MỘT CÔNG TRÌNH BIÊN KHẢO NGHIÊM TÚC,
CÓ GIÁ TRỊ HỌC THUẬT...
Đặng Văn Sinh
Ngày
28 tháng 12 năm 2018, trên trang điện tử báo "Nông nghiệp Việt nam" ,
tác giả Khải Mông (tức Kiều Mai Sơn) có bài viết với nhan đề "Đạo văn từ
trang 'thivien.net' để in sách ĐƯỜNG THI QUỐC ÂM CỔ BẢN". Mới nhìn cái
title, chưa cần đọc nội dung đã thấy có sự khiêu khích. Với sự kiện
"động trời" này, rất có thể Kiều Mai Sơn chắc mẩm, cú đòn sấm sét đánh
một phát chết ngay, Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông phải cúi đầu "tâm
phục khẩu phục".
Tuy
chỉ là bài viết ngắn nhưng tác giả nêu ra hai vấn đề rất nghiêm trọng.
Một là, phương pháp biên khảo thiếu khoa học "lộ cộ về phương pháp lẫn
nội dung". Hai là, Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông đã lấy toàn bộ bản
dịch trên trang "thivien.net" phục vụ cho thao tác dịch nghĩa cuốn sách
"Đường thi Quốc âm cổ bản" (ĐTQÂCB). Về điểm hai, để cho chắc ăn, Kiều
Mai Sơn còn kéo cả Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh (Đại học KHXHXH&NV) cùng
Thạc sĩ Lê Huy Hoàng (ĐHSPII Hà Nội) "tham chiến" như một sự viện trợ
đắc lực về học thuật. Nguyễn Phúc Anh còn cất công làm một phép toán
thống kê số học so sánh giữa ĐTQÂCB với "thivien.net" về tỷ lệ phần trăm
những từ, ngữ, câu giống nhau để khẳng định "đạo văn" là chuyện không
thể chối cãi.
Vậy sự thật như thế nào? Với tư cách là người từng đọc khá kỹ ĐTQÂCB, kể cả cuốn tái bản cuối năm 2017 (nhóm làm sách đã chỉnh sửa sai sót, bổ sung tư liệu cho chính xác, nhưng Kiều Mai Sơn vẫn căn cứ vào cuốn xuất bản lần đầu để chỉ trích), chúng tôi nhận xét, đây là một công trình biên khảo nghiêm túc về học thuật. Hai tác giả chẳng những đã dảnh thời gian và tâm huyết sưu tầm, biên soạn một cuốn sách quý hiếm giúp cho bạn đọc hiểu thêm về khả năng sử dụng chữ Nôm của tiền nhân, mà còn góp phần nâng cao năng lực thẩm mỹ qua những bản dịch độc đáo bởi ngọn bút tài hoa của những bậc cự nho như Trần Tế Xương, Dương Khuê...
Vậy sự thật như thế nào? Với tư cách là người từng đọc khá kỹ ĐTQÂCB, kể cả cuốn tái bản cuối năm 2017 (nhóm làm sách đã chỉnh sửa sai sót, bổ sung tư liệu cho chính xác, nhưng Kiều Mai Sơn vẫn căn cứ vào cuốn xuất bản lần đầu để chỉ trích), chúng tôi nhận xét, đây là một công trình biên khảo nghiêm túc về học thuật. Hai tác giả chẳng những đã dảnh thời gian và tâm huyết sưu tầm, biên soạn một cuốn sách quý hiếm giúp cho bạn đọc hiểu thêm về khả năng sử dụng chữ Nôm của tiền nhân, mà còn góp phần nâng cao năng lực thẩm mỹ qua những bản dịch độc đáo bởi ngọn bút tài hoa của những bậc cự nho như Trần Tế Xương, Dương Khuê...
Cho nên, chẳng có gì phải bàn cãi về trình tự biên khảo cuốn sách này, bởi:
1-
Ngay trên bìa sách đã ghi: Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông SƯU TẬP
và BIÊN DỊCH. Cách ghi như vậy, xác định ngay sách có phần sưu tập (phần
dịch nghĩa, chú giải) và biên dịch (phần thơ dịch bằng chữ Nôm).
Lại nữa, ngay tên sách là "Đường thi Quốc âm cổ bản" cũng đã nói lên
rằng: Cuốn sách công bố các bản dịch cổ, là các bài dịch thơ Đường ra
chữ Nôm. Vì vậy, đóng góp và cũng phần quan trọng nhất của cuốn là ở
việc phát hiện và PHIÊN DỊCH NÔM 279 BÀI DỊCH NÔM THƠ ĐƯỜNG SANG CHỮ
QUỐC NGỮ. Đó là một kho văn tự quý hiếm mà từ trước đến nay chưa từng có
ai công bố thành một cuốn sách.
Đường
thi quốc âm cổ bản được hình thành từ sáu (6) cuốn sách viết tay đang
được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Đây là những thư tịch quý, độc
bản, thủ bút của các nhà nho lưu lại cho hậu thế. Sáu cuốn sách đó là
- "Đường thi thất tuyệt diễn ca phụ tạp văn" (唐詩七絕演歌附雜文)
- "Đường thi trích dịch" (唐詩摘譯譯)
- "Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm (唐詩合选五言律解)
- "Đường thi tuyệt cú diễn ca" (唐詩絕句演歌
- "Đường thi Quốc âm" (唐詩國音)
- "Túy hậu nhàn ngâm tập" (醉後閑吟集)
Tổng
số thơ Đường trong sáu tập cổ thi là 222 bài của 85 tác giả, được dịch
sang Quốc âm (ghi âm bằng chữ Nôm) thành 279 bài. Một điều đáng chú ý
nữa là, một số bài thơ Đường có dến 2 hoặc 3 bản dịch đều được nhóm biên
soạn đưa vào ĐTQÂCB nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về sự
cảm thụ và phong cách cách dịch cổ thi của các nhà nho thời cận hiện
đại.
Để
bảo đảm tính chính xác, trước khi bắt tay vào biên khảo, Nguyễn Xuân
Diện cùng Trần Ngọc Đông đã hiệu đính văn bản gốc bằng cách so sánh đối
chiếu với nguyên tác "Toàn Đường thi" (全唐詩)
25 quyển, do Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh xuất bản năm 2003. Như vậy, về
mặt văn bản, các tác giả đã có trong tay những tư liệu gốc. Các thao
tác được tiến hành đúng như đã trình bày trong "Khảo luận văn bản Đường thi Quốc âm"
và "Phàm lệ". Phần "Phàm lệ" cũng được nói rất rõ qua 5 mục mà mục 3 là
quan trọng nhất về nguyên tắc trình bày như phiên âm, dịch nghĩa, ghi
chú, dịch thơ Nôm và cuối cùng là khảo dị.
Tuy
nhiên, sự đóng góp quan trọng nhất của ĐTQÂCB vẫn là phần khảo sát,
nhận diện, hiệu đính và chuyển dịch văn bản chữ Nôm Đường thi sang văn
bản chữ Quốc ngữ Đường thi của Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông. Làm
được việc này là cả một quá trình gian khổ, nhọc nhằn. Phải là người có
trình độ Hán học chuyên sâu, biết một số lượng chữ Nôm đủ để đọc và viết
mới có thể tiếp cận các văn bản viết tay bằng thứ chữ vốn rất xa lạ với
hầu hết người Việt thời nay. Chẳng những thế, chữ Nôm lại là thứ văn tự
phái sinh của chữ Hán. Cho nên, muốn biết chữ Nôm (喃), trước hết phải biết chữ Hán (漢).
Rất nhiều chữ, nếu không nói là đa số, viết bằng chữ Hán nhưng lại đọc
theo âm Việt, thậm chí cùng một tự dạng có đến hai, ba cách phát âm.
Chính vì thế, chừng nào chưa tìm ra được nguyên tác "Đoạn trường tân
thanh" do chính Nguyễn Du chấp bút, thì việc tranh luận về văn bản Kiều
không bao giờ đến hồi kết thúc. Chữ Nôm không ổn định về mặt cấu trúc
như vậy, nên từ xưa dân gian đã có câu "Nôm na là cha mách qué" cũng có
cái lý của nó.
Công
lao đáng ghi nhận thứ hai của nhóm là ĐTQÂCB là cung cấp cho bạn đọc
những bản dịch thơ Đường với nhiều phong cách khác nhau của những dịch
giả nổi tiếng nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX như Tú Xương,
Dương Lâm, Đông Sơn cư sĩ... Trong số dịch giả này, Trần Tế Xương là tay
lãng tử, dùng chữ Nôm như thần. Mỗi bản dịch của ông là một bài Đường
thi hoàn chỉnh, tuyệt đẹp mang tư tưởng, tâm hồn và phong cách của một
thi nhân cao đạo, đầy khí phách những cũng thật đa cảm, đa tình. Không
thoát ly nguyên tác nhưng Tú Xường có thể đảo vị trí các câu thơ, cụ thể
hóa các điển cố, làm mềm hóa các khái niệm trừu tượng để tạo thành một
bản dịch đầy chất lãng mạn, trữ tình, đem đến cho chúng ta những cảm
nhận mới lạ sau khi đọc lại nguyên tác.
Hãy lấy bài "Tống hữu nhân" của Lý Bạch làm ví dụ. Chúng tôi xin dẫn ra
đây cả nguyên tác, phần dịch nghĩa và các bản dịch thơ để bạn đọc tham
khảo:
送友人
李白
青山橫北郭,
白水遶東城。
此地一為別,
孤蓬萬里征。
浮雲遊子意,
落日故人情。
揮手自茲去,
蕭蕭班馬鳴。
Phiên âm:
Tống hữu nhân
Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thuỷ nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.
Dịch nghĩa:
Núi xanh nằm chắn ngang vòng thành ngoài ở phía bắc,
Nước trắng uốn quanh khu thành ở phía đông.
Nơi đây một khi đã chia tay nhau,
Thì như cỏ bồng lẻ loi trôi xa muôn dặm.
Lòng lữ khách như áng mây trôi,
Tình bạn cũ (sầu) như bóng chiều tà.
Vẫy tay tiễn, chia ly từ đây,
Tiếng bầy ngựa kêu rền rĩ không dứt.
Bản dịch của Tản Đà:
Chạy dài cõi Bắc non xanh,
Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau.
Nước non này chỗ đưa nhau,
Một xa, muôn dặm biết đâu cánh bồng!
Chia phôi khác cả mối lòng,
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.
Vẫy tay thôi đã rời xa,
Nhớ nhau tiếng gựa ghe mà buồn teo.
(Thơ Đường, tập II, tr.53-54, NXB Văn học, 1987)
Bản dich của Khương Hữu Dụng:
Cửa Bắc non ngăn lại,
Thành Đông nước uốn theo
Một lìa non nước ấy,
Muôn dặm cánh bồng veo!
Du tử: lòng mây nổi,
Cố nhân: tình bóng chiều.
Vẫy ta từ đây biệt,
Tiếng ngựa não nùng reo.
(Thơ Đường, tập II, tr.53-54, NXB Văn học, 1987)
Bản dịch của Tú Xương:
Núi đá xanh lồng ngang cõi Bắc,
Nước khe trắng lộn dọc thành Đông.
Tiễn đưa rượu chuốc vài ba chén,
Thênh thểnh buồm bay mấy dặm sông.
Mây biếc tơi bời người có ý,
Chiêng vàng chênh chếch kẻ thêm lòng.
Ngậm ngùi thay lúc phân kỳ đó,
Sang sảng nhạc vàng tiếng ngựa giong.
(ĐTQÂCB, tr. 247-249)
Một bài nữa là "Tại ngục vịnh thiền" của Lạc Tân Vương thời Sơ Đường cũng được Trần Tế Xương chuyển dịch từ thể ngũ ngôn bát cú sang thất ngôn bát cú khá là nhuần nhuyễn, đồng thời khắc họa được tâm trạng u uẩn của tác giả ở trong ngục khi nghe tiếng ve kêu báo mùa thu:
Một bài nữa là "Tại ngục vịnh thiền" của Lạc Tân Vương thời Sơ Đường cũng được Trần Tế Xương chuyển dịch từ thể ngũ ngôn bát cú sang thất ngôn bát cú khá là nhuần nhuyễn, đồng thời khắc họa được tâm trạng u uẩn của tác giả ở trong ngục khi nghe tiếng ve kêu báo mùa thu:
在獄詠蟬
駱賓王
西陸蟬聲唱,
南冠客思深。
不堪玄鬢影,
來對白頭吟。
露重飛難進,
風多響易沉。
無人信高潔,
誰為表予心?
Phiên âm:
Tại ngục vịnh thiền
Tây lục thiền thanh xướng,
Nam quan khách tứ thâm.
Bất kham huyền mấn ảnh,
Lai đối bạch đầu ngâm.
Lộ trọng phi nan tiến,
Phong đa hưởng dị trầm.
Vô nhân tín cao khiết,
Thuỳ vị biểu dư tâm?
Dịch nghĩa:
Tiếng ve mùa thu kêu rộn rã,
Tâm tư của người khách tù sâu thẳm.
Không chịu được việc soi nhìn hai hàng tóc mai đen,
Mà lại ngân nga với mái đầu bạc.
Sương trĩu nặng, khó bay lên được,
Gió thổi nhiều, dễ là âm hưởng trầm xuống.
Nhưng không ai biết sự cao khiết của ve sầu,
Nên ai sẽ là người thay ta giãi tỏ tấm lòng mình?
Bản dịch của Tương Như:
Thu đến, ve kêu tiếng,
Trong lao khách nhớ nhà.
Xót xa khi cánh mỏng,
Than vãn trước đầu phơ.
Sương nặng bay khôn nổi,
Gió to, giọng dễ nhòa.
Thanh cao không kẻ biết,
Ai ngỏ giúp lòng ta?
(Thơ Đường, tập I, tr.29-30, NXB Văn học, 1987)
Bản dịch của Tú Xương:
Tiếng ve đường rộn bóng thu qua,
Tiếng ve đường rộn bóng thu qua,
Nghĩ nỗi Nam cung(1) cũng thiết tha.
Đen tóc chửa nên soi bóng dáng,
Bạc đầu từng lúc nhớ ngâm nga.
Dẫu bay sương nặng nào hay đến,
Muốn nói gió nhiều dễ thấu xa.
Ai biết cái ve ăn ở sạch,
Mà đem trinh bạch giãi lòng ta.
(ĐTQÂCB, tr. 42-44)
Chú thích của nhóm biên khảo: Chữ "Nam cung" viết nhầm, đúng ra phải là "Nam quan" (mũ phương nam)
2 - Quy cách và thao tác biên soạn cuốn sách đã nói rõ trong "Phàm lệ".
Riêng mục 3, trang 21 đã nói rõ phần dịch nghĩa tham khảo từ sách nào,
sách nào. Các thao tác ở "Phàm lệ" đều ghi rõ ràng, đầy đủ.
Theo thông lệ, các bản dịch nghĩa thơ cổ Trung Hoa và Việt Nam,
"thivien.net" cũng lấy từ nhiều nguồn nhưng không ghi nguồn. Nhưng phần
dịch ra thơ thì tất cả đều được ghi nguồn khá nghiêm nhặt. Đây là điều
mà bất cứ ai làm về văn học đều hiểu. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, việc
biên dịch thơ cổ vẫn được tiến hành như vậy. Ngay cả hai tập "Thơ Đường"
do Nhà xuất bản Văn học in năm 1960 và tái bản năm 1987 cũng chỉ ghi
người dịch thơ chứ không ghi tên người dịch nghĩa. Mặc dù những người
dịch nghĩa cho hai tập này ít hơn số người dịch thơ.
3. Trong các tài liệu tham khảo có ghi rõ lấy từ mạng "thivien.net".
Đây là trang mạng có sưu tập về thi ca rất đồ sộ, có thể nói là lớn nhất
trong các trang mạng tiếng Việt về thơ, do sự đóng góp bất vụ lợi của
hàng vạn người yêu thơ trên khắp thế giới.
Bản dịch nghĩa thơ Đường ở "Thivien.net" cũng lấy từ nhiều nguồn khác
nhau, trong đó lớn nhất là từ "Đường thi tuyển dịch của Lê Nguyễn Lưu"
(2 tập, Nxb Thuận Hóa, 1997, 1844 trang).
222 bài thơ Đường có bản dịch ra thơ chữ Nôm đều đã có bản dịch nghĩa
đã được in trong sách, và đã được đưa lên mạng Internet rồi, thì việc
các soạn giả sử dụng là một việc làm rất bình thường. Không lẽ lại ngồi
dịch lại 222 bài thơ đó hay sao(?!)
Trong
bài viết của mình, Kiều Mai Sơn còn dẫn cả "Từ điển Hoàng Phê", mục từ
"Đạo văn" nhằm chứng minh về mặt pháp lý Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc
Đông "ăn cắp" các bản dịch của "thivien.nét" phục vụ cho ĐTQÂCB. Chúng
tôi thừa nhận, "Từ điển Hoàng Phê" viết đúng, nhưng Kiều Mai Sơn đã bé
cái lầm. Kiểu kết luận hằn học, chắc như đinh đóng cột của tác giả đầy
tai tiếng này hóa ra lại rơi vào tình thế bi hài bởi cái sự "dốt".
Đọc
bài báo, chúng tôi biết chắc cả Kiều Mai Sơn, Nguyễn Phúc Anh và Lê Huy
Hoàng làm những việc "gậy ông lại đập
lưng ông".
Với
các bậc tiền nhân được học hành bài bản như Nguyễn Khuyến, Trần Bích
San, Dương Khuê hay Trần Tế Xương, thậm chí ngay cả các ông đồ ngồi dạy
học, ở làng quê, từng vác lều chõng đi thi, chữ Hán được coi như bản
ngữ. Họ đọc thông viết thạo, am hiểu lịch sử và nắm chắc điển cố, có khi
nói chuyện với nhau cũng bằng "Văn Ngôn". Chỉ đến năm 1919, khi mà vua
Khải Định ra sắc lệnh bỏ các kỳ thi chữ Hán, chuyển sang chữ Quốc ngữ,
văn hóa Hoa Hạ mới không còn chỗ đứng trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Kể từ đây, mọi thư tịch bằng thứ chữ khối vuông của người Tàu đều phải
thông qua công đoạn "phiên dịch". Vào buổi giao thời nửa đầu thế kỷ XX,
một số nhà nho kiêm nhà thơ đã làm được việc dịch nghĩa thơ Đường sang
chữ Quốc ngữ. Dịch nghĩa rất khó, rất quan trọng nhưng hầu như không nhà
nho nào để lại danh tính, vì thế, việc xác định bản quyền ở đây là
không thể. Nói cách khác, tất cả các bản dịch nghĩa thơ Đường đều giống
nhau cơ bản về nội dung, sự khác biệt chỉ là cách dùng từ, trật tự ngữ
pháp hoặc thêm bớt một vài từ cho rõ nghĩa mà thôi.
Nhằm
hạ nhục Nguyễn Xuân Diện, Kiều mai Sơn thông qua Nguyễn Phúc Anh làm
bản thống kê so sảnh tỷ lệ giống nhau các bản dịch trong ĐTQÂCB với
"thivien.net", "có
đến 197 bài sao chép phần dịch nghĩa đăng tải trên trang "thivien.net"
trước năm 2017 với tỷ lệ trùng lặp từ 41% đến 100%. Có 86 bài dịch nghĩa
sao chép từ 90% trở lên, chỉ có 4 bài sao chép dưới 50%"(hết
trích). Thế nhưng, Kiều Mai Sơn không biết rằng phần lớn các bản dịch
trên "thivien.nét" lại lấy từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có
"Thơ Đường" 2 tập do NXB Văn học in năm 1960 và tái bản năm 1987. Tuy
rất dị ứng với cái chuyện thống kê nhảm nhí trên, nhưng nếu Kiều Mai Sơn
đã thích "chơi" chúng tôi cũng xin chiều.
Để
làm công việc này chúng tôi đã tìm được "Đường thi tuyển dịch" (Lê
Nguyễn Lưu dịch, NXB Thuận Hóa ấn hành vào năm 1999); "Thơ Đường" tập I
và II, nhiều tác giả dịch (NXB Văn học, in lần thứ hai, 1987); "Đường
thi" (Ngô Tất Tố dịch, in lần thứ hai, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1961);
"Đường thi" (Trần Trọng Kim dịch, NXB Hội Nhà văn, 2003); "Đường thi"
(Trường Xuân Phạm Liễu dịch, NXB Văn khoa, Sài Gòn, 1972). Chọn một cách
ngẫu nhiên các bản dịch trên "thivien.net" chúng tôi chợt giật mình.
Hóa ra, tất cả những bản dịch này đều được khai thác một cách triệt để
từ 5 bộ sách trên, trong đó có một tỷ lệ rất lớn số bài giống nhau đến
từng dấu chấm, dấu phẩy. Nếu những ai đó còn nghi ngờ xin hãy chịu khó
đọc. Sách không biết nói dối. Chỉ có những đầu óc bệnh hoạn, hoang tưởng
mới nghĩ thiên hạ cũng có tâm địa như mình. Trong phạm vi bài viết này,
chúng tôi chỉ đưa ra một số so sánh giữa "thivien.net" (trong đó có Lê
Nguyễn Lưu) với "Thơ Đường" tập I và II do NXB Văn học ấn hành năm 1987
để bạn đọc tham khảo. "Thơ Đường" tập I tuyển chọn 90 tác giả với 202
bài, tập II dành cho 3 tác giả là Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị với 154
bài. Cách làm là chọn ngẫu nhiên 31 bài, chủ yếu nằm trong tập I. Sau
khi tiến hành khảo sát, được kết quả như sau:
- 22 bài trong thivien.nét giống 100% của "Thơ Đường", đạt tỷ lệ 70%. Cụ thể như sau:
+ "Xich Bích hoài cổ và "Mã Ngôi" của Lý Thương Ẩn
+ "Ẩm tửu khán mẫu đơn", "Thạch Đầu thành", "Ô Y hạng" của Lưu Vũ Tích
+ "Giang tuyết" của Liễu Tông Nguyên
+ "Kim lũ" của Đỗ Thu Nương
+ "Hoài thượng biệt hữu nhân" của Trịnh Cốc
+ "Tương tư", "Tây cung xuân oán" của Vương Duy
+ "Tòng quân hành" của Lệnh Hồ Sở
+ "Thục trung cửu nhật" của Vương Bột
+ "Đảo y thiên", "Nhạc Dương lâu" và "Hỷ vũ" của Đỗ Phủ
+ "Ô thê khúc" của Lý Bạch
+ "Tây Sơn tầm Tân Ngạc" của Mạnh Hạo Nhiên
+ "Trường Can hành" của Thôi Hiệu
+ "Yến thành Đông trang" của Thôi Huệ Đồng
+ "Vọng nguyệt hoài viễn" của Trương Cửu Linh
+"Bạc Tần Hoài" và "Thanh minh" của Đỗ Mục
- 8 bài nội dung giống hệt "Thơ Đường", chỉ khác đôi chút về từ ngữ và đảo trật tự cú pháp (95%), chiếm tỷ lệ 26%:
+ "Đề Đô thành nam trang" của Thôi Hộ
+ "Quá Hương Tích tự" của Vương Duy
+ "Dạ biệt Vi Tư sĩ" của Cao Thích
+ "Bi Thanh Bản" của Đỗ Phủ
+ "Bả tửu vấn nguyệt" và Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng lăng" của Lý Bạch
+ "Hành quân cửu nhật tư Trường An cố viên" của Sầm Tham
+ "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu
-
Chỉ 1 bài là "Dã vọng" của Vương Tích với 2 dòng thơ có cấu trúc câu
khác với "Thơ Đường" nhưng về nội dung cơ bản cũng hoàn toàn giống nhau.
Từ những con số thống kê trên, nếu nhìn nhận theo quan điểm Kiều Mai Sơn, thì "thivien.net" và Lê Nguyễn Lưu mắc tội ĐẠO VĂN!
Chúng tôi xin khẳng định là KHÔNG! Tóm lại, các bản dịch nghĩa từ những
thư tịch cổ, nhất là thơ Đường hầu hết đều do công lao các bậc túc nho
ngày trước. Nó tương đối sát nghĩa so với văn bản gốc, và ổn định, được
xem như một loại "từ điển dịch nghĩa" làm "sách công cụ" cho những người
biên khảo và dịch thuật. Sử dụng các bản dịch ấy là hoàn toàn hợp pháp
và hợp lý. Chính vì thế, "thivien.net" lấy các bản dịch nghĩa từ các
nguồn mà không đề nguồn. "Thivien.net" chỉ ghi nguồn các bản dịch thơ
của các bài thơ Đường đó. "Thivien.net" là một tàng thư lớn trên mạng
rất hiểu "Luật Bản quyền".
Vậy mà, có kẻ nào đó viết hàng trăm trang, so sánh từng chữ, làm hàng
chục bảng thống kê, thì cũng không thể kết tội nhóm soạn giả Nguyễn Xuân
Diện và Trần Ngọc Đông là đạo văn được.
Cuối
cùng xin có đôi lời nhắn với bạn Kiều Mai Sơn. Hãy thận trọng khi hạ
bút chê bai người khác. Cần phải xem lại năng lực của chính mình trước
đã, nếu không sẽ rơi vào tình huống bi hài "gậy ông đập lưng ông".
Chí Linh, Kỷ Hợi, ngày lập xuân
Đ.V.S.
Rất mạch lạc. Hoan nghênh anh Đặng Văn Sinh. Chúng tôi ko chuyên ngành Hán Nôm nên khó có ý kiến. Kinh đề nghị anh Sinh viết một bài riêng về nguyên tắc sử dụng bản dịch nghĩa. Thật oái oăm, nếu dịch nghĩa mà cũng phải người nọ dịch khác người kia.
Trả lờiXóaCám ơn!