Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Mai Thanh Sơn: GS HÀ VĂN TẤN - MỘT GÓC NHÌN

 

GS HÀ VĂN TẤN: MỘT GÓC NHÌN 

Mai Thanh Sơn

Vẫn biết là Thầy đã rất yếu, và cái ngày phải xa thầy đã gần lắm rồi. Nhưng cái tin GS Hà Văn Tấn mất đến lúc nửa đêm vẫn khiến tôi thực sự shock. Vậy là một nhà khoa học lớn, một người thầy tận tâm, một nhân cách đáng kính đã vĩnh viễn rời xa chúng ta.

Đêm không ngủ, nằm ngẫm lại mới thấy ảnh hưởng của Thầy đối với mỗi đứa thuộc lớp hậu sinh trong khoa học lịch sử chúng tôi thật không thể hình dung được. Cũng nói thật, lâu nay trong dân gian, và nhất là trong giới chức xuất thân Đại học Tổng hợp Hà Nội, vẫn lưu truyền những câu chuyện về "bộ tứ huyền thoại" trong giới sử học đương đại nước nhà: "Lâm - Lê - Tấn - Vượng" (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, và GS Trần Quốc Vượng). Không ít người coi đó là "tứ trụ" của sử học đương đại Việt Nam. Tôi thì không nghĩ như vậy. Nói rằng, các Thầy là tứ trụ của khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội thì đúng, chứ nói rằng các Thầy là tứ trụ của khoa học lịch sử Việt Nam hiện đại, e rằng hơi quá. Diện mạo sử học đương đại Việt Nam còn có nhiều gương mặt xuất sắc khác: GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Nguyễn Hồng Phong, GS Trương Hữu Quýnh, GS Chương Thâu, cụ Hoàng Xuân Hãn, cụ Phan Khoang, Tạ Chí Đại Trường... Và lớp hậu sinh cũng rất xứng đáng với những gương mặt xuất sắc như GS Nguyễn Quang Ngọc, GS Lâm Mỹ Dung, GS Phạm Quang Minh, sử gia hải ngoại Nguyễn Duy Chính,...
.


Các GS Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê (đứng) cùng với 
GS Trần Văn Giàu và phu nhân - Ảnh Nguyễn Đình Toán chụp ngày 5.9.1995 

Nhưng không thể phủ nhận: "bộ tứ Lâm - Lê - Tấn - Vượng" là những miếng ghép vô cùng quan trọng trong khoa học lịch sử Việt Nam đương đại. Và tôi luôn cảm thấy may mắn, tự hào khi được theo học các Thầy trong suốt thời sinh viên cũng như sau này, khi đã đi làm và học sau đại học. Cá nhân tôi cho rằng, GS Hà Văn Tấn là NGƯỜI KHỔNG LỒ CUỐI CÙNG của khoa học xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay và tương lai, sẽ chẳng bao giờ còn có thể xuất hiện một cá nhân xuất chúng bao trùm trên nhiều lĩnh vực (sử học, khảo cổ học, văn hoá học, cổ văn bản bản học, và Phật giáo học) như GS Hà Văn Tấn. Một mẫu hình như GS Hà Văn Tấn là không tưởng trong tương lai.

Sinh thời, GS Hà Văn Tấn được biết đến với tư cách là một học giả xuất sắc, với những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử cổ-trung đại Việt Nam; một trong những nhà khảo cổ học hàng đầu của đất nước; một nhà nghiên cứu văn hoá có những thành tựu nổi bật; một nhà nghiên cứu Phật giáo học mà độ khả tín khiến không chỉ bạn đọc, mà chính chúng tăng ni cũng phải ngả mũ bái phục. Ông là một trong hai học giả hiện đại của Việt Nam có thể đọc được cổ văn Hán và Phạn (người còn lại là thầy Lê Mạnh Thát - cảm ơn anh Hoàng Hải Vân đã nhắc nhớ). Với khả năng sử dụng thành thạo 8 ngoại ngữ, GS Hà Văn Tấn có khả năng tra cứu/so sánh nhiều nguồn tài liệu khác nhau để thực hiện nghiên cứu và xuất bản những công trình để đời.

Năm 1960, khi mới 23 tuổi, GS Hà Văn Tấn đã có xuất bản phẩm đầu tiên (viết chung với GS Trần Quốc Vượng): "Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam" (Nxb Giáo dục). Từ đó đến nay, ông đã xuất bản hàng chục cuốn sách và hơn 250 bài nghiên cứu trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước. Để đánh giá về các công trình nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn, hậu thế sẽ phải dành ra nhiều thời gian và công sức để đọc/thẩm định/và phân tích. Một bài viết ngắn khó có thể chuyển tải nổi. Chỉ biết rằng, mỗi công trình của ông luôn được giới học thuật hứng thú đón đợi và đánh giá cao. Công trình viết chung với PGS Phạm Thị Tâm "Kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ 13" được nhiều học giả uy tín coi là TUYỆT PHẨM. Đây là một công trình nghiên cứu được trình bày mẫu mực, cấu trúc chặt chẽ, văn phong hàn lâm/trong sáng. Đặc biệt, nguồn sử liệu được các tác giả sử dụng thì vô cùng phong phú, với nhiều nguồn khác nhau, và khả tín. Một công trình nghiên cứu lịch sử nhưng có sức mê hoặc cả những người đọc khó tính nhất.

Đám hậu sinh xuất thân khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội) chúng tôi mỗi khi ngồi với nhau thường hay nói chuyện về các Thầy, nhất là thầy Trần Quốc Vượng và thầy Hà Văn Tấn. (Xin lỗi, hơi vô phép tí, nói theo ngôn ngữ của đám học trò mất nết ham nhậu, là mang các Thầy ra "nhắm"). Với chúng tôi, cả hai Thầy đều là những tấm gương lớn trong học thuật, những nhân cách tuyệt vời trong cuộc sống. Chúng tôi kính trọng và yêu quý cả hai.


Giáo sư Hà Văn Tấn và Giáo sư Trần Quốc Vượng

Nhưng ngẫm lại, cá nhân tôi thấy rằng, hình như vị thế của mỗi Thầy trong tôi có sự khác nhau nào đó. Tôi nể phục, kính trọng, ngưỡng mộ và gần gũi nhiều hơn với GS Trần Quốc Vượng. Ông là Người Tài. Với khoa học, ông là người nhạy bén trong phán đoán, táo bạo trong tư duy, dũng cảm trong thể hiện quan điểm. Với đời thường, ông ngang tàng, phóng khoáng, khoái hoạt. Với các môn đệ, ông luôn bao dung, đôi lúc cưng chiều như con cái. Ông có cái "Ngông" của kẻ sĩ. Ông là một hấp lực rất khó cưỡng. GS Hà Văn Tấn có khác đôi chút. Ông lịch duyệt, chừng mực, chặt chẽ, nghiêm cẩn, kỷ luật, và luôn đòi hỏi cao nhất ở môn đệ của mình. Ông không dễ gần, nhưng cũng không thể rời xa.

Đối với tôi, sự khác biệt lớn nhất giữa GS Trần Quốc Vượng và GS Hà Văn Tấn là ở chỗ: tôi kính trọng, yêu quý và ngưỡng mộ GS Trần Quốc Vượng, nhưng không thể học theo Thầy; còn với GS Hà Văn Tấn, muốn hay không, tôi cũng phải học. Tôi không đủ tài năng cũng như bản lĩnh, nếu học và sống "ngang tàng" theo cách của thầy Trần, thiên hạ đập vỡ thớt ngay. Nhưng đã làm nghề, tôi không thể không học/đọc và sống theo cách của GS Hà Văn Tấn. Bởi lẽ, GS Hà Văn Tấn chính là cha đẻ của bộ môn "Phương pháp luận sử học" ở Việt Nam. Và những nghiên cứu của ông luôn thể hiện sự mẫu mực: chặt chẽ trong cấu trúc, sắc bén trong lập luận, khả tín trong phê phán và sử dụng sử liệu, hàn lâm/trong sáng trong văn phong. Chính vì thế, Ông có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ ở khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà rộng ra là cả ở giới nghiên cứu lịch sử hiện nay trên cả nước.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét