Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

BẮT ĐẦU KHAI QUẬT KHO BÁU Ở VỊNH DUNG QUẤT

Thợ lặn bắt đầu công cuộc khảo cổ - Ảnh: T.M.
 
Bắt đầu khai quật tàu cổ chìm ở vịnh Dung Quất

Tuổi trẻ
09/07/2018 20:07 GMT+7

TTO - 12 thợ lặn cùng nhiều chuyên gia khảo cổ đã bắt đầu khai quật con tàu cổ vật ở vịnh Dung Quất. Đây là con tàu được đánh giá có nhiều cổ vật thuộc thời nhà Minh rất quý hiếm.

Khai quật tàu cổ chở gốm ở Khu kinh tế Dung Quất
​Khẩn cấp khai quật tàu cổ ở vịnh Dung Quất
Phát hiện tàu cổ vật nhưng sau 8 tháng vẫn nằm im dưới biển

Chiều 9-7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu cho khai quật khảo cổ học tàu chìm ở vùng biển Dung Quất.

Theo đó, cơ quan chức năng khai quật khảo cổ học dưới nước trong bán kính 100m, từ vị trí tàu đắm ở khu vực cảng chuyên dùng số 3 Cảng quốc tế Hào Hưng (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn). Kinh phí khai quật là 48 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.

Theo kế hoạch, việc khai quật tiến hành trên diện tích khoảng 800m2, dự kiến kết thúc vào ngày 15-9. Hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập về Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi bảo quản.

Hiện đã có 12 thợ lặn chuyên nghiệp cùng chuyên gia khai quật tàu cổ đang tiến hành những bước đầu tiên. Theo các chuyên gia, đây là con tàu cổ thứ 7 được phát hiện trên vùng biển cả nước, nhưng là lần đầu tiên khai quật mà không có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài và các công ty tư nhân.

Lực lượng biên phòng bảo vệ nghiêm quá trình khai quật - Ảnh: T.M.

Ông Dương Trung Quốc - tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho biết: "Những lần trước chúng ta chủ yếu trục vớt cổ vật và phải dựa vào các chuyên gia nước ngoài, nguồn lực của các doanh nghiệp, dẫn đến việc không khai thác hết những giá trị của di sản, có những lúc phải xót xa nhìn những cổ vật đó bị mang đi bán đấu giá".

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn - phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đây là lần đầu tiên khai quật ở vùng biển Dung Quất nên bước đầu sẽ khảo sát, sau đó hút cát bề mặt tốn thời gian khoảng 10 ngày. Tiếp đến sẽ đánh giá hiện trạng, định vị tọa độ.

"Việc định vị khảo cổ học sẽ tốn thời gian khá lâu, bởi đó là cách thể hiện hiện trạng khảo cổ cả quá trình về sau" - ông Đoàn giải thích.

Sau khi làm các thủ tục ban đầu sẽ tiến hành căn ô và bóc từng khoang cổ vật, ngâm bảo quản, từ đó làm cơ sở để phục chế khảo cổ, hoặc dùng hệ thống phao đưa lên tháo dỡ và chở về nơi bảo quản.

Thợ lặn đang thăm dò khu vực phát hiện con tàu cổ, kết hợp hút cát tạm thời 
để đánh dấu khu vực - Ảnh: T.M.

Ngoài ra, việc định vị tọa độ giúp phân tích dữ liệu để các nhà khoa học nghiên cứu kỹ thuật đóng tàu, kinh nghiệm đi biển của người xưa, nguyên nhân tàu chìm.

Đội thợ lặn có thể thu thập những mảnh gỗ giống như "thẻ bài", ghi chép đầy đủ thông tin về nguồn gốc từng loại hàng hóa ở từng khoang, đường vận chuyển hàng hải quốc tế. Xác tàu cũng sẽ là độc bản quý giá nhất trong cuộc khai quật.

Trước đó, tháng 7-2017, trong lúc thi công nạo vét, thông luồng cảng biển Hào Hưng và luồng quay tàu dùng chung cho Khu kinh tế Dung Quất, nhóm công nhân phát hiện xác tàu cổ dài khoảng 30m, rộng hơn 6m, cách cảng chính khoảng 20m, cách bờ khoảng 7m và ở độ sâu 9m.

Dựa trên những mảnh gốm sứ có được, bước đầu các chuyên gia nhận định xác tàu cổ bị chìm cùng nhiều hiện vật gốm sứ hoa lam cao cấp thời Minh (Trung Quốc), niên đại khoảng thế kỷ XVI.

Theo kế hoạch, sẽ có nhiều dụng cụ khảo cổ được đưa đến hiện trường 
phục vụ khảo cổ - Ảnh: T.M.
 
TRẦN MAI
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét