Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

ĐẠI CỤC CỦA CON DÂN ĐẤT VIỆT LÀ GÌ?

Cứ tưởng đi tìm “một bộ phận không nhỏ” khó khăn lắm, hóa ra không phải. 
Ảnh minh hoạ: KT/ VOV.VN.

Đại cục của con dân đất Việt là gì?


Xuân Dương
(GDVN) - Nhắm mắt hay cúi đầu trước những âm mưu rõ như ban ngày của ngoại bang chắc chắn không phải “đại cục” của người Việt, thưa ông Tổng cục! 


Nói đến chức năng quản lý ba lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là nói đến một bộ chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước ba mảng này tức là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về văn hóa, dân chúng vừa tạm nguôi câu chuyện một “ông Cục” của bộ này cấp phép cho toàn dân hát Quốc ca.


Nhưng họ chưa hết ngơ ngác chuyện lãnh đạo “cục khác” cũng thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch biện minh cho bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” của Trung Quốc, rằng “36 giây cuối, phim thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông” và rằng “Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo”.

Về thể thao, sau câu chuyện tốn khá nhiều giấy mực về lễ đón đội U23 Việt Nam (đoạt huy chương bạc giải U23 châu Á) từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội thì nay không biết dư luận có bị “lên đồng” khi nghe chuyện lãnh đạo lĩnh vực thể thao “vua” đe dọa, văng tục giữa cuộc họp. 

Bình luận sự kiện này, báo chí viết: “Đây là một sự cố nghiêm trọng trong lĩnh vực thể thao - văn hóa, khi phơi bày ra trước công chúng một bộ mặt đáng khiếp sợ về phông văn hóa của một số người có chức sắc trong lĩnh vực bóng đá - một lĩnh vực được hàng chục triệu người Việt Nam quan tâm”. [1]

Đọc kỹ còn thấy trong bài báo những cụm từ như “sự côn đồ trong bóng đá”; hoặc con thuyền điều hành bóng đá Việt “có loại thủy thủ vô văn hóa đến như thế”;…

Chuyện báo Tuoitre.vn gọi là “côn đồ” hay “vô văn hóa” dẫu sao cũng chỉ là chuyện lĩnh vực thể thao, trong phạm vi hẹp là môn bóng đá nam (không liên quan đến bóng đá nữ), nó bùng lên nhanh rồi cũng xẹp nhanh như vụ đón đoàn U23, ngoại trừ một số kẻ ăn theo, nói leo tranh thủ đánh bóng thương hiệu hòng kiếm chác chút đỉnh.

Sau văn hóa, thể thao là du lịch, mới đây nhân bức xúc của dư luận về các “cuốc” du lịch 0 đồng từ Trung Quốc sang Hạ Long, chuyện hướng dẫn viên chui người Tàu vào tận Huế, Đà Nẵng xuyên tạc lịch sử, nói xấu Việt Nam và gần nhất là chuyện khách du lịch Tàu vào Nha Trang mặc áo in hình đường lưỡi bò, ông Tổng cục trưởng Du lịch trong buổi báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cho rằng: “Không để những sự cố nhỏ ảnh hưởng đến đại cục”.

Nhắc đến “đại cục”, chắc hẳn dân chúng - những người đóng thuế trả lương cho các “ông cục, bà cục” ấy - chưa quên chuyện một trong số họ khẳng định “lãnh hải của Trung Quốc nằm trên Biển Đông”? 

Và chắc chắn người Việt cũng không quên “hảo ý” của hàng xóm, vì “đại cục hãy gác tranh chấp cùng khai thác Biển Đông”!

Nhắc đến “đại cục” hay “tiểu cục”, người ta thường nhớ đến câu nói: “Một cây gỗ có thể làm ra hàng triệu que diêm, một que diêm có thể đốt cháy cả cánh rừng”, nghĩa đen là như thế và nghĩa bóng còn hơn thế. 

Chỉ một lọ bột nhỏ mà truyền thông quốc tế mỉa mai là “Ống bột giặt của Mỹ” được Ngoại trưởng Colin Powell trưng ra tại Liên Hợp Quốc đã khiến cả phương Tây lấy cớ xúm vào tàn phá đất nước Iraq, bắt và giết chết tổng thống hợp pháp của nước này.

Chỉ với lời tuyên bố láo xược “Dạy cho Việt Nam một bài học” mà hàng chục vạn binh lính Trung Quốc bị nhà cầm quyền nước này xua sang xâm lược Việt Nam, giết hại dân thường, phá hoại các cơ sở kinh tế, dân sự kể cả bệnh viện, trường học dọc tuyến biên giới phía Bắc năm 1979.

Chỉ với vài miligam chất độc hóa học (theo The Guardian) mà nước Anh đổ cho Nga sử dụng trong vụ cha con điệp viên bị đầu độc đã khiến bùng phát cuộc trục xuất ngoại giao chưa từng có giữa Nga và phương Tây. 

Tổng cộng 27 nước tuyên bố trục xuất 140 nhà ngoại giao Nga và nước Nga đã đáp lại tướng xứng.

Vậy “sự cố nhỏ” - du khách Tàu mặc áo in hình đường lưỡi bò vào Việt Nam - mà ông Tổng cục trưởng Du lịch nói ấy có thật sự là nhỏ? 

Nếu nó là nhỏ thì xin hỏi ông Tổng cục trưởng thế nào mới gọi là lớn?

Ngày xưa, vua Sùng Trinh nhà Minh đưa ra vế đối cho phái bộ sứ thần nước Việt: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng (đồn rằng do Ma Viện dựng) đến nay rêu đã xanh), sứ thần Giang Văn Minh đối rằng: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng máu nhuộm đỏ từ ngày xưa). 

Sùng Trinh đã làm cái việc ngu xuẩn, độc ác là giết sứ thần Giang Văn Minh, điều mà ngay người Tàu cũng phải kiêng kỵ kể cả khi hai nước có chiến tranh.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia “thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng), thà bị giết chứ không làm nhục mệnh vua (Giang Văn Minh), đó là chuyện của hai nhân vật lịch sử, chuyện ấy là nhỏ hay vì đại cục?

Bất kỳ thời đại nào, chính thể nào, từ dân thường đến vua chúa, Bí thư hay Chủ tịch, giữ gìn từng tấc đất cha ông để lại luôn luôn là nghĩa vụ thiêng liêng nhất. 

Bổn phận mỗi công dân là không cho phép bất kỳ cá nhân hay thế lực nào tuyên truyền sai lệch, làm tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Nói đến đại cục là nói về điều đó chứ không phải ngành Du lịch thu hút được nhiều hay ít du khách. 

Không phải vì đại cục thì phải để cho người Trung Quốc đem bản đồ hay hộ chiếu in hình đường lưỡi bò nghênh ngang trên đường phố Việt Nam.

Hãy hỏi giới lãnh đạo Trung Quốc xem với họ “đại cục” là gì? Là một nước Việt Nam nghèo nàn, kiệt quệ, lòng dân bất an hay một quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc?

Nước Nga chỉ mất hơn 2 năm xây xong cây cầu vượt biển dài tới 19 km nói phần đất phía tây nam (Krasnodar) với bán đảo Crimea. Tổng chi phí xây dựng cầu là 228 tỷ rúp, khoảng gần 4 tỷ USD. 

Trong khi đó ở Việt Nam, “Được Bộ Giao thông - Vận tải khởi công đúng ngày kỷ niệm giải phóng thủ đô năm 2011 với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến khai thác sử dụng từ tháng 6-2015. 

Thế nhưng năm 2014, thông báo lùi tiến độ lần thứ nhất đến đầu năm 2016 được đưa ra kèm theo "hóa đơn" tăng thêm hơn 315 triệu USD so với ban đầu”. [2]

Cây cầu đường sắt xây giữa lòng thủ đô 8 năm chưa xong, vốn tăng gần gấp đôi, đấy là đại cục hay phá hoại niềm tin của người dân thủ đô, phá hoại kinh tế đất nước?

Gìn giữ thể diện quốc gia, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật mới là đại cục, mới khiến nước khác tôn trọng đất nước và con người mình. 

Nhắm mắt hay cúi đầu trước những âm mưu rõ như ban ngày của ngoại bang chắc chắn không phải “đại cục” của người Việt, thưa ông Tổng cục!

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về công tác cán bộ (Nghị quyết số 26-NQ/TW) yêu cầu cả ba cấp lãnh đạo: cấp chiến lược, cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương, cấp lãnh đạo, quản lý ở địa phương đều có một tiêu chí chung là “đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.

Việc đoàn thể thao nước nhà đi dự SEA Games 29 dự kiến có tới 10 phó đoàn phải chăng chính là bước tập dượt để “cán bộ nguồn” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”?

Thế còn mấy ông bà cấp cục ở Bộ này cho rằng lãnh hải Trung Quốc ở Biển Đông hay đường lưỡi bò là “chuyện nhỏ” đã có “đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”?

Nếu không đủ thì có nên cho người ta “làm phó đoàn” hay chuyển sang làm việc khác nhẹ hơn, dễ hơn?

Có một câu hỏi theo kiểu “Những người thích đùa” báo chí nêu thế này: “Không hiểu trời xanh ghen ghét hay sao mà sao quả tạ cứ chiếu tướng mấy ông Văn, ông Thể với ông Du mãi thế nhỉ?”.

Sao quả tạ chiếu thì không biết, nhưng Thủ tướng “chiếu” thì chắc chắn, báo chí đưa tin:

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sáng nay ông được Thủ tướng gọi sang và nhắn nhủ, nếu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không lên tiếng, phản hồi về những bức xúc trong lễ hội thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng”. [3]

Vì sao từ lãnh đạo cục, tổng cục tới bộ đều bị “sao quả tạ chiếu” như vậy? 

Phải chăng đây là cái “dớp” được truyền lại từ thời cựu Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khi ông trả lời trước Quốc hội, rằng ông hết nhiệm kỳ rồi, rằng ông nhường cho nhiệm kỳ sau trả lời?

Cứ tưởng đi tìm “một bộ phận không nhỏ” khó khăn lắm, hóa ra không phải.

Có điều, người có trách nhiệm đi tìm có muốn tìm không và nhất là tìm thấy rồi thì làm gì?

Xuân Dương

---------------
.
Tài liệu tham khảo:


1 nhận xét :

  1. Có điều, người có trách nhiệm đi tìm có muốn tìm không và nhất là tìm thấy rồi thì làm gì?
    _________________________________________________________

    Một câu kết đã nói lên tất cả!

    Trả lờiXóa