Mai Quốc Ấn
SỰ KIỆN VÀ NHÀ BÁO
Năm nay, cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 được nhắc nhiều trên báo chí. Nhưng 10 năm trước, đó chỉ là cuộc "xé rào" bởi khi đó nhà báo Huy Đức (báo Sài Gòn Tiếp Thị bản cũ) viết bài Biên giới tháng Hai là bài báo duy nhất của cả làng báo khi ấy. Cũng là bài báo đầu tiên trong 10 năm nay trước khi cuộc chiến tranh biên giới được "bật đèn xanh" nhắc lại vào 2019.
Nhà báo Tâm Chánh- Tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị khi ấy, nói về hiện thực bức bối ở biên giới năm 2009: "10 năm trước báo SGTT của chúng tôi đã ghi nhận lại hình ảnh nhang tàn, khói lạnh trên các nấm mồ liệt sĩ còn nằm dọc tuyến biên giới phía Bắc vào chính những ngày kỉ niệm 30 năm cuộc chiến. Chiến tích bị đục bỏ. Nghĩa trang néo cửa. Quan san tê tái. Những giọt nước mắt tưởng nhớ lén chảy vào trong nỗi ấm ức."
Đứa em út của toà soạn như tôi khi ấy còn cảm nhận được những"sức ép vô hình" thì huống gì là đồng nghiệp đàn anh Huy Đức, Tâm Chánh. Dự tính đăng ba kì báo nhưng Biên giới tháng Hai trên SGTT chỉ mới đăng được một kì đã kết thúc. Facebook khi ấy không rầm rộ như bây giờ, hai năm sau (năm 2011), anh Huy Đức mới đưa Biên giới tháng Hai lên Facebook cá nhân.
Nhà báo Tâm Chánh có kể lại: "Một lần kiểm điểm tổng biên tập SGTT, ông Huỳnh Thanh Hải phó ban tuyên giáo thành ủy phê bình báo SGTT về 100 bài “có vấn đề”, nhận xét “ chuyện người ta muốn quên thì các đồng chí moi lại. Để làm gì? Có phải chuyện của các đồng chí không? Chuyện của các đồng chí là thị trường...”
Người ta là ai? Tôi và nhiều anh chị em Sào Gòn Tiếp Thị cũng thắc mắc như nhà báo Tâm Chánh. Chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng trịch thượng...
Gần 40 năm trước, một nhà báo Nhật Bản đã ngã xuống ở biên giới Việt- Trung: Ngày 7/3/1979, nhà báo Takano Isayo sinh năm 1943 ở Kobe đã chết sau tiếng súng phía Bắc sông Kỳ Cùng, Lạng Sơn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương sau này có viết bài hát Takano- một nhân chứng quả cảm.
Cũng năm 2009, nhà báo Lê Đức Dục của Tuổi Trẻ đã viết bài thơ Những bông hoa không chờ chỉ thị (xem ảnh). Với những người viết yêu nước, không thể chấp nhận những chỉ thị im lặng để dừng bút về những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ độc lập của đất nước. Bằng cách này hay cách khác, một người viết có trách nhiệm phải đưa được thông tin đến bạn đọc một cách có trách nhiệm nhất.
Nhân dân có quyền biết ai đã ngã xuống để bảo vệ nhân dân, đất nước!
Năm 2013, nhà báo Lê Phú Khải đã viết về Ngụy Văn Thà, thiếu tá quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974- thời điểm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa:
Ngụy Văn Thà ,
hy sinh năm bảy bốn ,
Ở Hoàng Sa
Cho chúng tôi thắp một nén nhang
Khóc người đồng chí
Mà bấy lâu nay ,
Chúng tôi cứ đinh ninh là ngụy..
Hãy tha thứ cho chúng tôi
Một thế hệ bị lừa..
Năm tháng đi qua ...
Gần hết cuộc đời
Chúng tôi mới ngộ ra
... Không giọt máu Việt Nam nào là ngụy
Hy sinh giữ Hoàng Sa không thể nào là ngụy
Ngụy ? Chính là những kẻ bán nước ...đi đêm
Cho tôi thắp một nén nhang,
Ba mươi chín năm sau...
Khóc người đồng chí ...
Ngụy Văn Thà
Hi sinh năm bảy bốn
Ở Hoàng Sa...
Một người chiến sĩ khác chiến hào về ý thức hệ nhưng vị quốc vong thân như Ngụy Văn Thà vẫn được ghi nhận. Ai cống hiến cho quốc gia đều là anh hùng. Ai ngã xuống vì đất nước đều là anh linh.
Ngày mai là kỷ niệm tròn 40 năm chiến tranh biên giới bắt đầu. Về bản chất, đó là một cuộc chiến tranh chống xâm lược như hàng chục cuộc chiến tranh chống xâm lược mà Việt Nam phải đối diện với Trung Quốc từ thời còn bộ lạc đến nay.
Những người cầm bút cũng có một cuộc chiến khác- cuộc chiến rất chênh lệnh mà người viết luôn ở thế yếu hơn, nhưng vẫn phải "chiến". Vì viết ra những điều cần viết mà cộng đồng cần biết có lúc rất khó. Không phải chỉ khó viết vì bị chê đủ thứ, mà khó nhất sau khi viết xong thì bài viết hay nhất cũng có thể bị dẹp bản thảo. Thậm chí, báo đã in rồi cũng phải gỡ bài.
Viết những dòng này để trân trọng những người viết chính trực đã viết, lưu giữ và công bố những sự thật mà tôi nhắc ở trên. Bởi như nhà báo Tâm Chánh đã nói: "Chúng tôi chấp nhận kỉ luật tuyên truyền của đảng. Nhưng chúng tôi không đông tình lấy một thỏa thuận của hai đảng thành như pháp luật của đất nước. Thỏa thuận ấy của lãnh đạo cấp cao có thể là một biện pháp chính trị cần thiết. Nhưng chỉ đạo nó thành một hiện thực cấm kị, sợ hãi và hèn yếu như 10 năm vừa qua là trách nhiệm của ban tuyên giáo."
Lần nữa, xin trân trọng cảm ơn các ngòi bút không chờ chỉ thị. Các anh ở đâu trong sự kiện và thu thập thông tin đến cho bạn đọc dù bị mất việc, mất chức hay cao nhất là mất mạng; thì cũng sẽ có người ghi nhận và nhớ ơn.
Bởi bội bạc với những người cầm bút như thế cũng đồng nghĩa nhân dân để cho sự dối trá thao túng quốc gia này!
Bài học rút ra là: Trí thức chân chính phải dấn thân, không phải nhìn mồm đón ý bất cứ ai, bất cứ khi nào.
Trả lờiXóaTôi muốn nêu tên tuổi, nêu đích danh những kẻ ra lệnh cấm các nhà báo, cấm dư luận nói về chiến tranh biên giới 1979. Những kẻ sợ TQ, ăn tiền TQ, làm tay sai TQ hay muốn làm nô lệ TQ, lịch sử sẽ khắc ghi tên tuổi bọn hắn như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc.
Trả lờiXóa