Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

GỬI ÔNG LÊ VĨNH TÂN VÀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI


Chu Mộng Long

GỬI ÔNG LÊ VĨNH TÂN VÀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc tại sao có quá nhiều các loại văn bằng, chứng chỉ cho việc xếp hạng ngạch (kể cả bổ nhiệm), ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói:

"Không chỉ thi thăng hạng hay xét nâng ngạch đâu các đồng chí, mà còn ở quy trình bổ nhiệm. Nhiều quá!” - Bộ trưởng Tân nói.

Ông cho biết, những quy định này không phải mình Bộ Nội vụ đưa ra, mà đã có từ năm 1993, đến nay không còn phù hợp, cần phải chỉnh sửa.

Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi. Thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch... đúng theo quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ nào”.

(Hết trích)

Ghi nhận về việc Bộ Nội vụ nhận khuyết điểm và hứa sửa chữa. Nhưng đổ lỗi do quyết định của 20 năm trước là không trung thực. Chuyện tổ chức thi lấy các loại chứng chỉ "để làm đẹp hồ sơ" mới chỉ rộ lên vài năm nay. Tất cả các hiện tượng tổ chức học và mua bán văn bằng chứng chỉ, biến thị trường văn bằng chứng chỉ thành cái chợ trời, chợ đen bát nháo cũng chỉ mới đây.

Nếu ông Bộ trưởng có thiện tâm sửa chữa thì trước mắt hủy ngay kết quả học và thi các loại văn bằng chứng chỉ vừa rồi mà làm lại từ đầu. Bởi vì đã có quá đông các trường nhanh chân mua bán và hợp thức hóa cho cả triệu công chức, viên chức để giữ ngạch, nâng ngạch và chạy ghế.

Đã quy định đầu ra tiến sĩ, thạc sĩ, hay công nhận giảng viên chính, giáo sư, phó giáo sư phải đảm bảo trình độ chuyên môn, các chuẩn đầu ra tối thiểu về triết học, tâm lý, giáo dục học, ngoại ngữ, tin học,... sau đó sao lại phải học thi các loại văn bằng chứng chỉ đó lần nữa? Không tin vào đào tạo của mình hay dọn đường cho nhiều lần mua bán văn bằng, chứng chỉ để móc túi, trục lợi?

Theo tôi, muốn đảm bảo chất lượng giảng viên, giáo viên, chỉ cần thực hiện 2 hình thức:

1) Rà soát, kiểm tra năng lực của giảng viên, kể cả giáo sư, tiến sĩ. Đơn giản là kiểm tra lý lịch khoa học. Nhiệm vụ của giảng viên được ghi rõ trong luật và điều lệ: nghiên cứu và giảng dạy. Tại nơi tôi đang làm việc, có hơn 80% giảng viên cả đời không có một công trình, bài báo khoa học nào mà vẫn hưởng lương cao ngất. Nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ lấy học hàm, học vị xong, sau đó 5, 10 năm không có một bài báo, công trình nào. Chứng tỏ đó là giáo sư tiến sĩ dỏm, làm giả hồ sơ để chạy học hàm học vị. Không nghiên cứu khoa học thì không thể giảng dạy có chất lượng.

Đối với giáo viên phổ thông, năng lực được xác định bằng khả năng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học, nếu đó không phải là loại sáng kiến đối phó. Nếu các bộ môn ở trường phổ thông chỉ làm đối phó, không đánh giá nghiêm túc năng lực của giáo viên thì đừng trách vì sao phải cào bằng.

Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra chuẩn tối thiểu để xét giữ ngạch, nâng ngạch hoặc hạ ngạch. Cứ ngang ngay sổ thẳng mà làm. Làm bằng máy chứ không tổ chức các Hội đồng, dẫn đến những trò chạy chọt mua bán bát nháo.

Chấm dứt trò chơi bẩn: kẻ có năng lực thì bị hành hạ học đủ các loại chứng chỉ, trong khi kẻ ngu dốt thì thi nhau chạy "hồ sơ đẹp" để ngồi trên đầu thiên hạ.

2) Lập Hội đồng kiểm định khách quan, tổ chức thi sát hạch năng lực theo chu kỳ đối với những trường hợp đặc biệt. Tôi muốn nói đến những trường hợp mới dự tuyển hoặc nghi ngờ có dấu hiệu gian lận bằng cấp, hồ sơ văn bằng mà chưa có chứng cứ xử lý. Nội dung thi phải sát với chuyên môn chứ không bịa ra các loại tri thức trên trời dưới đất.

Không chỉ trong ngành giáo dục. Các ngành khác cũng nên làm như vậy.

Những thành phần yếu kém thì không chỉ hạ ngạch, tước học hàm học vị, mà còn mạnh tay sa thải để những người có năng lực, đặc biệt là sinh viên mới ra trường có cơ hội tham gia vào hệ thống công chức, viên chức.

Khi làm bất cứ điều gì trong vấn đề nhân sự đều phải lường trước hậu quả của sự đối phó, luồn lách để ngăn chặn. Mỗi chính sách đưa ra thường có kẽ hở để các đối tượng, từ hai phía mua và bán, đối phó, luồn lách và làm ăn phi pháp.

Nhân sự là cái gốc của vấn đề. Làm công tác nhân sự tốt thì bộ máy mới trong sạch và vững mạnh. Nếu không thì nó sẽ còn thối nát tận gốc, Đảng có là thánh cũng không cứu nổi.
 
 

1 nhận xét :

  1. Gần trăm năm loay hoay bộ máy!
    Còn bao năm hí hoáy sơn hà?

    Trả lờiXóa