Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

THỪA NHẬN VIỆT NAM CỘNG HÒA, VÀ GỌI TÊN GIẶC TÀU XÂM LƯỢC


TS Nguyễn Nhã phát biểu trong một tọa đàm về chủ quyền biển đảo - Ảnh: L.Điền

Thừa nhận Việt Nam cộng hòa 
là bước tiến quan trọng

Tuổi trẻ
20/08/2017 21:25 GMT+7

TTO - “Việt Nam cộng hòa và trước đó là Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị mà Hiệp định Genève 1954 có nhiều nước trong đó Trung Quốc và Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký, công nhận".

Như tôi đã nhiều lần phát biểu trong đó có hội thảo xây dựng bộ lịch sử trên, rằng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa mà pháp lý quốc tế hồi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền năm 1909 cho Paracels (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa là đất vô chủ - res -nullius) thì sự chiếm hữu phải mang tính thật sự, nhà nước, liên tục và hòa bình.

Từ năm 1954 - 1975 chỉ có chính quyền ở miền Nam Việt Nam mới có quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên chính quyền Việt Nam cộng hòa phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục
TS Nguyễn Nhã
Nhân việc bộ Lịch sử Việt Nam không dùng từ “ngụy quyền Sài Gòn” để chỉ chính thể Việt Nam cộng hòa trước 1975, TS sử học Nguyễn Nhã cho rằng việc thừa nhận này có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Nhã còn cho rằng: “Việt Nam cộng hòa và trước đó là Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị mà Hiệp định Genève 1954 có nhiều nước trong đó Trung Quốc và Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký, công nhận chính quyền hợp pháp quản lý lãnh thổ kể cả biển phía Nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước Việt Nam.

Về pháp lý quốc tế cũng như về mặt lịch sử rất hiển nhiên không thể chối cãi. Có thể khi còn đấu tranh chính trị vì lợi ích chính trị thì không công nhận nhau cũng là chuyện thường tình.

Song chính trị thì có thể thay đổi, nhất là khi đất nước đã được thống nhất và đang có nhu cầu thống nhất lòng người, đoàn kết dân tộc để phát triển hùng cường và đấu tranh chống các nguy cơ từ nguy cơ trở thành thuộc quốc hay nguy cơ tụt hậu”.

Trong cái nhìn triển vọng về việc thừa nhận chính thể Việt Nam cộng hòa, ông Nhã cũng lưu ý rằng “Hiện nay có hơn 4 triệu Việt kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng rất quan trọng. Công nhận Việt Nam cộng hòa sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, như ý nguyện lúc sinh thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.

Không chỉ thế, theo ông Nhã, “... Thừa nhận Việt Nam cộng hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển”.
.

TS Lê Trung Tĩnh - Ảnh: LTT cung cấp

Việc từ bỏ cách gọi "ngụy quân", "ngụy quyền" và công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính quyền độc lập là một bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương của người Việt sau chiến tranh.

Mặt khác điều này có những tác động tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng công pháp quốc tế.
TS Lê Trung Tĩnh
Tác động tích cực với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Ngày 18-8, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu, phát hành bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn.

Một trong nhiều điểm mới của bộ sách lịch sử quan trọng này là việc đề cập đến sự tồn tại của chính quyền Việt Nam cộng hòa như một thực thể chính trị độc lập tại miền Nam Việt Nam.

Như lời trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện Sử học, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam, đã nói: "Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam cộng hòa, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn".

Nhiều tác giả, đặc biệt là Quỹ Nghiên cứu Biển Đông qua các bài viết của TS Dương Danh Huy, đã đi sâu về mối quan hệ giữa sự công nhận một hay hai quốc gia trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975 và lập luận pháp lý bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Các nghiên cứu này đã so sánh các cách thức, quan điểm khác nhau và đi đến kết luận rằng việc công nhận hai quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 có lợi trong việc tranh biện pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trước Trung Quốc.

Và đó cũng là quan điểm có thể chấp nhận về mặt chính trị hiện nay, so với việc chỉ công nhận một quốc gia tại miền Bắc hay tại miền Nam.

Nhận định Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa là hai quốc gia cũng là điều được chấp nhận dưới góc độ luật pháp quốc tế theo nghiên cứu của nhiều luật gia quốc tế nổi tiếng.

Giáo sư James Crawford, giáo sư hàng đầu về công pháp quốc tế và là một thẩm phán tại Tòa án Công lý quốc tế, trong tác phẩm The Creation of States in International Law, đã cho rằng Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa là hai quốc gia.

Theo ông, việc Hiệp định Genève 1954 thiết lập hai vùng tập kết quân sự phải được xem như sự thiết lập hai quốc gia. Trên phương diện luật pháp cũng như trên thực tế, lãnh thổ của mỗi quốc gia trên không phải là toàn bộ Việt Nam.

Ngoài ra sau này trong Hiệp định Paris 1973, Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa cũng được xem như hai thể chế trong việc sử dụng quân sự, tự khẳng định đối nội và đối ngoại, đáp ứng được các điều kiện có chính phủ và khả năng có quan hệ với các chính phủ khác.

Thật ra việc công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính thể quan trọng trong việc gìn giữ chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa đã được lãnh đạo Việt Nam đề cập trong các phát biểu quan trọng.

Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểu trước Quốc hội ngày 25-11-2011 đã lặp lại không dưới ba lần từ "Việt Nam cộng hòa" và khẳng định: "Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp".

"Năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thì hải quân chúng ta đã tiếp quản năm hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, năm đảo này do quân đội của chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam cộng hòa đang quản lý chúng ta tiếp quản".

Cũng cần nhắc lại là ngày 19 và 20-1-1974, trong trận hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc, 74 binh sĩ Việt Nam cộng hòa đã ngã xuống để bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam.

Đó đơn giản là những người con của nước Việt, cũng như Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam cùng với Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Ý nghĩa của điều đó rất rõ và trường tồn đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã từng đấu tranh 1.000 năm để có một lãnh thổ, và 1.000 năm để giữ gìn lãnh thổ.

TS Lê Trung Tĩnh (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)

Tiền đề thống nhất nhân tâm

Chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1975. Đã đến lúc dân tộc phải tiến hành công cuộc hòa giải. Thống nhất đất nước phải là tiền đề cho thống nhất nhân tâm, thống nhất tinh thần dân tộc...

Có như thế dân tộc mới mạnh, mới đoàn kết để chống xâm lược, để giữ gìn giang sơn, đất trời và biển.

Ai cũng vui mừng vì đã đến lúc ta phải gọi cho đúng tên các thực thể dân tộc trong quá khứ.

Việt Nam cộng hòa là một thực thể lịch sử. Thừa nhận chính thể Việt Nam cộng hòa như nó đã tồn tại ta sẽ làm giàu có thêm cho dân tộc vì đã có một nền giáo dục, một nền văn học, pháp chế, kinh tế... mà chúng ta cần nghiên cứu để thừa kế những giá trị và gạt bỏ những khuyết điểm, những yếu kém...

Và trên hết là hòa giải dân tộc, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc trong cuộc cạnh tranh và sống còn trong một thế giới còn nhiều thách thức.

Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc

LAM ĐIỀN ghi

Tiếng Dân tổng hợp và bình luận:
Gọi tên quân Trung Quốc xâm lược

Báo Tuổi Trẻ tiếp tục câu chuyện bộ sách Lịch sử Việt Nam chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam với bài: Sách giáo khoa phải viết cụ thể về cuộc chiến chống Trung Quốc.

Báo trích lời TS Nguyễn Mạnh Hà, cựu viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: “Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ năm 1979 cần phải chỉ đích danh là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đánh Việt Nam. Không thể gọi là quân Trung Quốc tiến xuống hay tiến vào Việt Nam, bởi như vậy không nói lên được bản chất vấn đề. Sách giáo khoa lịch sử phải viết cụ thể về cuộc chiến này, chứ không thể viết dăm ba dòng như vậy thì ai có thể hiểu được?

Ngoài ra ông Hà cũng cho rằng: “Thời kỳ Việt Nam Cộng hòa cũng rất có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Những vụ việc như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, vụ án xét lại chống Đảng… chúng ta phải viết“.

GS. Vũ Dương Ninh – Đại học Quốc gia Hà Nội nên quan điểm, “phải thực sự tôn trọng tính khách quan của lịch sử. Bấy lâu nay, trong chừng mực nhất định chúng ta chưa hoàn toàn bảo đảm được điều đó khi viết sử. Nguyên tắc tôn trọng tính khách quan của lịch sử là rất quan trọng với người nghiên cứu… phải hiểu cho đúng thế nào là sử học phục vụ chính trị. Để phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì không còn là lịch sử nữa“.

Mời đọc thêm: Thừa nhận Việt Nam cộng hòa là bước tiến quan trọng (TT). – CSVN viết lại lịch sử, Việt Nam Cộng Hòa không còn là ‘ngụy quyền’ (NV).

10 nhận xét :

  1. Thừa nhận quá muộn, nhưng muộn còn hơn không.

    Còn nhiều cái phải thừa nhận lắm, thí dụ như cái đuôi "định hướng XHCN" rất phản khoa học đó. Bao giờ thì cắt bỏ nó đây???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thừa nhân VNCH để vô hiệu hóa cái vụ HS-TS của TQ?

      Xóa
  2. Vậy thì đảng nên sửa soạn mình để thích ứng với Việt Nam Cộng Hòa!

    Trả lờiXóa
  3. Nhưng nếu công nhận Việt Nam Cộng Hòa là 1 thực thể quốc gia thì hóa ra Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xâm lược miền Nam, và cuộc chiến tranh 55-75 là chiến tranh xâm lược ?

    Trả lờiXóa
  4. Đã thế phải ghi nhận sự hy sinh to lớn của các sĩ quan và chiến sĩ VNCH trong trận hải chiến (thực sự) với giặc Tầu ở QĐ Hoàng Sa năm 1974.

    Trả lờiXóa
  5. Đảng nên trả tự do cho các vị tù nhân lương tâm trước đi!

    Trả lờiXóa
  6. Cứ chê chính quyền VNCH, nhưng ngày nay khối cái " xấu", cái tiêu cực họ còn kém xa ta nhé !

    Trả lờiXóa
  7. Thừa nhận VNCH là quốc gia hiện hữu , đã ra đời và tồn tại trong giai đoạn lịch sử 1956 -1975 , là tôn trọng sự thật khách quan. Quốc gia VNCH được chính VNDCCH và các nước trên thế giới công nhận ( là 1 bên ký Hiệp định Giowneve 1954, Hiệp định Paris 1973). Tôn trọng lích sử là tôn trọng nhân dân VN, bởi nhân dân VN là người làm ra lịch sử đó.

    Trả lờiXóa
  8. Sau 30/4/75:Nước VNCH đã được cụ Nguyễn Du viết trong Kiều : -Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!/-Sạch sành sanh vét cho đầy...Cũng đạ 42 năm rồi!Thôi thì như một câu hát :"Ai xa đã xa chưa?Ai quên đã quên chưa?Thôi nặng lòng chi nữa?!?"Để CỨU LẤY DÂN TỘC LÚC NÀY ĐƯỢC KHÔNG? Mong lắm thay!!!!

    Trả lờiXóa
  9. Giặc Bắc Kinh xâm lược biên cương Việt Nam đã 39 năm thế mà nay đảng CS mới giám mở miệng nói chúng là kẻ xâm lược. Còn giặc Bắc Kinh xâm lược Trường sa từ năm 1988 cho đến nay mà sao không nghe đảng CS nói một câu, phải chăng đảng CS chờ đủ 39 năm mới lên tiếng phải không?

    Trả lờiXóa