Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Hoàng Hải Vân: XÂY CHÙA ĐỂ RỬA TIỀN THAM NHŨNG


XÂY CHÙA ĐỂ RỬA TIỀN THAM NHŨNG

Hoàng Hải Vân
 
Khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào thế giới, luật pháp đang minh bạch từng bước, nhiều luật lệ đang trong quá trình liên thông với quốc tế. Do đó, tiền tham nhũng mang ra tiêu dùng hay đầu tư sẽ khó dần, gửi ra nước ngoài thì không hề dễ nếu như không được rửa, chỗ có thể để trong nước thì đang thu hẹp. Nghe nói có một số quan chức biến tiền tham nhũng thành vàng thành kim cương rồi đào hầm trong nhà để cất, thỉnh thoảng xuống … ngắm. Thiệt là cực khổ cho các quan chức của ta, kiếm tiền thì dễ nhưng dùng tiền lại khó vô cùng. Nhưng, như người ta thường nói, cái khó ló cái khôn.

Những nỗ lực dùng quyền thế để thiết lập đường dây tham nhũng khép kín, ví dụ như sử dụng Tổng cục Tình báo Bộ Công an đưa các hoạt động cướp đoạt tài sản công vào vòng bí mật để cho luật pháp không thể sờ gáy và dùng chính cơ quan siêu quyền lực kia để rửa tiền thông qua những công ty bình phong xem ra không thể là kế lâu dài được. Cho nên các vị phải tính những kế song song. Một trong những kế hữu dụng lâu dài nhất là đưa tiền tham nhũng vào chùa để rửa.

Một cựu quan chức cao cấp của một địa phương thuộc trung ương từng nói với tôi về một ngôi chùa hoành tráng của địa phương này được dùng làm lò rửa tiền như thế nào. Trước đây, mỗi khi được giao đất, doanh nghiệp nhận đất phải nộp cho cá nhân người đứng đầu địa phương một khoản tiền từ 8-10% giá trị lô đất tùy vị trí. Ông này từng nói thẳng với một nhà báo : “Tau không lấy tiền đó thì lấy gì chung cho mấy thằng ở trên”, tất nhiên là ông nói mồm không bằng không chứng. Sau đó, có lẽ thấy việc này dễ bị lộ nên ông đã dùng cái chùa kia để rửa tiền. Chùa thì do ông cấp đất xây dựng, sư trụ trì là người ông sắp xếp đưa vào. Doanh nghiệp thay vì mang tiền phần trăm đến cho ông thì mang vào cúng chùa. Trụ trì được dùng một ít tiền đó để xây chùa đúc Phật, còn phần lớn chuyển lại cho ông. Ví dụ doanh nghiệp cúng vào chùa 10 tỷ thì phần chùa 1 tỷ còn phần ông 9 tỷ. Ông lấy tiền ra bất cứ lúc nào ông cần, để hối lộ các bộ, ngành ở trung ương và dùng riêng cho cá nhân ông. Nước ta chẳng có luật lệ nào kiểm soát tài chính của chùa chiền, nên dù tài thánh cũng không thể điều tra ra tiền mà ông dùng là tiền do doanh nghiệp đưa hối lộ. Chuyện này không thể nào tìm ra bằng chứng nếu như không kiểm soát được tài chính của chùa chiền, nên tôi không tiện nêu tên địa phương và quan chức liên quan.

Đó chỉ là một trường hợp xây chùa để rửa tiền mà tôi biết. Và những cái chùa như vậy có ở nhiều nơi. Ở đây tôi chỉ nói những ngôi chùa do các quan chức nhà nước bảo kê cấp đất xây dựng và sư sãi trụ trì do các quan chức này đưa vào. Còn chùa chiền truyền thống được các Phật tử cúng dường và được trụ trì bởi các bậc chân tu thì không nằm trong phạm vi có thể rửa tiền tham nhũng. Các bạn nên có sự phân biệt rõ ràng chuyện đó nhé.

Trường hợp mà tôi nói chỉ là việc rửa tiền của tham nhũng vừa vừa cấp địa phương. Còn cấp cao hơn thì tôi chưa có đủ thông tin, mặc dù vẫn có căn cứ để suy đoán.

Theo số liệu từ Zing.vn thì tập đoàn siêu chùa chiền Xuân Trường đã và đang triển khai các dự án tâm linh với diện tích đất siêu khủng : Ngoài quần thể Chùa Bái Đính "lớn nhất Đông Nam Á", nhà nước còn giao cho tập đoàn này 5.100 ha xây chùa Tam Chúc “lớn nhất thế giới”, trong đó diện tích xây chùa 144ha, còn lại là quần thể kinh doanh “phụ trợ” chùa. Chưa hết, tập đoàn này đang chuẩn bị triển khai dự án 18.940 ha làm khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, 450 ha đất ở Hải Phòng cũng để xây chùa và đang xin 1000 ha thâu tóm luôn chùa Hương... Không ai có thể hiểu được tập đoàn này được thế lực nào bảo kê mà có thể chiếm được một diện tích đất lớn đến vậy để buôn tăng bán Phật.

Không thể đem chuyện rửa tiền nhỏ nhoi của cái chùa mà tôi nói ở trên áp dụng vào các quần thể siêu chùa chiền này. Rất khó có thể lần ra mối quan hệ ma mị giữa doanh nghiệp với các quan chức từ trung ương đến địa phương trong cuộc đại buôn bán kia. Chỉ biết rằng, nguồn thu ở đây là siêu khủng : từ sự cúng dường của Phật tử thập phương cho đến nguồn thu từ dịch vụ, từ nhà hàng, khách sạn… Tôi không có chứng cứ để nói tiền tham nhũng mang vào rửa ở đây, mặc dù rửa ở đây là không khó. Chỉ thấy rằng, ở đây quyền thế đang biến thành vốn liếng, thành siêu lợi nhuận. Và Phật không bao giờ có mặt ở những nơi này.

HOÀNG HẢI VÂN

Stt liên quan :
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2186209974771384&set=a.1464332960292426&type=3

(Chùa Bái Đính của tập đoàn Xuân Trường được coi là "lớn nhất Đông Nam Á". Ảnh lấy từ Zing.vn

4 nhận xét :

  1. Cứ cái đà này vài ba năm nữa Việt nam sẽ trở thành cường quốc chùa triền.
    Chính phủ kiến tạo sẽ phát triển kinh tê đất nước bằng Du lịch tâm linh. Ngành Phật giáo Việt nam vượt xa các nước như Ấn Độ và Trung Quốc về Phật Giáo. 85% dân số Việt Nam trở thành các tăng ni phật tử hoặc thành sư sãi sùng bái...
    Nên mừng cho dân tộc ta đã sánh vai với cường quốc năm châu.

    Trả lờiXóa
  2. Phải khẳng định một điều, kinh doanh chùa triền có lãi nhất vì không phải đóng thuế, được ưu tiên về giao đất chuyển quyền sử dụng đất, không chịu sự kiểm soát về doanh thu lợi nhuận, cuối cùng là nhu cầu của Cán bộ, Nhân dân về việc đi lễ chùa rất lớn...
    Đầu tư cho Tâm linh là thiết thực nhất.
    Tương lai nhu cầu còn rất tiềm năng. Cần tận dụng khai thác,

    Trả lờiXóa
  3. Hồi mới cướp CQ thì ra sức phá hủy chùa chiền miếu mạo , giờ lại thi nhau xây to hơn !

    Trả lờiXóa
  4. Sư Cụ Chùa Thônglúc 11:03 15 tháng 2, 2019

    Nhà nước cần phân biệt rạch ròi giữa ĐIỂM DU LỊCH TÂM LINH với CƠ SỞ THỜ TỰ, TU HÀNH CỦA TÔN GIÁO.
    Tất cả các “cơ sở thờ tự, tu hành” đều phải do Giáo hội đứng ra chịu tách nhiệm tất cả mọi mặt.
    Tất cả những “điểm du lịch tâm linh” đều chỉ là một hình thức kinh doanh, do các doanh nghiệp đứng ra chịu tách nhiệm tất cả mọi mặt, mục đích chính là kiếm tiền.
    Hiện nay có hiện tượng thông đồng giữa Chính quyền – Tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo) – Doanh nghiệp, để xây dựng nhiều “điểm du lịch tâm linh” núp bóng tôn giáo, nhằm kiếm tiền, đến mức có báo phải la lên “một vốn bốn năm trăm lời”. Đó là những “điểm du lịch tâm linh” chứ không thể là “cơ sở thờ tự, tu hành” của Giáo hội, nên Chính quyền và Giáo hội Phật giáo không thể cử các sư về trụ trì những nơi này (ví dụ như “chùa Bái Đính Mới”, thực chất là “điểm du lịch tâm linh”, Giáo hội cử hẳn 1 Phó chủ tịch Hội đồng trị sự trung ương là HT Thích Thanh Nhiễu kiêm chức trụ trì. Những nơi khác cũng thế).
    Phải thanh kiểm tra lại tất cả các “điểm du lịch tâm linh” như Chùa Hương Mới, chùa Bái Đính Mới, chùa Tam Chúc Mới, khu Yên Tử Mới, khu tâm linh Hồ Núi Cốc... tchiểu heo yêu cầu của các bộ luật liên quan đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, như Luật du lịch, Luật Doanh nghiệp, Luật thuế, Luật Lao động, Luật xây dựng, Luật Tài nguyên môi trường, Luật đất đai, Luật di sản văn hóa... và các quy định hiện hành khác.
    Không thể biến tài nguyên quốc gia thành tiền chùa cho các doanh nghiệp và Giáo hội! Những doanh nghiệp này phải thực thi theo đúng các luật hiện hành chế định.
    Đây là một hành vi biến tướng của các doanh nghiệp đang “biến công vi tư” rất tinh vi và có quy mô vô cùng lớn, làm suy kiệt tài nguyên quốc gia và bóp méo truyền thống văn hóa Việt.

    Trả lờiXóa