Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Vụ Chùa Bổ Đà: XIN CHUYỂN ĐẾN BÀ THỨ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA

Một tam quan khác đang được xây dựng tại chùa Bổ Đà. Ảnh: Mạnh Thắng. 

Từ Khôi

Bộ Văn hóa có phạm luật di sản văn hóa khi thỏa thuận cho xây mới tam quan tại chùa Bổ Đà? Thứ trưởng Liên đã ký, nhưng văn bản nước đôi và ký trước khi Di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Việc cố tình xây mới không quan tâm tới có phù hợp hay ko, và mình có quyền ký là đúng quy trình đã gây ra hệ lụy... Dưới đây là bài viết về vấn đề này trên Đại đoàn kết.

Xây mới tam quan chùa Bổ Đà có phạm luật?

Đại Đoàn Kết
08:00:34 - Thứ hai, 26/03/2018 
 
Đến Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chúng tôi rất ngỡ ngàng: Trong khi một tam quan to lớn cơ bản đã hoàn thành thì một tam quan khác nhỏ hơn đang được xây dựng. 
 
Các công trình tam quan này được thực hiện theo văn bản thỏa thuận “đã lỗi thời” của Bộ VHTTDL. Trong khi câu hỏi việc xây dựng mới tam quan này có làm sai lệch di tích hay không thì... việc xây dựng đã được thực hiện.

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra lễ hội chùa Bổ Đà 2018 (lễ hội diễn ra vào ngày 16 đến 18-2 âm lịch), những công đoạn cuối cùng để hoàn tất tam quan chùa Bổ Đà đang được thực hiện. Đó là việc lắp những hàng tiện gỗ lên mái tầng 2 của tam quan. Trả lời câu hỏi về một tam quan có kích thước nhỏ hơn ở khoảng sân phía trước trông xuống bãi đỗ xe, đang được xây dựng, anh thợ nói: “Đó là tam quan”. Nhưng một người thợ khác ngồi gần đó lại nói: “Đó là cổng chứ”…

Vậy trong văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL cho phép xây mới một hai hay hạng mục tam quan? Theo văn bản số 4401/BVHTTDL-DSVH ngày 31/10/2016 (Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký thay Bộ trưởng) viết: “Thỏa thuận Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng tam quan chùa Bổ Đà (quy mô mặt bằng 3 gian 2 chái, 2 tầng mái; tầng dưới tường hồi bít đốc, tầng trên 1 gian, 2 chái mái đao)”.

Tiếp nhận được văn bản thỏa thuận này, ngày 14/11/2016, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang có văn bản số 1261/SVHTTDL-QLDSVH gửi UBND huyện Việt Yên. Nội dung đề nghị UBND huyện Việt Yên thông báo nội dung Báo cáo kỹ thuật tại địa phương nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, chính quyền địa phương, trụ trì chùa Bổ Đà trước khi ra quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật…

Tuy nhiên, thay vì làm một tam quan thì UBND huyện Việt Yên lại cho xây dựng 2 tam quan. Tam quan cơ bản hoàn thiện có kích thước to lớn, vượt trội hơn hẳn các kiến trúc của chùa Bổ Đà. Và kiến trúc là 5 gian, 2 chái thay vì 3 gian, 2 chái như văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL.

Xét về khía cạnh pháp lý, việc xây dựng 2 tam quan này là sai. Tại văn bản thỏa thuận số 4401/BVHTTDL-DSVH của Bộ VHTTDL và văn bản số 1261/SVHTTDL-QLDSVH của Sở VHTTDL gửi UBND huyện Việt Yên thoạt xem qua cứ ngỡ là đã đồng ý nhưng câu chữ cuối văn bản lại “nước đôi”. Sở VHTTDL có ý kiến để “UBND huyện Việt Yên triển khai các bước tiếp theo theo quy định”. Các bước tiếp theo là gì? Trong văn bản thỏa thuận số 4401/BVHTTDL-DSVH của Bộ VHTTDL là: “Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến để Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cơ quan liên quan công khai nội dung Báo cáo để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chính quyền địa phương, trụ trì chùa Bổ Đà trước khi trình phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành”.

Như vậy, tức là 2 tam quan đã và đang được xây dựng trên chưa hề có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, khi dư luận lên tiếng thì đại diện Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang và đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) trả lời báo chí lại có phần “bênh vực” việc xây dựng mới này. Có chăng họ chỉ băn khoăn về hạng mục tam quan to (phía trong vườn cây) đã xây thêm hai gian so với báo cáo.

Và để tam quan đi qua vườn, thông lên tam bảo, tường chình đất cổ kính đã bị trổ thành cổng vào. Việc này hoàn toàn không có trong văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL và ý kiến của Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang gửi UBND huyện Việt Yên.

Giả sử, trong trường hợp văn bản số 4401/BVHTTDL-DSVH của Bộ VHTTDL chính thức đồng ý cho xây dựng mới tam quan chùa Bổ Đà thì việc xây dựng hiện tại vẫn sai. Bởi lẽ, văn bản thỏa thuận này được ký (ngày 31/10/2016) trước khi di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Bổ Đà được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia cấp đặc biệt (ngày 22/12/2017). Như vậy, cho dù thẩm quyền thỏa thuận xây dựng tam quan vẫn thuộc Bộ VHTTDL nhưng khi di tích đã được “thăng hạng” thì quy trình phải thực hiện lại.

Trở lại việc xây dựng mới 2 tam quan chùa Bổ Đà, cho dù các văn bản của các cấp có thẩm quyền từ địa phương như UBND huyện Việt Yên, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang và Bộ VHTTDL có “đúng quy trình” thì vẫn có thể vi phạm Luật Di sản văn hóa. Khoản 1 Điều 13 Luật Di sản văn hóa sửa đổi quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Việc xây mới tam quan chùa Bổ Đà có phù hợp hay làm sai lệch di tích hay không còn tùy thuộc vào hội thảo, đánh giá của các nhà khoa học và hội đồng khoa học. Vì dư luận của một số nhà khoa học cho rằng: Chùa Bổ Đà không có tam quan là một điều đặc biệt của di tích này.

Từ Khôi

2 nhận xét :

  1. Nợ như chúa chổm nhưng tiền tiêu như rác thải. rùng mình.

    Trả lờiXóa
  2. Cứ có tiền là ký. Ngu gì không làm?

    Trả lờiXóa