Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

KẾT ĐƯỢC CHƯA VỤ 231 CÁI TÁT?


KẾT ĐƯỢC CHƯA VỤ 231 CÁI TÁT?

Phạm Ngọc Tiến

Công an huyện Quảng Ninh, QB đã khởi tố vụ án cô giáo tổ chức tát học sinh. Vậy là câu chuyện đi vào hồi kết. Nhưng những gì diễn ra xung quanh nó lại gây ra những phản ứng khó mà tắt một sớm một chiều.

Có không ít người và nhà báo chê trách những đứa trẻ không dám phản ứng lại. Một cách nhìn tôi gọi là thiển cận, áp đặt và phần nào đó giả dối. Những đứa trẻ non nớt làm sao có thể chống lại nổi bạo lực từ chính thày cô của mình. Người lớn chúng ta nhất là các nhà báo có mấy người dám phản ứng lại việc biên tập cắt xén bài hoặc không duyệt bài của TBT. Có mấy ai dám trả lời thẳng thắn nếu anh không đi bài của tôi anh sẽ phải nhận hậu quả, chí ít là tôi sẽ vỗ đít rời tòa soạn này. Không có nhiều người dám thế đâu. Cơm áo không đùa với khách thơ huống hồ là những đứa trẻ sống trong vòng cương tỏa. Sẽ thật may rủi cho những học sinh khi chúng không được chọn thày cô. Gặp thày tử tế thì những năm tháng ấu thơ ấy sẽ là những ngày hạnh phúc. Và ngược lại.

Bạo lực học đường không phải bây giờ mới có. Bạo lực giữa trò với trò giữa thày cô với trò tồn tại từ lâu bởi ảnh hưởng của cách truyền thụ Nho giáo. Thày phạt trò là bình thường. Thời hiện đại tân tiến vẫn thế nhưng mức độ khác trước nhiều. Hình phạt là phải có với những đứa trẻ ngỗ ngược.

Hơn nửa thế kỷ trước đi sơ tán một lần tôi bày trò ăn cắp khoai vì đói để nướng ăn. Lúc đó tôi 10 tuổi. Thày giáo bảo tôi, tội ăn cắp xấu lắm, thày không bao giờ dung thứ cho một người ăn cắp. Giờ hoặc thày đuổi học em, gọi bố mẹ em từ Hà Nội về nhận. Hai là em chấp nhận hình phạt đánh thật đau vào cái tay ăn cắp. Tôi nhận hình phạt. Lạ là khi cái thước quật xuống tóe máu tay (do tôi tự đánh) tôi vẫn bặm môi chịu đựng được không bày tỏ cảm xúc chỉ khi thày giáo bảo thôi em, thế là đủ thì tôi mới òa khóc vì đau đớn và nhiều hơn là vì xấu hổ. Hôm nay nghĩ lại nếu không có hình phạt ấy nếu tôi không được gặp một người thày tử tế như vậy liệu tôi sẽ thành người thế nào? Tôi mãi biết ơn người thày đã biết chọn cách trừng phạt tôi.

Khẳng định không một đứa trẻ nào dám phản ứng lại thày cô trừ trường hợp cá biệt ở lớp lớn và là những kẻ chán học muốn bỏ.

Thêm một điều cuối cùng, với hành xử im lặng không lên tiếng về vụ việc, bộ trưởng Nhạ đã nhận về phiếu mất tín nhiệm gần như tuyệt đối. Với riêng tôi, đây là một trường hợp không bình thường của một nhân cách thiếu chuẩn mực. Kết được chưa vụ 231 cái tát?

3 nhận xét :

  1. Với riêng tôi [Phạm Ngọc Tiến], đây là một trường hợp không bình thường của một nhân cách thiếu chuẩn mực.
    -------------------
    Với tôi, Dan Le, đây là một trường hợp cũng bình thường thôi, bình thường như nhiều vụ thầy cô hành hạ Trẻ từ trước tới nay.

    Cấp Mẫu giáo/Mầm non có rồi, Tiểu học có rồi, giờ THCS.
    THPT có chưa, tôi không biết/không nhớ. Nếu chưa có thì tương lai sẽ có hay không bao giờ có thì tôi cũng không biết.

    Trả lờiXóa
  2. Làm sao kết được ?! Chuyện này xử xong, chuyện khác nổ bùng. Cô này bị kỷ luật, cô khác trỗi dậy. Đơn giản, luật rừng, luật của mọi luật, vẫn còn đó, thưa ông Phạm Ngọc Tiến...

    Trả lờiXóa
  3. Với tôi anh Ngọc Tiến cũng là người chưa rõ ràng, bài viết có tính vuốt đuôi, tôi phản đối việc dùng bạo lực với học sinh (bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần với học sinh). Cội nguồn sâu xa đó chính là việc chính trị hóa ngành giáo dục, đảng hóa ngành giáo dục. Để các em tự do lựa chọn, đừng có bắt các em phải tham gia đoàn, đội. Tốt nhất hãy giải tán đoàn, đội trong trường học. Hãy để các trường học được tự do. Giải tán các chi bộ trong các trường học. 100% các trường đều có chi bộ thì bệnh thành tích, giả dối từ đó mà ra.

    Trả lờiXóa