Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

VÌ SAO NHIỀU DI TÍCH Ở HÀ NỘI BỊ XÂM HẠI NGHIÊM TRỌNG?


Ngôi đình 300 tuổi bị bê tông hoá ở huyện Ứng Hoà 

Xâm hại di tích ở Hà Nội, chạy theo sai phạm tới bao giờ?

Tiền Phong
24/09/2018 08:20 TPO - Sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở nhiều di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có thêm văn bản tăng cường quản lý hoạt động tu bổ di tích. Văn bản tưởng chừng mang tính tích cực này, thực tế chứng tỏ tình trạng bị động, chạy theo sai phạm bấy lâu nay.

Ai chịu trách nhiệm vụ xóa sổ ngôi đình 300 tuổi?
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ phá đình 300 tuổi
Đình 300 tuổi bị xóa sổ: Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội có trách nhiệm
Vụ phá đình 300 tuổi: Chấp nhận phương án đình bê tông?
Vụ phá đình 300 tuổi: Sở Văn hoá yêu cầu phương án 'cứu vãn' tối ưu

Vi phạm ngày càng tăng 


Không phải ngẫu nhiên Hà Nội được gọi là Thủ đô di sản. Không chỉ là mảnh đất kinh kỳ với những di sản quý như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Cổ Loa,… Hà Nội tính tới năm 2015 kiểm kê và phân loại 5.922 di tích. |

Bên cạnh những di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Gươm được bảo vệ, chỉnh trang cảnh quan và bảo tồn di tích đúng mực hơn cả, Hà Nội có tới 500 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng lo ở những di tích này chưa chắc là tình trạng cần cấp cứu di tích trong cơn nguy kịch, nguy hại hơn chính là quá trình tu bổ, tôn tạo ở nhiều di tích luôn theo xu hướng đập đi xây mới, cái mới hoành tráng hơn cái cũ.


Toà Hương nghiêm pháp đường ở khu vực Thiên Trù, chùa Hương. Ảnh: Bảo Hân 

Tính từ 2015 tới đây có thể dễ dàng điểm mặt chỉ tên những công trình vi phạm nghiêm trọng ở Hà Nội. Cuối năm 2015 báo chí phát hiện công trình nguy nga Hương nghiêm pháp đường mọc lên trong khu vực chùa cổ Thiên Trù-khu vực bảo vệ 1 của di tích quốc gia khu danh thắng Hương Sơn. Tòa nhà xây theo lối kiến trúc khác biệt với quần thể di tích tại chùa Hương, tuy nhiên điều đáng nói là sự loanh quanh của chính quyền UBND huyện Mỹ Đức khi vụ việc được phát hiện. Nhà chùa khẳng định huyện có chữ ký đồng ý vào tờ trình để xây dựng nhưng tới thời điểm công trình tòi ra, huyện nói không nhớ cụ thể về tờ trình này.
Nhiều người còn chưa quên loạt sai phạm tại chùa Trăm Gian từ việc tự ý hạ giải, xây dựng gác Khánh và sau này là tu sửa vượt quá phép ở khu vườn tháp, nhà ni. Sư trụ trì chùa Trăm Gian từng đứng lên xin lỗi, khóc tại một cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm. Tuy nhiên cũng tại di tích quốc gia ở chùa Khúc Thủy (Thanh Oai), câu chuyện sai phạm trong quá trình tu bổ di tích lại đi theo vết xe đổ. Cụ thể, ngôi chùa cổ nay mọc thêm hàng loạt công trình như nhà Tăng, nhà Ni, tượng đài phật kích thước khổng lồ, bếp ăn của nhà sư và phật tử bao vây. Hơn trăm bức tượng dát vàng được đặt dọc hai bên lối đi vào chùa khiến cảnh tượng càng trở nên lạ lẫm.b Chính quyền cũng không báo cáo về Sở trong suốt quá trình xây dựng.

 
Nhiều sai phạm ở di tích quốc gia chùa Khúc Thuỷ chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Bảo Hân

Vụ việc này chưa được xử lý, vụ việc khác lại xảy ra nghiêm trọng hơn. Mới đây ngôi đình Lương Xá với nhiều mảng chạm quý từ thế kỷ 17 bỗng được bê tông hoá trong vòng thời gian ngắn. Lấy lí do đình xuống cấp nghiêm trọng và không trông chờ ở nguồn kinh phí, người dân thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà tự ý hạ giải, không phân loại cấu kiện và biến ngôi đình gỗ thành ngôi đình bê tông xa lạ trong chớp mắt. Chính quyền địa phương ngoài văn bản nhắc nhở thực hiện theo quy trình ban đầu khi nhận được tờ trình, thực tế khoanh tay đứng nhìn. 

Xử phạt không có tính răn đe 

Soi lại hàng loạt vi phạm di tích nghiêm trọng ở Hà Nội, nhiều chuyên gia hơn một lần cho rằng xử phạt vi phạm di tích “như gãi ngứa” hoặc theo kiểu giơ cao đánh khẽ. Vụ việc nghiêm trọng ở chùa Trăm Gian sau hàng loạt cuộc họp, thanh tra thì hình thức xử lý cao nhất là cảnh cáo. UBND huyện Chương Mỹ khi ấy chỉ nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc, nghiêm khắc phê bình ông Vũ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực văn hoá xã hội. Lãnh đạo phòng Văn hoá -Thông tin huyện nhận hình thức khiển trách. 

Vụ việc được giới chuyên gia di sản đánh giá nghiêm trọng ở công trình Hương nghiêm pháp đường cuối cùng cũng thành ra đánh trống bỏ dùi. Việc chỉnh sửa kiến trúc của toà này là bất khả thi. Lấy lí do công trình vốn mọc lên trên nền nhà cũ, chưa phải di tích nên lại “phạt cho tồn tại”. Sở VHTT Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức cũng chỉ “ép” được nhà chùa hạ một số vật trang trí ngoại lai, bỏ một số tháp đá và đưa thêm cây xanh vào khu vực này. Không có bất cứ hình thức xử lý nào đối với lãnh đạo chính quyền địa phương, BQL khu di tích danh thắng này.

 
Không thể cứu vãn ngôi chùa gỗ nay bị bê tông hoá ở Ứng Hoà. Ảnh: Bảo Hân 

Đối với di tích quốc gia chùa Khúc Thuỷ, Sở VHTT Hà Nội có các văn bản yêu cầu UBND huyện Thai Oai báo cáo về việc khắc phục hậu quả tự ý tu bổ tôn tạo di tích, yêu cầu địa phương vận động nhà chùa tự di dời hơn 100 bức tượng trong khuôn viên chùa, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng. Thực tế, phần lớn những sai phạm ở ngôi chùa này vẫn không được khắc phục. Không gian kiến trúc chùa bị biến đổi hoàn toàn so với lịch sử. 

Quay trở lại vi phạm ở đình Lương Xá, mặc dù ngôi đình chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê nên vẫn buộc phải tuân thủ quản lý và tu bổ theo Luật Di sản. Điều này được ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội xác nhận, Sở tạm dừng thi công và đề nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với sai phạm tại di tích. Thực tế trong cuộc họp phương án giải cứu, các nhà khoa học nêu quan điểm gần như không thể cứu chữa, có chăng nay đưa kiến trúc bê tông về gần nhất với hình thái ban đầu của ngôi đình. Việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân tới nay chưa có dấu hiệu cho thấy lãnh đạo địa phương phải chịu xử lý ở những mức có tính răn đe hơn. 

Văn bản số 3558 của Sở VHTT Hà Nội đề nghị các địa phương thực hiện đúng Luật Di sản Văn hoá, các quy định pháp luật khác có liên quan và Quy chế Quản lí, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17-11-2016 trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thực hiện các văn bản chỉ đạo chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, văn bản hướng dẫn do Sở VHTT ban hành trong thời gian qua, đảm bảo quản lý chặt chẽ di tích, hạn chế tối đa các vi phạm di tích.

Một trong những điệp khúc ở các công trình tu bổ di tích sai phạm: Xuống cấp-tự ý tu bổ-đập đi xây lại. Ảnh: Bảo Hân 

Những nội dung nêu trong văn bản của Sở là cần thiết, tuy nhiên không thể tái diễn tình trạng hễ sai phạm lại ra văn bản “chạy” theo chữa cháy. Một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là hình thức xử phạt vi phạm di tích không mang tính răn đe. GS.TS. Trương Quốc Bình cho rằng nhiều vi phạm ở nước ta lâu nay bị coi thường nên ý thức pháp luật của các bộ ngành kém đi, xử lý không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Nhiều chuyên gia di sản mạnh dạn phải coi vi phạm trong lĩnh vực này là trọng án, thậm chí “bỏ tù” người chịu trách nhiệm để xảy ra vi phạm nghiêm trọng. Như thế may ra người ta mới biết sợ để làm đúng chức trách, không tái diễn vi phạm nghiêm trọng trong tu bổ di tích.

Bảo Hân

3 nhận xét :

  1. Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi !

    Trả lờiXóa
  2. Trên sai to , làm sao mà răn đe được người dưới sai nhỏ hơn . Người xưa nói : " thượng bất chính , hạ tắc loạn "

    Trả lờiXóa
  3. Cái gốc là lợi riêng. Mỗi người một chút. Cho nên, chỉ có đập đi xây lại. Vờ vĩnh cả thôi. Văn hóa vẫn bị băm vằm từng chút một. Di tích bao giờ cũng là duy nhất. Cái hồn ấy giờ đây còn ai tôn trọng nữa...Ôi, Đất nước mình !...

    Trả lờiXóa