Võ Xuân Sơn
29 - 4 - 2014 ·
NƯỚC MẮT NGÀY LỊCH SỬ
Tôi còn nhớ rất rõ, đó là một ngày cuối tháng 10 năm 1972, Đài Tiếng nói Việt Nam công bố bản dự thảo Hiệp định Paris. Ai cũng khấp khởi vui mừng khi hòa bình đã đến trong tầm tay. Nhưng sau đó, Hiệp định không được kí, Mỹ tuyên bố sẽ đưa Hà nội và Bắc Việt nam quay trở lại thời kì đồ đá.
Những thông tin về trận chiến tại Thành cổ Quảng trị tới tấp bay về. Chúng tôi nghe qua radio, Đài Hà nội, Đài BBC và Đài Sài gòn. Các chú thương binh từ chiến trường ra kể rất nhiều chuyện về cuộc chiến này. Có chú phê phán các nhà lãnh đạo “nướng” quân ở Quảng trị, ở bờ nam sông Thạch Hãn.
Thỉnh thoảng Mỹ cho máy bay tàng hình F111 cánh cụp cánh xòe bay dọc sông Hồng, bay thật thấp, đến mức mà nước sông cuộn sóng lên cao dưới sức ép phản lực của các máy bay này. Lâu lâu lại có tin thuyền bị lật do sóng nổi lên dưới sức ép của phản lực F111. Không biết đây là những chuyến bay tập luyện, thăm dò hay nhằm mục đích khủng bố tinh thần nhân dân miền Bắc.
Những tin tức về Hội nghi Paris được mọi người bàn tán rất nhiều, không biết từ đâu mà ra. Có những thông tin như Kissinger nói sẽ cho thả bom phá đê điều miền Bắc, Lê Dức Thọ trả lời sẽ trói các phi công Mỹ trên từng đoạn đê, rồi Kissinger nói sẽ dùng thuốc mê thả xuống cho mọi người mê hết rồi xuống giải cứu cho phi công... Mọi người bàn tán, thích thú với các thủ đoạn được hai bên đưa ra, dù không biết những câu chuyện đó có thật hay không.
Nhà tôi nằm ngay bên dưới đường bay của B52 khi chúng bay đến thả bom trong vụ 12 ngày đêm Hà Nội. Những ngày đầu, máy bay Mỹ bật đèn bay rất nghênh ngang. Sau khi có một số B52 bị bắn hạ, các phi công Mỹ mới tắt đèn khi bay. Dần dần chúng tôi quen với tiếng máy bay B52 khi nghe tiếng rất nặng và âm thanh rền vang.
Sáng nào cũng vậy, toàn bộ vườn nhà tôi, các nhà xung quanh và cánh đồng lúa trước nhà đều trắng xóa một màu giấy bạc. Máy bay Mỹ thả từng chùm, từng chùm các sợi giấy bạc. Nghe nói những giấy bạc này nhằm làm nhiễu rada, để máy bay và tên lửa của Việt Nam không thể bắn trúng máy bay Mỹ.
Không chỉ Hà nội bị đánh bom. Khu vực của chúng tôi cũng bị đánh bom cùng lúc với Hà Nội. Có đêm, Mỹ ném bom trúng kho phân lân, gần như cả thị xã bị chìm trong bầu không khí đầy bụi lân. Ban đầu chúng tôi không biết là gì, phải lấy mùng phủ các lỗ thông hơi của hầm, mang nước vào hầm cùng một số quần áo, sẵn sàng xé quần áo ra, nhúng nước bọc quanh miệng mũi để tránh nhiễm độc.
Những đêm Mỹ đánh bom rát quá, có khi chúng tôi phải ở cả đêm trong hầm. Ngay cả khi bụi lân đang bay mù mịt, ngay cả cái chú đã từng gán cho gia đình tôi cái tội phản động, ngay cả các chú thương binh không ngại lên tiếng phản đối vụ Thành cổ Quảng trị, tất cả mọi người đều nói: không biết khi nào mới đánh thắng giặc Mỹ để chấm dứt nỗi cơ cực này.
Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Hiệp định Paris đã được kí kết vào đầu năm 1973. Hòa bình lập lại trên miền Bắc. Bắt đầu có quần ống tuýp, rồi lại quần ống loe. Trên một số ngả đường, các chú công an đứng canh chừng. Mấy đứa bạn tôi bảo chú nào cũng cầm kéo trong tay, hễ thấy ai mặc quần ống tuýp hay ống loe là cắt phéng. Râm ran những bài vè ”Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài sắm xe”, hoặc “mỗi người làm việc bằng năm, để cho chủ nhiệm vừa nằm vừa ăn”.
Ở chỗ chúng tôi có một sân bay nhỏ bỏ không. Tối tối, các cô các chú cặp kè ra đó và làm cái việc mà người lớn gọi là “hủ hóa”. Có lần công an bắt được hai cô chú đang “hủ hóa”, vậy là họ bị trói lại trần truồng, giải về đồn công an trước sự đeo bám, hú hét ầm ĩ của một đám con nít và thanh niên mới lớn ở tuổi tôi. Nhóm bạn chúng tôi thường kể về những vụ vợ của các chú bộ đội đi B ở nhà “hủ hóa” bị bắt được, rồi mang ra cuộc họp dân phố hoặc cơ quan, bắt mô tả đến từng chi tiết, rồi phê bình, kỉ luật.
Trong khi đó thì tình hình chiến sự ở miền Nam có phần ác liệt. Hết thanh niên ra trận, Nhà nước bắt đầu mượn tuổi. Tôi không rõ cụ thể cách mượn tuổi như thế nào nhưng một số bạn tính toán cho thấy chúng tôi sẽ nhập ngữ sớm vào cuối năm 1975. Những bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Lá đỏ”… đã trở thành những bài hát đi sâu vào tâm hồn những thanh niên mới lớn như tôi. Người ta gọi đó là tính lãng mạn cách mạng.
Suốt thời gian đi học, tôi luôn bị các bạn gọi là “dân miền… đù”. Một số bạn khác cùng là con nhà Miền Nam tập kết như tôi nhưng ít bị phân biệt hơn do các bạn là người sở tại, không phải dân sơ tán như tôi, và đặc biệt là cái họ của tôi, gần như đến đâu thì cả trường cũng chỉ có mấy anh em tôi họ Võ. Thêm nữa, do hoàn cảnh gia đình nên tôi rất ít khi đi chơi cùng các bạn, giữa tôi và các bạn luôn có một khoảng cách. Không được coi là người sở tại, tôi luôn hướng tới một quê hương ở nơi xa xôi của mình: Sài gòn.
Mặc dù tôi luôn có dáng vẻ tồ tồ, lại vai u thịt bắp, nhưng các cô các chú ai cũng bảo tôi là trai Sài gòn. Mọi người, mọi thứ đều củng cố cho suy nghĩ của tôi, rằng tôi không phải là người sở tại, tôi là dân Sài gòn. Sài gòn đã trở thành quê hương của tôi. Tất cả những gì liên quan đến Sài gòn tôi đều ghi nhớ, đến mức mà sau này, khi vào tới Sài gòn, tôi không hề bỡ ngỡ với những địa danh đặc trưng của Sài gòn – Chợ lớn.
Theo tính toán của các bạn, đến kì nhập ngũ cuối năm 1975, tôi sẽ được lên đường. Tôi luôn mong mỏi, luôn mơ ước ngày về quê. Tôi mong mỏi từng ngày, từng giờ để được về quê. Tôi rất vui nếu tôi được đi bộ đội, sớm được về quê, về Sài gòn. Tôi háo hức trông chờ ngày đó.
Những ngày tháng 4 năm 1975 sôi sục. Mặc dù rất mong mỏi ngày về quê, ngày về Sài gòn nhưng không thể nghĩ nó có thể trở thành hiện thực sớm như vậy. Cho nên dù cho thông tin cứ bay về liên tục, hết Đà Nẵng đến Nha Trang bị bỏ trống… không ai dám đặt niềm tin rằng đất nước sẽ sớm được thống nhất, chiến tranh sẽ sớm chấm dứt.
Tôi đi tham dự Hội diễn văn nghệ toàn tỉnh tại Trường dành cho học sinh Lào về vào chiều 28 tháng Tư. Ba tôi mở Đài BBC và Đài Sài gòn. Tin tức cho thấy Sài gòn đã rối loạn, Nguyễn Văn Hương từ chức, giao quyền cho Dương Văn Minh. Ngày 29 tháng Tư, gần như chúng tôi không còn tâm trí để học nữa, chỉ lo bàn chuyện chiến sự. Sáng 30 tháng Tư cũng vậy. Nhưng hình như ngay cả Đài Tiếng nói Việt nam cũng rất dè dặt khi đưa tin. 11 giờ trưa, chúng tôi tan học về nhà.
Hôm đó là ngày lớp tôi phải đi lao động. 1 giờ chiều, chúng tôi tập trung tại chỗ lao động. Ngoài tôi thì cô giáo Phó Chủ nhiệm lớp và bạn Dũng trong lớp là con nhà Miền Nam tập kết. Phải đến gần 1 giờ 30 Dũng mới đến. Từ đằng xa, Dũng đã la lên: Giải phóng rồi, giải phóng rồi. Mọi người ngừng hết lại. Dũng chạy tới nơi vừa thở vừa nói: Lúc khoảng 11 giờ, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng.
Mọi người bán tín bán nghi. Ai cũng tin là ngày này sẽ đến, nhưng khi nó đến thì lại cảm thấy rất khó tin. Chúng tôi xin cô giáo Phó Chủ nhiệm lớp cho về sớm, cô đồng ý và tất cả chúng tôi ra về. Ai cũng hớn hở, vui mừng.
Tôi chạy như bay về nhà. Mọi người đã ở nhà. Ba tôi từ chỗ làm, nghỉ sớm về nhà. Các em tôi cũng nghỉ học. Đài Sài gòn không bắt được, BBC thì chưa đến giờ phát tiếng Việt. Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ dậy bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, dạy đi dạy lại, rất sốt ruột. Thời gian trôi qua một cách rất chậm chạp. Cái điệp khúc: Như có Bác Hồ, hai… ba, cứ lặp đi lặp lại mãi.
Mãi đến khoảng 3 giờ chiều, Đài Tiếng nói Việt nam mới đọc thông báo, chính thức xác nhận Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Mẹ ôm lấy tôi, nghẹn ngào: “Vậy là con mẹ sống rồi, con mẹ không phải chết rồi”. Cả nhà tôi lặng đi. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt ba tôi. Trước đó, ngay cả lúc ba tôi ho ra một đống máu, ngay cả lúc cận kề với cái chết, chưa bao giờ tôi thấy ba tôi khóc. Lần đầu tiên tôi thấy ba tôi khóc. Tôi chạy qua các nhà khác trong xóm. Tiếng khóc vang lên khắp nơi, từ những gia đình đã nhận được giấy báo tử trong những năm vừa qua.
Nghe nói đêm đó ở Hà nội người dân đổ ra đường, các bạn Cu ba nhảy múa bài “Oan ta ra mê ra” ngay trên đường phố Hà nội. Ở nhà tôi, các cô chú thương binh ở trại K100 đến chơi thật đông. Không khí đang huyên náo chợt chùng xuống khi một chú nhắc đến một người bạn chết ngay trên tay chú vì hứng một trái M79 trước đó. Tiếng khóc vang lên, ban đầu của các cô, sau đó lan sang các chú.
Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4. Đó là ngày hoà hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường… Hoà hợp dân tộc đã hoá giải xung đột, xoá bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
Trả lờiXóaTrân trọng cảm ơn quý vị NAM PHONG ! Ý kiến của quý vị rất chuẩn mực, thấu hiểu nhân tình thế thái và đạo lý sống để làm người !
XóaThời chiến tranh thì mượn xương máu nhân dân làm nên danh tiếng, hoà bình thì mượn xương máu nhân dân đi vay tiền về ăn nhậu.
Trả lờiXóaCái việc hòa hợp để đất nước bình yên ai mà chả muốn. Ai đã từng trải qua cuộc chiến thì mới thấu hiểu được nỗi buồn của chiến tranh, mà cái chiến tranh đấy không thể tự hào vì là người cùng CON RỒNG CHÁU TIÊN lại đánh nhau chứ không phải đánh kẻ cướp lãnh thổ của ÔNG CHA để lại thì mới buồn làm sao.
Trả lờiXóa