Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

BS Võ Xuân Sơn: KỈ NIỆM 43 NĂM TRƯỚC


BS Võ Xuân Sơn

30-4-2018

KỈ NIỆM 43 NĂM TRƯỚC

Khác với nhiều người, tôi không ngỡ ngàng lắm với những thứ “hào nhoáng” của Sài gòn sau ngày 30/04 năm 1975. Các chú thương binh miền Nam hay đến nhà tôi chơi. Họ kể rất nhiều chuyện về Sài gòn, và tôi đã biết khá nhiều thứ trước khi thấy chúng.

Cái đầu tiên mà tôi ngạc nhiên lại là một việc khác. Ba tôi là thợ sửa xe. Tôi cũng đã theo ông học sửa xe. Khi xe lên đèo Hải Vân, ba tôi thắc mắc, tại sao chiếc Renault cũ kĩ như vậy mà leo đèo băng băng, không bị sôi nước. Mãi đến khi đổ đèo, nhìn những chiếc xe đi ngược chiều, ba tôi mới chỉ cho tôi, thấy cái thùng nước trên mui xe, và vòi nước chảy ra từ phía bên hông xe.

Ba tôi nói, đơn giản vậy mà sao không nghĩ ra. Có thể nói miền Bắc có nhiều đèo hơn miền Nam, và vấn đề nước làm mát sôi khi leo dốc là chuyện thường ngày. Ba tôi là người có nhiều sáng kiến, nhưng vẫn phải khâm phục sự sáng tạo của người miền Nam.

Xe đến Cam ranh. Lần đầu tiên chúng tôi ăn cơm phần. Không phải mỗi người có phần sẵn trong một cái dĩa, mà là dọn lên, cả nhà ăn chung. Một dĩa cá lớn được mang ra. Tôi hỏi mẹ, ăn làm sao đây. Nếu các bạn không ở miền Bắc thời gian ấy sẽ không hiểu được câu hỏi của tôi. Kể từ khi tôi lớn, chỉ trừ khi nhà mổ heo, còn thì tất tật các thứ đồ ăn ngoài cơm phải được chia ra, mỗi người chỉ được ăn phần của mình.

Kể từ khi cuộc sống khá lên, nhà tôi mỗi tuần mổ một con gà. Mẹ tôi băm nát, rang thật mặn, rồi chia ra làm 14 phần, cho 14 bữa ăn trong tuần. Mỗi bữa một phần gà được lấy ra, chia cho các thành viên trong gia đình. Cho nên, việc có một dĩa cá lớn được mang ra, ăn tự do, thì dù đã nghe các cô, các chú kể, vẫn ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Xe đạp, Honda, tủ lạnh, TV, dàn Akai… tôi chẳng lạ gì, thậm chí có chú còn vẽ cho tôi xem chúng ra sao. Thế nhưng, cái mà tôi không thể tưởng tượng là chúng được bày bán la liệt. Ở đâu ra mà họ có lắm của cải thế? Và nhiều người giải thích cho tôi, đó là do Mỹ đổ đô la vào.

Thực ra thì các cô các chú kể nhiều về các vật dụng, hoặc đường sá… Nhưng cái mà tôi ngạc nhiên nữa là chuyện cám ơn. Sao mà ngừoi miền Nam hay cám ơn thế. Mua đồ cũng cám ơn. Họ đạp xích lô chở mình, trả tiền cũng cám ơn. Có lần, tôi nghe thấy một cô nói giọng Bắc gắt, cám ơn đéo gì mà cám ơn lắm thế. Không ai chính thức dạy, nhưng tôi hiểu rằng, cám ơn là một kiểu khách sáo, mang tính tiểu tư sản.

Ngoài ra, tôi còn có một ngạc nhiên nữa. Đó là việc các bạn ở Sài gòn, khi nói về các nhân vật cao cấp của bất cứ chế độ nào, đều dùng từ ông, bà trước tên. Chúng tôi quen gọi là thằng, ai mà gọi ông Thiệu, ông Kỳ là có khi phải làm bản kiểm điểm. Nên khi nghe họ gọi ông, bà thì có vẻ lạ. Còn lạ hơn khi một vài bạn tỏ vẻ ghét cộng sản, những vẫn gọi là ông Lê nin, ông Marx, mà không nghe họ dùng từ thằng.

Hồi đó, ngã sáu Dân chủ có một đường xe lửa đi qua. Cứ vài ngày lại có người bị cán chết. Thỉnh thoảng xóm tôi ở có người bị xe lửa cán chết. Vậy là tôi lại được chứng kiến một đám tang vui nhộn, luôn chơi những bản nhạc vui, thậm chí có người đến tấu hài giúp vui cho đám ma.

Nhưng những điều tôi gặp ở Sài gòn những ngày đầu sau 30/04/1975 không chỉ có một màu. Vài tháng sau, ba tôi bị tai nạn gãy cột sống, liệt hai chân, và được đưa vào bệnh viện Bình dân. Các bác sĩ ở đây gằn giọng nói với chúng tôi, rằng chắc chắn ba tôi sẽ chết, mang về thì còn xác, để ở bệnh viện thì mất xác. Khi đó, ba tôi mặc chiếc áo bộ đội. Thái độ của họ làm cho tôi có cảm thấy căm ghét cái Sài gòn này.

Ba tôi được đưa về nhà. Mấy cô bác hàng xóm giới thiệu một ông thầy thuốc nam. Hàng ngày, ông mang đến một thứ lá và bó cho ba tôi, lấy 100 đồng tiền thuốc và công. Lúc đó, lương của mẹ tôi là 45 đồng một tháng. Chiếc xe Honda dame mua cho mẹ tôi đi làm có giá 90 đồng. Do bán nhà ngoài Bắc có ít tiền, nên chúng tôi có tiền trả cho ông.

Khi nhà tôi hết tiền thì ông không đến nữa. Vừa may, có một chị chạy Khơ me đỏ, bám càng máy bay về Sài gòn rớt từ độ cao 8m xuống cũng bị liệt chân, biết thứ lá đó. Nó được trồng đầy trong các công viên. Chúng tôi hái về đắp tiếp cho ba tôi. Được vài bữa thì ba tôi hết liệt.

Ban đầu tôi cũng tin vào thứ lá thần kì kia. Nhưng sau này, khi trở thành bác sĩ, đi sâu nghiên cứu về chấn thương cột sống, tôi mới biết ba tôi bị sốc tủy. Khi hết sốc tủy thì cũng sẽ hết liệt. Có lẽ nếu ba tôi không mặc chiếc áo bộ đội, thì các bác sĩ đã khám kĩ hơn và phát hiện ba tôi bị sốc tủy. Hay là họ có khám, có biết? Tôi cũng không chắc nữa.
 

2 nhận xét :

  1. Ngay cả chị Cấn Thị Thêu cũng được đảng đem tiền ra chiêu dụ nhằm chia rẽ dân oan đấy thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Đảng ta rất giỏi phân hoá. Ở với nhân dân thì sàng lọc nhân dân. Đi qua Mỹ như ông Nguyễn Minh Triết thì đòi phân hoá nội bộ lãnh đạo nước Mỹ!

    Trả lờiXóa