Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

GS CHU HẢO NÓI VỀ VIỆC QUỸ PHAN CHÂU TRINH NGỪNG HOẠT ĐỘNG


Giáo sư Chu Hảo: Quĩ Phan Chu Trinh ngưng hoạt động không từ một sức ép nào cả

Kính Hòa
RFA
 
2019-02-25 

Cuối tháng 2/2019, trên các trang mạng xã hội có lan truyền một bức thư được cho là của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam, Chủ tịch Quĩ văn hóa Phan Chu Trinh, ký về việc ngưng hoạt động của tổ chức này.

Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Việt Nam, Phó chủ tịch hội đồng khoa học Quĩ Văn hóa Phan Chu Trinh, xác nhận với đài RFA rằng lá thư của bà Bình là có thật, và ông cho RFA cuộc phỏng vấn sau đây.

Kính Hòa RFA: Trong lá thư của bà Nguyễn Thị Bình, thưa giáo sư tại sao không thấy đưa lý do tại sao Quĩ Phan Chu Trinh được cho ngưng hoạt động?

Giáo sư Chu Hảo: Cái lý do chủ yếu mà chúng tôi nói rằng là vì những điều kiện khách quan đấy, là sức khỏe của bà Nguyễn Thị Bình. Bà ấy năm nay đã trên 90 tuổi. Gần đây sức khỏe của bà rất là giảm sút. Thành ra bà rất là muốn từ nhiệm chức chủ tịch Quĩ văn hóa Phan Chu Trinh. Và bà đã đề nghị phải có người thay thế. Thế nhưng trong thời gian vừa qua, hội đồng của chúng tôi có họp lại thì không tìm được người thay thế. Không ai có đủ điều kiện, tư cách và điều kiện, trong thời điểm hiện nay. Mà bà Bình thì cương quyết xin rút, cho nên chúng tôi tuyên bố ngưng hoạt động.

Cũng có một số bạn bè trong và ngoài nước, có hỏi chúng tôi là có bị sức ép gì không.

Chúng tôi xin khẳng định là việc này chúng tôi làm hoàn toàn tự nguyện tự giác, trên cái cơ sở, điều kiện là không có người thay thế bà Bình, chứ không chịu sức ép của bất kỳ chính quyền hay ai cả.

Kính Hòa RFA: Thông thường nếu như chưa tìm được người thay thế thì cũng có thể có người tạm quyền được chứ ạ?

Giáo sư Chu Hảo: Người có thể tạm quyền trước hết là bác Nguyên Ngọc, với tư cách Chủ tịch hội đồng khoa học của Quĩ, và tôi với tư cách Phó chủ tịch. Cả hai chúng tôi đều ở trong hoàn cảnh không thể tiếp tục được.

Những thành viên khác trong hội đồng thì tự mọi người thấy rằng chưa đủ uy tín xã hội, không có thời gian, v.v… nên không ai dám nhận cả.

Kính Hòa RFA: Thưa giáo sư việc dừng hoạt động của Quĩ với một lý do nhân sự như vậy thì giáo sư có thấy là đáng tiếc không?

Giáo sư Chu Hảo: Rất là đáng tiếc. Nhưng mà trong cái lời tuyên bố ở cuối thông báo mà bà Bình ký, thì chúng tôi thấy rằng là sau đây, những hoạt động như thế, với tiêu chí văn hóa như thế của Quĩ Văn hóa Phan Chu Trinh, sẽ được tiếp tục bằng những hoạt động, hình thức khác nhau để tiếp tục sự nghiệp đó.

Kính Hòa RFA: Giáo sư có thể tóm tắt sơ lược những gì Quĩ Văn hóa phan Chu Trinh đã làm được trong thời gian tồn tại của nó không ạ?

Giáo sư Chu Hảo: Trong 11 năm tồn tại thì Quĩ đã có nhiều hoạt động, tuy nhiên những hoạt động đấy chưa xứng với tiêu chí, hay những việc ban đầu mà chúng tôi đặt ra. Nó có nhiều khó khăn, mà một trong những khó khăn đấy là vấn đề tài chính.

Cho đến năm vừa qua thì Quĩ Phan Chu Trinh có những hoạt động thế này;
Trong 11 năm tồn tại thì Quĩ đã có nhiều hoạt động, tuy nhiên những hoạt động đấy chưa xứng với tiêu chí, hay những việc ban đầu mà chúng tôi đặt ra -Giáo sư Chu Hảo.

Một là phối hợp với Nhà xuất bản Tri thức để xây dựng Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới, để mà tuyên truyền quảng bá những giá trị phổ quát của nhân loại, thông qua tủ sách đó, bằng cách xuất bản, bằng cách dịch, phát hành những cuốn đó trong toàn quốc. Đồng thời là tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm, để mà giới thiệu những cuốn sách đó trong giới học thuật, cũng như giới trẻ nói chung.

Thứ hai, là Quĩ đã kiên trì thực hiện việc trao giải Văn hóa Phan Chu Trinh cho bốn hạng mục là dịch thuật, nghiên cứu, vì sự nghiệp văn hóa xã hội, và Việt Nam học. Hàng năm chúng tôi chọn ra những nhân vật, những tổ chức, mà có rất nhiều những đóng góp, cho văn hóa và giáo dục Việt Nam, nhưng mà những hoạt động và nghiên cứu đó không nằm trong chương trình và kế hoạch nghiên cứu của nhà nước, nên nhà nước ít có điều kiện để bao quát được hết. Thì Quĩ văn hóa Phan Chu Trinh đã làm những nhiệm vụ bổ sung vào hoạt động, tôn vinh những giá trị văn hóa và giáo dục của những tác giả, tác phẩm đã tồn tại ở Việt Nam trong mấy chục năm qua.

Việc đó không có mâu thuẫn gì với tiêu chí chung của việc phát triển văn hóa của đất nước, mà nó chỉ bổ sung thêm vào những mảng mà nhà nước chưa có điều kiện quan tâm tới.

Thứ nữa là trong ba bốn năm gần đây, chúng tôi mở thêm hạng mục là tôn vin văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Tức là những danh nhân văn hóa có những đóng góp hết sức quan trọng cho nền văn hóa chữ quốc ngữ Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ 19 đến giữa thế kỷ thứ 20.

Bắt đầu từ ông Trương Minh Ký, rồi những nhân vật khác nữa mà chúng tôi sẽ tôn vinh. Đấy không phải là giải thưởng mà là sự tôn vinh của xã hội đối với những người có công lao rất là kiệt xuất, trong cái giai đoạn đó, mà trước đó là văn hóa Hán Nôm. Trong giai đoạn đó nhà nước đã làm tốt như là đối với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi,… Còn trong giai đoạn mà từ sau năm 45 trở lại đây, thì nhà nước cũng đã có những tuyên dương hết sức là xứng đáng với những người có công trong việc phát triển văn hóa của Việt Nam.

Nhưng mà cái giai đoạn từ giữa thế kỷ 19, có thể nói từ khi xuất hiện tờ Gia Định báo, cho đến năm 45, vì nhiều lý do khác nhau, hoàn cảnh lịch sử, cho nên một số nhân vật chưa được tôn vinh cũng như thừa nhận một cách thõa đáng, cũng như tuyên bố sự nghiệp của họ. Thì Quĩ Văn hóa Phan Chu Trinh cũng tham gia vào việc bổ sung những hoạt động văn hóa, nên chúng tôi lập ra cái hạng mục đó.

Chúng tôi tôn vinh cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Khôi, cụ Nguyễn Văn Vĩnh, còn năm ngoái là cụ Phạm Quỳnh.

Những nhân vật đó thì dần dần từng bước, trong chính quyền và xã hội đã có những thùa nhận. Thế nhưng mà công khai tuyên bố như là những danh nhân văn hóa thì là sáng kiến của chúng tôi.

Chúng tôi chịu trách nhiệm trước xã hội về công việc đó, vì nếu chúng tôi không làm, thì về sau này thế hệ trẻ sẽ rất khó, ít điều kiện để tập hợp lại được, những nhà khoa học, những tập thể học thuật, có đủ trình độ để mà đánh giá, tôn vinh những con người đó.

Tuy nhiên ý kiến trong xã hội vẫn chưa thật là hoàn toàn thống nhất. Ví dụ như có một lực lượng rất là chống đối việc chúng tôi tôn vinh những người như là Trương Vĩnh Ký, hay như khi chúng tôi tôn vinh cụ Nguyễn Văn Vĩnh, cụ Phạm Quỳnh.

Những nhân vật ấy có vẻ như nổi trội trong giai đoạn lịch sử ấy, với những ý kiến đánh giá khác nhau. Nhưng chúng tôi kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, và chúng tôi công bố với tư cách là một đoàn thể xã hội dân sự chịu trách nhiệm trước xã hội, về ý kiến của mình. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi lại về những ý kiến có tinh thần khoa học, không chụp mũ, không qui kết, để mà thảo luận với nhau.

Còn những ai mà chúng tôi nhận thấy rằng quá khích, chụp mũ và qui kết thì chúng tôi cũng không muốn mở ra tranh luận cho nó mất thời gian.

Ngoài ra Quĩ còn rất muốn có một khoản kinh phí để hỗ trợ việc nghiên cứu văn hóa mà nó không thuộc trong chương trình cấp nhà nước, mà là sáng kiến từng cá nhân hay tổ chức. Chúng tôi cũng muốn có một quĩ học bỗng để hỗ trợ cho sinh viên, hay những nhà nghiên cứu. Thế nhưng trong mươi năm vùa qua thì nguồn kinh phí của chúng tôi rất là hạn hẹp, cho nên cái mảng đấy chúng tôi không làm được. Đấy cũng rất là đáng tiếc.

Kính Hòa RFA: Sắp tới đây giáo sư và những người cùng chí hướng có nghĩ ra cái gì để thay thế, tiếp nối con đường mà Quĩ Phan Chu Trinh để lại không ạ?

Giáo sư Chu Hảo: Hiện tại thì chúng tôi có Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, vẫn còn nhà xuất bản Tri Thức. Với sự khuyến khích và hỗ trợ của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Mặc dù tôi không còn làm giám đốc nữa nhưng đã bổ nhiệm một người mới, vẫn theo những tiêu chí cũ, vẫn tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng tủ sách tinh hoa tri thức thế giới.

Có một lực lượng rất là chống đối việc chúng tôi tôn vinh những người như là Trương Vĩnh Ký, hay như khi chúng tôi tôn vinh cụ Nguyễn Văn Vĩnh, cụ Phạm Quỳnh.-Giáo sư Chu Hảo.

Ngoài ra thì cách đây gần hai năm, chúng tôi đã thành lập Viện Phan Chu Trinh. Đây là một viện tư nhân, hoạt động theo luật khoa học công nghệ của Việt Nam. Viện này đăng ký hoạt động tại Quảng Nam, trụ sở ở Hội An.

Hiện tại viện đó vẫn do tôi làm viện trưởng, ông Nguyên Ngọc, tức là nhà văn Nguyên Ngọc, là Chủ tịch Hội đồng viện, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học.

Sắp tới Viện Phan Chu Trinh đó sẽ có một chương trình hoạt động, bước đầu đã có kết quả. Chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động của Viện Phan Chu Trinh, để kế tiếp một phần công việc của Quĩ Phan Chu Trinh.

Sắp tới viện đó cũng có thể có những thay đổi về mặt tổ chức, nhưng mà phương hướng phát triển, điều lệ hoạt động đã đăng ký với nhà nước, thì chúng tôi vẫn cứ tiếp tục.

Kính Hòa: Rất cám ơn giáo sư Chu Hảo đã trả lời phỏng vấn Đài Á châu tự do.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét