Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

18h HÔM NAY: NGUYỄN VĂN VĨNH VÀ CHỮ VIẾT TIẾNG VIỆT


LỄ RA MẮT SÁCH MỚI

Thưa các chị, các anh và các bạn!

Nhà Xuất bản Trí Thức kết hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, sẽ tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách NGƯỜI YÊU TIẾNG VIỆT TRỌN ĐỜI, bao gồm một số bài viết của dịch giả, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh về chữ viết tiếng Việt, được đăng trên các báo tiếng Việt và tiếng Pháp do ông làm chủ bút từ năm 1907 đến 1935, xuất bản tại Bắc kỳ (Hà Nội).

Cuốn NGƯỜI YÊU TIẾNG VIỆT TRỌN ĐỜI, là cuốn sách thứ ba, trong bộ sách 14 tập có chủ đề LỜI NGƯỜI MAN DI HIỆN ĐẠI. Bộ sách dự kiến 14 tập bao gồm các di cảo của Nguyễn Văn Vĩnh về mọi lĩnh vực trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, do Nguyễn Lân Bình biên soạn và chịu trách nhiệm nội dung.

Nhân danh BBT trang tin Tannamtu.com, nhân danh người biên soạn sách, xin trân trọng kính mời các chị, các anh và các bạn tới dự buổi ra mắt sách sẽ được tổ chức vào hồi 18h00, ngày thứ Tư 10.10.2018 tại thư viện Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace ở số 24 phố Tràng Tiền – Hà Nội.

Trân trọng!
NGUYỄN LÂN BÌNH
____________

Tường thuật của Minh Xuân - (Thời báo Làng nghề Việt):
Thứ sáu, 12-10-2018 | 09:01GMT+7

Hội thảo ra mắt cuốn sách
"Lời người man di hiện đại – Người yêu tiếng Việt trọn đời"


TBV - Chiều ngày 10/10/2018 vừa qua Nhà xuất bản Tri thức phối hợp với Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tổ chức Hội thảo ra mắt cuốn sách của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người có công truyền bá chữ Quốc ngữ và được coi là ông tổ nghề báo Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và tác giả Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Người yêu tiếng Việt trọn đời là cuốn sách tiếp nối cuốn “Phong tục thiết chế của người An Nam”, được phát hành năm 2013, nằm trong bộ sách dự kiến 14 tập “Lời người man di hiện đại”, được tập hợp các bài viết tiêu biểu từ các cuốn sách viết, dịch và bài báo bằng tiếng Việt, tiếng Pháp gồm đủ các thể loại, với nội dung phong phú từ viết tin, dịch thơ, phóng sự, khảo cứu, dịch tiểu thuyết, dịch hài kịch…Một khối lượng khổng lồ làm ra chỉ trong vòng có 30 năm (1906-1936).

Bìa cuốn sách “Lời người man di hiện đại”

Ông đã để lại cho hậu thế một kho tàng đồ sộ những bài báo có giá trị và nhiều tác phẩm dịch nổi tiếng ít ai vượt qua được đã góp phần vào cuộc cách mạng chữ viết tại Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sau một thời gian dài chìm vào quên lãng, gần đây những đóng góp to lớn của ông được nhiều trí thức Việt Nam chung sức đưa ra công chúng. Ông là một trí thức yêu nước, có tư tưởng tiến bộ luôn dành hết tâm sức, trí lực, trí tuệ và hiểu biết phong phú của mình để đồng bào ông, dân tộc ông thích dùng chữ Quốc Ngữ.
Đại diện Thư viện Trung tâm văn hóa Pháp giao lưu tại hội thảo.

Nguyễn văn Vĩnh không phải là người Việt đầu tiên làm báo nhưng khi ông mất, làng báo Việt suy tôn ông là ông tổ nghề báo. Ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ông tổ nghề dịch thời hiện đại vì những đóng góp to lớn với nền dịch thuật nước nhà bằng chữ quốc ngữ.
Tác giả Nguyễn Lân Bình giới thiệu tác phẩm “Lời người man di hiện đại”

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15/6/1882 tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Tám tuổi, ông đi làm thằng nhỏ kéo quạt ở trường thông ngôn của Pháp mới mở ở đình Yên Phụ để đỡ gánh nặng cho gia đình. Học sinh là những ông tú tài nho học thất thế quay ra học tiếng Pháp để làm thông ngôn. Bằng cách học lỏm, ông cũng nói được và viết được tiếng Pháp, lại còn thông thạo hơn nhiều học sinh lớn tuổi khác. Hiệu trưởng là ông D’Argence thấy vậy cho cậu thử thi tốt nghiệp. Lớp học có 40 học sinh, cậu đỗ thứ 12 khi mới 11 tuổi và được đặc cách nhận vào học chính thức, được hưởng học bổng, để theo học khóa tiếp theo. Nguyễn Văn Vĩnh được là học sinh chính thức lớp thông ngôn tập sự ngạch tòa sứ khóa 1893-1895 và đã đỗ thủ khoa năm 14 tuổi, được tuyển đi làm thông ngôn ở tòa sứ Lao Cai. Năm 1897, ông về làm việc ở cảng Hải phòng và học thêm được tiếng Anh, tiếng Trung đủ để làm việc thông dịch chỉ trong vòng 3 tháng. Cũng thời gian này ông bắt đầu làm cộng tác viên cho tờ Courrier d’Hai Phong (Thư tín Hải Phòng) và tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương). Ông là người bẩm sinh có khiếu về ngoại ngữ…
Đông đảo các học giả, phóng viên báo chí và bạn độc tới dự hội thảo.

Công lao của Nguyễn văn Vĩnh với dịch thuật và công cuộc khai dân trí, truyền bá quốc ngữ là rất lớn. Chỉ riêng về văn học nghệ thuật đã thấy được tầm vóc ảnh hưởng của ông đã làm qua công cuộc dịch thuật.
Tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa và văn học phương Tây, thì nước ta thuộc diện sớm nhất và chuyển biến nhanh nhất so với các nước ở Châu Á và Đông Nam Á. Trong giai đoạn từ 1925-1945, đã nở rộ những trào lưu cùng các loại hình văn học: thơ mới, văn học lãng mạn, văn học hiện thực, văn học cách mạng, kịch nói, kịch thơ, văn triết học, văn chính luận, văn khảo cứu, v.v… mà ở phương Tây, như nền văn học Pháp tiêu biểu, cũng phải đi mất hàng trăm năm. Những loại hình nghệ thuật chữ nghĩa ấy đều được viết bằng chữ quốc ngữ ngày càng chính xác, trong sáng, tế nhị và uyển chuyển. Phép lạ gì làm chúng ta rút ngắn được thời gian như vậy? Nhờ giao lưu văn hóa, cái cầu để nối nhịp là công việc dịch thuật…
Diễn giả Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (người biên soạn) 
và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tại buổi tọa đàm.

Nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ: “Công lao của gia đình đã tập hợp tư liệu, đi mua, đi xin, thuyết phục nhiều người cho đó là công rất lớn. Tôi thấy ông Huỳnh Trịnh Của đã đóng góp rất lớn, chỉ 1 – 2 năm ông đã chữa lại chữ Nho, chữ Nôm, cả tiếng Việt, Thành ngữ, Tục ngữ. Bây giờ chúng ta đã quá muộn để làm việc này”…
Ông Nguyễn Lân Bình giới thiệu tác phẩm “Nguyễn Nhược Pháp - Hoa một màu” 
sắp phát hành.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Thế hệ Văn Thân, Cần Vương cơ bản là chống chữ Quốc ngữ. Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 những tầng lớp sỹ phu như: Phan Châu Chu Trinh, Phan Bội Châu…coi chữ Quốc ngữ như một công cụ rất dễ phổ biến, người bình thường cũng học được, không học lâu như chữ Hán phải mấy năm. Chữ Nôm học lại khó hơn, phải thạo chữ Hán thì mới hiểu chữ Nôm được. Riêng chữ Quốc ngữ chỉ cần học mấy tháng là viết được, hiểu được, có lợi cho việc tuyên truyền, truyền bá. Những sỹ phu theo phong trào Duy Tân quay sang ủng hộ chữ Quốc ngữ làm phương tiện truyền bá lòng yêu nước và dùng chữ Pháp và chữ Việt dạy trong nhà trường…
Phóng viên Minh Xuân - Thời báo Làng nghề Việt và ông Nguyễn Lân Bình 
trong buổi ký tặng sách tại hội thảo.

Sau cuộc đổi mới đất nước 1990 của thế kỷ trước, học giả Nguyễn Văn Vĩnh được nghiên cứu trở lại, hội thảo giới sử và bạn đọc biết đến. Các tác phẩm đã được in sách, viết báo trước đó bao giờ khôi phục lại của Nguyễn Văn Vĩnh gặp khó khăn rất là nhiều. Chẳng hạn như tác giả Phan Khôi, người ta không thấy tuyển tập đâu nữa. Từ năm 2002 – 2003 tôi đã tái bản gần hết những tác phẩm của nhà văn Phan Khôi trên báo chí. Riêng tác giả ấy tôi làm phải mất hơn chục năm nay vẫn chưa xong vẫn một mình là tác giả. Về sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh số lượng tác phẩm hơn Phan Khôi rất nhiều”...

Cuốn sách đã được tác giả Nguyễn Lân Bình dành nhiều công sức và tâm huyết sưu tập, lưu trữ và biên soạn. Theo tác giả thì đây là công việc rất khó khăn, thách thức bởi thời gian trôi qua việc tìm lại những văn bản, di cảo, tư liệu gốc về cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh không hề dễ dàng. Ông và những người tâm huyết vẫn quyết tâm mong muốn khôi phục lại những tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh để làm sáng tỏ thêm tiến trình của dân tộc ta tiếp cận với chữ Quốc ngữ. Đây là cuốc sách thứ 3 trong bộ 14 tập dự kiến sẽ xuất bản ra mắt bạn đọc. TRước đó, hai cuốc sách đã được xuất bản là “Phong tục và thiết chế của người An Nam (NXB Tri thức) và (Nhời đàn bà (NXB Phụ Nữ).

Bài và ảnh: Minh Xuân

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét