Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Luân Lê: NHỮNG TRỚ TRÊU NGHỀ LUẬT


Luân Lê
28-6-2018

NHỮNG TRỚ TRÊU NGHỀ LUẬT

Lại có một vụ chủ toạ đuổi luật sư ra khỏi phiên toà mà thấy cũng không lấy gì làm khó hiểu, trong khi những gì mà luật sư làm là bảo vệ những gì tốt nhất cho thân chủ và cũng vì công lý mà phụng sự. Với chức phận của mình, luật sư có thể nói lên quan điểm và bảo vệ pháp luật tại phiên toà, trước kiểm sát viên hay cả hội đồng xét xử. Chủ toạ hay những người tiến hành tố tụng có dấu hiệu không khách quan thì những người tham gia tố tụng còn được đề nghị thay đổi thành phần những người tiến hành tố tụng theo luật định. Vậy nên, việc luật sư có quan điểm về việc điều khiển phiên toà của chủ toạ là điều đương nhiên được phép và kiểm sát viên phải có ý kiến kiểm sát về việc này để phiên toà có thể diễn ra một cách khách quan.

Tôi lại nhớ câu chuyện cách đây mới chỉ hai hôm, trong một phiên toà dân sự tại thành phố H, tôi đang tham gia hỏi đương sự (nguyên đơn) thì vị nữ luật sư (lớn tuổi) bên nguyên chen ngang và còn đề nghị đương sự không trả lời với một thái độ rất ngang nhiên, với luận điệu “những cái đó đã có trong hồ sơ nên không cần hỏi”. Trước đó tôi đã được biết vị này từng là thẩm phán của chính thành phố này và nay chuyển qua làm luật sư. Nhưng sự xuất hiện tại toà chỉ đơn giản là để có mặt chứ không phải để hành nghề thực sự. Tôi phản kháng ngay lúc đó, rằng, đề nghị chủ toạ cần kiểm soát vị luật sư này vì đã tự ý cắt ngang và tự ý điều khiển cả phiên toà, trong đó xúi đương sự từ chối việc khai báo tại phiên xử trong khi mọi chứng cứ, tài liệu phải được thẩm tra và đánh giá trực tiếp tại phiên toà theo luật định. Có lẽ là một sự cửa quyền vô lối quen thói như khi vị này còn đang đứng ở chức vị uy thế vậy.

Tôi lại nghĩ tiếp đến một trường hợp lạ lùng, một vị thẩm phán vừa nhận quyết định nghỉ hưu, liền lập tức ra làm luật sư, dù chưa hành nghề được một ngày, lại vẫn đi “bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư” hết lần này đến lần khác tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tôi ngạc nhiên vì trình độ (học thuật) của vị này khi còn là thẩm phán, nay lại thêm phần kinh ngạc vì sự thể tréo ngoe lộn ngược này đang diễn ra. Ông ta đủ tư cách để đứng bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư không trong khi chưa một ngày hành nghề và đạo đức nghề luật sư chính ông ta còn chưa tham gia học tập và rèn giũa một thời khắc nào? Vậy mà ông ta vẫn cứ vênh váo với thiên hạ, làm xấu hổ những người hành nghề luật chân chính.

Ở Mỹ, Anh hay các nước châu Âu (EU), thẩm phán hoặc công tố viên được tuyển lựa kỹ lưỡng và với các điều kiện nghiêm ngặt từ giới luật sư. Còn ta thì ngược lại, sau khi thôi làm thẩm phán, kiểm sát viên thì lại ra làm luật sư.

2 nhận xét :

  1. Thế đất nước mới như như ngày hôm nay. Có hẳn một RỪNG LUẬT nhưng khi mang ra áp dụng thì chỉ có một luật, đó là LUẬT RỪNG! Buồn lắm Lê Luân ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Theo tôi hiểu ở Đức thẩm phán là lớp học sinh luật xuất sắc nhất, công tố viên đòi hỏi không bằng thẩm phán. Ở ta Tòa án đào tạo riêng thẩm phán, Viện kiểm sát đào tạo riêng và học luật chung chung sợ rằng cơ hội không cao khi vào nghành công chức tòa án, viện kiểm sát. Chỉ có điều nhiều người muốn làm thẩm phán ở Việt Nam thì xin vào làm thư ký phiên tòa, điều tôi biết ở Đức tối kỵ! Ở họ thư ký học cỡ trung cấp và chuyên thư ký, chứ không thể chuyển làm thẩm phán được và cũng tương tự như y tá không thể chuyển thành bác sỹ. Việt Nam trong nhiều chuyện lạ thì chuyện lạ về đào tạo, bố trí công việc, chuyển nghạch trong nghành tư pháp cũng là điển hình. Chính vì thế nghề bác sỹ hay thẩm phán, dưới là công tố viên ở xứ họ đều có thể tin cậy – vì họ đã từng là học sinh, sinh viên ưu tú. Còn ở ta nhiều khi không theo trình độ mà theo những tiêu chuẩn rất kỳ lạ, chưa kể đã có lần (2006 trước QH) Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Văn Hiện đã thú nhận phải „vơ vét“ người làm thẩm phán.

    Trả lờiXóa