Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

TƯỞNG NHỚ CỤ MÙI - GẠCH NỐI CỦA DÒNG HỌ CA TRÙ NỔI TIẾNG

Cụ Nguyễn Văn Mùi cầm chầu trong đêm hát ra mắt cuốn sách "Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù" của Nguyễn Xuân Diện, tại Trung tâm Văn hóa Pháp 07.12.2017. Ảnh: Xuân Bình.

TƯỞNG NHỚ NGHỆ NHÂN CA TRÙ NGUYỄN VĂN MÙI
GẠCH NỐI CỦA MỘT DÒNG HỌ CA TRÙ NỔI TIẾNG ĐẤT THĂNG LONG


Nguyễn Xuân Diện

Nghệ nhân Ca trù Nguyễn Văn Mùi đã trút hơi thở cuối cùng hồi 17h42 phút ngày 01/7/2019 (tức ngày 29/5 âm lịch). Hưởng thọ 89 tuổi. Lễ viếng Cụ sẽ được bắt đầu từ 7h đến 8h30 phút ngày 4/7/2019 ( tức 2/6 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354, phố Đội Nhân, Hà Nội.


Nghệ nhân Ca trù Nguyễn Văn Mùi là một trong những nghệ nhân tham gia lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận CA TRÙ là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại. Trong các phim 10 phút, 45 phút, 100 phút bắt buộc phải trình hội đồng UNESCO đều có sự hiện diện của Cụ.

Cụ Nguyễn Văn Mùi là hậu duệ của một dòng họ Ca trù trải 7 đời nối tiếp với các nghệ sỹ bậc thầy: Kép đàn Nguyễn Văn Xuân - Vô địch Đàn Đáy Bắc Hà, Bà Phán Huy (Bà Phẩm - Đệ Nhất Phách Ca trù, làng ca gọi là Phách Phẩm) ... lừng danh Thăng Long một thuở.
 

Trong những năm khó khăn về kinh tế thời bao cấp, và cũng là lúc cả xã hội vùi dập nghệ thuật và nghệ sĩ Ca trù, chính Cụ Nguyễn Văn Mùi đã âm thầm hướng cho các con học và giữa nghề tổ. Cụ chính là một GẠCH NỐI quan trọng giữa XƯA và NAY, để gìn giữ và nối tiếp một dòng họ ca trù nổi tiếng của đất Thăng Long.  

Tưởng nhớ Cụ Nguyễn Văn Mùi, xin giới thiệu một bản phả hệ vắn tắt dòng họ cụ. Cầu nguyện anh linh Cụ thanh thản đoàn tụ cùng chư vị tiên liệt họ Nguyễn.
_______________

Giáo phường Ca trù Thái Hà 

và việc gìn giữ nghệ thuật ca trù  

Ca trù còn lại được đến hôm nay chính là nhờ các đào kép xưa đã từng sống trong các giáo phường truyền lại.

Thái Hà là tên một trang ấp nằm phía Nam kinh thành Hà Nội. Đây là nơi xưa kia có các ca quán và các giáo phường cư trú. Thái Hà xưa có đền thờ tổ ca trù, gọi là đình Ca công, là nơi các giáo phường về hát trong ngày giỗ tổ.

Nhóm Ca trù Thái Hà là một giáo phường Ca trù đã lưu truyền được nghệ thuật ca trù qua 7 đời.

- Cụ tổ là Nguyễn Đức Ý, Thủ khoa Cử nhân năm 1852. Cụ từng làm quan Tri huyện huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Cụ hiện có để lại 8 bài thơ ca trù đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

- Đời thứ 2 là Nguyễn Đức Bồi. Cụ là một Quản giáp. Cai quản công việc của giáo phường.

- Đời thứ 3 là cụ bà Nguyễn Thị Tuyết và cụ ông Trưởng Bảy. Cụ Nguyễn Thị Tuyết là người có tiếng Phách rất chuẩn mực, có giọng hát được nhiều người hâm mộ. Cụ Trưởng Bảy trở thành nhân vật trong các tác phẩm văn học của Nguyễn Tuân - nhà văn nổi tiếng Việt Nam.

- Đời thứ 4: Cụ Nguyễn Văn Xuân - vô địch Đàn Đáy Bắc Hà, và bà Phán Huy (Bà Phẩm - Đệ Nhất Phách Ca trù).

- Đời thứ 5: Ông Nguyễn Văn Mùi – nghệ nhân dân gian.

- Đời thứ 6: Các tay đàn Nguyễn Văn Khuê (Nghệ sĩ Ưu tú), Nguyễn Văn Tiến, đào nương Thúy Hòa.

- Đời thứ 7: Hai cháu Nguyễn Kiều Anh, Nguyễn Thu Thảo.

Giáo phường Thái Hà đã gìn giữ nghệ thuật ca trù qua nhiều biến động của thời cuộc, được mời đi nhiều nước để biểu diễn ca trù như Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Triều Tiên, Nhật Bản…Năm 1996, Thái Hà đã nhận Danh hiệu “Cú Sốc Âm Nhạc” tại Pháp và có tên trong danh sách các đoàn nghệ thuật tiêu biểu của Nhà Văn hóa Thế Giới tại Pháp. 


Trong những năm khó khăn về kinh tế thời bao cấp, và cũng là lúc cả xã hội vùi dập nghệ thuật và nghệ sĩ Ca trù, chính Cụ Nguyễn Văn Mùi đã âm thầm hướng cho các con học và giữa nghề tổ. Cụ chính là một GẠCH NỐI quan trọng giữa XƯA và NAY, để gìn giữ và nối tiếp một dòng họ ca trù nổi tiếng của đất Thăng Long. 


 Một hình ảnh của Ấp Thái Hà xưa. 
.
Cụ bà Nguyễn Thị Tuyết - người có tiếng Phách rất chuẩn mực, 
có giọng hát được nhiều người hâm mộ.

Cụ Trưởng Bảy - một nhân vật trong các tác phẩm văn học của Nguyễn Tuân.

  Cụ Nguyễn Văn Xuân - vô địch Đàn Đáy Bắc Hà

Bà Phán Huy (Bà Phẩm - Đệ Nhất Phách Ca trù).

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi và các con cháu trong một chầu hát Ca trù. Ảnh: Internet.

Các nghệ nhân nghệ sĩ trong đêm hát buổi lễ ra mắt cuốn sách "Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù" của Nguyễn Xuân Diện. Trong đó ca nương Thúy Hòa, con gái cụ hát các bài thơ của Cụ Tổ, do Nguyễn Xuân Diện phát hiện và in trong cuốn sách. Ảnh: Xuân Bình.



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét