Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

CÁ TRÊ ĐÁ CHẦU ĐỀN THIÊNG ĐỨC THÁNH TẢN

Cá trê đá chầu Đền Đức Thánh Tản Viên. Ảnh: Quốc Toản (Sơn Tây).

CÁ TRÊ ĐÁ CHẦU ĐỀN THIÊNG ĐỨC THÁNH TẢN

Nguyễn Xuân Diện

Đền Và còn gọi là Đông Cung, Đông Chấn cung, một trong bốn chấn cung lớn thờ thần núi Tản Viên (Ba Vì) cách thị xã Sơn Tây 2 km về phía đông, thuộc thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Vân Gia (chữ Hán viết là Vân Già 雲遮, với nghĩa là đám mây che phủ), là nơi Thánh Tản dừng chân nghỉ lại, xây dựng hành cung và làm nơi thiết triều.


Cách đền không xa về bên phải là một con suối nơi có bầy cá trê bằng đá nằm trấn giữ đầu nguồn nước. Tích truyện kể rằng: Một lần, vào buổi chiều tà, Thánh Tản Viên đi chơi, thấy ở ghềnh đá có ông lão ngồi kéo vó. Ngài bèn mượn vó kéo chơi một lần. Ông lão nói rằng: Tôi ngồi từ sáng còn chưa được con cá nào đây. Ông làm sao mà kéo được cá trong chốc lát thế này! Thánh Tản nói khéo và được ông lão cho mượn. Ai ngờ kéo ngay một lần đã được 100 con cá lớn nhỏ. Ông lão thật vô cùng kinh ngạc. Thánh Tản thấy có con cá trê chửa đang quẫy trong vó, bèn thả ra sông. Ngài chỉ lấy 99 cái đuôi cá để làm bữa chiều, còn thì biếu cho ông lão cả. Con cá trê được thả ra sông, sinh nở xong, đem cả chín con cá con về chầu bên đền đức thánh.

Nay vẫn còn di tích cá trê đá bên ngòi nước. Thơ đề biển gỗ đền Và có câu:
 

Cá nghe quyển ước ngăn dòng suối
Hạc ngóng chày tiên rợp bóng trời.
 

(Thơ của Phó bảng khoa Kỷ Sửu (1889), 
Đốc học tỉnh Sơn Tây, Đặng Quỹ).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét