Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG - VĂN HOÁ HAY KHÔNG?



VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG - VĂN HOÁ HAY KHÔNG?

FB Chất lượng cuộc sống

Việt Phủ Thành Chương tồn tại không đúng quy định của luật pháp, điều này đã được UBND Hà Nội xác nhận.

Việt phủ không thuộc diện nhà nước công nhận là di tích, công trình cần được bảo tồn, hay thắng cảnh hoặc địa điểm kinh doanh du lịch. Nói cho đúng, nó chỉ là công trình để thoả mãn đam mê cá nhân của hoạ sĩ Thành Chương. Cái tên của nó đã nói lên điều này.


Nói nó là một công trình mang nét văn hoá Việt thì quả là khiên cưỡng. Sở dĩ khiên cưỡng bởi nó chỉ mang những nét đặc thù của một vài nơi, cóp nhặt mỗi chỗ một chút, không có quy hoạch kiến trúc tổng thể. Không hoàn toàn đại diện được cho văn hoá Việt.

Nhưng muốn bàn tới được văn hoá, con người cần phải sống, mà muốn sống được, lại cần phải có pháp luật.

Không có chỗ nào trên hành tinh này không tôn trọng pháp luật, lại có thể có văn hoá, làm về văn hoá hay mang một điều gì đó đại diện cho văn hoá. 

.




Pháp luật là thứ duy nhất được cộng đồng viết ra, tuân thủ nó để gắn kết với nhau, sống chung với nhau và tránh xung đột. Cộng đồng có tiến bộ hay không, cũng là nhờ tuân thủ triệt để luật pháp hiện hành.

Như vậy, muốn duy trì Việt phủ theo hướng bảo tồn văn hoá, cần phải lập hội đồng khoa học thẩm định cấp nhà nước về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ...

Khi hội đồng khoa học công nhận nó thì lúc ấy, đưa ra hội đồng Thành phố biểu quyết dựa trên thông tin của sở tài chính cung cấp: ngân sách thành phố hiện tại, có khả năng mua lại nó hay không? Hoặc cho tồn tại để Hoạ sĩ Thành Chương khai thác thì phương án cụ thể tiếp tục xây dựng và phát triển nó ra sao?

Tất cả những điều này phải được trình bày rõ ràng, minh bạch, hợp lý và có tính khả thi.

Đấy là cách duy nhất giữ Việt phủ một cách công bằng và hợp lý nếu nó thực thụ là một công trình có giá trị kiến trúc và văn hoá.

Ngược lại, nếu nó chỉ là một thứ trá hình, lấy vỏ bọc là văn hoá thì nên di rời hay dẹp bỏ để đảm bảo tính công bằng của pháp luật là chuẩn xác hơn cả.

Giữ lại một công trình dạng như vậy, e là khó. Thường, dưới con mắt thẩm định nghiêm túc của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, một công trình vi phạm luật pháp, chỉ được giữ lại khi nó là một tuyệt tác, một sự sáng tạo chưa từng có. Những người làm khoa học thực thụ, không đánh giá cao sự lắp ghép, sao chép và tôn vinh nhân danh bất kể điều gì.

Còn nếu cứ duy trì công trình của hoạ sĩ Thành Chương theo những lập luận về văn hoá đầy cảm tính, sẽ có những người khác lên và tiếp tục làm những công trình lớn hơn, quy mô hơn và “văn hoá” hơn như thế. Lúc ấy, tính nghiêm minh và sự công bằng của luật pháp sẽ không còn nữa.

Thứ tệ hại nhất của cộng đồng là luật pháp bị dẫm lên, bị huỷ hoại chứ không phải mất đi một vẻ đẹp.

Hồn cốt Việt ngàn đời nay luôn được lưu giữ như hơi thở của đồng bào. Nó chỉ bị mất đi khi sự tôn trọng luật pháp không còn nữa mà thôi.

CHẤT LƯỢNG SỐNG

7 nhận xét :

  1. Bài viết rất chuẩn. Cảm ơn tác giả và trang Teu Bloge

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói đi cũng cần nói lại. Luật pháp ở nước ta chưa ổn định. Nay đúng mai sai, ngày kia lại đúng. Luôn phải chạy theo sự phát triển của xã hội. Là một họa sỹ tâm huyết và đam mê, Thành Chương chỉ muốn làm bộ sưu tập cho riêng mình. Sưu tập của ông có xứng tầm văn hóa hay không? Chắc ông không mong các hội đồng nọ kia thẩm định rồi gắn mác. Chỉ biết rất nhiều nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách quốc tế, khi đến Việt Nam đều được giới thiệu và đưa đến thăm Việt phủ.Chắc chắn các đoàn khách này phải được sự giới thiệu của các cơ quan Chính phủ, vì các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam đều có chương trình cụ thể từ trước.Họa sỹ Thành Chương không thể tự mình tiếp thị được cho các đoàn khách này rồi. HS Thành Chương đã ngoài 70 tuổi, đã nhiều lần tuyên bố sẽ hiến lại toàn bộ sưu tập của ông cho nhà nước.Chắc chắn sẽ rất buồn khi những tâm huyết của mình đang bị những người mang danh luật pháp phán xét. Nhưng chắc chắn những giá trị việt mà ông sưu tầm sẽ sống mãi!

      Xóa
  2. Lần đầu tiên nhìn thấy voi chầu ở cổng, không biết có chỗ nào có voi chầu ở cổng nữa không.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi mến mộ 1 họa sĩ tài danh được nhiều người biết đến . Càng là người tài giỏi , lại càng phải hiểu và tôn trọng pháp luật . Ở cái Việt phủ này , họa sĩ đã ngạo mạn ngồi trên pháp luật rồi . Nếu nhà cầm quyền còn muốn dậy dân sống và làm việc theo pháp luật thì vụ này phải xử ngiêm .

    Trả lờiXóa
  4. Cứ phải đúng luật mà làm. Coi như thành chương hy sinh sáng tạo nhặt nhẹm của mình cho việc thượng tôn pháp luật. Những ai quý mến giá trị văn hóa của biệt phủ, nên mở lòng từ thiện, mua lấy vài món đồ ở đó giúp nhau đi

    Trả lờiXóa
  5. tôi nghi ngờ cái chữ " sưu tầm" vì có thể đó chỉ là cái việc làm hàng nhái đồ cổ hoặc tiêu thụ đồ ăn cắp...

    Trả lờiXóa
  6. có cái gì ở đó mà hiến.

    Trả lờiXóa