Dr. Martin Schäfer, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức. Ảnh: ZDF
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh:
Chính phủ Đức khẳng định không thể chấp nhận được và không để vụ việc chấm dứt tại đây
Hiếu Bá Linh
16-8-2017
Hôm qua Thứ Hai 14/08/2017 trên trang Facebook của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội có đăng nội dung buổi Họp báo của chính phủ Liên bang Đức ngày 09/08/2017 tại Berlin. Trong buổi họp báo Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang, bà Ulrike Demmer và Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Martin Schäfer, đã trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Đại sứ quán Đức ở Hà Nội không những đã cho đăng bản tiếng Đức mà còn dịch ra tiếng Việt.
Nội dung cuộc họp báo của chính phủ Liên bang Đức có những thông tin gì mới và gửi gắm thông điệp gì?
1. Cho đến nay phía Việt Nam vẫn chưa trả lời gì về yêu cầu của phía Đức: đưa trả Trịnh Xuân Thanh về lại nước Đức
Phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Schäfer: Về các yêu cầu được đưa ra đối với phía Việt Nam – như Quý vị đã biết: liên quan đến việc đưa trường hợp công dân người Việt Nam, là đương sự có đơn xin tị nạn tại đây, trở lại Đức – hiện vẫn chưa được trả lời.
2. Phía Đức cho rằng, Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội sửa chửa lỗi lầm
Ông Schäfer: Chúng tôi lấy làm tiếc về việc này vì chúng tôi đã hi vọng rằng đây là một cơ hội – không phải để quay ngược thời gian hành vi vi phạm nặng nề luật pháp của Đức và công pháp quốc tế, mà là khắc phục nó bằng một cách nào đó. Tiếc là điều đó đã không diễn ra.
3. Phía Đức khẳng định, vụ việc rất nghiêm trọng này là không thể chấp nhận được và không chấm dứt ở đây
Ông Schäfer: Chính vì vậy, trong trường hợp này chúng tôi cần xem xét lại một cách kỹ lưỡng những việc có thể thực hiện để làm rõ với các đối tác Việt Nam rằng, những điều mà chúng tôi công bố với công luận cũng như các Quý vị trong tuần trước là thực sự nghiêm túc, cụ thể là chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận hành vi vi phạm pháp luật dưới hình thức đó – một dạng cướp đoạt người hay bắt cóc, được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước của một chính phủ nước ngoài trên lãnh thổ Đức.
Đây cũng là dịp để khẳng định lại một cách rất rõ ràng rằng đối với chúng tôi vụ việc đặc biệt đáng tiếc và rất nghiêm trọng này chưa hề chấm dứt.
Bà Ulrike Demmer, Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang. Ảnh: tác giả gửi tới
4. Chính phủ Đức sẽ áp dụng thêm các biện pháp khác
Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang, bà Ulrike Demmer: Tôi cũng muốn tiếp lời ông Schäfer và khẳng định rằng: Vụ bắt cóc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp của Đức và công pháp quốc tế. Vì vậy, phản ứng tức thời của Chính phủ Liên bang là yêu cầu một đại diện của cơ quan tình báo Việt Nam công tác tại Đại sứ quán rời khỏi nước Đức và bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác. Bên cạnh đó, Chính phủ Liên bang còn nhiều lần trao đổi với Chính phủ Việt Nam. Một vụ việc như vậy, nếu xảy ra tại Hà Nội, chắc chắn cũng bị Chính phủ Việt Nam coi là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
5. Hiện nay chính phủ Đức đang họp bàn về những biện pháp
Ông Schäfer: Hiện tất cả các phương án đang được bàn thảo. Tùy vào tình hình cũng như trong trường hợp không có phản ứng từ phía Việt Nam, chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ trưởng và Quốc vụ khanh Lindner về các bước tiếp theo. Điều này chắc chắn sẽ được đưa ra thảo luận trong nội bộ Chính phủ Liên bang và sau đó sẽ được triển khai.
6. Từ trước đến nay nước Đức viện trợ cho Việt Nam với một tổng số tiền lớn
Ông Schäfer: Ngay từ tuần trước chúng tôi đã phát biểu rằng sự hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển rất tốt đẹp. Quan hệ về thương mại và đầu tư đột phá mạnh trong những năm vừa qua. Việt Nam là một đối tác lớn trong chính sách hợp tác phát triển của Đức với nhiều khoản hỗ trợ lớn đã và dự kiến sẽ được Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang cung cấp. Có nhiều lý do để vui mừng về điều đó. Tuy nhiên, khi vụ việc như vậy xảy ra thì chắc chắn ở đâu đó còn thiếu sự tôn trọng và lưu tâm.
7. Phía Đức khẳng định một lần nữa, không thể để vụ việc kết thúc ở đây, nhưng cũng không hấp tấp vội vã, làm việc thật kỹ lưỡng
Ông Schäfer: Vì vậy, như đã nói, chúng tôi không thể để vụ việc dừng lại tại đây. Chúng tôi sẽ bình tĩnh phân tích. Không có gì phải vội vàng cả. Chúng tôi sẽ cân nhắc và bàn thảo kỹ lưỡng rồi sau đó sẽ thông tin tới các đối tác Việt Nam của chúng tôi.
Nguồn: Tiếng Dân.
Đức vì „đại cục“ nên quá khứ dù đã nói thẳng Việt Nam nhiều điều chưa làm tốt về các vấn đề như „nhận người tỵ nạn VN“, tự do về „biểu tình“, „báo chí“, „tôn giáo“ … – nhưng vẫn nhịn và vẫn quan hệ ngoại giao bình thường. Tuy vậy tới vụ Trịnh Xuân Thanh – với kiểu VN dùng luật rừng bình diện quốc gia để thỏa mãn ý chí cá nhân hay nhóm thì rõ là „giọt nước tràn li“ – chứ chả phản động Việt Nam nào tác động để chính quyền Đức – 1 nhà nước từ xưa tới nay chủ yếu chơi đẹp, giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn là VN đối xử, giúp Đức - phải giận dữ như vậy! Việt Nam dù là đối tác chiến lược với Đức (như Việt Nam vẫn hay đưa ra) thì còn lâu mới là đồng minh, đặc biệt chế độ độc đảng với độc quyền chính trị „toàn trị“ của VN còn lâu mới được Nhà nước Đức tin cậy và bỏ qua trong vụ này, - như Đức có thể sẽ cư xử nhẹ hơn với nước khác (như vụ Nam Hàn bắt cóc công dân Triều Tiên những năm 60 Thế kỷ trước). Duy nhất sự chân thành và nhận lỗi kèm sửa lỗi thỏa đáng mới hy vọng quay dần lại mối quan hệ như trước khủng hoảng này. Còn không khi nước Đức kéo theo cả EU cô lập Việt Nam thì Việt Nam gặp hạn nặng – nhất là đang luôn bị thằng côn đồ vạm vỡ, hung hãn, tham lam hàng xóm, vũ khí đầy người là TQ hàng ngày dòm ngó, chiếm đoạt thì chỉ còn nước hàng phục nó!
Trả lờiXóa