Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

TIN BUỒN: VĨNH BIỆT NGHỆ NHÂN CA TRÙ NGUYỄN VĂN MÙI



.
. .
..

TIN BUỒN 
Chúng tôi vô cùng kính tiếc báo tin:


Nghệ nhân Ca trù
NGUYỄN VĂN MÙI
sinh năm 1930 tại Hà Nội,

đã tạ thế hồi 17h42 ngày 01/7/2019 
(tức ngày 29/5 âm lịch), hưởng thọ 89 tuổi.

Lễ viếng từ 7h đến 8h30 phút ngày 4/7/2019 
(tức 2/6 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354, 
Phố Đội Nhân, Hà Nội.

An táng hồi 10h cùng ngày tại nghĩa trang Ngọc Mạch,
xã Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Nghệ nhân Ca trù Nguyễn Văn Mùi là một trong những nghệ nhân tham gia lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận CA TRÙ là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại. Trong các phim 10 phút, 45 phút, 100 phút bắt buộc phải trình hội đồng UNESCO đều có sự hiện diện của Cụ.
Xin nghiêng mình kính cẩn vĩnh biệt Cụ Nguyễn Văn Mùi - hậu duệ của một dòng họ Ca trù trải 7 đời nối tiếp với các nghệ sỹ bậc thầy: Kép đàn Nguyễn Văn Xuân - Vô địch Đàn Đáy Bắc Hà, Bà Phán Huy (Bà Phẩm - Đệ Nhất Phách Ca trù, làng ca gọi là Phách Phẩm) ... lừng danh Thăng Long một thuở. Cầu nguyện anh linh Cụ thanh thản đoàn tụ cùng chư vị tiên liệt họ Nguyễn.
Nguyện xin các vị Tổ Ca trù Thanh Xà Đại vương và Mãn Đường Hoa công chúa đón Nghệ nhân Ca trù Nguyễn Văn Mùi nhàn du cõi thọ đài xuân muôn thưở âm vang tiên nhạc.
Và thành kính chia buồn cùng các nghệ sĩ: Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Thúy Hòa, các cháu Kiều Anh - Thu Thảo và các con cháu Cụ trước tổn thất lớn lao này.

Đại gia đình 7 đời gìn giữ mạch chảy ca trù
đất Thăng Long


Dân Việt
Thứ Sáu, ngày 05/06/2015 11:42 AM (GMT+7)

Trong mạch chảy văn hóa của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, Ca trù là một niềm tự hào. Mặc dù loại hình nghệ thuật này tồn tại ở nhiều địa phương, nhưng khi gắn bó với mảnh đất thủ đô,được cộng hưởng với nền văn hóa bác học, ca trù thể hiện trọn vẹn những nét tinh túy nhất.

Trong con ngõ nhỏ trên phố Thụy Khuê, có một đại gia đình đã 7 thế hệ gắn bó với ca trù ngay cả những tháng ngày gieo neo nhất. Đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi.

Bảy đời giữ lửa Ca trù

Ở tuổi 85 nhưng nghệ nhân Ca trù Nguyễn Văn Mùi đã có hơn 70 năm tuổi nghề. Ông được nhiều người ví là đệ nhất trống chầu đất Hà thành. Tôi hỏi ông học đánh trống khi nào ông cười hiền bảo: “Không phải là đi học mà là nghề của bố mình, đi theo bố. Cụ đánh đàn đáy ở trong thì tôi ngồi ngoài cửa. Có gia đình nào gọi thì tôi lại cụ để chạy xô tăng thu nhập. Bắt đầu từ 12 tuổi, ban ngày tôi đi học, tối lại đi như thế, không nghe cũng phải nghe nên trống chầu tôi thạo không có ai đánh lại được”.


Nghệ nhân Ca trù Nguyễn Văn Mùi.

Rồi ông trầm ngâm kể về đại gia đình từng 7 đời theo nghiệp Ca trù của mình. Tổ nghề là cụ Nguyễn Đức Ý, đỗ Thủ khoa năm Nhâm Tý sau đó về làm Tri phủ ở tỉnh Hải Dương. Cụ vốn yêu thích nghệ thuật ca trù nên đã học đánh đàn và hát. Khi về hưu cụ truyền dạy cho con cháu trong nhà. Ông Nguyễn Văn Mùi là con cháu đời thứ 5 của cụ Nguyễn Đức Y. Thời Nguyễn gia đình ông còn có bà cô ruột là bà Nguyễn Thị Tuyết - một bậc tài nữ về nghệ thuật Ca trù. Bà từng được giao trọng trách quản lý hệ thống ca vũ trong cung đình Huế thời vua Thành Thái.

Nửa thế kỷ trước, thân sinh ra ông Mùi là cụ Nguyễn Văn Xuân – một nghệ nhân vô địch đàn đáy đất Bắc Hà, được những người yêu ca trù mến mộ. Những nghệ nhân ca trù của gia đình ông chỉ chuyên hát cho các quan từ Tổng Đốc trở lên.

Tới thế hệ các cháu của ông Mùi mà tiêu biểu là ca nương Kiều Anh đã là đời thứ bảy.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cho biết, một chầu hát Ca trù bao gồm: kép đàn (người đánh đàn đáy), ca nương hát và gõ phách, rồi cuối cùng là quan viên tức là trống chầu. Đến nay, có lẽ chỉ ở gia đình ông Nguyễn Văn Mùi mới thể hiện 3 thể cách hát Ca trù là: Cung đình – Cửa đình – Ca quán.

Ông bảo Ca trù muốn nghe thì phải biết ý nghĩa của nó. Rồi ông dẫn ngay ra bài ca trù nổi tiếng “Hồng hồng tuyết tuyết” của tác giả Dương Khuê:

“Ngày xưa Tuyết muốn lấy chồng/ Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì/ Bây giờ Tuyết đã đến thì/ Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già” với nghĩa đen là mối tình “trái khoáy” của một ông già với một cô đào trẻ. Nhưng thực chất nghĩa bóng là sự muộn màng của thời cuộc. Cụ thể thời đó là sự quyết định muộn màng của Vua Thành Thái đánh thực dân Pháp. Ca trù sử dụng ngôn ngữ Hát nói uyên thâm và cả thế giới đều phải công nhận. Đưa Ca trù qua những ngày tháng gieo neo…

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cũng kể về quãng thời gian thăng trầm của nghệ thuật Ca trù. Khi ông trưởng thành thì nghệ thuật Ca trù đã xuống lắm. Sau Cách Mạng tháng 8, thời chiến tranh rồi bao cấp, nhiều nghệ nhân Ca trù đã chuyển sang làm nghề khác. Quãng thời gian đó là 48 năm ông làm nghề lái xe kiếm tiền nuôi sống gia đình và lo cho 5 người con ăn học nhưng cứ nghĩ đến nghiệp tổ để lại trăn trở khôn nguôi. Hết thời gian làm việc là ông lại về nhà cố gắng ghi chép những lời hát cổ và thu âm nhiều làn điệu Ca trù cổ. Ông bảo: “Có nhiều người biết tôi thích Ca trù nên còn tặng tôi cả những đĩa than để thu âm”.

Rồi ngày giỗ trong họ, ông còn tổ chức những canh hát trong gia đình, mời những danh ca, kép đàn nổi tiếng như NSND Quách Thị Hồ, NSƯT Nguyễn Thị Phúc, Phó Thị Kim Đức, bà Nguyễn Thị Phẩm (Phán Huy), bà Trần Thị Ngọ, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ba và một số các nhà nghiên cứu thời ấy như Ngô Linh Ngọc, Nguyễn Xuân Khoát, Chu Hà... tham gia để ôn lại những kỷ niệm của dòng họ, qua đó giáo dục các con có trách nhiệm bảo tồn và tiếp nối truyền thống.

Ông Mùi còn gửi gắm con cái đến những nghệ nhân có tiếng, động viên và hướng các con học đàn, hát ca trù để để giữ nghiệp tổ tiên. Cô con gái út Thu Hòa là học trò chân truyền của NSND Quách Thị Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi từng trăn trở với 5 người con của mình: “Ngày giỗ ông bà, các con chỉ trải chiếu hát Ca trù là bố mãn nguyện rồi. Ban đầu chúng nó cũng không thích đâu vì học cái này rất khó nhưng sau vẫn phải nghe, vẫn phải học và giờ thì làm tốt lắm. Tôi rất yên tâm”.

Cũng chính vì tâm niệm đó mà hai người con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Mạnh Tiến trở thành hai kép đàn, cô con gái Nguyễn Thị Hòa trở thành ca nương có tiếng.

.
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi trong một lần biểu diễn Ca trù.

Và dường như những âm thanh lách cách của tiếng phách, tiếng đàn đáy du dương và những câu hát ngân nga hoà quyện “ngấm” cả vào 2 cô cháu nội của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi. Lúc mới 6 tuổi, Kiều Anh và Thu Thảo đã bắt đầu gõ những nhịp phách đầu tiên và hát một cách say sưa những câu ca trù cổ.

Đến nay, cô cháu gái Kiều Anh của nghệ nhân Mùi đã sử dụng rất tốt vốn Ca trù vào những dòng nhạc pop, rock, trở thành Top 4 Vietnam’s Got Talent và một hiện tượng của cuộc thi Giọng hát Việt 2015.

Năm 1991, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết từ Pháp về Việt Nam làm cầu nối đưa ca trù tới Pháp, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đã có buổi biểu diễn đầu tiên ở Pháp, rồi sau đó là những chuyến lưu diễn ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Nhật, Thụy Sĩ…

Năm 1993, Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi ra đời, như một sự tri ân với tổ tiên và cũng là quyết tâm lấy lại danh tiếng của dòng họ. Hiện nay, Câu lạc bộ còn giữ được 40 làn điệu (kể cả ca vũ) trong tổng số 146 làn điệu Ca trù. Không chỉ nổi danh trong nước, suốt nhiều năm, năm nào gia đình ông Mùi ở nhiều nước trên thế giới. Chương trình nghệ thuật Ca trù của gia đình ông từng được truyền hình trực tiếp trên kênh BBC (Anh) và AFP (Pháp).

Năm 1996, con gái của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi là ca nương Thúy Hòa được trao giải thưởng Cú sốc âm nhạc của Pháp với số lượng đĩa hát phát hành tại đất nước này lên tới 200.000 bản. Đây quả thực là một cú sốc với âm nhạc Việt Nam, buộc người Việt phải nhìn lại di sản mà cha ông để lại.

Từ năm 2000, quỹ Ford cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn tài trợ, CLB ca trù Thái Hà đã tham gia dạy nghề cho gần 30 câu lạc bộ từ Quảng Bình trở ra, đến các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... để vực dậy ca trù.

Nói đến việc ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi không khỏi tự hào: “Khi Việt Nam làm hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể, những người tham gia xây dựng hồ sơ như Giáo sư Tô Ngọc Thanh, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã đến đây, gia đình tôi đã cung cấp nhiều bài hát, nhiều làn điệu mà chỉ có trong họ tộc. Chúng tôi cũng từng đi cùng với các ông đến nhiều nơi để tìm hiểu, rồi cùng các con tham gia xây dựng những đoạn phim để trình UNESCO...”.

Trăn trở với Ca trù…

Đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cũng như CLB ca trù Thái Hà với ca trù vô cùng to lớn, nhưng đến nay, dù đã ở tuổi 85, cái tuổi “gần đất xa trời” như ông nói, ông mới chỉ có danh hiệu Nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian trao tặng. Còn danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú thì vẫn phải “đợi” nhà nước xét duyệt. 

.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi được tặng giải thưởng Đào Tấn.

Ông bảo: “Tôi giữ gìn ca trù là vì tiếc cho một loại hình nghệ thuật vô giá của tổ tông chứ không phải vì danh hiệu, vì sự hỗ trợ nào đó. Những nghệ nhân văn hóa phi vật thể, có mấy ai sống được với nghề của mình đâu. Mặc dù vậy, Nhà nước cũng nên quan tâm, sớm có sự tôn vinh. Bởi những nghệ nhân như chúng tôi còn đếm trên đầu ngón tay như hiện nay, và họ đều đã cao tuổi rồi, họ sẽ không thể chờ lâu hơn nữa”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cũng tâm sự thật, gia đình ông từng ra vài CD về nghệ thuật Ca trù cổ cho công chúng thưởng thức, nhưng cứ ra một cái là bị ăn cắp bản quyền và lấy về làm của riêng mình. Chính điều đó làm ông ngần ngại khi muốn công bố tiếp những tinh hoa của nghệ thuật Ca trù như Múa bỏ bông, múa bỏ bộ từng được trình diễn trong cung đình khi xưa.

Theo Tạp chí Ngày nay online

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét