Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

SAY CANH HÁT ĐẦU XUÂN TẠI NHÀ ANH HAI CHIẾN


'Say' trong hát Canh giao duyên 
ở “Quan họ du ca tại gia”

Yến Oanh
14:21 28/02/2018

Nếu đi hội Lim mà ta không ghé thăm và lắng nghe điệu hát Canh quan họ thì chuyến du xuân đã thiếu đi một nửa bởi hát Canh chính là thứ “vàng ròng”, hiếm khi có dịp được thưởng thức.

Nhớ nhau, nương vào câu ca quan họ
Hà Tĩnh: Lễ hội cầu sức khỏe thu hút đông đảo du khách thập phương
Về xứ kinh Bắc trẩy hội Lim cùng nghe liền anh, liền chị hát quan họ
Khuyến khích lối hát canh quan họ tại gia đình

Hát canh chính là hình thức “Quan họ du ca tại gia” nghĩa là “hát chơi” Quan họ trong nhà. Ngày nay, những canh hát quan họ không còn phổ biến như xưa, cả làng quan họ cũng chỉ có được 1 nhà bởi không phải ai cũng biết chơi quan họ và hát canh đúng luật.

Tham quan hội Lim xong sau đó đi bộ khoảng 500 mét tìm hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Chiến thuộc Thôn Lũng Giang, Thị Trấn Tiên Du, Bắc Ninh là mỗi người có thể đắm mình vào không gian một canh hát Canh thực sự.


Ông Chiến (ngồi giữa) trò chuyện với các khách đến thăm hỏi.


Ngay từ sớm, mặc dù chưa đến 19h tối nhưng gia đình ông Chiến đã đón nhiều đoàn khách đến thăm hỏi.

Có mặt tại nhà ông Chiến từ 14h chiều, nhưng trước sân nhà ông đã đón nhiều đoàn khách đến thăm hỏi, từng cánh trầu phượng đang được tiêm, gia đình ông cũng chuẩn bị cỗ chuẩn bị cho bữa cơm chiều.


Các chị hai đang têm trầu cánh phượng chuẩn bị cho buổi tối.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Chiến, để tham gia một canh hát đòi hỏi người tham gia phải có vốn bài bản kha khá và một quá trình khổ luyện. Không chỉ là học hành kỹ lưỡng từ lời ca, điệu nhạc, cách luyến láy, đưa hơi, nảy giọng cho đến những lề lối ca hát mà quan trọng hơn là những phép tắc ứng xử, nói năng lịch sự, cư xử tao nhã, sang trọng.

“Đấy là cái khó thứ nhất, cái khó thứ 2 là chọn bạn hát cùng. Để có một cặp hợp với nhau cả về giọng ca lẫn tính cách, sự ăn nhập, sẻ chia với nhau trong từng câu hát nào phải dễ!”- Ông chiến chia sẻ.


Canh hát bắt đầu vào lúc 19h30 phút.

Đúng 19h30 phút, buổi hát canh bắt đầu. Mở đầu canh hát là lời mời trầu của quan họ chủ làng với các quan họ khách làng “Dạ, nhất niên, nhất lệ, năm mới, tháng xuân, đương Quan họ liền anh xuống làng nước chúng em chơi. Xin mời đương quan họ người xơi khẩu giầu, rồi cùng chúng em ca canh hát cho mãn võ, tàn canh ạ” vô cùng ý tứ, nhã nhặn.


2 liền anh mở đầu hát trước.


Tiếp đến 2 liền chị, vừa hát ánh mắt nhìn nhau, đôi bàn tay giữ chặt nhau để cùng hòa hợp với câu hát.



Rồi tiếp đến lại một cặp liền anh khác hát, cứ như vậy đến hết buổi hát Canh.

Các cặp liền anh và liền chị hát đối nhau liên tục như vậy cho đến kết canh hát. Được biết, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến tại thôn là gia đình duy nhất của làng này còn giữ được trọn vẹn truyền thống hát canh. Cứ mỗi mùa hội Lim ông lại mời các cặp hát canh ở các vùng xung quanh sang giao lưu.

Điều đặc biệt trong một cách hát mà bất kể ai cũng cảm nhận được đó là những người chơi quan họ cổ này đều là những người có chung hoàn cảnh nông dân chất phác, những người có tình cảm chân thật, trong sáng, lịch thiệp, sống có thủy có chung trong cộng đồng, gia đình.


Nụ cười rạng rỡ thân thiện của một chị hai với khách xem hát canh.


Hai đĩa trầu têm cánh phượng cùng trà để phục vụ canh hát.

Một canh hát kéo dài từ 7-8 giờ tối cho đến 2-3 giờ sáng, trình tự được chia thành 3 chặng. Đầu tiên là hát giọng cổ hay giọng lề lối như La rằng, Đường bạn, Kim Lan, Tình tang, Cây gạo, Cái ả cái hời… Những giọng này thường mang âm điệu cổ kính, có nhiều tiếng đệm lót, ca thật chậm rãi, nhả cho hết âm mới ra đúng chất “vang-rền-nền-nảy”.

11h đêm khách đã ngồi xem chật cứng trong nhà và ngoài sân.

Chặng giữa là hát những bài thuộc hệ thống giọng lẻ giọng vặt. Ở chặng này, người ca không phải tuân theo trình tự các giọng bắt buộc như chặng đầu nên càng ca càng say, càng về khuya thì giọng càng trầm bổng, thiết tha gắn bó, kể về nỗi nhớ, niềm thương, đôi khi cả nỗi lòng trăn trở về cuộc đời, số phận con người… khiến canh hát đẩy được nhiều cảm xúc. Trong chặng ca hát này, các anh Hai, chị Hai như say đắm trong tình bạn, tình yêu, tình người.


Anh Nguyễn Hữu Duy (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tình yêu quan họ, đặc biệt là về hát Canh với khách đến thăm.

Một trong những người có mặt tại gia đình ông Chiến là anh Nguyễn Hữu Duy (SN 1986) tại Hoàn Sơn – Tiên Du Bắc Ninh. Anh là cựu sinh viên trường Văn hóa Nghệ thuật Bắc Ninh, hiện là nghệ sĩ của Nhà hát Quan họ Bắc Ninh. Anh là đại diện cho lớp trẻ nối gót cha ông trong việc giữ ghìn tình yêu quan họ và từng là thày giáo của nhiều lớp học quan họ.

Với cương vị là một lớp trẻ, anh chia sẻ rằng: “Ngày xưa thời tôi đi học thì số bạn yêu quan họ cũng ít thôi, đến thời điểm hiện tại thì ngày càng nhiều bạn trẻ học và yêu quan họ hơn, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Theo tôi, lớp trẻ cần nghe nhiều hơn các làn điệu dân gian để từ đó cảm nhận, và yêu thích nó dần. Từ đó có trách nhiệm gìn giữ phát huy những gì cha ông để lại”.

TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện cho rằng bảo tồn Hát canh 
là bảo tồn phần tinh túy nhất của quan họ

Theo TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện - người đã nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu các thể loại nhạc dân gian của dân tộc cho biết: “Hát Canh thực sự đặc sắc vì: Người hát là các nghệ nhân am hiểu về lối chơi, một trong các môi trường diễn xướng của quan họ, ở tư gia có không gian ấm áp, ấm cúng, gần gũi và rất phù hợp cho hình thức hát giao duyên vì vậy, bảo tồn Hát canh là bảo tồn phần tinh túy nhất của quan họ”.
Càng về đêm, lời hát như càng ngân xa hơn cũng là lúc đến kết thúc chặng cuối lúc 2-3 giờ sáng, quan họ chủ mời, quan họ khách nghỉ xơi cơm. Ở chặng cuối, quan họ khách thường hát những câu giã bạn để xin phép chủ ra về, còn quan họ chủ thì hát đối những lời ca giữ khách. Cả khách và chủ đều trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, không muốn rời…

Phùng quan tế hội
Phùng quan tế hội đối í i lâm I ì í ly
Mã a giao truyền, là phận í i tương liền
Vô phận tương lai
Phúc í i đáo truyền vô nhị i đáo lai, vô nhị i đáo ì í lai í i…. 
 
 

4 nhận xét :

  1. Thèm nghe quá mà chẳng được !

    Trả lờiXóa
  2. Bắc Tễu ơi, lễ hội thề liêm khiết năm nay ra sao hè ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ toàn là dân đến dự. Có vài quan nhỏ lấp ló đứng xem, còn quan lớn thì vắng bóng. Còn lúc thề liêm khiết thì chỉ có các cụ gần đất xa trời.

      Xóa
  3. Có bao nhiêu lễ hội ở Việt Nam ta còn giữ được như thế này?

    Trả lờiXóa