Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Từ 2 Đề thi: VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC THÌ HÀ NỘI THUA TP HCM


Lã Minh Luận

TRIẾT LÍ GIÁO DỤC ĐƯỢC THỂ HIỆN THẾ NÀO QUA HAI ĐỀ THI TUYỂN SINH 9 VÀO 10 MÔN NGỮ VĂN CỦA HÀ NỘI VÀ TP HỒ CHÍ MINH?

Hôm qua (02/6/2019), tôi viết bình luận đề thi Tuyển sinh 9 vào 10 môn Ngữ văn của Sở GD & ĐT Hà Nội. Hôm nay, tôi tiếp tục bình luận đề thi của Sở GD & ĐT - TP Hồ Chí Minh. Lời đầu tiên, tôi phải khẳng định rằng trong nhiều năm gần đây, đề của TP HCM ra rất hay. Cách ra đề như thế vừa phản ánh được cái triết lí giáo dục đã được đổi mới, vừa yêu cầu người dạy - người học môn Ngữ văn phải thay đổi tư duy và phương pháp tiếp cận môn học trên tinh thần khai phóng. Bài viết này tôi trình bày theo mấy phần như sau:


I. BÌNH LUẬN ĐỀ THI CỦA SỞ GD & ĐT CỦA TP HỒ CHÍ MINH

1. Về hình thức, đề thi ra rất khoa học, cấu trúc đề 3 phần cân đối và gọn, phân bố điểm cho các câu hỏi cũng rất hợp lí, không quá chênh lệch. Không sai sót về cấu trúc cú pháp.

2. Về nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả dạy - học - thi, hầu hết các ngữ liệu lấy bên ngoài sách giáo khoa. Yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức (lí thuyết) cái đã biết để thực hành trên một văn bản chưa biết. Chẳng hạn:

- Câu 1 (3 điểm): Lấy một ngữ liệu trên sách, báo, yêu cầu thí sinh phải vận dụng các kiến thức tiếng Việt và đọc hiểu văn bản trong trường học để trả lời các câu hỏi. Ví dụ: kiến thức tiếng Việt (liên kết văn bản ở câu a); kiến thức đọc - hiểu văn bản (câu b, c); tư duy phản biện (câu d)...

- Câu 2 (3 điểm): Đưa ra “Câu chuyện của những cái cây” (hình vẽ trực quan đi kèm ngôn ngữ - nêu vấn đề và cách ứng xử của chúng) một cách ngắn gọn, súc tích, hàm súc. Sau đó yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn (nêu suy nghĩ, phân tích, bình luận, so ánh, đối chiếu... về 3 cách ứng xử của 3 cái cây, rồi tự rút ra bài học cuộc sống cho chính mình).

- Câu 3 (4 điểm): Cho thí sinh tự chọn 01 trong hai đề nhưng đề nào cũng rất mở. Nếu Câu 2 và 3 thiên về kiểm tra kiến thức xã hội thì đề này lại thiên về văn học. Kiểm tra, đánh giá việc học văn và cảm thụ văn chương của thí sinh... Tuy nhiên, văn chương luôn gắn liền với thực tế đời sống mà không tách dời. Chẳng hạn:

+ Đề 1, lấy ngữ liệu từ một tác phẩm đã học đấy nhưng không gò, áp đặt, mớm cho thí sinh vào những điều đã biết, mà thí sinh được tự do phát biểu theo cách hiểu của mình, sau đó liên hệ, đối sánh với thực tế cuộc sống.

+ Đề 2, lấy một ngữ liệu thơ nằm ngoài chương trình học, yêu cầu thí sinh cảm thụ, cảm nhận và chứng mình một “chân lí” bằng chính những trải nghiệm của mình trong thực tế.

II. ĐỐI SÁNH vỚI ĐỀ THI TUYỂN SINH CỦA SỞ GD & ĐT HÀ NỘI

1. Nhìn vào hình thức cấu trúc của hai đề thi, người đọc đã thấy đề thi của Hà Nội rất bất hợp lí. Đề HN chia làm 2 phần: Phần I (7 điểm), Phần II (3 điểm).

2. Nhìn vào nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, thì:

- Phần I. Đưa ra một ngữ liệu (bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh) rồi yêu cầu thí sinh phải “khảo cổ, khai quật” toàn bộ những kiến thức ĐỌC HIỂU VĂN BẢN đã được thầy cô “bú mớm” trong quá trình học tập. Tức là chỉ kiểm tra trí nhớ của một con vẹt, hoàn toàn thụ động trong tư duy. Chẳng hạn như Câu 4, gò “cảm nhận” của thí sinh vào 01 đoạn văn, với điều kiện phải có câu viết theo cách này hay cách khác... mà cái “cảm nhận” đó đâu có phải là của thí sinh mà nó phải nằm trong “đáp án” của thầy cô mới được... Thế có nghĩa là thui chột khả năng sáng tạo, cảm xúc, rung động...của học sinh trước vẻ đẹp của văn chương.

- Phần II. Có vẻ như NLXH nhưng vẫn lấy một ngữ liệu ngay trong sách giáo khoa Ngữ văn, tập 2 và kèm theo đó là những yêu cầu cứng nhắc...

3. Sau khi khảo sát xong 2 đề của hai thành phố lớn trong cùng một ngày, cùng một mục đích, không chỉ riêng tôi mà bất cứ một giáo viên dạy môn Ngữ văn tâm huyết nào cũng có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt (không dám nói một trời, một vực) giữa hai đề thi; đồng thời nó cũng thể hiện trình độ, cách quản lí chuyên môn của hai Sở GD & ĐT cũng khác xa nhau.

III. KẾT LUẬN

1. Đề thi của TP Hồ Chí Minh năm nào cũng thể hiện rất rõ sự chuyển mình về cái gọi là “triết lí giáo dục”. Đề ra theo hướng mở, thí sinh thực sự được khai phóng tư duy, thoải mái thể hiện tư duy, chính kiến, cảm xúc... của mình mà không bị gò vào một giới hạn. Còn đề thi của Hà Nội thể hiện cách dạy và học của thầy và trò hết sức bảo thủ, trì trệ, cũ kĩ, máy móc, áp đặt... thậm chí phản giáo dục mà chính các ông bà “quản lí giáo dục” trên cao gọi là “giáo dục phản động”... Thế mới trớ trêu cho HN ngàn năm văn hiến...

2. Hô hào “Đổi mới phương pháp giáo dục” chính là phải thay đổi cái “triết lí giáo dục”, thay đổi tư duy dạy - học, phương pháp dạy - học. Dạy lí thuyết 1 nhưng phải dạy thực hành 10. Dạy - học văn phải có giáo cụ trực quan, đừng dạy suông, đừng ngồi trong bốn bức tường mà phải dẫn nhau đi thực tế. Đi, đọc, viết, nói... đó là 4 kĩ năng dạy - học văn vô cùng cần thiết.

3. Nếu quan niệm THI SAO HỌC VẬY thì cách ra đề của TP Hồ Chí Minh luôn kích thích người DẠY và HỌC phải tự vật lộn để thay đổi chính mình. Dạy là dạy cách tư duy logic, cách tiếp cận văn bản và cảm nhận đưa cái hay, cái đẹp của văn chương; cách sử dụng tiếng Việt chính xác (đúng) và hay khi giao tiếp (nói và viết); cách lập các loại văn bản theo đúng phong cách chuyên môn... Học cũng là học chính những cái đó.

Dạy kiến thức hết sức cơ bản để người học biết vận dụng kiến thức ấy vào cuộc sống. Cuộc sống cần văn hơn tất cả. Nhưng rất tiếc, dạy văn nhưng không phải ai cũng biết dạy và dạy hay; học văn không phải học sinh nào cũng thích học và biết cách học... Hai đối tượng này thường hay chán ghét nhau, đổ lỗi cho nhau. Suy cho cùng, lỗi chính là từ cơ chế, từ hệ thống điều hành chính trị. Giáo dục lẽ ra phải độc lập với chính trị nhưng ở Việt Nam, chính trị áp chế, chi phối luôn cả giáo dục. Hà Nội “trái tim” của Tổ quốc mới thành ra thế. 

(Ảnh dưới: Đề thi của hai TP để bạn đọc dễ đối chiếu)





1 nhận xét :

  1. Ba Cầu ông Lãnhlúc 04:20 7 tháng 6, 2019

    Hà Nôi đi trước về sau . HCM đi sau về trước !

    Trả lờiXóa