Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

GS. NGUYỄN ĐĂNG HƯNG PHẢN BIỆN CÔNG NGHỆ GD HỒ NGỌC ĐẠI

GS. Nguyễn Đăng Hưng

“CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC",
NÊN HAY KHÔNG, LÀM SAO XỬ LÝ?


GS Nguyễn Đăng Hưng
10-9-2018

Phần I: Vài phản biện cụ thể

Tôi rất đắn đo khi đưa lên mạng những dòng này. Bao lần định viết rồi lại xóa! Định tổ chức tọa đàm tại Đà Nẵng, lại tạm đình chỉ…

Tuy ý thức được là vấn đề này liên quan đến mọi tầng lớp nhân dân, rất nhạy cảm, nhưng tôi quyết định tỏ rõ lập trường của mình và chấp nhận phản biện của mọi người.

VÀI LỜI MỞ TRƯỚC

1.- Tôi xin nói trước là tôi không đồng ý về các thái độ cực đoan, không có chút lịch sự tối thiểu khi tranh luận, để cho cảm tính chi phối rồi dùng những lời lẽ quá đáng, thậm chí mạt sát chửi rủa những người lớn tuổi có học vị cao như các ông Bùi Hiền, Hồ Ngọc Đại… Tôi xin báo trước là những còm thuộc loại này sẽ không thể tồn tại trên tường của tôi…

2.- Cũng xin nói rõ là cái gọi là “Công nghệ giáo dục, CNGD” không liên quan gì đến mưu toan cải tiến chữ viết tiếng Việt của ông Bùi Hiền! Việc ông này sau một thời gian im lặng vì đã phải đón nhận sự phản đối kịch liệt của toàn dân, đứng ra bênh vực GS Hồ Ngọc Đại, cho mình đồng thuyền đồng hội, là hành động vớ vẩn, bất minh, đáng trách như kẻ nhảy lên xe tuần hành của các cầu thủ U23 phất cờ chia phần chiến công của một ông tiến sỹ hám danh nọ!

Sự xâm phạm chữ quốc ngữ, một báu vật cùng với tiếng Việt đã quyện vào hồn dân tộc, đã bị phát giác và bị loại bỏ. Viện ngôn ngữ học qua khẳng định mới đây của GS Viện Trưởng Nguyễn Văn Hiệp: Trả lời chính thức của Viện Ngôn ngữ học về đề xuất cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền, đã ký giấy khai tử cho công trình này. Chúng ta không nên bàn đến nữa, không nên nhắc đến nữa, một thây ma vừa được chôn!

3.- Ngoài Bắc đã duy trì cách đọc ký tự chữ quốc ngữ (A BỜ CỜ) từ Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ của các cụ Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn. Trong Nam lại dùng cách đọc có ảnh hưởng của tiếng Pháp (A, BÊ, XÊ.). Hai cách đọc này có thể tồn tại song song vì ngoài Bắc vẫn đọc VTV là vê tê vê chứ không đọc vờ tờ vờ…

Không nên lấy khác biệt nhỏ này làm quan trọng để dẫn đến chia rẽ Bắc-Nam, đả kích lung tung, không có lợi cho tinh thần đoàn kết, thống nhất dân tộc!

VÀI ĐỀ NGHỊ CỤ THỂ

Tôi đã nghe tiếng từ lâu, về trường phái Hồ Ngọc Đại cho giáo dục. Tôi đã đánh giá GS là người tâm huyết lo cho giáo dục bền bỉ liên tục trong giai đoạn có bao điều bất cập tràn lan như dạy thêm học thêm…!

Tôi cũng biết có nhiều trí thức mà tôi kính trọng ủng hộ CNGD, nhất là nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn, một sĩ phu Bắc Hà mà tôi quen thân, nể trọng, một trí thức dấn thân đã có những phản biện xã hội sắc bén hợp thời cho đất nước.

1.- Xin nói rõ là cái nhìn của tôi đối với CNGD là cái nhìn phản biện, của một cá nhân với tất cả những giới hạn của nó. Nếu có điều khó chấp nhận, tôi mong nó sẽ được điều chỉnh, thẩm định, cải tiến để hiện diện song hành với các phương phảp giảng dạy truyền thống mà không có áp đặt bắt buộc. Tôi nghĩ cần phải có thời gian, có nghiên cứu thống kê khoa học (mẫu thử có giá trị là 1000 học sinh, so sánh thì phải kể đến trình độ giáo viên, điền kiện lớp học…).

Điều tôi cương quyết không đồng ý là thái độ khinh miệt phò mới nới cũ, thái độ giáo điều cao ngạo chỉ cái tôi đề xuất mới đúng mà thôi!

2.- Thành ra tôi đã đi từ lòng ngưỡng mộ, từ thiện cảm tiên thiên, tôi tự mình tìm hiểu mới ngộ ta nhiều điều. Té ra CNGD có nhiều bất cập. Tôi sẽ chân thực tỏ bày ở đây và sẽ không thoả hiệp với cái mà tôi nhận thức rõ là sai trái.

Tôi cám ơn cộng đồng mạng đã gợi cho tôi sự hoàn nghi, cái bắt đầu của mọi khám phá, và tôi thấy được nhiều điều của CNGD cần phải thẩm định!

CÁI GỌI LÀ CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (CNGD)?

Trước tiên, tôi thấy khó chịu với từ “Công Nghệ Giáo dục” dùng cho việc đánh vần tiếng Việt! Nó chỉ là một thứ thủ thuật, một phương pháp cụ thể! Nâng quan điểm đến mức công nghệ nghe không ổn, Thật vậy, hễ công nghệ (technology) là phải phổ quát, có hệ thống, có thâm sâu khoa học! CNGD này phát xuất từ “Học thuyết phát triển phương pháp giáo dục” của V.V Davydov và D.B Elkonin thịnh hành tại Liên Xô những năm 70. GS Hồ Ngọc Đại đã mang mô hình GD của nước Nga về áp dụng tại Việt Nam. Thời ấy tin học chưa phát triển. Ngày nay các phương tiện thính thị của công nghệ điện tử, các phương tiện trao đổi của công nghệ thông tin có thể hỗ trợ cho việc giảng dạy mà dùng từ CNGD cho một phương pháp giản đơn của việc đánh vần, thật lòng tôi nghe không ổn! Ngay các giáo sư người Nga cũng dùng từ: phương pháp giáo dục thôi, họ đâu có rao cao giá quá đáng là “công nghệ giáo dục”!

CÓ NÊN ÁP DỤNG CNGD CHO CÁCH DẠY TOÁN KHÔNG?

Ta biết GS Hồ Ngọc Đại rất tự hào về việc dạy “toán hiện đại, cao cấp” cho học sinh cấp 1 ở trường thực nghiệm. Ông từng tuyên bố: Trẻ con lớp 1 ở trường Thực nghiệm được học tiếng Việt, toán hiện đại, cao cấp. 

Đây là mặt trái của CNGD mà tôi rõ nhất, là nhà khoa học thâm niên về cơ học tính toán tại Bỉ trong 40 năm.

GS Nguyễn Tiến Dũng (Đại Học Toulouse, Pháp) đã viết một bài phản biện khá đầy đủ về việc này. Ông có nhận xét tóm lược: “Tôi e là khi học sinh lớp 1 mất quá nhiều thời gian vào việc tiêu hóa ngôn ngữ toán học hình thức, thì thời gian dành cho việc học những khái niệm cơ bản nhất của toán học lại bị giảm đi, dẫn đến hổng kiến thức cơ bản”.

Tôi xin thêm là, tại Bỉ cũng đã có một thời áp dụng cách dạy toán cách tân này dựa theo lý thuyết tập hợp (1965-1975). Sau mười năm thí nghiệm đại trà, kết quả là một đại họa của nền giáo dục Bỉ. Trẻ em không biết tính toán cụ thể, các ngành kỹ thuật cần cụ thể tính toán không thể tuyển sinh được. Một đợt phản đối mạnh mẽ phát xuất từ các phụ huynh, có đồng tình của các giáo sư đại học, các doanh nhân, chủ nhân các xí nghiệp công nghệ…! Kết quả là Bộ Giáo dục Bỉ đã phải cho ngưng cách dạy toán cách tân, cho thu hồi sách mới, trở lại với cách dạy truyền thống cho đến ngày nay.

Nước Bỉ không phải là trường hợp duy nhất tại Âu Châu. Có lẽ GS Hồ Ngọc Đại đã bị ảnh hưởng trường phái cách tân này rất thịnh hành tại Châu Âu một thời, có lan tràn sang Nga! Nhà toán học Nga Kolmogorov cũng đã mắc sai lầm khi đưa lý thuyết hình thức về tập hợp vào dạy đại trà cho trẻ nhỏ ở Nga nhưng rồi phải bỏ sau khi bị la ó phản đối!

Tóm lại, đây là một sai lầm căn bản. Tôi đề nghị phải dứt khoát loại bỏ các chương trong sách CNGD về cách dạy toán, ngỏ hầu tránh cho Việt Nam rơi vào sai lầm ê chề của châu Âu trong những năm 70!

TÁCH RỜI TRẺ EM RA KHỎI SỰ HỖ TRỢ CHĂM SÓC CỦA PHỤ HUYNH 
CÓ QUÁ CỰC ĐOAN KHÔNG?!

Một trong những phát biểu ấn tượng nhất của GS Hồ Ngọc Đại thường được công dân mạng trích dẫn là (xem hình bên dưới): “Ở phương pháp cũ ai cũng dạy được… nhưng với phương pháp mới của tôi thì ngoài cô giáo không ai làm được. Bố mẹ không làm được. Trẻ con chỉ học ở trường là đủ…”

Tôi thấy có gì rất hãi khi ở lứa mẫu giáo và tiểu học lại cố tình tách trẻ em ra khỏi sự chăm sóc, hỗ trợ của phụ huynh! Có thể lúc đầu phụ huynh chưa nắm bắt, nhưng dần dà sẽ biết thôi (và sau 20 năm thì học sinh sẽ thành phụ huynh thôi!)! Chủ trương này được khẳng định cho CNGD là quá chủ quan!

Tôi tự hỏi trong thử nghiệm, có thật như thế không? Phải nói phát biểu của GS Đại nếu có thì thật đáng tiếc! Ngay quan điểm này không thôi, đã đặt phương pháp của GS Đại bên bờ sai trái! Không thể quan niệm chuyện giáo dục trẻ em mà tách rời ra khỏi gia đình tổ ấm! Đấy chính là sai lầm của nhà nước cực đoan thời Stalin!

CÓ ĐÚNG CNGD THẬT SỰ ĐI TỪ ĐƠN GIẢN ĐẾN PHỨC TẠP KHÔNG?

Trong một lần khác, GS Đại khẳng định: “Nguyên tắc phát triển. Môn học thiết kế theo lôgích nội tại của Hệ thống khái niệm khoa học, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của Đối tượng, không có sự cưỡng bức từ ngoài. Sự phát triển này sẽ là tối ưu”, nếu quá trình đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng, từ đơn giản đến phức tạp…”

Giáo dục đi tư đơn giản đến phức tạp là đúng, nhưng tại sao lại tạo thêm rối rắm cho một việc đơn giản là học đánh vần. Tôn trọng sự phát triển tự nhiên là biến học sinh 5, 6 tuổi thành nhà ngữ âm học đi tìm chân lý ư? Việc này mâu thuẫn với mệnh đề cuối của phát biểu vừa trích dẫn! Ông nói đi từ đơn giản đến phức tạp, nhưng té ra trong CNGD, Hồ Ngọc Đại chính trong hành động, đã phức tạp hóa một công việc đơn giản, trừu tượng hóa một động tác cụ thể…

Ở đây, ta thấy GS Đại đang nói một đàng làm một nẻo vậy!!!

Còn mệnh đề của ông “đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng” làm tôi ngao ngán! Có phải GS Đại đang cổ súy cho thói nói lý thuyết thì thao thao mà cụ thể trong việc làm thì ngược lại, nói chung chung thì hay mà đi đến riêng từng sự việc là rỗng tuếch, chả có gì!

Những tuyên bố của GS Đại dùng cho việc quảng bá CNGD thường mâu thuẫn như thế. Điều này cho ta thấy GS Đại không nhất quán trong hành trình khoa học giáo dục của mình, chưa có cộng tác viên bỏ công phản biện nghiêm túc về nội dung CNGD và kết quả là sự quả quyết thiếu cân nhắc, gây phản cảm cho người nghe khi GS Đại xuất hiện trên báo đài…

(Còn tiếp)

13 nhận xét :

  1. Quý vị nào đang quan tâm đến các tranh luận quanh " công nghệ giáo dục" nên biết bài này

    Trả lờiXóa
  2. Tôi gặp GS Hồ Ngọc Đại ở Tiền Giang cuối thập niên 70 hay đầu 80 . Xin lỗi , tôi không nhớ rõ . Khi đó ông nói về CNGD . Quả thực người miền Nam chưa hề nói về Công Nghệ Giáo Dục . Nói Giáo Dục Công Nghệ thì còn hiểu chứ nói CNGD thì thật xa lạ . Và cũng khi đó tôi được biết ô. HNĐ con rể cụ TBT Lê Duẩn, tiến sĩ từ Liên Xô về lại thích nhậu thịt cầy ! Rồi từ đó tôi cũng quên TS Hồ Ngọc Đại luôn !

    Trả lờiXóa
  3. Cháu cam ơn chú rất nhiều, chú Nguyễn Đăng Hưng. Chú dùng từ ngao ngán cái gọi là“đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng” sao mà cháu thích thật. Mấy ngày qua, nhiều lúc cháu cũng ngán ngẩm không muốn nhìn vào mấy bài báo đang hút khách tranh luận về vấn đề này, nhưng hôm nay đọc bài viết của chú làm cháu lại muốn đứng bật dậy; cháu lại đang muốn viết một bài chửi cho ra trò chú ạ, chứ không chỉ là phản biện như chú. Thật sự cháu chỉ muốn dùng những từ "đắt" nhất của các cụ khi nói về những thứ dơ bẩn nhất để chủi 2 ông Giáo sư Hiền và Ngọc Đại này chú ạ! Thế mà hiện còn một số bài báo vẫn viết này nọ để ủng hộ. Xá hội loạn tận đấy rồi chú ơi

    Trả lờiXóa
  4. Ông N.Đ. Hưng cho rằng CNGD tách rời trẻ em ra khỏi sự hỗ trợ, chăm sóc của phụ huynh, tôi có bình luận thế này:
    Theo cách dạy truyền thống thì trẻ em khi về nhà cần có sự hỗ trợ của phụ huynh để con đọc, viết đúng. Như vậy phương pháp truyền thống, trẻ em về nhà vẫn phải cần người kèm cặp, mất thời gian, công sức thì mới đọc, viết được. Còn theo CNGD thì chỉ cần học trên lớp là đủ, trẻ em vẫn đọc, viết được, hơn hẳn phương pháp truyền thống còn gì. Trẻ em học theo CNGD về nhà chỉ việc chơi, OK.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vớ vẩn quá. Ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, hay ở bất kỳ cấp nào, phải gắn liền với môi trường chung quanh. Ở lớp học, bốn bức tường, vài ba trang sách, thời gian giới hạn, làm sao mà trẻ có được một thế giới các vật thể mà các từ ngữ là hình tượng cho chúng nó học. So với, môi trường gia đình, các trẽ cùng tuổi, lớn tuổi, hàng xóm...thế giới động vật, thực vật.. thi môi trường nhà trường là cái gì. Đây là cái giáo dục thời Liên xô cũ, khi Stalin ra lệnh phải đưa trẽ từ 3 tuỗi đến các nhà trẻ của nhà nước để được đào tạo trở thành các "con người XHCH", không gia đình, không tôn giáo..Tập sách tiếng Việt thì đưa Balzac, Archemedes và Lỗ Tấn làm danh nhân.. Trong khi các nhân vật này hoc sinh trung học còn chưa hiểu hết. Không đưa các danh nhân, anh hùng Việt nam hay rất hời hợt. Các câu thơ, ca dao, tục ngữ.. phản ảnh mặt trái xã hội (bình chân như vại, ngứa mắt ngứa tai, vắt chanh bỏ vỏ..) rất nhiều, rất nhiều..có hại cho trẻ. Hồ Ngọc Đại kiêu căng, tuyên bố có học vị cao nhất "thế giới". Ông ta ăn nói trịch thưong5, thua xa các vị trong ngành giáo dục VNCH mà tôi từng quen biết.

      Xóa
  5. Trích mục 2 : " Trả lời chính thức của Viện Ngôn ngữ học về đề xuất cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền, đã ký giấy khai tử cho công trình này." ( Hết trich )
    Ơn Trời !. Một tin mừng .
    Mong sao được thêm ơn Trời để tránh được thảm họa trong giáo dục .

    Trả lờiXóa
  6. Hóa ra tầng lớp nào cũng có kẻ điên , người khùng .

    Trả lờiXóa
  7. Gs Nguyễn đăng Hưng là nhà khoa học vừa có tâm ,vừa có tầm . Ông là một thầy giáo nặng lòng yêu nước ,một tấm gương cho giới trẻ .

    Trả lờiXóa
  8. Theo tôi, chuyện đánh vần là nhỏ như con thỏ.
    1. Trương Vĩnh Ký, anh minh hơn tất cả chúng ta trong chuyện này, cuối thế kỷ XIX nói: "Với người dân bình thường, trong vòng 10 ngày là biết đọc biết viết".
    2. Thủa tôi dạy bình dân học vụ, chỉ 15 ngày là người ta đọc được, vẽ ra chữ được.
    Như vậy, một đời người, hầu như không ai phải quay lại cái gọi là "đánh vần" nữa, ngoài một số nhà nghiên cứu. Vài tuần đó nó trôi vào quá vãng. Người Hán đọc chữ Hán, người ta đâu cần biết nó là tượng hình, tượng thanh, giả tá, hình thanh...gì đâu mà văn hóa họ vẫn siêu việt. Mỗi "chữ - từ" là một "hình ảnh", nhìn vào biết ngay. Chữ quốc ngữ cũng vậy.
    Tôi đã học kiểu a, bờ, cờ. Lên lớp 4, tôi đọc a, bê, xê. Không sao cả. Tôi không tái mù và vẫn viết những dòng này, tối thiểu là sẽ không sai chính tả, ngữ pháp.
    Phức tạp hóa một điều giản dị, như đánh vần quốc ngữ, là tật của những người "ta đây quan trọng".

    Trả lờiXóa
  9. Không ai dùng búa bổ trâu để làm lông một con gà cả.

    Trả lờiXóa
  10. GS Hưng viết hay quá.

    Trả lờiXóa
  11. Nếu quen phát âm R là "DỜ" ở tiếng Việt thì học sinh sẽ rất khó khăn trong việc học ngoại ngữ, chẳng hạn tiếng Anh với các từ RICH, DREAM, DROP ...!

    Trả lờiXóa
  12. Tôi không rõ sách lớp 1 có phải đích danh cụ Đại viết không. Nếu chính cụ soạn thì tôi nghĩ là cụ đã lấn sân của các nhà Ngôn ngữ, thì khó tránh khỏi sai sót.Vì cụ là TS Tâm lí học mà. Tối cũng có cảm tưởng cụ Đại đã biến một việc đơn giản thành phức tạp. Việc đánh vần thì đúng như GS Hưng nói Hội Truyền bá Chữ QN của các cụ Tố cụ Hãn...đã đơn giẩn hóa bằng cách đặt âm đọc theo tiếng Việt( có dấu giọng)để dễ đánh vần tiếng(từ) trong Việt ngữ thay cho cách ghép vần a bê xê theo tên chữ cái Latin trước đây. (mà chính tôi học BDHV thời kỳ đầu do những Thầy học từ thời trước truyền dạy. Bây giờ cụ đại đưa những danh từ chuyên ngành ngôn ngữ để phân tích như giảng cho chuyên khoa NN chẳng phải là làm phức tạp không ccần thiết đối với trẻ học vỡ lòng là gì? Mục đích dạy cho học sinh vỡ lòng là nhận mặt chữ nhanh đọc thông viết thạo, còn ngữ âm thì trẻ 6 tuổi nói rất thạo rồi. Cứ đọc thông viết thạo thì sẽ nhớ lỗi chính tả. Đâu cần phải rèn chính tả từ 6 tuổi? Trong bảng thống kê chữ cái, cụ Đại lại bỏ cột Tên Latin (nhóm cụ Hãn vẫn giữ để đoc kí hiệu chữ trong các môn KH và chữ tắt) như vậy sau này học các môn như Toán Hóa chẳng lẽ lại phải học lại tên Latin? Hay vẫn đọc theo âm Việt a bờ cờ? Cụ lại còn khẳng định âm Việt nhất định phải đọc a bờ cờ mới đúng, không thể đọc khác. Thế nhỡ ta đọc theo kiểu Nga là a be ve, vẫn ghép vần tốt. Chẳng qua đúng là đúng với cách đọc theo quy định của nhóm cụ Tố cụ Hãn mà ta đã dùng quen. Hai nữa các cụ cũng đã lựa chọn a bờ cờ...là tối ưu. Vì tôi nghĩ là thể hiện dấu ấn ngữ âm tiếng Việt rõ nhất biểu hiện ở thanh huyền. Theo những ngôn ngữ quen thuộc tôi từng biết thì chỉ có tiễng Việt có thanh"huyền".Thanh huyền cũng là thanh ngang gần với thanh "không" mà các tiếng nước ngoài đều có, nên dễ ghép vần như thanh 0.Còn các dấu thanh khác như sắc, hỏi, ngã, nặng không dùng được.Vậy thôi.Cuối cùng xi tỏ lời cảm ơn GS Nguyễn Đăng Hưng đã có bài viết phản biện rất hay! Mong được đọc nốt phần tiếp theo. Cũng cảm ơn cả ông chủ nhà NX Diện! - (Thái A Trần không đủ điều kiện... phâi mượn "nặc danh" để "còm")

    Trả lờiXóa