Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

CHUYỆN NGƯỜI CA NỮ CẦU TRÒ


ĐI TÌM LỜI GIẢI HUYỀN THOẠI CẦU TRÒ

Nguyễn Xuân Diện

Trên đường Hà Nội - Sơn Tây, gần tới thị trấn Gạch, có một cây cầu, tên gọi cầu Trò, cầu Trò nằm trên địa phận thôn Gia Hòa xã Phúc Hòa, Phúc Thọ. Người ta vẫn kể rằng, xưa có một cô đào đã từng làm mê mẩn bao quan viên, bởi vẻ đẹp đoan trang kiều diễm, bằng nhịp phách giòn tan và những luyến láy trác tuyệt. Một đêm mưa gió, tan cuộc hát, nàng trở về nhà, không may cho nàng vừa về đến cầu thì nàng cảm lạnh mà chết. Dân làng thương nàng, quan viên đã từng say mê tiếng hát của nàng đã chôn cất và lập miếu thờ nàng ở ngay bên cầu. Câu chuyện ấy, tình cảm ấy đã làm bao người thương xót thân phận “nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương” của người ca nữ nọ.


Nhà thơ Vũ Đình Liên nghe chuyện ấy cảm động mà viết lên bài thơ Cảm tạ với hai câu kết:

“Tạ lòng nào biết nên chi được
Phách ngọc dồn thêm một nhịp vàng”

.
Sau khi đọc bài Cảm tạ, chung với mối đồng cảm ấy, họa sỹ Bùi Xuân Phái còn vẽ một bức tranh về người ca nữ ấy qua tưởng tượng. (Xem nét vẽ trên bìa sách Ca trù - Phía sau đàn phách). 

Người ta bảo rằng, sau khi nàng chết, cầu ấy gọi là cầu Trò. Trò là nhà trò. Trò là trù, ca trù.

Thật là một câu chuyện thi vị, đầy vẻ thương tâm. Tôi đã đọc những bài viết về cầu Trò, với nội dung cũng như vậy. Tôi cũng lại là một người rất mê ca trù, thích tìm hiểu vê ca trù. Và có một lần tôi đã đến cầu Trò, với ý định thăm cầu xưa bến cũ, thăm mộ và miếu thờ để được thắp một vài nén hương lên bàn thờ người ca nữ vô danh xấu số.

Song sự việc rất tiếc lại không phải như thế. Tôi về với cầu Trò, lân la hỏi các cụ già về chuyện đó. Sau tôi gặp được cụ già Thủ từ ở ngôi đền bên cạnh cầu Trò. Cụ cho xem ngọc phả, bằng chữ Hán và bản diễn ca bằng chữ Nôm, về đền Mẫu.

Ngọc phả chép rằng: Vua Hùng Chiêu Vương có 32 hoàng tử và 18 công chúa. Trong số 18 công chúa có một người tên là Y Đức, hiệu Trung Tiên. Nàng là con của bà vợ thứ ba (bà Đàm Hiền Vân) của vua Hùng. Khi nàng 15 tuổi thì mẹ nàng qua đời. Nàng cư tang 3 năm, giữ tròn đạo hiếu. Sau nàng xin phép vua cha để được đi chơi khắp mọi nơi. Một hôm nàng đến trang Gia Hòa, huyện Thạch Thất, quận Quốc Oai (Sơn Tây) thấy ở đây sông ngòi khuất khúc, cảnh vật tươi xinh, nàng bèn ở lại, phát tiền mua ruộng và lập ở đây một hành cung. Một thời gian sau nàng lại về triều và mất ở đó.

Vào thời nhà Trần, giặc Nguyên đem quân chinh phạt nước ta. Trần Thánh Tông mang quân ra chống cự ở Bạch Hạc, bị thua trận phải lui về Sơn Tây và mắc lại ở đầm lầy, ở gần miếu thờ Ý Đức công chúa.

Theo truyền thuyết Trần Thánh sai bày hương cầu khấn trời đất và các thần phù trợ. Bỗng có một đám mây trắng hạ xuống. Trong đám mây ấy có một vị nữ thần. Nhà vua hỏi, nữ thần đáp rằng:"Thiếp là con gái của vua Hùng Chiêu Vương; tên là Ý Đức; hiệu Trung Tiên, đời trước được phong Phúc thần ở đây. Nay nước nhà gặp biến, thiếp xin được giúp đỡ để lập chút công trạng". Khi nàng vừa dứt lời, có một cây gỗ Trò nổi trên mặt bùn, bắc ngang qua đầm. Vua và các tướng sĩ lần lượt đi trên cây gỗ trò qua đầm. Khi mọi người đã đi sang bờ bên kia, cây gỗ tự nhiên biến mất, đầm nước trở lại như thường.

Sau khi bình xong giặc Nguyên, Trần Thánh Tông lệnh cho tắm quan tới đền thời nàng để làm lễ tạ, lại sắc cho các trại xung quanh, hàng năm, vào ngày giỗ nàng (ngày 22 tháng 3 đều làm lễ tế).

Bản ngọc phả này do Thượng thư bộ Lễ triều Lê soạn. Đó là tất cả sự thật về ngôi đền bên cầu Trò. Còn tên Trò (hay Chò - chữ Hán, chữ Nôm đều viết như nhau) chính là nhắc chuyện con gái vua Hùng Vương giúp vua Trần qua đầm lầy buổi lui quân khi trước.

Ngoài cuốn Ngọc phả, bằng chữ Hán, chúng tôi còn được xem một bản diễn ca sự tích công chúa Ý Đức, viết bằng chữ Nôm, gồm 140 câu thơ song thất lục bát nữa, vẫn nội dung như Ngọc phả; sắc phong, bia đá, chuông đồng đều đã không còn.


May mắn thay, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu hai thác bản văn bia dập từ hai tấm bia ở cầu Trò và đền Mẫu. Thác bản tấm bia "Hậu Hiền Bi Ký", tiếc rằng chữ đã mở không đọc được, nên không rõ nội dung. Một thác bản khác: TU TẠO TẬP PHÚC KIỀU CHÒ BI KÝ, toàn văn bản chữ Hán, chữ khắc chân phương, gồm 38 dòng, khoảng 2.500 chữ. Bia được tạo năm Chinh Hòa thứ 18 (1697) nhà Lê, đến nay đã gần ba thế kỷ. Người soạn bài văn khắc trên bia là một ông họ Nguyễn, đỗ giải Nguyên, làm quan tới Cẩn sự tả lang. Người viết chữ là Nguyễn Tôn Vinh, chức Tăng thống. Người khắc vào đá là Trần Kim Bảng.

Nội dung bia chép rằng: Xã Hòa Triền (tên cũ của xã Gia Hòa) là vùng đất danh thắng, dân cư đông đúc, có dòng sông vắt qua quanh co uấn khúc, phong thủy hữu tình. Song cũng chính dòng sông làm cản trở giao thông khiến việc đi lại hai bên sống gặp nhiều khó khăn. Dân làng nhiều phen muốn dựng cầu nhưng chưa thành. Nay các quan viên sắc mục và toàn người dân địa phương dựng một chiếc cầu chín nhịp, trên có lợp ngói để che mưa gió cho khách bộ hành. Công quả hoàn thành trên bia dựng ghi lại. Mặt sau liệt kê danh sách các vị hưng công làm cầu.

Từ đó cầu Trò trở nên đẹp đẽ, ca dao xưa có câu:

Em đi anh tiễn cầu Trò
Em về anh đón Ba Gò, Đông Viên


Cầu Trò nằm ở điểm nút của con đường thiên lý nối kẻ Chợ với xứ Đoài. Xưa ở đây có cây đa cổ thụ, là nơi mát mẻ, trên bến dưới thuyền, lại có cầu chín nhịp che mưa nắng tứ mùa. Chính tại cầu Trò, đôi trai gái trong câu ca dao nọ chuyện trò tâm sự, dặn nhau "gìn vàng giữ ngọc cho hay", cầu cho nhau đi chân cứng đá mềm, gặp nhiều may mắn.

Đó là câu chuyện về sự tích cầu Trò và đền thờ Ý Đức công chúa, dẫu sao mặc lòng, câu chuyện kể về người ca nữ vô danh xấu số đã từng cảm động bao người. Câu chuyện ấy tồn tại song hành cùng những gì tôi viết ở trên càng làm cho những câu chuyện về cầu Trò thêm phần thi vị.

1994


CA TRÙ PHÍA SAU ĐÀN PHÁCH

Phía sau Đàn Phách,

- Là bề dày lịch sử và chiều sâu nghệ thuật của một bộ môn đặc sắc của Việt Nam, từ truyền thuyết tiên nhạc đến các nghi lễ ở cửa đình, đi tới cung đình rồi lại trở ra với dân gian; 

- Là thân phận những đào nương dâng cả thanh sắc tuổi xuân cho một nghệ thuật chuyên nghiệp; 

- Là mối duyên văn tự và tơ trúc giữa văn nhân và ả đào ghi dấu không phai mờ trong lịch sử văn chương dân tộc;

- Là những biến thiên của lịch sử mà ca trù gửi vào trong câu hát thế cuộc bể dâu.

Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà... Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân với ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù, bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.
________

Liên hệ mua sách: Chị Nguyễn Kim Măng – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 098 529 9535 Email: kimmanghn@gmail.com


3 nhận xét :

  1. Câu chuyện thú vị. Khi xưa khi còn ấu thơ, tôi đã từng đi qua địa danh này nhiều lần, nhưng chẳng biết tí gì về những sự tích ấy. Nhờ những người sưu tầm và nhắc lại như tiến sĩ Diện mới được biết. Đa tạ.

    Trả lờiXóa
  2. Tích TRÒ nào cũng tuyệt hay
    Hai tích TRÒ càng đắm say lòng người
    Cảm ơn chú TỄU luôn cười.


    Trả lờiXóa
  3. Tôi đến đây từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng bây giờ mới biết được sự tích của cây cầu. Cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện.

    Trả lờiXóa