Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

GS. Hồ Sĩ Quý: LẼ PHẢI BỊ CHÀ ĐẠP THÌ NIỀM TIN SẼ MẤT DẦN


GS.TS Hồ Sĩ Quý:
Lẽ phải bị chà đạp làm cho niềm tin mai một rồi mất dần


Văn hóa Nghệ An
Phỏng vấn GS.TS Hồ Sĩ Quý
16 - 5 - 2018 


Lời Tòa Soạn: Niềm tin là Giá trị tinh thần cơ bản nhất kết dính xã hội, là động lực thúc đẩy con người hướng đến Chân Thiện Mỹ và sáng tạo. Trong xã hội mà ta đang sống, đáng tiếc, niềm tin đang bị bào mòn bởi sự Giả dối, bởi sự chà đạp Lẽ phải của đội ngũ không hề ít cán bộ, quan chức trong hệ thống cầm quyền và các “ông chủ” mới. Làm lại, Kiến tạo niềm tin lại Niềm tin là trách nhiệm bắt buộc của xã hội ta, của Đảng và Nhà nước, của mỗi người. Để nhận diện sự khủng hoảng Niềm Tin, hướng đến khôi phục Niềm Tin, Văn Hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu con người thuộc Viện hàn lâm KHXH Việt Nam.


Thưa giáo sư, trong cuộc sống chúng tôi thấy không lúc nào là người ta không nói đến chữ Tin, Niềm tin. Cứ ở đâu có con người với nhau là người ta lại nói đến niềm tin. Vậy, Niềm tin là cái gì vậy?

GS. Hồ Sĩ Quý(HSQ): Niềm tin chắc không phải là khái niệm khó hiểu. Đó là một trạng thái tâm lý mà bẩm sinh, ai cũng có trong hành trang của mình để nhận biết và đánh giá về thế giới này. Không hoài nghi, không lo thất vọng, không lo sợ hẫng hụt đối với đối tượng… Đó là niềm tin. “Chữ tín”, “lòng tin”, “đức tin”… là các sắc thái khác nhau về niềm tin. Trong các từ điển chuyên dụng người ta còn phân biệt niềm tin thành “Niềm tin tôn giáo”, “Niềm tin khoa học”, “Niềm tin thông thường”.

Niềm Tin có vai trò như thế nào với đời sống của xã hội?

HSQ:Với đời sống xã hội, niềm tin dĩ nhiên là vô cùng quan trọng rồi. Trong mọi quan hệ giữa người với người cũng như trong mọi hoạt động xã hội, con người đều có nhu cầu phải được đảm bảo bằng niềm tin, bên cạnh các chuẩn mực pháp luật. Ngay hoạt động ngân hàng, nơi các nguyên tắc kinh tế và pháp lý phải được tuân thủ vô cùng chặt chẽ mà người ta vẫn không quên niềm tin cơ mà. “Tín dụng” nghĩa đen là sử dụng lòng tin.

Hãy thử hình dung, nếu giữa cơ quan công quyền với các bên đối tác, giữa thày giáo với học sinh, giữa công an với dân, giữa bác sỹ với con bệnh, giữa cấp trên với cấp dưới… hay thậm chí giữa hàng xóm với nhau… mà không tin nhau, thì mọi chuyện sẽ đáng ngại, thậm chí nguy hiểm đến chừng nào.Đấy là niềm tin trong đời sống xã hội.

Còn với cuộc sống của mỗi cá nhân?

HSQ:Với mỗi cá nhân có lẽ niềm tin còn quan trọng hơn. Ai cũng thấy thế cả. Làm việc gì đó mà thiếu tin tưởng thì chắc là hỏng việc. Giao tiếp với ai đó mà thiếu tin tưởng thì chắc là khó làm việc được với nhau,hoặc khó chơi được với nhau. Suốt cuộc đời mà không tin vào lẽ phải, điều tốt đẹp thì chắc sẽ là người hư hỏng.

Niềm tin là động lực, là chất keo kết nối xã hội. Vậy khi niềm tin bị sụp đổ thì hậu quả sẽ thế nào?

HSQ:Niềm tin bị sụp đổ là chuyện không chỉ xảy ra trong đầu con người. Mà đằng sau đó thường là một quan hệ xã hội nào đó đã hoặc sẽ tan vỡ;một công việc hoặc sự nghiệp nào đó đã hoặc sẽ đổ bể; lý tưởng hoặc những điều thiêng liêng nào đó đã hoặc sẽ bị phản bội, bị chà đạp hoặc bỗng nhiên trở thành hão huyền, vô nghĩa… Do vậy niềm tin bị sụp đổ thì thất vọng xuất hiện. Mà hậu quả của thất vọng hoặc bị phản bội thì bao giờ cũng ghê gớm.Sống thiếu niềm tin người ta có thể tự tử cơ mà.

Có lúc nào do nghèo đói mà người ta không còn tin nhau không?

Nghèo đói đôi lúc có thể là nguyên nhân làm nảy sinh các tiêu cực xã hội nào đấy, hay những tính nết không đẹp nào đấy ở con người.

Nhưng do nghèo đói mà người ta không còn tin nhau thì tôi nghĩ là không. Vì tin hay không tin nhau không liên quan nhiều đến chuyện giàu hay nghèo. Kể cả với chuyện vay mượn hay trả nợ. Biết rằng họ nghèo nên không tin vàokhả năng trả nợ của họ, không có nghĩa là người nọ không đáng tin. Họ đáng tin hay không đáng tin và họ giàu hay nghèo lại là hai chuyện khá khác nhau.

Mọi người đều nhận thấy rằng niềm trong xã hội ta đang sống đã nhiều chục năm nay liên tục bị suy giảm, thậm chí đến mức nghiêm trọng. Người ta càng ngày càng ít tin nhau, càng ít tin vào những người có quyền lực. Đảng ta cũng đã có nhận định như vậy. Còn ông, ông có nhận xét gì riêng không? Đối với nhà cầm quyền thì họ sẽ có được niềm tin từ dân chúng, từ xã hội khi nào và không còn được tin khi nào?

HSQ: Câu hỏi thể hiện trách nhiệm xã hội và độ nghiêm túc của vấn đề.

Khủng hoảng niềm tin, đổ vỡ niềm tin là điều đã được xã hội nói nhiều từ hàng chục năm nay. Giờ gần như đã hết nóng vì nói nhiều quá. Cuối năm 2016, một văn bản của Đảng đã chỉ đích danh 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, và các phẩm chất chính trị khác (Nghị quyết TW 4 khóa XII). Nghị quyết này nói rất căng, rất đích đáng. Những biểu hiện đó trực tiếp là nguyên nhân của tình trạng mất niềm tin.

Chẳng ai phủ nhận, niềm tin vào chế độ, vào đội ngũ lãnh đạo, vào những người đáng phải được tin, rõ ràng là đã suy giảm quá mức báo động.

Gần đây, từ khi các vụ đại án được khởi tố trước pháp luật, tình trạng mất niềm tin có chuyển biến tích cực hơn. Nhưng nói chung hiện thời, người dân vẫn còn e ngại khi biết chắc tội phạm nghiêm trọng lại có cả những người đã từng là tướng công an,tá quân đội, và cán bộ cấp rất cao của Đảng, Nhà nước… Ngoài các vụ án vừa được khởi tố, còn vụ nào chưa được đưa ra ánh sáng. Những quan chức đầy đạo mạo quanh ta có ai đó nhúng chàm không, họ có phải kẻ xấu không… Niềm tin được đảm bảo bằng cái gì khi buộc phải hoài nghi như vậy.

Ấy là chưa kể đến những nhức nhối ở các lĩnh vực khác, vừa là nhân vừa là quả của hiện tượng mất niềm tin. Chẳng hạn, giáo viên hành hạ học sinh, học trò đâm thủng bụng thày giáo;phụ huynh bắt cô giáo quì, đạp cả cô giáo đang mang thai; ngườinhà bệnh nhân đánh bác sỹ, đâm thầy thuốc; quan chức chăm chăm bảo vệ kẻ xấu;kẻ thất đức hay vô học lại ngông nghênh vì quyền lực…

Đừng ngụy biện rằng những hiện tượng này chỉ là cá biệt. Hệ thống xập xệ, cơ chế, thể chế thủng lỗ chỗ… mới nảy sinh ra được những hiện tượng như vậy. Nếu những hiện tượng này vẫn tiếp tục tồn tại, dù chỉ là cá biệt, hay thậm chí duy nhất đi nữa thì cũng đừng mong sẽ có được niềm tin từ dân chúng.

Người với người có niềm tin và cùng tồn tại trong những quy ước, thậm chí quy ước đó đã trở thành như là vô thức của cộng đồng. Tồn tại xã hội cần có niềm tin và luật pháp. Mối quan hệ giữa Niềm tin và Luật pháp là gì? Luật pháp có thiết lập được niềm tin không? Vì sao?

HSQ:Muốn có niềm tin, dĩ nhiên trước hết luật pháp phải đích đáng và nghiêm minh đã.

Ở ta luật pháp cũng còn nhiều vấn đề. Luật nào cũng có chỗ để “lách”. Lại thực thi không nghiêm nữa. Vậy nên, oan sai không ít. Hiện “mua được” luật pháp cũng không kém phần phổ biến. Báo chí nói đã đủ nhiều. Tôi xin không nói thêm.

Đấy là nguyên nhân vừa chủ quan vừa khách quan làm cho hiện tượng mất niềm tin biết đã lâu nhưng khó khắc phục.

Chiều ngược lại, Niềm tin xã hội có vai trò như thế nào đối với luật pháp?

HSQ:Luật pháp tốt đến mấy cũng không thay thế được hoàn toàn cho niềm tin. Luật pháp cần có kẻ đồng hành là niềm tin. Bởi vì, luật pháp dẫu sao cũng chỉ là công cụ cưỡng bức để điều chỉnh hành vi. Còn niềm tin là để giúp người phạm luật và người không phạm luật thấy cưỡng bức như thế là đúng, là hợp lý hoặc cần thiết. Hơn thế nữa, niềm tin còn giúp con người có ý thức về lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội. Nếu bị kết tội mà không tâm phục khẩu phục, thì bản án chỉ là cái nuôi dưỡng thêm lòng hận thù. Xã hội thiếu niềm tin nguy hiểm đến như vậy.

Trong xã hội ta, theo ông, nguyên nhân cơ bản nào đã và đang làm thoái hoá, suy thoái Niềm tin?

HSQ:Nguyên nhân thì rất nhiều. Các nhà khoa học thường tìm nguyên nhân trước hết ở bộ máy công quyền,ở đội ngũ quan chức, ở hệ thống luật pháp. Điều đó đúng. Nhưng nguyên nhân cơ bản như anh hỏi thì theo tôi là, đã quá lâu rồi ở ta lẽ phải ít được tôn trọng, thậm chí bị chà đạp.Đó là nguyên nhân cơ bản làm cho niềm tin mai một rồi mất dần.

Chủ yếu là vô tình, nhưng sự thật là thể chế đã tiếp tay, luật pháp luôn tạo kẽ hở, bộ máy công quyền thường quan liêu, chính sách lại không sâu sát, đội ngũ cán bộ thì không ít người tham lam, vụ lợi… trong việc cư xử với lẽ phải –nên đã coi thường lẽ phải, quay lưng lại với lẽ phải, đôi khi chà đạp lên lẽ phải… làm cho niềm tin rơi vào tình trạng như hiện nay. Lẽ phải trong không ít trường hợp bị đối xử như là thứ vô nghĩa. Nếu ta để ý thì mới rất gần đây, có những vụ việc rất bức xúc nhưng người có trách nhiệm vẫn ráo hoảnh trả lời công luận rằng “đúng quy trình” - chẳng coi lẽ phải là cái gì cả. Niềm tin không mất mới lạ.

Luật pháp sẽ như thế nào trong một xã hội cạn kiệt Niềm Tin?

HSQ: Ở đây là nói đến niềm tin vào chế độ, vào lẽ công bằng và sự tiến bộ, vào lý tưởng tốt đẹp mà con người đang hướng tới.

Nếu một xã hội mà cạn kiệt niềm tin, thì luật pháp nào cũng sẽ bị nhào nặn cho mục đích vụ lợi thôi. Với một con người, khi cạn kiệt niềm tin người ta có thể quẫn bách, nổi loạn hay trầm cảm rồi hành động tiêu cực. Còn với một xã hội, nếu cạn kiệt niềm tin, xã hội sẽ rơi vào khủng hoảng, sau đó thì niềm tin này buộc phải được thay thế bằng một niềm tin khác. Niềm tin được tìm đến cuối cùng là tôn giáo.

Và Văn hoá, nó sẽ như thế nào khi con người càng ngày càng ít tin yêu nhau?

HSQ: Niềm tin tỷ lệ nghịch với giả dối. Niềm tin thiếu vắng thì giả dối tăng lên. Mà thường là tăng lên nhiều lần lớn hơn. Văn hóa trong một xã hội mà con người ngày càng ít tin nhau thì thì đó là thứ văn hóa đi theo chiều giả dối, lừa gạt lẫn nhau – hay nói chính xác hơn – đó là vô văn hóa.

Trong quan hệ cá nhân, từ quan hệ luyến ái, hôn nhân đến làm ăn, buôn bán, đổ vỡ niềm tin là điều khó lấy lại. Từ xa xưa, ông cha đã ta đã nghiệm ra triết lý rằng: “Một sự bất tín vạn sự không tin”. Trong quan hệ giữa chính quyền với dân, dân với chính quyền cũng vậy. Mất mát thì phải làm lại mặc dù khó khăn. Trong tình yêu cũng như trong quan hệ xã hội. Tôi thấy, thời gian gần đây, ở nước ta, dân đã bắt đầu có sự tin tưởng trở lại đối với TBT Nguyễn Phú Trọng vì công cuộc chống tham nhũng do ông lãnh đạo đã bước đầu có kết quả rất khả quan. Làm thật, sống thật thì người ta tin.

HSQ:Đúng vậy, gần đây với thái độ kiên quyết của Tổng bí thư mà xã hội có thể cảm nhận được, công cuộc chống tham nhũng, chốngbòn rút của cải quốc gia, chống phá nát xã hội, nếu có thể được nói như vậy… với các vụ đại án được khởi tố, đã làm cho niềm tin lấy lại được một phần. Cùng với việc ban hành Quy định số 102-QĐ/TWcủa Bộ Chính trị, văn bản số 04-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, kể cả đảng viên đã qua đời, xã hội đã bắt đầu tin rằng xử lý tham nhũng, sẽ không còn vùng cấm như trước đây, người vi phạm pháp luật, trước sau cũng phải trả giá… Tôi cho rằng, nếu không đánh trống bỏ dùi, những quyết sách này chắc chắn sẽ làm sạch xã hội, từng bước một, xã hội sẽ tốt lên, niềm tin sẽ hồi sinh trở lại.

Cần thiết phải nói rằng, thái độ của Đảng đối với đảng viên vi phạm đã bắt đầu làm cho quan niệm về quan trường và bổng lộc thay đổi. Hy vọng làm quan để trục lợi (Klepyocracy), cái gì cũng mua được bằng tiền, đã bắt đầu lung lay.Tôi nghĩ, về lâu dài, đây là kết quả đáng kể nhất.

Lâu nay chúng ta được nghe nói nói nhiều đến quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với những việc làm cụ thể về cải cách thể chế, cơ chế, chính sách... Điều đó là cần thiết và bước đầu đã có chuyển động, đã có kết quả. Nhưng tôi nghĩ đến một vấn đề, đúng hơn là một mục tiêu khác, vừa là cơ sở, là tiền đề, vừa là mục tiêu, đó là Kiến tạo Niềm Tin. Trong bối cảnh hiện nay của nước ta, theo ông, để lấy lại niềm tin của Dân, Đảng và Nhà nước cần phải làm những gì?

HSQ:Kiến tạo niềm tin, tôi đồng ý với các anh, điều này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của cả xã hội. Để lấy lại niềm tin của Dân, Đảng và Nhà nước cần phải làm những gì ư? Có quá nhiều việc phải làm. Nhưng vì thế theo tôi, trước hết phải làm những việc sau.

Trước hết, công cuộc chống tham nhũng, xử lý kỷ luật kẻ vi phạm đang tiến hành, đã có đà, cần tiếp tục chứ không được dừng lại, không để rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Giờ mà dừng lại thì còn nguy hiểm hơn. Nghĩa là, đây làgiải pháp nhằm vào con người, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý lãnh đạo. Những người mà dân biết là không sạch, không tốt… phải bị xử lý, phải ra khỏi bộ máy quản lý lãnh đạo.Bằng cách này, dần dần đội ngũ quản lý lãnh đạo sẽ thu hút được những người có tài, có năng lực, có tâm huyết với công việc và với đất nước.

Thứ hai, phải học cách lắng nghe ý kiến của dân. Không nhất thiết phải thắng dân trong tất cả mọi việc; thua dânđôi khi cũng là một thắng lợi của chế độ. Bằng cách này chính sách sẽ được điều chỉnh và hoàn thiện dần. Giải pháp thứ hai này nhằm vào cải cách thể chế, để tạo ra điều kiện cho phát triển lâu dài. Lắng nghe ý kiến của dân, có sự tham gia của người dân là nguyên tắc rất cơ bản của thế chế “Dung hợp” (Inclusive Institution)cội nguồn của các quốc gia thành công. Tất nhiên cải cách thể chế cũng là sự nghiệp có vô số việc phải làm. Nhưng trước hết, học cách lắng nghe ý kiến của dân sẽ là cái đảm bảo thắng lợi. Niềm tin sẽ trở lại.

Thứ ba, tôn trọng lẽ phải, tuyệt đối không quay lưng, không chà đạp lên lẽ phải. Điều này phải tập dần dần và phải có cơ chế, có luật pháp để đảm bảo. Tuy nhiên, trước mắt, những người có trách nhiệm, đội ngũ cán bộ làm chính sách hãy cố thấu hiểu lẽ phải, tôn trọng lẽ phải, tập tôn trọng lẽ phải. Bằng cách này niềm tin sẽ trở lại. Thực chất của giải pháp này là dân chủ. Không có cách nào khác, thiếu dân chủ, xã hội không có chỗ cho niềm tin.

Niềm Tin, theo tôi, là một Giá Trị. Giá trị ấy được hình thành rất nhọc nhằn vì phải tích hợp, tổng hoà từ nhiều phẩm chất, nhiều năng lực, nhiều cống hiến mới có được. Niềm tin phải đến từ hai phía, nhiều phía. Trở lại với câu chuyện Niềm Tin của xã hội ta hiện nay, theo ông, về phía Người Dân, nên góp sức vào công cuộc kiến tạo Niềm Tin xã hội như thế nào?

HSQ: Về phía người dân, tôi nghĩa rằng việc đầu tiên của người dân là sống bình thường. Nghĩa là, sống bằng lao động, cố gắng không tham cái gì không do lao động mà có. Đối với chính quyền, người dân nên cố gắng bày tỏ thái độ. Không vì tiếng nói của mình không tới đâu mà im lặng, tiếp tay cho cái xấu. Và, trong mọi trường hợp phải tôn trọng pháp luật, hành động theo pháp luật.

Văn hoá, truyền thống và kinh nghiệm văn hoá có vai trò như thế nào trong việc xây dựng và gìn giữ Niềm Tin?

HSQ:Câu hỏi làm tôi nhớ lại câu thơ của Nguyễn Phi Khanh nói về Hồ Quý Ly:

“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên”.

Chuyện họa phúc không phải là chuyện của một ngày. Đừng làm gì sai lầm để hận mãi đến mai sau. Nghĩa là, niềm tin là chuyện dài lâu. Tin vào lẽ phải, lẽ công bằng và điều tốt đẹp, hành động theo niềm tin ấy, dẫu có thất bại tạm thời nhưng cuối cùng, bao giờ cũng được đền đáp.

Xin cám ơn!

PHAN VĂN THẮNG thực hiện

2 nhận xét :

  1. Hai câu "Họa phúc hữu môi..." là của Nguyễn Trãi trong bài "Quan hải", có nhắc đến việc đóng cột lim, móc xích sắt chăng ngang sông để chống tàu giặc của Hồ Quý Ly... nhưng rồi cũng thất bại. Anh Thẳng sửa dùm cho ông Hồ Sĩ Quý với.

    Trả lờiXóa
  2. - Luận ngữ:“Tử dĩ tứ giáo: văn, hạnh, trung, tín” (Đức Khổng dạy bốn điều: văn học, đức hạnh, trung thành, niềm tin. (Thuật Nhi, câu 24))
    -“Quân tử nghĩa dĩ vi chất, lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi. Quân tử tai!” (Người quân tử lấy điều nghĩa làm cội gốc, lấy điều lễ hành động, lấy khiêm tốn phát biểu, lấy niềm tin thành tựu. Thật là bậc quân tử thay! (Vệ Linh Công, câu 17))
    -Đức Khổng nêu ví dụ: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai?” (Người mà không giữ điều hẹn ước, không biết người ấy có thể ra sao. Xe lớn mà không có đòn gỗ ngang (nghê); xe nhỏ mà không có đòn gỗ cong (ngột), xe làm sao mà đi được? (Vi Chính, câu 22))
    - “Cuồng nhi bất trực; đồng nhi bất nguyên; không không nhi bất tín, ngô bất tri chi hỹ” (Ngông cuồng mà chẳng ngay thẳng; mù mờ mà chẳng thành thực; ngây ngô mà chẳng giữ niềm tin, ta chẳng biết những loại ấy như thế nào? (Thái Bá, câu 16).
    -“Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh, cửu yêu bất vong bình sinh chi ngôn, diệc khả dĩ vi thành nhân hỹ” ( Thấy lợi mà nghĩ đến điều nghĩa, thấy nguy mà chấp nhận số mệnh, ước hẹn đã lâu mà không quên lời nói trong đời mình, cũng có thể coi là người hoàn toàn. (Hiến Vấn, câu 12)).
    - “Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế dã ngu. Hiếu trí bất hiếu học, kỳ tế dã đãng. Hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế dã tặc…” ( Thích đức nhân mà chẳng thích học, điều che lấp là ngu muội. Thích đức trí mà chẳng thích học, điều che lấp là phóng túng. Thích đức tín mà chẳng thích học, điều che lấp là tổn hại… . Đức tín là khả năng giữ lời hứa để tạo niềm tin nơi mọi người, nhưng phải học cho biết thấu đáo để dè dặt trong lời hứa, kẻo vướng vào lời hứa mà bị tổn hại đến mình (Dương Hóa, câu 8))

    -Kinh Dịch: “Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín sở dĩ tiến đức dã; tu từ lập kỳ thành, sở dĩ cư nghiệp dã” ( Người quân tử tiến lên đạo đức, sửa cho sự nghiệp hoàn thành. Trung tín để mà tiến đức, sửa lời nói cho thành khẩn để nên sự nghiệp (Kinh Dịch: Quẻ Thuần Kiền, Văn Ngôn))
    ...Người xưa dạy quá nhiều, mọi chỗ mọi nơi. Người nay bụng dạ bất tín nói là học nhưng trong bụng có học đâu?

    Trả lờiXóa