Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

GS.Hoàng Xuân Phú: HOÀNG TỤY - MỘT NHÀ KHOA HỌC ĐÍCH THỰC


MỘT NHÀ KHOA HỌC ĐÍCH THỰC
Hoàng Xuân Phú
Khi được đề nghị viết bài nhân dịp một nhà toán học quen biết tròn 80 tuổi, tôi đã nhận lời ngay. Đến lúc ngồi loay hoay gặm bút mới biết là mình đã lỡ dại... Viết về một người rất nổi tiếng khó quá. Nếu sai thì mang vạ vào thân. Mà nếu đúng thì thường lại kể toàn những chuyện mọi người đã biết, dễ bị chê cười là làm cái việc quá thừa, như thể ngây ngất khen trời cao, hay nói một cách toán học thì là hì hục cộng epsilon (đại lượng vô cùng bé) với một số quá lớn.
Nhưng đã trót nhận lời rồi thì từ chối sao được? Không thể lấy lý do là mình thiếu thông tin, vì đã hơn 20 năm cùng làm việc ở Viện Toán học và cùng nghiên cứu một chuyên ngành là toán tối ưu. Dù vậy, nói một cách nghiêm túc, thì tôi cũng chưa thực sự hiểu rõ về thân thế và sự nghiệp của Cụ. Thôi thì nghĩ gì viết nấy, để cùng mọi người chia sẻ đôi chút suy tư về một nhà khoa học đáng kính.

Người ấy là ai?

Ở Viện Toán học, những ai hơn tôi khoảng 3-4 tuổi trở lên thì thường gọi người ấy là “Anh”, kém tôi 2 tuổi đã gọi là “Bác” hay “Thầy”, có lẽ chỉ một mình tôi gọi là “Chú”. Khi nói sau lưng, chúng tôi khá giống nhau trong việc dùng chữ “Cụ”. Còn trong các cuộc họp thì trịnh trọng hơn, mọi người thường gọi nguyên văn là “Giáo sư Hoàng Tụy”.
Vào khoảng năm 1977, khi tôi đang học toán tại trường Đại học Tổng hợp Leipzig, thì Cố Giáo sư Lê Văn Thiêm đến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức. Có nghiên cứu sinh đặt câu hỏi: “Hiện nay ai là nhà toán học Việt Nam có uy tín nhất trên thế giới?” Giáo sư trả lời là “anh Hoàng Tụy”. Nhận định ấy của người được coi là cha đẻ của nền toán học hiện đại Việt Nam và lúc đó đang là Viện trưởng Viện Toán học làm tôi rất ngỡ ngàng, bởi lẽ suốt thời gian học phổ thông, tôi được nghe, được đọc về những huyền thoại khác hẳn. (Trong những giấc mơ mà các thầy thường dắt chúng tôi bước vào để ấp ủ ước vọng cho tương lai, không thấy xuất hiện “ông Bụt” nào mang tên “Hoàng Tụy”.)
Sau đó tôi chọn chuyên ngành toán tối ưu, tình cờ đúng với chuyên ngành của Cụ. Nhờ đó có điều kiện để dần dần nhận ra rõ hơn chân dung của một nhà toán học nổi tiếng người Việt. Các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực toán tối ưu bấy giờ đã rất hay nhắc đến tên tuổi và công trình của GS Hoàng Tụy. Những lúc Cụ đến giảng bài ở các trường đại học nước ngoài hay trình bày báo cáo ở các hội nghị khoa học quốc tế thì người ta nhiệt tình đón nhận. Đôi khi, vì lý do gì đó mà Cụ phải hủy kế hoạch thì một số người lấy làm tiếc. Và kể cả lúc Cụ vắng mặt, vẫn có nhiều chuyên gia đề cập, so sánh và phát triển tiếp các kết quả của Hoàng Tụy. Cùng có mặt ở châu Âu, nhưng chúng tôi mới chỉ là học trò, còn Cụ thì đã là bậc thầy – thầy của nhiều thầy vẫn dạy chúng tôi.
Vào những năm tháng mà quê hương còn rền vang bom đạn, Việt Nam luôn nằm ở tâm điểm của thời sự quốc tế. Du học ở các nước bạn bè, lưu học sinh ta thường được ưu tiên giúp đỡ, và cũng hay được ngợi ca. Người ta thường khen dân mình dũng cảm và chiến đấu giỏi. Nghe vậy cũng tự hào lắm. Nhưng nghĩ kỹ hơn thì bỗng thấy bâng khuâng. Hình như có điều gì đó không ăn khớp cho lắm, khi bạn ca ngợi ta kiên cường chiến đấu chống lại kẻ thù, nhưng chính bản thân họ thì lại cổ động cho chính sách “chung sống hòa bình”. Hơn nữa, anh thích không khi người ta chỉ khen có vậy? (Đại khái là “giỏi đánh nhau, còn làm ăn thì...”)  Người ta vẫn khen lưu học sinh ta chăm, nhưng nhắc đến chữ “chăm” nhiều hơn chữ “giỏi”, và dù “chăm” hay “giỏi” thì mình đến quê người vẫn chỉ để học. Giữa hoàn cảnh phải sống dựa vào sự cưu mang nơi đất khách, việc mấy nhà khoa học xuất sắc như GS Hoàng Tụy từ trong nước sang châu Âu dạy đã an ủi và đem lại nhiều niềm tin cho thế hệ lưu học sinh chúng tôi thời ấy.
Một sự nghiệp vinh quang
Sinh ra trong một gia đình dòng dõi, nhưng như hầu hết dân ta, bản thân Hoàng Tụy cũng hứng trọn mọi gian truân của một thời khốn khó. Bếp lửa lạnh tanh, bụng đói cồn cào. Trường lớp lưa thưa, thiếu thầy và vắng cả học trò. Trong hoàn cảnh ấy, vẫn bền bỉ theo học và tự học, để rồi lúc 20 tuổi Thầy Tụy đã dạy Toán ở trường Lê Khiết (Quảng Ngãi) và 9 năm sau đó (1955) đã là giảng viên của trường Đại học Khoa học (nay thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). 60 năm qua, Thầy Tụy đã tận tâm đào tạo bao thế hệ học trò, từ học sinh, sinh viên, đến tiến sĩ, dắt họ bước vào đời và đóng góp trên mọi lĩnh vực ở mọi miền của Tổ quốc.
Từ khi làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở trường Đại học Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp vào năm 1959, Thầy chính thức dấn thân vào một cuộc “tu hành” mà ta thường gọi là sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Tôi dùng chữ “tu hành” vì khắc khổ lắm, khó khăn lắm. Biết bao người vì ngưỡng mộ “cao danh” nên đã từng thử “xuống tóc”, nhưng rồi không trụ nổi, mấy năm sau cũng đành rời “cửa Phật”. Như vậy cũng là rất bình thường. (Ở một vài nước, rất nhiều thanh niên còn phải trải qua một giai đoạn tu luyện trong chùa.) Có điều, nhiều người đã “hoàn tục” rồi mà vẫn khoác tiếp “áo cà sa”, để làm “bằng”... “khất thực”. Thậm chí, có người bỏ “chùa” vì biết mình không “có duyên với Phật pháp”, nhưng lại quay ra lớn tiếng phủ định, như thể vì xa lánh “hư danh” nên mới không thèm “thành chính quả”.
Còn quá sớm để tổng kết sự nghiệp khoa học lớn của GS Hoàng Tụy, bởi nó vẫn tiếp diễn với cường độ và chất lượng không giảm. Nếu chỉ tạm tính đến tháng 7 năm 2007, GS đã có khoảng 155 công trình đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội nghị quốc tế.
Có lẽ cần phải giải thích thêm về chữ “công trình” được dùng ở đây. Giữa thời buổi mà “dân... sĩ” bùng nổ, kinh phí nghiên cứu khoa học được rải xuống cả cấp huyện, rồi công trình khoa học mọc lên nhiều như nấm, thì biết đâu con số 155 vẫn còn là khiêm tốn? Nhiều khi, người ta chỉ bỏ ít thời gian để cóp nhặt chút kiến thức có sẵn (thậm chí là sơ đẳng) của thiên hạ, ghép lại thành cái gọi là công trình nghiên cứu của bản thân, nếu có chứa đựng điều gì hơi mới thì không khéo lại sai hay thực ra là bịa đặt, rồi đăng trong tạp chí khoa học của trường nhà hoặc mấy kỷ yếu tự biên. Đối với những nghiên cứu kiểu ấy thì để đạt đến con số hàng chục hay hàng trăm công trình đâu phải là quá khó?
Nhưng 155 công trình của GS Hoàng Tụy thì hoàn toàn khác hẳn. Đấy là những công trình sáng tạo nghiêm túc, có giá trị cao và tuyệt đại đa số đã được đăng ở các tạp chí quốc tế có uy tín (xem thống kê trên MathSciNet, phiên bản Web của Mathematical Reviews). Nếu một nghiên cứu sinh là đồng tác giả của 1-2 bài báo nghiêm túc và đảm bảo chất lượng, được liệt kê trong MathSciNet, thì đã có thể đủ để được trao học vị tiến sĩ toán học. Nếu một đời nghiên cứu mà có được 10 bài xuất hiện xuất hiện trên các tạp chí quốc tế có uy tín thì đã có thể hài lòng rồi, vì ngay cả mấy hình tượng mà báo chí nước nhà vẫn hay ca ngợi cũng chưa đạt được chỉ tiêu ấy.
Nhìn từ góc độ này để hiểu thêm giá trị của 155 công trình mà Hoàng Tụy là tác giả hoặc đồng tác giả. Nhưng như vậy cũng mới chỉ hiểu được một phần. Điều đáng nói hơn là: Trong số đó có nhiều bài báo hết sức độc đáo, có những bài mang tính tiên phong, khai sinh ra cả những hướng nghiên cứu mới cho toán học. Bài báo đăng năm 1964 trên Doklady của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô là một ví dụ. Nó đã đưa Hoàng Tụy trở thành cha đẻ của chuyên ngành tối ưu toàn cục (Global Optimization). Không chỉ có công sinh thành, mà sau gần nửa thế kỷ, GS vẫn là người thuyền trưởng vững tay chèo lái con tầu quốc tế ấy. Hai giáo sư Nhật Bản Hiroshi Konno và Takahito Kuno đã từng viết trong Journal of Global Optimization (1999):
 “... ông trở thành người dẫn đường của lĩnh vực ‘tối ưu toàn cục’ đang phát triển của chúng ta... Hoạt động của ông không hề giảm đi mà thậm chí còn tăng lên trong những năm gần đây. Ông luôn thúc đẩy mọi người bằng những ý tưởng mới. Rất hy vọng rằng ông sẽ tiếp tục là người dẫn đường của lĩnh vực này trong thật nhiều năm nữa.”[2]
Takahito Kuno còn đăng trong The Optimization Research Bridge (2002) một bài rất thú vị với tựa đề “Ảnh của Giáo sư Tụy - Ông Già Tuyết đến từ một đất nước phương nam” (Photos of Professor Tuy - Santa Claus coming from a Southern Country), trong đó có đoạn:
“... và GS Tụy đến thăm Nhật Bản thường xuyên hơn. Mỗi lần ấy, ông đem đến cho chúng tôi những quà tặng tuyệt vời, đó là những ý tưởng nghiên cứu. Vâng, đối với chúng tôi, những nhà nghiên cứu Nhật Bản, thì ông chính là Ông Già Tuyết đến từ một đất nước phương nam.”[3]
Ông Già Tuyết (một hình tượng được sáng tạo trong dân gian, thường do ai đó đóng vai), được coi là đến từ phương bắc để phát quà cho trẻ em, mà quà thì thực ra do chính bố mẹ và người thân các cháu mua sắm. Nhưng đối với Konno và Kuno thì Ông Già Hoàng Tụy (một nhân vật có thật, bằng xương bằng thịt 100%) lại đến từ phương nam và tặng ý tưởng nghiên cứu cho các nhà khoa học, những ý tưởng của chính bản thân ông. Ai đã từng thực sự tự lực nghiên cứu đều biết ý tưởng là quí hiếm lắm. Vậy mà Cụ Tụy thì lại có rất nhiều ý tưởng khoa học để đem cho, cho cả mấy ông giáo sư Nhật Bản. Một hình ảnh so sánh “nặng ký” và độc đáo biết bao!
Những thành quả phát minh phong phú tích đầy theo năm tháng đã được GS Hoàng Tụy và đồng tác giả tổng hợp trong ba cuốn sách chuyên khảo, in tại Springer-Verlag và Kluwer Academic Publishers, hai nhà xuất bản hàng đầu của thế giới khoa học tự nhiên. Trong đó có cuốn được giới chuyên môn quốc tế coi là “sách giáo khoa cơ sở” (fundamental textbook) hay “Kinh thánh” (Bible) của chuyên ngành tối ưu toàn cục, nghĩa là quyển sách mà những người theo “đạo” này phải thường xuyên đọc và nghiền ngẫm. Mấy ai được hưởng niềm vinh hạnh ấy?
Trong bài kể trên, Takahito Kuno còn giải thích:
“Lý do khiến tôi gọi ông là Ông Già Tuyết không chỉ có vậy. Ông ấy không có tuổi! Mặc dù khi tôi gặp lần đầu thì tóc ông đã bạc trắng, nhưng nay ông vẫn giống hệt như thời ấy.”[4]
Đúng là mái tóc của GS Hoàng Tụy đã bạc trắng từ khi còn rất trẻ, nên thời gian cũng không làm nó bạc hơn được nữa, gây cho người ta cảm tưởng là “mãi mà Cụ vẫn vậy”, giống như Ông Già Tuyết muôn thủa vẫn giữ nguyên tuổi tác.
Một lần thuyết trình ở Viện Toán học cách đây khoảng 5-7 năm, tôi bỗng thấy giọng nói của Cụ yếu hẳn. Trong lòng tự nhiên tràn lên một nỗi buồn man mác: “Thế là một thời oanh liệt đã dần qua. Đành vậy, chứ có ai tránh được đâu?” Nhưng dường như có được phép màu, mấy năm nay giọng Cụ hùng hồn trở lại. Chẳng biết Cụ có nguồn năng lượng mãi tái sinh hay không, mà sát 80 tuổi vẫn còn tràn đầy sức sống. Những tưởng sau gần nửa thế kỷ cống hiến với nhiều thành công rực rỡ, trong đó có việc thiết kế và xây dựng lâu đài tối ưu toàn cục nguy nga, với những đỉnh tháp như qui hoạch lõm (Concave Programming) và qui hoạch D.C. (D.C. Programming), Cụ đã có thể mãn nguyện gác bút nghỉ ngơi và dành thời gian luyện thiền cho trường thọ. Nhưng không! Khoảng mười năm nay Cụ lại hăm hở lao vào dựng lên những ngọn tháp mới như qui hoạch đơn điệu (Monotonic Programming) và qui hoạch D.M. (D.M. Programming). Càng làm càng hăng, càng năng suất. Riêng hai năm 2005 và 2006, Cụ đã có 8 công trình được thống kê ở MathSciNet, trong khi những khoa học gia đang ở độ tuổi trẻ trung, sung sức, nếu mỗi năm làm được một vài bài thì đã đáng ngưỡng mộ lắm rồi. Gần 80 tuổi mà còn sáng tạo được như GS Hoàng Tụy thì quả là hiếm có trên thế giới toán học.
Giữa cuộc đời trần thế
Nghe mãi thành quen, nhiều người lại tưởng là chuyện hiển nhiên. “Chắc Cụ luôn được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt, sáng ăn yến, tối ngậm sâm, nên mới ‘cầy khỏe’ như vậy! Giống như các ông tiên ở trên trời, bay và biến thì có gì là lạ?” Nhưng thực ra Cụ cũng là “người trần, mắt thịt”, cũng ăn, cũng ở và cũng thở như ta.
Biết số sách báo in ở nước ngoài thì chắc mọi người đều mừng cho Cụ. Trước hết là mừng cho thành tựu nghiên cứu và danh tiếng của tác giả. Sau đó, một điều đôi khi không tiện nói thẳng, là mừng cho thu nhập của Cụ. “Chắc Tây trả nhuận bút cao lắm, đâu phải như những khoản... không đủ tiền thuốc nước ở đất mình”. Khốn nỗi, đối với những công trình đăng trên các tạp chí toán học quốc tế thì tiền nhuận bút chỉ là chuyện không tưởng. Bình thường thì phải hàng tháng, thậm chí hàng năm lăn lộn mới sinh ra được một bài. Nộp bản thảo đi rồi, phải chờ đợi và bị phản biện “hành hạ” đến 1-2 năm. Cuối cùng, nếu có được đăng thì cũng chẳng được một đồng nhuận bút nào hết!!! Thậm chí một số tạp chí còn gợi ý cơ quan của tác giả đóng góp tiền cho họ. (Chỉ... 72 USD cho mỗi trang của bài báo.)
“Vậy thì tại sao các ông còn vùi đầu viết lách?” Tôi đã phải nghe và trả lời câu hỏi ấy mấy lần. Nhưng lần nào cũng bất lực. Cố giải thích mãi mà người ta vẫn không thể hiểu nổi. Rồi đâm ra lúng túng, thấy mình cũng ngu... Hoặc là ngu vì không lý giải nổi sự cao sang của nghề mình theo đuổi. Hoặc là ngu vì đã chọn một cách sống lập dị chẳng giống ai. Bình tĩnh lại, chỉ tìm được cách an ủi kiểu “AQ”: Mình đã chọn kiếp làm chim thì phải cố mà hót chứ sao? Nếu được trả tiền mới hót thì đâu còn là chim nữa?
Thực ra, như mọi viên chức khác, “chim làm Toán” cũng được nhà nước trả lương. Có lần tham gia một cuộc đối thoại, mấy bạn trẻ đặt câu hỏi là “lương Giáo sư được bao nhiêu”, thì Cụ Tụy trả lời đại ý là “cũng đủ để trả tiền điện nước và điện thoại”. Tôi không thích cách trả lời đó, vì sợ người ta lại hiểu lầm là gia đình Cụ quen xài sang nên mới tốn kém.  Sao Cụ không nói thẳng xem lương nhà nước cấp cho các giáo sư là bao nhiêu? Hay Cụ coi đó là “bí mật quốc gia”, vì nếu lộ ra, để bọn trẻ biết được, thì chẳng còn đứa nào dại dột mà theo chân Cụ chui vào khoa học cơ bản nữa?
Cụ không muốn kể về thu nhập của mình thì tôi cũng không thể viết liều, nhưng xin tả chút cảnh hậu trường để dân tình chia sẻ. Tất nhiên, tôi sẽ tránh nêu những con số cụ thể, kẻo nhỡ sau này Chính phủ chỉnh lương (cho tất cả mọi người) thì thiên hạ lại tưởng là tôi bịa đặt.
Ai cũng biết lương của giáo viên phổ thông là thấp, nên thông cảm với việc dạy thêm. Mấy lần tôi đến thăm một thầy giáo cũ thì lại hay trùng với lúc thầy phải dạy thêm ở nhà dưới. Biết tôi là giáo sư và tiến sĩ khoa học đã lâu, chắc thầy nghĩ là lương tôi cao lắm, nên có lẽ không thông cảm được. Vì thế thầy thường ám chỉ về đồng lương “quá đói” của mình. Tôi cũng thành tâm tin là vậy. Nhưng do chưa biết cách thể hiện sự đồng tình tuyệt đối nên có lẽ thầy nghĩ tôi vẫn “chưa thủng”. Rồi một lần, như muốn làm rõ trắng đen, thầy hỏi thẳng: “Lương giáo sư của cậu được bao nhiêu?” Tôi thành thật trả lời... Khi biết lương tôi còn “đói” hơn thì thầy bỗng chựng lại, rồi... quay sang nói chuyện sức khỏe. Và từ đó, không bao giờ thầy bàn với tôi về chuyện lương lậu nữa.
Nhiều người biết là lương của các giảng viên đại học và của cán bộ các viện nghiên cứu cũng thấp, nhưng cứ tưởng là thấp như nhau. Nếu như thế thì cũng phải thôi, vì cùng một đẳng cấp chất xám, lại làm việc trong cùng một chế độ, trên cùng một xứ sở, nên cứ ke bằng cấp và thâm niên công tác vào bảng lương ắt phải thu được những đại lượng tương đương. Song chẳng hiểu vì sao mà lương của cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản được nâng rất chậm, đến nỗi khi giảng viên của các trường đại học đến làm nghiên cứu sinh thì có thể hơn thầy hướng dẫn mấy bậc lương, mặc dù họ kém thầy về học vị, về học hàm và cả về tuổi tác. Một anh bạn tôi, khi làm thủ tục chuyển công tác từ viện về trường đại học, đến cấp nào của cơ quan mới cũng phải giải đáp câu hỏi: “Có bị kỷ luật không mà bằng nấy tuổi đầu mới lên được bậc lương ấy?” Anh giải thích thế nào cũng xa lạ với họ như chuyện cổ tích Nam Cực. Nhưng rồi “ở hiền gặp lành”, sau hơn một năm “chuyển khẩu” cũng chứng tỏ được rằng xét cả “hồng” lẫn “chuyên” thì quả thật là anh “vô tội”. Vậy là họ thông cảm, linh động chỉnh bù lên cho mấy bậc lương.
Đấy là mới nói về bậc lương theo ngạch. Ngoài ra còn có khoản cộng thêm phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, bằng 25% đến 50% của mức lương theo ngạch. Khoản này thì các cơ sở giáo dục công lập đều được hưởng, còn các viện lại không, mặc dù các viện cũng tham gia công tác giáo dục “như ai”. Nếu bỏ qua những giờ mà từng người tự động làm với các trường thì vẫn còn nhiều thời gian giảng dạy cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh, được thực hiện trong chương trình chính thức của các viện. Bản thân GS Hoàng Tụy đã nhiều năm giảng dạy phổ thông và đại học, đã từng 8 năm (1961-1968) làm Chủ nhiệm Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ khi chuyển về Viện Toán học, Cụ vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy ở trong và ngoài viện. Dạy sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Dạy cho trò, cho thầy và cho cả thầy của thầy nữa. Vậy mà Cụ cũng không nằm trong diện được hưởng phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và không được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân hay Nhà giáo Ưu tú. Tại sao?
Ai cũng quen biết một vài giáo viên, không dạy đại học thì cũng dạy phổ thông, nên cũng có thể tìm hiểu mức lương của họ. Có dữ liệu rồi thì cứ áp vào những thông tin vừa kể, chắc đoán được GS Hoàng Tụy và các đồng nghiệp ở các viện nghiên cứu cơ bản được trả lương thế nào. Nhớ là phải trừ đi các khoản phụ cấp, như phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo mà cán bộ ở viện nghiên cứu không được hưởng.
Nếu bàn về lương, người ta hay bình luận: “Các anh đâu có sống bằng lương?!” Vậy những nhà khoa học chân chất, không chức, không quyền thì sống bằng gì? Một số nhà quản lý cấp tiến phán rằng phải sống bằng kinh phí đề tài và hợp đồng ứng dụng. Đây là câu chuyện rất dài, dài đến nỗi không thể gói vào bài viết này được. Chỉ xin đề cập một chút thôi.
Đất nước mình nghèo nên kinh phí có thể dành cho nghiên cứu khoa học hiển nhiên là ít. Rồi dần dần, khi kinh tế phát triển và tỷ trọng ngân sách dành cho khoa học tăng lên thì kinh phí cũng nhiều hơn. Tuy còn lâu mới đủ để cho các nhà khoa học sống và làm việc tử tế, nhưng cũng đã đến lúc những người nghiêm túc phải băn khoăn, so sánh với mức độ đóng góp của mình cho xã hội và với thu nhập của bà con nông dân vẫn một nắng, hai sương... Đấy là bàn trên phương diện toàn cục, dưới giả thiết là kinh phí dành cho khoa học được phân bổ và sử dụng hợp lý, để thấm đều đến tất cả những người làm khoa học đích thực. Còn trên thực tế thì như... nước dội lá sen. Càng dội thì càng trơn tuột. Phần chảy trở về “nguồn” được coi là “lại quả”, chỗ nước dồn đọng được gọi là “trọng điểm đầu tư”, và nhiều khi cả “nguồn” lẫn “trọng điểm” đều chỉ là “họ hàng xa” của khoa học. Kết quả là tốn rất nhiều tiền để... gia tăng tha hóa. Còn những nhà nghiên cứu chất phát thì vẫn không có đủ tiền để sống và làm việc.
Bức tranh chung thì như vậy. Còn trong “làng Toán” thì, dù làm việc ở trường hay ở viện, những người nghiên cứu khoa học có thể đăng ký tham gia đề tài nghiên cứu cơ bản. Kinh phí của một đề tài nghiên cứu cơ bản với khoảng 10 thành viên, trong đó có cả giáo sư, phó giáo sư và đại trà là tiến sĩ, có thể chỉ tương đương với một đề tài dành cho 2 người (một tiến sĩ và một kỹ sư) ở một số ngành khác. Nếu cộng cả lương cơ bản, lương điều chỉnh và các loại đề tài, thu nhập của một giáo sư ở một viện nghiên cứu cơ bản có khi chỉ bằng một người vừa tốt nghiệp cử nhân tin học và đi làm cho một công ty trong nước. Còn với con cháu mới làm việc cho các công ty nước ngoài đóng trên đất Việt thì chẳng đọ làm gì cho thêm khập khiễng. Cho nên, cái lý luận “sống bằng kinh phí đề tài” mà một số người đang cổ động nghe chừng còn “đuối” lắm. Hơn nữa, xin nói nhỏ với mấy nhà quản lý quá cấp tiến rằng: Ở các nước tiên tiến mà tôi biết, các nhà khoa học chỉ được dùng kinh phí đề tài do mình lập ra để mua sắm thiết bị, vật tư... và trả lương cho những thành viên đề tài chưa được nhận lương từ nguồn khác, chứ không được phép dùng kinh phí đó để trả thù lao thêm cho bản thân, bởi họ đã được trả lương rồi, nghĩa là họ cũng phải sống bằng lương chứ không phải bằng thu nhập từ đề tài. Chính GS Hoàng Tụy đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này rồi.
 Bàn về phương sống một thời của các nhà khoa học thì không thể không đề cập đến những chuyến đi công tác nước ngoài. Nhờ may mắn được xuất ngoại mà họ mới “cõng” gia đình vượt qua được một thời túng quẫn, thậm chí còn có “của ăn, của để”. Bình thường thì “lộc ngoại” cũng ở mức vừa phải thôi, vì phía bạn không định giúp mình làm giàu, mà nhiều khi bản thân họ cũng chẳng giàu.
Khoảng năm 1982, GS Kloetzler, lúc ấy là Chủ tịch Hội Toán học Cộng hòa Dân chủ Đức, mời GS Hoàng Tụy đến trường Đại học Tổng hợp Leipzig, thời đó còn mang tên Các Mác. Ông giao cho tôi nhiệm vụ thuê phòng khách sạn. Lúng túng, không biết phải tìm cỡ phòng nào, tôi hỏi: “Merkur có được không?” Đấy là tên một khách sạn thuộc loại sang nhất ở Leipzig, mới được một nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng. “Được! Hoàng Tụy xứng đáng được hưởng như thế!” - ông Kloetzler trả lời dứt khoát. Tôi đến đó, hỏi giá loại phòng rẻ nhất là bao nhiêu và nhận được câu trả lời là 40 USD mỗi ngày. Đấy là giá “rùng mình”, nằm ngoài tầm mộng mơ của chúng tôi ngày ấy, vì nếu tìm cách mua (lậu) USD thì cũng phải bỏ ra cả một tháng học bổng nghiên cứu sinh của tôi, hay 1/4 tháng lương của thầy (giáo sư Cộng hòa Dân chủ Đức) thì mới đủ để trả tiền ở khách sạn một ngày. Biết chắc là theo nguyên tắc của các nước Xã hội chủ nghĩa như Cộng hòa Dân chủ Đức thì thầy mình cũng không moi đâu ra được USD để thanh toán một cách chính thức tiền phòng cho khách, nên tôi đặt tiếp câu hỏi: “Trả bằng Mark (tiền của Cộng hòa Dân chủ Đức) có được không?” Câu trả lời của người đại diện khách sạn Merkur là “không”, và tôi có được cái cớ để rút lui mà không bị bẽ mặt. Khi nghe tôi báo cáo lại kết quả khảo giá thì GS Kloetzler rất lúng túng. Có lẽ ông ngượng với tôi còn hơn cả mức mà tôi ngượng với khách sạn Merkur. Cuối cùng, ông ấy đưa GS Hoàng Tụy về nghỉ trong căn hộ mượn của một người bà con, tình cờ đi du lịch vào đúng dịp ấy. Thế đấy, mặc dù trọng hết mức, quí hết mức, nhưng bạn nghèo giúp nhau cũng chỉ được đến vậy.
Bây giờ đi lại dễ hơn, đô-la được lưu thông tự do, không bị cấm đoán nữa. Nhưng hiệu quả kinh tế của những chuyến tha phương cũng giảm hẳn. Tiền nhận được có thể nhiều hơn, nhưng chẳng đủ để bù lại giá trị vật chất bị giảm sút. Chỉ những trường hợp làm việc lâu dài ở nước ngoài mới mong được hưởng đồng lương đáng kể. Số còn lại, với những lần xuất ngoại ngắn hạn, thường được phía bạn cho một khoản phụ cấp, như kiểu công tác phí ở nước mình, để trả tiền khách sạn và bù vào chi phí nẩy sinh hàng ngày. Nếu sống cho đàng hoàng (tương ứng với cái danh của mình và cách nghĩ của phía bạn) thì chẳng sót lại là bao. Tính cả chi phí đối đáp ngoại giao thì có khi còn “âm”.
Dù là khách trong cùng một nước hay khách đến từ nước khác, như Việt Nam, đều được hưởng một mức phụ cấp như nhau. Nghe có vẻ rất bình đẳng, song khác nhau ở chỗ: lương họ cao và khi đi công tác thì vẫn được giữ nguyên, còn mình lương đã thấp mà khi đi công tác lại còn bị cắt hoặc bị giảm, thậm chí có thời gian còn phải nộp cho nhà nước và các cấp quản lý một phần khoản tiền mà phía bạn cho để bù đắp chi phí phát sinh. Hơn nữa, nhiều khi phải chắt chiu từ khoản tiền ấy mà mua cả vé máy bay, vì phía bạn cho rằng hiển nhiên kinh phí đi lại do phía mình chu cấp, còn với ta thì đấy chỉ là chuyện viễn tưởng.
Phía bạn luôn quan niệm là các nhà khoa học sống chính bằng lương nhận từ cơ quan chủ quản. Nên nếu có làm gì cho cộng đồng khoa học thì cũng làm không công. Ở nước họ thì lương đủ để “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, còn nước mình lại không. Nên đôi khi cũng rơi vào hoàn cảnh rất trớ trêu. Tôi đã từng tham gia hướng dẫn một nghiên cứu sinh châu Âu 3-4 năm liền, rồi cuối cùng còn làm phản biện cho luận án, mà hoàn toàn không được thù lao một đồng nào. Đến hôm bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh ấy thì thầy bỗng trở thành kẻ lang thang, không nơi nương tựa. Theo thông lệ của bạn thì tiền tàu xe và khách sạn cho phản biện từ nơi khác đến do chính cơ quan của phản biện chi. Cơ quan của tôi ở Việt Nam thì tất nhiên không chi, đối với nơi đang ghé thăm thì tôi chỉ là khách, làm sao có thể xin họ chi cho mình đến một nơi khác để làm cái việc chẳng dính gì đến họ được? Để gỡ thế bí, phía tổ chức buổi bảo vệ đề nghị tôi cung cấp tên một bài giảng, giả vờ là tôi đến đấy thuyết trình, để lấy kinh phí chi tiền tàu và khách sạn cho tôi. Tôi trả lời: “Tôi đã nộp bản phản biện rồi. Nếu bây giờ trường anh cảm thấy vẫn cần sự có mặt của tôi trong buổi bảo vệ thì phải chi khoản ấy, còn nếu không thì tôi cũng không cần phải đến nữa, vì vắng một mình tôi thì buổi bảo vệ vẫn có thể diễn ra bình thường.” Cuối cùng thì phía bạn đành phải thay tôi, sáng tác ra tên bài giảng ngụy trang ấy.
Dân mình quen chịu khổ, kiểu gì cũng sống và vươn lên được. Thay vì dùng số tiền bạn cho thêm để sống cho đàng hoàng thì lại tiết kiệm, đến mức không tiết kiệm hơn được nữa. Thành thử mới dư ra được chút đỉnh cho gia đình. Không thể khác thì đành làm vậy thôi, chứ nhiều khi cũng thấy rất tủi cho thân phận người dân nước nghèo.
Đã qua rồi cái thời mấy trăm đô-la cũng là tài sản lớn, với mấy ngàn đô-la đã dựng được cả cơ ngơi. Nên bây giờ nếu các nhà khoa học có đi công cán nước ngoài thì nhiều khi cũng chỉ là chuyến xa nhà bất đắc dĩ, trước hết vì yêu cầu nghề nghiệp, phải trao đổi và hợp tác chuyên môn với đồng nghiệp tứ phương. Chứ xét về hiệu quả kinh tế thì còn kém xa so với bạn bè có cùng hàm lượng chất xám nhưng bám trụ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Kể vậy để người ngoài tham khảo thôi, chứ không phải kêu ca, tị nạnh với ai đâu. Im lặng mãi, ai đó lại tưởng đang bận “ngậm... kim cương làm ngọt”, rồi dễ xảy ra nghịch cảnh là người áo rách ghen với kẻ ở trần. Điều quan trọng nhất ở đây là để ta hiểu nhau, và hiểu hơn giá trị lớn lao của những thành tựu tuyệt vời mà GS Hoàng Tụy đã đạt được giữa cuộc đời hoàn toàn trần thế.
Gánh nợ sĩ phu
Đáp lại những lời chúc mừng và ca ngợi của các đại biểu tham dự Hội thảo Tối ưu và Tính toán khoa học lần thứ 5 (Ba Vì – 2007) nhân dịp Cụ 80 tuổi, GS Hoàng Tụy tâm sự: “Tôi thấy mình còn mắc nợ nhiều lắm...”. Cụ bộc bạch chân tình, mà lại làm người nghe rơi vào lúng túng. Mình chưa làm được gì mấy mà sống vẫn vô tư, còn Cụ công lao cao như thế thì lại thấy mắc nợ nhiều. Đúng là gánh nợ muôn thuở của sĩ phu đa mang.
Có lẽ muốn sớm trả được “nợ nước” nên cách đây nửa thế kỷ GS Hoàng Tụy đã cùng với cố GS Lê Văn Thiêm và một số nhà khoa học tiên phong nỗ lực xây dựng nền khoa học và giáo dục Việt Nam. Là những nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc, chắc hẳn ngày ấy các Cụ đã thừa hiểu là phải kết hợp nghiên cứu với giảng dạy đại học, nên đã bắt đầu dựng nghiệp tại trường Đại học Khoa học, sau này nhập vào thành trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng do những dông tố vu vơ của một thời ấu trĩ, hai Cụ phải dứt áo ra đi. Rồi sát cánh bên nhau thành lập Viện Toán học và cùng với các đồng nghiệp tài năng xây dựng nó trở thành một cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu ở Việt Nam, được thế giới biết đến. Đấy là một trong những thành công lớn nhất của đời Cụ. Làm được điều đó, một phần quan trọng cũng nhờ vào thuận lợi của giai đoạn lịch sử đặc biệt, thường gọi là thời kỳ bao cấp, khi mà còn nhiều người giỏi, vô tư, đam mê theo nghề toán và khoa học tự nhiên, lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Nếu bây giờ mới bắt đầu khởi sự, khi mà nền kinh tế thị trường sơ khai đang thu hút sự quan tâm của xã hội theo những hướng khác, thì chẳng riêng gì toán, mà cả nền khoa học tự nhiên của Việt Nam cũng khó mà hình thành và phát triển được. Nói một cách nghiêm túc, nền khoa học tự nhiên Việt Nam là một trong những thành tựu còn lại của mấy chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thay vì phải cố mà duy trì thành quả ấy, một số người lại cứ đòi đưa hay phân các viện nghiên cứu khoa học cơ bản về các trường đại học. (Nghe chuyện ấy có lẽ GS Hoàng Tụy cũng thấy đau lòng, như thể mình đã lỡ góp phần sinh ra dị tật, để hậu thế phải tìm cách khắc phục.) Nhưng làm vậy để làm gì? Nếu chỉ hoán vị Viện Toán học một cách nguyên vẹn về một nơi nào đó trong Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cũng chỉ như chuyển phòng khách từ tầng một lên tầng hai. Còn nếu xé lẻ Viện Toán học để đưa đều về các trường đại học thì bình quân mỗi trường chỉ thêm được chưa đến một người, không đủ để tác động đáng kể đến số giờ lên lớp, lại càng không đủ để thay đổi bức tranh nghiên cứu khoa học ở đó.
Đúng là chất lượng nghiên cứu khoa học trong phần lớn các trường đại học Việt Nam là quá yếu, đến mức không thể chấp nhận được và phải nhanh chóng tìm cách khắc phục. Nhưng nguyên nhân của sự yếu kém ấy nằm ngay trong chính các trường đại học và cơ chế quản lý của nhà nước, chứ sự tồn tại của các viện nghiên cứu cơ bản hoàn toàn chẳng có tội tình gì cả. Vin vào các viện để bào chữa cho sự yếu kém của công tác nghiên cứu trong các trường đại học thì chẳng khác gì đổ tội cho mấy trung tâm thể hình gần nhà làm mình lười tập thể dục. Có ai cấm đoán hay ngăn cản các giảng viên đại học nghiên cứu khoa học đâu? Kinh phí nghiên cứu thì họ cũng được phân một cách bình đẳng. Số giờ giảng dạy quá nhiều là do các trường (vì những lý do tốt xấu khác nhau) cứ tuyển sinh nhiều hơn hẳn so với khả năng đảm nhận. Các viện nghiên cứu cũng đã xắn tay vào cuộc từ lâu, cộng tác giảng dạy đại học ở các trường, đồng thời đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở ngay chính các viện. Nếu vẫn chưa đủ để “chia lửa”, góp phần giải quyết nhu cầu giáo dục nóng bỏng của xã hội, thì hãy cho các viện nghiên cứu đứng ra thành lập thêm các trường đại học. Các cá nhân đã được quyền thành lập trường đại học từ lâu, vậy mà tập thể những viện nghiên cứu lớn của nhà nước, với hàng trăm, hàng nghìn cán bộ khoa học cao cấp, lại phải chầy chật... Bản thân GS Hoàng Tụy đã đề xuất một phương án tích cực, nhưng cũng không xong. Hình như có một cái gì đó lấn bấn, khó nói thẳng ra, nhưng hễ cất tiếng thì lại hay vang lên bài “phải đưa các viện nghiên cứu cơ bản về các trường đại học”. Để biện hộ, một số người còn nói bừa rằng “ở các nước tiên tiến không có viện nghiên cứu nằm ngoài các trường đại học”. Biết bình luận sao đây về cái kiểu nói lấy được ấy, khi tôi đang viết những dòng này tại Viện Max Planck về Toán học trong Khoa học tự nhiên, một trong nhiều (tối thiểu là 5) viện nghiên cứu toán học nằm ngoài hệ thống các trường đại học của Cộng hòa Liên bang Đức?[5]
Những tưởng GS Hoàng Tụy sẽ kịch liệt phản đối việc “chuyển viện” này, vì nó phủ định nỗ lực dựng xây của bao người, trong đó có bản thân Cụ. Nhưng hầu như tôi không nghe thấy Cụ đề cập đến vấn đề này. Có lẽ vì mối lo của Cụ lớn hơn, tầm lo của Cụ cao hơn, liên quan đến nền giáo dục, nền khoa học của cả nước và tương lai của dân tộc.
GS Hoàng Tụy đã đóng góp nhiều rất ý kiến về các lĩnh vực khác nhau, nhưng tựu chung là làm sao để dân giàu, nước mạnh và xã hội văn minh. Một trong những vấn đề mà Cụ đề cập nhiều nhất là về vấn đề giáo dục. Nếu tra cứu bằng Google thì sẽ thấy cụm từ “Hoàng Tụy” + “giáo dục” xuất hiện trên Web khoảng 2210 lần (7/2007), trong đó tất nhiên có cả bài của những người khác bình luận hay trích dẫn ý kiến của Hoàng Tụy về giáo dục. Cụ bức xúc đến nỗi đã từng phải kêu lên:
Cách đây khoảng 4-5 năm, tôi đã từng cảnh báo về thực trạng giáo dục nước ta hiện nay là rất nguy kịch trên báo chí, nhưng mà không ai nghe hoặc nghe rồi để đấy. Nay tình hình càng nguy kịch, rất nguy kịch! Và chúng ta phải cứu, phải cứu con em chúng ta khỏi cái nguy kịch đó.”
(Trả lời phỏng vấn của GS Hoàng Tụy trên Tạp chí Ngày nay - 20/10/2003)
Trả lời câu hỏi Điểm yếu nhất của chất lượng giáo dục là gì?” GS đã thẳng thắn chỉ ra:
Dĩ nhiên đó là sản phẩm của giáo dục còn quá bất cập đối với yêu cầu công cuộc xây dựng kinh tế xã hội. Con người được đào tạo ra không chỉ yếu kiến thức, kém thực hành, mà phần khá đông còn kém bản lĩnh, thiếu sáng kiến chủ động, ít chịu khó suy nghĩ độc lập, thích làm theo, bắt chước, hơn là sáng tạo. Nghiêm trọng hơn nữa, thói gian dối trong nhà trường thả sức phát triển, dẫn đến sự ra đời cả một công nghiệp hỗ trợ học đường kỳ quái bằng sản xuất phao, làm thuê luận văn, thi thuê, v.v..., nghĩa là giúp cho một số người học giả mà vẫn có bằng thật.
(Hoàng Tụy - Cần khẩn trương hiện đại hoá giáo dục - 27/7/2004)
Một số người trong ngành thì phản đối, nhưng dư luận chung thì đồng tình và cảm ơn Cụ đã lên tiếng. Thực ra, nhà nào mà chẳng có con hay cháu đi học, nên có ai lạ gì thực trạng ấy? Ấy vậy mà có những vị vẫn tỏ ra không biết. Khi báo chí cảnh báo về những trường hợp “ngồi nhầm lớp”, học đến lớp 5, lớp 6 mà vẫn chưa đọc thông viết thạo, thì còn cố ngụy biện rằng đấy chỉ là những trường hợp cá biệt. Trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2007, vừa mới nghiêm túc bước đầu, thì hàng loạt trường có phần lớn học sinh bị trượt, vậy có còn cá biệt nữa hay không?
Nếu có bị phê phán về chất lượng giáo dục thì người ta thường lôi khó khăn về kinh phí ra làm lá khiên chống đỡ. Nhưng làm sao đỡ kín được tứ phương? Thuở tôi đi học phổ thông cấp 2 (lớp 5-7), trường phải sơ tán mỗi nơi một lớp để tránh bom Mỹ. Lớp tôi dựng cạnh một ngôi chùa, ở giữa đồng mông quạnh. Đến ghế băng bằng gỗ cũng không có, nên chúng tôi phải lấy 3 đoạn tre ghép lại với nhau, để ngồi học, cứ nhấp nhổm vì đau... Vậy mà cô giáo vẫn chỉ đạo lấy 2 khúc gỗ xoan, đục lỗ, xuyên qua đó một đoạn tre rồi dựng lên cạnh lớp, làm xà đơn để học môn thể dục. Khi tôi học cấp 3 (lớp 8-10), có xà đơn và xà kép cho nam, xà lệch và cầu thăng bằng cho nữ - một nửa là thầy trò tự làm. Vẫn chưa đủ, cô giáo thể dục huy động học sinh đóng mấy cọc tre làm cốt, rồi lấy đất thịt đắp lên làm “cừu” để tập nhảy. Những năm tháng sống dưới bom đạn, bát cơm không có mà ăn, cái quần lành không có để mặc, mà tiết thể dục còn được các thầy cô lo liệu, thu xếp như vậy. Còn bây giờ, giữa thời buổi no đủ, xe máy chạy chật đường, quán chơi điện tử mọc khắp nơi, sân gôn lấn sân tennis, thì tiết thể dục ở các trường được tổ chức thế nào? Mọi người cứ thử hỏi con cháu mà xem! “Dạo này con học gì trong tiết thể dục ở trường?” Dù lớp 5, lớp 9, hay lớp 12, câu trả lời thường gặp là “chạy” hoặc “nhảy xa”. Không mấy khi có chuyện nhảy cao. Các môn thể dục dụng cụ như xà đơn, xà kép, xà lệch, cầu thăng bằng hay nhảy cừu, nhảy ngựa thì có lẽ bị “tuyệt chủng”. Ở các trường trọng điểm giữa những thành phố lớn đã như thế, chứ đừng nói đến vùng sâu, vùng xa. Thành thử nhiều cháu bây giờ cao hơn bố, béo hơn mẹ, nhưng vén tay áo lên thì chẳng thấy cơ bắp đâu cả. Giáo dục thể chất teo biến như vậy thì lấy gì để biện minh cho kết quả giáo dục toàn diện?
Về tình hình giáo dục ở bậc đại học, GS Hoàng Tụy đã từng viết:
“Từ lâu chúng tôi đã báo động sự tụt hậu của đại học còn nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần so với giáo dục phổ thông.”
(Hoàng Tụy - Chấn hưng giáo dục trong tình hình mới - Tia sáng - 8/8/2006)
Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Cụ. Có điều, từ “tụt hậu” có vẻ như nghiêng về khía cạnh chương trình và chất lượng giảng dạy chuyên môn. Nhưng tôi lại e rằng tình trạng đạo đức của một số giảng viên đại học còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Có lần, mấy cháu sinh viên kể cho tôi câu chuyện sau:
“Mỗi lần kiểm tra, sinh viên phải mang phong bì đến nộp cho cô. Đôi khi, nghe chừng thu nhập chưa đủ, cô lại nói là ‘bài vừa rồi các em làm chưa tốt, nên bây giờ làm thêm một bài nữa, rồi bài nào điểm cao hơn cô sẽ lấy’. Vậy là phải nộp phong bì một lần nữa...”
Các cháu thản nhiên kể hết chuyện này đến chuyện khác, lại còn cười rúc rích, như thể đấy là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nghe mà đau thắt cả tim. Mới chỉ gặp gỡ mươi phút đầu xuân, cốt để chúc tết, vậy mà các cháu đã buột miệng, hồn nhiên kể ra chuyện ấy, thì thử hỏi trong các quí vị hữu quan, còn ai là không nghe, không thấy? Dẫu biết là có rất nhiều giảng viên tốt, thậm chí là rất tốt, dẫu biết rằng chuyện trên chỉ kể về một “cô... sâu” cụ thể, nhưng khi chuyện tệ hại như vậy có thể công khai diễn ra ở một trường đại học lớn, mà sinh viên mặc nhiên chấp nhận, đồng nghiệp không phản ứng và bộ máy quản lý vẫn để yên, thì đánh giá là đạo đức xuống cấp có nhẹ quá hay không? Có lẽ, trầm trọng nhất không phải là có cá nhân phạm lỗi, mà ở chỗ cộng đồng đã coi đó là bình thường và làm ngơ. Nếu cứ để những chuyện kiểu ấy tái diễn mãi thì sẽ đào tạo ra sản phẩm gì và tương lai sẽ đi về đâu? Đứng trước một thực trạng giáo dục như vậy, những người yêu nước thiết tha như Cụ Tụy ngồi yên làm sao được?
Đã viết nhiều bài báo và trả lời nhiều cuộc phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đã gặp nhiều nhà lãnh đạo cao cấp để phản ánh và kiến nghị, nhưng biết rõ còn lâu mới đủ, GS Hoàng Tụy đã nẩy ra sáng kiến tổ chức một xê-mi-na, với sự tham gia của nhiều nhân vật có tiếng, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học ở trong nước và ở nước ngoài, để thảo luận về tình hình giáo dục nước nhà và bàn biện pháp cải cách, chấn hưng. Qua 5 buổi làm việc nghiêm túc, tiến hành từ tháng 3 đến tháng 5/2004, nhiều ý kiến phong phú đã được nêu ra. Không phải lúc nào cũng dễ thống nhất với nhau, nhất là khi bàn về giải pháp khắc phục, nhưng đều nhất trí đánh giá thực trạng là nghiêm trọng và tình hình là cấp bách. Tất cả đều xuất phát từ đáy lòng, nên dù có không đồng tình hoàn toàn thì vẫn hiểu và tôn trọng ý kiến của nhau.
So với các tên tuổi nổi tiếng tham gia xê-mi-na như Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Nguyên Ngọc, Việt Phương, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Tụy... thì tôi là người trẻ nhất và vô danh. Nhưng không phải vì thế mà phải co ro. Ngược lại, các cuộc thảo luận thực sự là bình đẳng và dân chủ.
Để hạn chế tiêu cực và nạn dạy thêm, GS Hoàng Tụy đặt vấn đề:
 “Phải tăng lương chính thức cho đủ để giáo viên sống được mức sống tương đối dàng hoàng chỉ bằng lương đó thôi, không phải làm thêm những việc khác để kiếm thu nhập phụ (mà thật ra là chính vì phụ nhưng bằng 3, hay 4 lần lương chính). Phần thu nhập thêm này cũng từ ngân sách và tiền đóng góp của dân thôi, cho nên nếu ngành giáo dục cải cách việc sử dụng tiền bạc trong ngành, khắc phục lãng phí và tham nhũng tràn lan, thì hoàn toàn không cần tăng thêm ngân sách, không cần tăng học phí và đóng góp của dân cũng thừa đủ để trả lương đàng hoàng cho giáo viên.”
Đúng là như vậy. Singapore đã cho ta một bài học rất thuyết phục của việc tăng lương để chống tham nhũng. Nhưng tôi vẫn bày tỏ phân vân: Lương nhà giáo chiếm một tỷ trọng rất lớn trong quĩ lương toàn quốc, nên có đủ tiền để tăng thêm không? Đã được phụ cấp ưu đãi giáo dục 25%-50%, nếu các nhà giáo lại được tăng lương thêm nữa thì các thành phần khác thế nào? Bộ đội, công an, cán bộ quản lý các cấp..., tất cả đều túm lấy cái thang dây nối lên trời, đòi tăng lương để tránh tiêu cực, thế là quá tải, cả làng... cùng rơi bịch. Hơn nữa, đối với những thầy cô dạy thêm để kiếm sống thì là một nhẽ, còn với những người dạy thêm để làm giàu thì tăng lương bao nhiêu mới đủ để hết dạy thêm? Khi thiếu thốn đã góp phần làm đạo đức méo mó và dẫn đến tiêu cực, nếu chỉ đổ thêm tiền vào thì có đủ để làm đạo đức tròn trĩnh trở lại hay không?
Cụ Tụy đề nghị mở rộng qui mô đào tạo đại học để có thể dung nạp được nhiều sinh viên hơn, qua đó mà giảm sức cạnh tranh trong thi cử và giảm nhu cầu học thêm. Điều đó chắc chắn phải làm, vì qui mô đào tạo của ta vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế và của xã hội. Nhưng mở rộng với tiến độ nào thì lại phải bàn cho kỹ. Tôi lo rằng hiện nay qui mô đào tạo đã vượt xa khả năng đảm nhận của đội ngũ giảng viên đại học, và nếu cứ mở thêm trường, thêm lớp trong khi không có đủ giảng viên đảm bảo chất lượng thì có nghĩa là ngành giáo dục mở thêm chợ bán... hàng giả. Để thể hiện cụ thể hơn ý kiến của mình, tôi đã viết một bài tham luận xê-mi-na với nhan đề “Bàn về qui mô đào tạo đại học từ góc độ chất lượng giảng viên”, sau này có đăng trên hai số báo Pháp luật Chủ nhật ngày 3/10 và 10/10/2004.
Không khí sinh hoạt thẳng thắn như vậy. Chẳng phải tôi có ý nói ngược lại Cụ Tụy đâu, mà chỉ bàn luận để Cụ tham khảo thêm và cân nhắc đầy đủ hơn, để mỗi ý kiến Cụ đưa ra càng có lợi cho Dân, cho Nước. Đấy cũng là một cách đóng góp nho nhỏ, hợp với tầm của tôi, vì cỡ tôi mà có nói ra thì cũng chẳng mấy người để ý, còn khi Cụ nói, nếu các quan chức không gật gù tán thưởng thì có lẽ cũng phải bực mình, mà bực tức là họ đã nghe một nửa rồi.
Cuối cùng, các thành viên tham gia xê-mi-na đã gửi cho các cấp lãnh đạo cao nhất một bản kiến nghị. Khi đó cũng gây được sự chú ý và có lẽ cũng có tác dụng ít nhiều. Nhưng mâm cỗ nào mà chẳng nguội dần? Thời ấy, kiến nghị này và một loạt bài tham luận của các thành viên xê-mi-na được để trên một số trang Web, kể cả trang Web của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn bây giờ thì hình như hầu hết chúng đã... bỏ Web ra đi.
Chẳng chịu dừng ở đó, GS Hoàng Tụy vẫn kiên trì tiếp tục đóng góp ý kiến về mọi vấn đề bức xúc của xã hội. Chắc phải đến khi nào Cụ cảm thấy hết nợ mới thôi. Mà chí sĩ như Cụ thì có bao giờ hết mang nợ vào thân?
Sáng mãi với thời gian
Tôi viết bài này khi đang công tác ở Leipzig, nơi tôi đã được đón tiếp GS Hoàng Tụy cách đây một phần tư thế kỷ. Tuy ở xa, nhưng trong mắt tôi vẫn hiện lên hình ảnh của Cụ, đang cặm cụi bên chén trà mà Cụ Bà mới rót, lặng lẽ sáng tạo ra những công trình khoa học để đời. (Tôi cố tình viết đậm, với ý nhấn mạnh những đóng góp thầm lặng mà rất lớn lao của Cụ Dương Thị Ngọc Anh, Người Bạn Đời đã để lại những dấu ấn rất đậm nét trong sự nghiệp vinh quang của GS Hoàng Tụy.)
GS Takahito Kuno ví GS Hoàng Tụy như Santa Claus đến từ một nước phương nam. Một hình tượng hay quá, đến mức khó chọn được hình ảnh nào hay hơn nữa. Nhưng tôi vẫn mạo muội liên tưởng đến hình ảnh của một ánh Sao Kim. Vì Sao Kim rất “đa diện”. Lúc bình minh thì lung linh với tên gọi Sao Mai. Khi hoàng hôn lại rực rỡ trong tư cách Sao Hôm. Và lúc nào cũng đẹp nên còn được mệnh danh là Venus (tên thần Vệ Nữ). Với mắt trần thì Sao Kim là thiên thể sáng thứ ba trên bầu trời, chỉ kém Mặt Trời và Mặt Trăng. Vậy mà mỗi khi tỉnh dậy, hối hả bước vào ngày mới, thì chẳng mấy ai để ý. Để rồi đến lúc màn đêm buông xuống, lại ngỡ ngàng trước ánh hào quang. Hoàng Tụy mà mọi người dễ nhận ra và hay ca ngợi trên báo chí mới chỉ như một ánh Sao Hôm – một người yêu nước, yêu dân thiết tha, luôn trăn trở bàn cách chống lại cái nghèo, cái dốt. Hoàng Tụy mà mọi người còn ít biết đến như một ánh Sao Mai – một nhà khoa học xuất sắc, rất sáng trên bầu trời khoa học nước nhà.

Thời gian trôi qua không chỉ bào mòn vật chất, mà còn làm thay đổi cả những giá trị tinh thần. Nhiều bạn bè cũ bỗng trở nên xa lạ, kẻ thù năm xưa nay lại thành đối tác làm ăn. Ký ức về những năm tháng hào hùng lùi dần vào dĩ vãng. Vị thế của những chiến thắng quân sự được đổi bằng bao xương máu cũng có đổi thay. Nhưng nhiều giá trị văn hóa thì vẫn ở lại mãi với thời gian, trong đó chắc phải kể đến những thành tựu nghiên cứu khoa học mà GS Hoàng Tụy đã đóng góp cho đời.

Xin chúc mừng Cụ và kính chúc Cụ thật sung sức để tỏa sáng dài lâu!
Leipzig, ngày 12/7/2007
An Authentic Scientist
Hoang Xuan Phu
Institute of Mathematics, Vietnamese Academy of Science and Technology
18 Hoang Quoc Viet Road, Hanoi, Vietnam
hxhu@math.ac.vn, phu@iwr.uni-heidelberg.de
http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/

(Dedicated to Professor Dr. Dr. h.c. mult. Hoang Tuy on the occation of his 80th birthday)

Tác giả là Giáo sư, Tiến sĩ, công tác tại
Viện Toán học, 18 Đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
hxphu@math.ac.vn, phu@ iwr.uni-heidelberg.de
http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/

[2] “... he became the leader of our emerging field ‘Global Optimization’... His activities never diminished and even accelerated in recent years. He always inspired us with new ideas. We very much hope that he will continue to be the leader of our field in many more years to come.”

[3] “... and Professor Tuy himself came to visit Japan more frequently. Every time he brings us wonderful presents of research ideas. Yes, he is just Santa Claus coming from a southern country for us, the researchers in Japan.”

[4] “The reason I call him Santa Claus is not only it. He is ageless! Although he was already a white-haired man when I first met him, he is still the same as him at that time.”

[5] Ở Cộng hòa Liên bang Đức (với khoảng 82 triệu dân, ít hơn dân số Việt Nam) có rất nhiều viện nghiên cứu hoàn toàn nằm ngoài hệ thống các trường đại học. Hiệp hội Max Planck (Max Planck Society) có 80 viện nghiên cứu, với 12.000 cán bộ trong biên chế và 9.000 nghiên cứu sinh cùng các nhà khoa học đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó có Viện Max Planck về Toán học (Max-Planck-Institute for Mathematics, thành lập 1981) ở Bonn và Viện Max Planck về Toán học trong Khoa học tự nhiên (Max-Planck-Institute for Mathematics in the Sciences, thành lập 1996) ở Leipzig. Hiệp hội Fraunhofer (Fraunhofer Society) có 56 viện nghiên cứu với 12.500 cán bộ nhân viên, trong đó có Viện Fraunhofer về Thuật toán và Tính toán khoa học (Fraunhofer-Institute for Algorithms and Scientific Computing, thành lập 1992) ở Sankt Augustin và Viện Fraunhofer về Toán Công nghiệp (Fraunhofer-Institute for Industrial Mathematics, thành lập 1995) ở Kaiserslautern. Hiệp hội Leibniz (Leibniz Association) có 84 viện nghiên cứu với 13.000 cán bộ nhân viên, trong đó có Viện Weierstrass về Giải tích và Xác suất Ứng dụng (Weierstrass Institute for Applied Analysis and Stochastics, thành lập 1991) ở Berlin. Chỉ riêng Viện Weierstrass ở Berlin có đã 102 nhân viên, tức là tương đương với quân số của Viện Toán học ở Hà Nội. Đặc biệt, “già nhất” trong 5 viện nghiên cứu toán học đang tồn tại ở CHLB Đức là Viện Max Planck về Toán học ở Bonn, được thành lập 1981 (12 năm sau khi Viện Toán học ở Hà Nội ra đời), còn 4 viện kia đều mới được thành lập trong những năm 1990. Điều đó cho thấy việc xây dựng các viện nghiên cứu ở ngoài hệ thống các trường đại học không phải là một xu hướng lỗi thời. Hơn nữa, Viện Max Planck về Toán học ở Bonn được tách ra từ trường Đại học Tổng hợp Bonn và Viện Fraunhofer về Toán Công nghiệp ở Kaiserslautern được tách ra từ trường Đại học Tổng hợp Kaiserslautern, tức là họ không đem một viện nghiên cứu độc lập nhập vào trường đại học mà làm ngược lại.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét