Học giả lão thành An Chi. Ảnh: FB An Chi.
Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc
AN CHI
Tuổi trẻ
05/09/2017 10:47 GMT+7
Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc. Dứt khoát phải như thế.
Nhưng đó chỉ là nguyên tắc chứ trong thực tiễn thì nói chung, từ điển, dù có hoành tráng đến đâu, cũng khó lòng có thể tránh được sai sót một cách tuyệt đối.
Rất nhiều kiểu sai
Hoành tráng đến như Grand Larousse encyclopédique en 10 volumes (1963) mà còn lấy ảnh ông Phạm Văn Đồng để minh họa cho mục “Vô Nguyen-Giap” (Võ Nguyên Giáp), như chúng tôi đã chỉ ra ngày nào trên Kiến Thức Ngày Nay số 335.
Đồ sộ đến như The Encyclopedia of language and Linguistics (10 vols), do R. E. Asher làm tổng chủ biên (Pergamon Press, First Edition 1994) mà còn ghi chú “mệnh” [命] là density (tỉ trọng) thay vì destiny tại mục “Vietnamese Writing System” (Vol. 9, p. 4935).
Nhưng cái sai của hai bộ đại từ điển trên đây có nhiều phần chắc chắn không phải do lỗi của người soạn thảo mà do khâu trình bày.
Còn sai hoặc thiếu ý do biên soạn thì danh tiếng đến như từ điển của Oxford cũng đâu có tránh khỏi, như chúng tôi đã nêu trên Kiến Thức Ngày Nay số 232 và đặc biệt là trên số 143 về danh từ canary.
Danh từ này được Oxford Advanced Learner’s Dictionary giảng là “a small yellow bird with a beautiful song, often kept in a cage as a pet” (chim nhỏ màu vàng, có tiếng hót hay, thường nhốt trong lồng làm [chim] kiểng). Dưới đây là nhận xét của chúng tôi:
“Ai có chơi yến (canary) cũng có thể thấy đây là một định nghĩa không chính xác vì ngoài những con yến màu vàng, còn có những con màu trắng, những con màu saumon, những con màu ardoise, những con màu agate, những con màu isabelle, những con màu vert, những con màu rouge intensif...;
thậm chí bây giờ người ta còn muốn tạo ra những con yến màu đen! Phó từ thường (often) trong định nghĩa trên đây cũng thừa vì chẳng có con yến nào mà lại không được nuôi trong lồng, vì người ta chẳng bao giờ thả yến như thả bồ câu hoặc thả sáo, thả cưỡng”.
Vì thế cho nên việc điều tra hoặc tra cứu thấu đáo phải là những thao tác quen thuộc, thường xuyên của từ điển gia.
Về mặt này thì tác giả của mục canary trong từ điển Oxford thua hẳn những người chơi chim. Năng lực chuyên ngành cao đến đâu mà vốn sống thực tế lại nghèo nàn thì nội dung của lời giảng cũng khó mà đầy đủ hoặc tuyệt đối chính xác.
Tiến sĩ ngôn ngữ học chuyên về địa danh mà không có thực tế về địa chỉ hoặc địa phương mình muốn giới thiệu thì cũng sai sót như thường.
Chẳng thế mà quyển Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh do Lê Trung Hoa đồng chủ biên (Nxb Trẻ, 2001) lại có không ít sai sót về mặt này mà sau đây là một thí dụ. Tác giả của mục từ đã viết: “Yểm Yểm thư quán (Nxb). Nhà sách kiêm xuất bản. Năm thành lập: 1970. ĐC: 72 Trần Văn Thạch, SG” (tr.886).
Ở đây có bốn chỗ sai. Thứ nhất, tên của hiệu sách này là “Yiễm Yiễm thư quán” (“viết Yiễm Yiễm, đọc Diễm Diễm”, theo lời giải thích của chủ nhân) chứ không phải là “Yểm Yểm”.
Thứ hai, đây không phải là nhà xuất bản mà chỉ là một chi nhánh của Yiễm Yiễm thư trang, 113-115 Kitchener (nay là đường Nguyễn Thái Học), do ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết chủ trương.
Thứ ba, ngay cả Yiễm Yiễm thư trang cũng không phải là nhà xuất bản mà lại là nơi phát hành của Nhà xuất bản Bốn Phương, cũng do ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết làm chủ.
Thứ tư là về thời điểm thành lập thì các nhà biên soạn cũng đi trễ gần hai thập kỷ vì Yiễm Yiễm thư quán thành lập hồi thập kỷ 1950 chứ không phải năm 1970.
Ấy là ta còn chưa nói đến chuyện tuy có kiến thức chuyên sâu nhưng không có tinh thần trách nhiệm thì công trình cũng đầy rẫy sai sót, như Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu (NXB Trẻ, 1999), thì phần dịch từ tiếng Latin sang tiếng Việt có quá nhiều chỗ sai mà chúng tôi đã nêu lên 100 trường hợp trên tạp chí Thông Tin Khoa Học & Công Nghệ Thừa Thiên - Huế, số 3-2000.
Hoặc không biết kiến thức chuyên môn sâu đến đâu và tinh thần trách nhiệm của họ thế nào mà quyển Ngũ thiên tự do Vũ Văn Kính và Khổng Đức nhận mình là người biên soạn cũng đầy rẫy sai sót về nhiều mặt, như chúng tôi đã nêu lên 118 trường hợp, cũng trên tạp chí của Thừa Thiên - Huế, số 2-1997.
Quyển Việt sử diễn âm do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí sưu tầm, giới thiệu và biên dịch (NXB Văn Hóa Thông Tin, 1997) thì lại có quá nhiều sai sót trong “biên dịch” và chú giải, như chúng tôi đã chỉ ra trên Kiến Thức Ngày Nay số 261 (20-10-1997).
Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng không tránh khỏi nhiều sai sót loại đó. Bộ từ điển này quy tụ rất nhiều nhà chuyên môn mà danh tính được liệt kê trong những danh sách dày đặc cho từng chuyên ngành nhưng rất tiếc là có “chuyên gia” lại phạm sai lầm sơ đẳng, như tác giả của mục sau đây tại tr.359, tập 2:
“Hổ phù (tiếng Sanskrit: Râhu), linh vật trong huyền thoại Ấn Độ. Hổ phù vốn là quỷ, do sự phát hiện của thần Mặt Trời, Mặt Trăng mà bị Visnu (Vishnu) chặt đứt làm đôi, nửa trên là Hổ Phù, nửa dưới là Kế Đô (Kétu)”.
Chỉ cần nói rằng “hổ phù” [虎符] là một khái niệm của Trung Hoa còn rāhu lại là một khái niệm của Ấn Độ thì ta đã có thể biết được trình độ của vị chuyên gia này như thế nào rồi (lẽ ra từ điển phải ghi danh tính của anh ta ở cuối mục).
Không biết có phải của cùng một chuyên gia hay không mà mục sau đây cũng quái dị không kém khi ghi chú cho mục “Long” như sau: “(Sanskrit: Naga), loài rồng”. “Long” là rồng của Trung Hoa, còn nāga là rắn của Ấn Độ thì hai bên có liên quan gì với nhau?
Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa từ Trung Hoa nên kiến trúc của chùa thường có trang trí hình rồng, còn Campuchia chịu ảnh hưởng của Phật giáo Tiểu thừa nên chùa của họ thường trang trí hình rắn. Danh từ nāga của tiếng Sanskrit có bao giờ có nghĩa là rồng?
Thật đáng phẫn nộ là có nhiều vị ăn theo những công trình lớn như trên để làm hại ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc.
Ấy thế nhưng ở ta lại còn có một cái tệ rất tệ là nể nang nhau, cụ thể là không dám nêu rõ những cái sai của nhau nên sai sót cứ tồn tại dài dài, như chuyện pre và proto dưới đây:
Pre là “tiền” (= trước) còn proto là “nguyên sơ” (= ban đầu). Thế nhưng trên 30 năm nay, ngành ngữ học của Việt Nam, dẫn đầu còn có cả GS Nguyễn Tài Cẩn, chuyên dịch proto thành “tiền”, chẳng hạn proto Việt Mường là “tiền Việt Mường”, proto Việt Chứt là “tiền Việt Chứt”...
Họ hoàn toàn không phân biệt rằng hễ nói pre-X là nói đến một cái có trước X và nằm ngoài X; còn hễ nói proto-X là nói đến chính X ở giai đoạn ban sơ. Làm khoa học mà không đếm xỉa đến những chuyện tế nhị nhưng trọng đại như thế thì rất nguy hiểm.
Về sai lầm và cốt cách của người làm khoa học
Hồi nhà ngữ học kiệt xuất Cao Xuân Hạo còn sống, khi ông thẳng thắn vạch trần những cái sai của một nhân vật trong giới ngữ học và giới đại học thì một số người có vai vế của Viện Ngôn ngữ học khuyên ông đừng làm thế.
Đó hiển nhiên không phải là cách hành xử của nhà khoa học chân chính. Làm khoa học không phải là “nhường nhịn” nhau về chuyên môn để giữ ghế.
Phương châm chính và xuyên suốt của người làm khoa học là “tránh sai lầm”, nhưng khi mình thực sự có sai lầm mà sai lầm đó lại được người khác chỉ ra giúp thì mình phải tỉnh ngộ và còn phải cảm ơn người đó nữa là đằng khác. Đằng này...
Trong công việc của mình, có ba lần chúng tôi nhận xét về từ điển của tác giả Nguyễn Lân và cả ba lần chúng tôi đều được cụ mắng mỏ.
Lần đầu tiên là trên Kiến Thức Ngày Nay số 277 (10-4-1998). Chúng tôi đã nhận xét về câu “Áo cứ chàng, làng cứ xã” trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của cụ, rồi cũng bị cụ mắng là "vô văn hóa".
Nhưng chúng tôi không hề lấy thế làm phiền lòng mà còn cảm thấy vui vui vì biết rằng tác giả là người từng được tôn sùng, xưa nay chưa được ai “gãi ngứa” nên khi được gãi thì giãy nảy lên là chuyện bình thường.
Nếu cần đặt tay lên lương tâm để tự vấn thì chúng tôi xin thẳng thắn nói rằng mình không hề giận cụ Nguyễn Lân. Nhưng những cái sai, rất nhiều, trong từ điển của cụ thì nhất thiết phải được vạch rõ.
Cũng từng có người làm, mà Lê Mạnh Chiến là một người khảng khái và kiên quyết. Nhưng có vẻ như vẫn chưa “đủ đô” đối với một số khá đông độc giả, và cả nhiều nhà chuyên môn.
Vậy phải có một cái gì đó thật hoành tráng thì mới lay động được thật dữ dội cái tệ sùng bái cá nhân rất có hại cho học thuật.
Cái gì đó đã đến: quyển sách khổ 16x24cm, dày 570 trang của Hoàng Tuấn Công nhan đề Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, do Phương Nam Books và NXB Hội Nhà Văn vừa ấn hành 2.000 bản.
Kính cám ơn lời dạy bảo của Cụ.
Trả lờiXóaCám ơn học giả An Chi đã cho lời chỉ bảo quý báu, mà xưa nay người ta cú lẫn lộn giữa khoa học và đạo đức!
XóaCụ nói: "Nếu cần đặt tay lên lương tâm để tự vấn thì chúng tôi xin thẳng thắn nói rằng mình không hề giận cụ Nguyễn Lân. Nhưng những cái sai, rất nhiều, trong từ điển của cụ thì nhất thiết phải được vạch rõ." và "Cái gì đó đã đến: quyển sách khổ 16x24cm, dày 570 trang của Hoàng Tuấn Công nhan đề Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, do Phương Nam Books và NXB Hội Nhà Văn vừa ấn hành 2.000 bản.", như một quy luật của lẽ phải & cảnh tỉnh cho những kẻ giả danh học thuật và đạo lý. Cám ơn lời dạy của Học giả lão thành An Chi!
HỌC GIẢ LÃO THÀNH nói những lời tâm huyết khoa học nghe rất thấm.
Trả lờiXóaMong sao nước nhà có nhiều học giả lão thành như cụ AN CHI.
và cũng mong sao nước nhà bớt bớt đi những vị giáo sư tiến sĩ "phó cối".
Cảm ơn cụ An Chi, chúc cụ nhiều sức khỏe.
Thật may mắn cho học giả An Chi vì chưa bị cụ Lân mắng là "suy thoái đạo đức".
Trả lờiXóaCám ơn anh An Chi. Việc không cháy nhà, chết người... nhưng là cội nguồn sinh ra một xã hội méo mó, hèn kém... đúng định hướng. Tôi nghĩ, HTC chắc cũng không nghĩ mình hoàn hảo, nhưng những gì anh viết ra là có trách nhiệm, có trí tuệ. Ai thấy chưa chuẩn cự nêu ra. Tiếc là anh Lân Dũng, Lân Hùng... nhìn học thuât méo, định hướng sang lĩnh vực thiện trí, ứng xử. Các anh nên mời HTC cộng tác hoàn thiện tác phẩm của ông cụ.
Trả lờiXóa"Thiện chí" chứ không phải "thiện trí", cụ ạ! Đừng bắt chước NL!!!
Xóa"tệ sùng bái cá nhân rất có hại cho học thuật", nhưng vẫn còn may. Bởi đã là khoa học thì rốt cuộc kiểu gì chân lý cuối cùng vẫn đến, giống như Braono dù bị đưa lên giàn thiêu lời khẳng định của ông quả đất quay quanh mặt trời rốt cuộc vẫn được thực tế thừa nhận. Nguy hại nhất là tệ sùng bái cá nhân trong chính trị biến họ thành ác qủy khoác áo cà sa. Hàng chục triệu người Liên xô chết dưới thời Stalin, 60 triệu dân trên thế giới chết vì Hitler, gần 100 triệu người Trung Quốc chết dưới thời Mao Trạch Đông. Chủ đề tư tưởng bài viết của Học giả Lão thành An Chi có ý nghĩa to lớn và sâu xa nhất nằm ở chỗ đó. Hãy coi tất cả mọi người đều là con người! Chỉ khi đó mới tìm được chân lý và đảm bảo được nhân phẩm, quyền cơ bản cho họ, bất kể họ là ai !
Trả lờiXóaBruno chứ không phải Braono, cụ ơi!!
XóaCon cái cụ giáo Lân làm hại cha mình đấy, cứ nống cụ lên để cụ tưởng mình vĩ đại thật. Xin các vị nhớ cho cha ông các vị - so với các đồng nghiệp cùng thời thì chỉ là một ông giáo bình thường. nếu giỏi thì đã được phong giáo sư đợt đầu tiên. Này nhé: Về chuyên môn (giáo dục học) không có công trình nào đặc biệt, về văn chương không có gì nổi trội, về lịch sử (cụ Lân cũng có hai quyển in trước năm 1944) thì toàn lược thuật lại tài liệu có sẵn, còn về từ điển thì như ta đã thấy…Nhưng con cháu cụ cứ bịt mắt, bịt tai thiên hạ mà hối hả cố kiết dựng cụ thành quốc sư. Càng làm thế, các ông càng vạch áo cho người xem lưng !
Trả lờiXóa9-9-2017
Ở nước ngoài tôi không tin họ bỏ ra nhiều thời gian tranh luận 1 cá nhân – tác giả 1 cuốn từ điển có „vĩ đại“ hay không, mà đơn giản nếu có 1 người vạch lỗi của 1 cuốn từ điển – và lỗi là khá hiển nhiên, thì người dân sẽ không ai mua cuốn đó (trừ người sùng bái hay cuồng tín hay người ít tiền mua cuốn sai lỗi nhiều với giá rẻ) và bằng cách đó sẽ loại bỏ được cái yếu kém. Còn tranh cãi thì vô cùng, vì ai cũng có lý của người đó và có thể tranh cãi không có điểm dừng. Người đang được làm voi, đâu dễ chịu hạ mình xuống mức dưới bao giờ và họ cũng còn bao nhiêu fans đứng sau hậu thuẫn! Còn tham khảo những cuốn Từ điển chất lượng ở Đức chả hạn thì ví dụ nổi tiếng có Duden hay Brockhaus và đọc chúng mới thấy ở nước ngoài họ làm việc khoa học vượt xa rất nhiều các học giả kiểu Nguyễn Lân. Và các hiệu bán sách cũng chả dại dột ôm nhiều những loại sách kém chất lượng, dù giá rẻ, vì bán ra hiệu sách cũng mất uy tín luôn.
Trả lờiXóaSách nước ngoài bị vạch sai thì họ nghiên cứu và in thêm bản cập nhật điều chỉnh vào trong lần tái bản hoặc in luôn đính chính công bố và gởi lời cám ơn người sửa sai.
Trả lờiXóaCon tôi học ở Mỹ kể chuyện nó nói lên chỗ sai của thầy. Ngay tối đó ông thầy về xem lại và gởi email cho nó xác nhận chỗ sai. Sáng hôm sau thầy xác nhận với lớp và cám ơn nó trước lớp.
Ngày nó học trường VN cũng tương tự , bị cô giáo mắng té tát và đuổi ra khỏi lớp. Cô giáo còn thù đến mức cho nó rớt trong bài thi.