuyện chen lấn, xô đẩy để xin ấn đền Tức Mặc (đền Trần Nam
Định), đánh nhau vì cướp lộc...
Ranh giới giữa niềm tin tín ngưỡng về cuồng tín rất mong manh, phụ thuộc
vào nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên, có nguyên nhân quan trọng là
việc giáo dục tín ngưỡng cho người dân đang bị bỏ ngỏ. Vì vậy, nhiều
người du xuân trẩy hội nhưng không có kiến thức, không tìm hiểu về những
lễ hội mình tham dự, đến đâu cũng vái lạy, thắp hương, nhét tiền lẻ vào
tay tượng nhưng đều không hiểu được ý nghĩa và nguồn gốc ra sao.
- Ông có lời khuyên nào cho mọi người khi hành hương trẩy hội mùa xuân?
- Hiện nay, nhiều lễ hội đã được chính quyền địa phương "nâng cấp" không
ngừng, từ hội làng thành những hội vùng, quốc gia... nhằm khuếch trương
danh tiếng và thúc đẩy phát triển du lịch. Thậm chí, nhiều lễ hội đã bị
đứt đoạn suốt mấy chục năm, nhưng đến khi khôi phục thì phục dựng sai
lệch, làm mới tất cả nghi thức. Những tiêu cực như sự cuồng tín, đánh
nhau, xô xát... chủ yếu xảy ra trong những lễ hội được nâng cấp này.
Còn các hội làng trên cả nước, do cộng đồng đứng ra tổ chức vẫn được làm
bài bản, diễn ra rất nghiêm chỉnh và thanh bình. Người dự hội không
phải tranh giành lộc, ấn đến nỗi đánh nhau mà ai cũng vui vẻ, hồ hởi để
mong chờ những điều tốt đẹp.
Vì vậy, tôi rất mong mọi người trẩy hội đầu xuân hãy tìm đến những hội
làng nho nhỏ. Đến với hội làng, mỗi người sẽ cảm nhận được rất rõ nét
đẹp của hồn cốt văn hoá Việt Nam vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua hàng
nghìn đời nay.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét