Những lưu ý khi khai thác sử liệu
Việt Nam - Trung Quốc
Tuổi trẻ
07/12/2018 18:44 GMT+7
07/12/2018 18:44 GMT+7
TTO - Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vừa có
cuộc nói chuyện vào sáng 7-12 tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc về đề
tài 'Sử liệu Việt Nam và Trung Quốc: khả năng khai thác và những vấn đề
cần lưu ý'.
Đây
là mảng nội dung mà ông Phạm Hoàng Quân theo đuổi trong nhiều năm nay
với tư cách một nhà nghiên cứu thiên về cổ sử và các phương diện ứng
dụng sử liệu của Trung Quốc.
Về phía Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) buổi nói chuyện này là chương trình đầu tiên trong cố các chương trình tọa đàm khoa học sẽ tổ chức từ nay đến năm 2019.
Về phía Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) buổi nói chuyện này là chương trình đầu tiên trong cố các chương trình tọa đàm khoa học sẽ tổ chức từ nay đến năm 2019.
Trung Quốc ghi chép về Việt Nam rất sớm
Trước
số đông cử tọa là sinh viên ngành sử, Hán Nôm, Sư phạm và cả giảng viên
đến từ các khoa, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân giới thiệu tổng quan về
tình hình sử liệu cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó đáng kể
nhất là những thông tin về người Trung Quốc đã sử dụng tư liệu Việt Nam
trong nghiên cứu như thế nào.
Xuất phát từ lịch sử, tư liệu thành văn của Trung Quốc ghi chép về Việt Nam rất sớm, trước khi Việt Nam ra đời các bộ sử.
"Có
thể thấy xuyên suốt từ thời Hán đến đời Thanh, người Trung Quốc ghi
chép về Việt Nam càng về sau càng nhiều lĩnh vực: sử tổng quan, sử nhân
vật, địa dư, giao thông thủy bộ, quan hệ triều cống (ngoại giao), phong
tục tập quán, sản vật, một số ít về ngôn ngữ..." - ông Quân lược thuật.
Nếu chỉ xét riêng về lĩnh vực biên soạn các bộ thư mục như một
loại sách công cụ phục vụ cho công việc nghiên cứu và nắm bắt tình hình
sử liệu, Trung Quốc cũng làm khá sớm và có kế tục.
Theo ghi nhận của ông Phạm Hoàng Quân, từ năm 1932, tác giả Phùng Thừa Quân của Trung Quốc đã soạn quyển An nam thư lục, là bảng thư mục chép về các tác phẩm văn sử Hán Nôm Việt Nam do người Việt Nam soạn. "Đây có thể xem là công trình cơ bản về Việt Nam học đương thời ở Trung Quốc", ông Quân nhận định.
Sau đó, Trung Quốc chú ý soạn thư mục riêng cho "sách Trung Quốc có chép về Việt Nam", cụ thể đến năm 1956 có Quốc lập trung ương đồ thư quán của Đài Bắc soạn thư mục chuyên đề, ghi nhận khoảng 200 nhan đề, in trong Trung Việt văn hóa luận tập.
Gần đây nhất có Trương Tú Dân cũng soạn bảng thư mục in trong Trung Việt quan hệ sử luận văn tập (NXB Văn sử triết, Đài Bắc, 1992) cập nhật thêm các sách viết vào thời Dân quốc.
Ở mảng sách thư mục này, hiện Việt Nam vẫn chưa làm.
Về tình hình khai thác sử liệu,
phía Trung Quốc cũng có nhiều công trình đáng kể. Ông Phạm Hoàng Quân
lưu ý bộ sách có tính hệ thống hóa sử liệu là: Trung Việt quan hệ sử tư liệu tuyển biên
(chia làm hai bộ: cổ đại và cận đại) do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc
chủ trì biên soạn, trích lục sử liệu liên quan nhiều đến lịch sử quan
hệ hai nước: chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, Hoa kiều...
Những lưu ý
Sau
khi điểm qua tình hình khai thác sử liệu phía Việt Nam thực hiện được
mà theo ông Quân là chỉ mới chiếm 1/10 nhu cầu công việc cần làm, nhà
nghiên cứu cổ sử đưa ra các điểm cần lưu ý khi khai thác sử liệu Trung
Quốc, thậm chí là khi tìm đọc các sách cũng nên chú ý để "khỏi mất công
hoặc không phân biệt được chân - giả":
Thứ nhất, cần tiếp cận thật sát sao cách tiếp cận hoặc phân tích của học giới Trung Quốc.
Có như vậy, mới có thể nhận ra những sai sót nếu có từ phía các nhà
nghiên cứu Trung Quốc. Ông Phạm Hoàng Quân dẫn một ví dụ "xương máu" cho
điểm này, là trường hợp nhà nghiên cứu nổi tiếng Đới Khả Lai của Trung
Quốc đã nhầm lẫn cách dùng từ "Hoa nhân" của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí là người Hoa, mà không biết rằng "Hoa nhân" ở đây dùng để chỉ người Việt (người Kinh).
Thứ hai, cần tham khảo trực tiếp các văn bản gốc kể cả sử liệu Trung Quốc và sử liệu Hán Nôm Việt Nam.
Yêu cầu này đặt ra khi tiếp cận các công trình nghiên cứu của học giới
phương Tây, họ tiếp cận sử liệu chữ Hán, dịch sang tiếng Anh, Pháp, rồi
đến nay học giả Trung Quốc dịch ngược trở lại tiếng Trung, tiềm ẩn khả
năng sai lạc, nếu không dựa trên văn bản gốc sẽ dễ sa vào sai lầm.
Điểm tiếp theo không chỉ lưu ý mà còn nêu ra yêu cầu trong thực tế nghiên cứu và sử dụng sử liệu, là cần tổ chức hệ thống hóa các loại sử liệu,
trong đó có việc cần tổ chức dịch sử liệu chuyên đề, so sánh các công
trình đã có của Trung Quốc... việc này giúp ích cho học giới rất nhiều
và tạo tiền đề cho các thế hệ tiếp theo kế thừa nghiên cứu tiếp tục.
Cuối
cùng, theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, Việt Nam chỉ mới chú ý khai
thác nguồn sử liệu cơ bản, riêng những sử liệu cần cho việc khảo chứng
thì còn rất ít, chưa xứng tầm. Ở điểm này, do sử liệu phía Trung Quốc
quá nhiều, nên học giới và dịch giả Việt Nam nếu làm cần lưu ý việc phân nhóm, phân loại, xác định thể lệ và niên đại để nhằm hướng ưu tiên cho sử liệu gốc.
"Chẳng hạn nhiều người nghe bộ Tư trị thông giám
của Tư Mã Quang nổi danh, nhưng đây là bộ sử biên niên, chép các sử
kiện trước thời Tống theo quan điểm của vua nhà Tống, như vậy thì sử
liệu trong bộ này ít có giá trị hơn sử liệu gốc nằm ngay tại các bộ
chính sử trước thời Tống" - ông Quân dẫn một thao tác cần thiết khi chọn
cách tiếp cận sử liệu.
Lam Điền
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét