Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

KHÚC NGÂM VỢ LÍNH - Bản dịch MỚI của "Chinh Phụ Ngâm"


Chinh phụ ngâm (Khúc ngâm của người vợ có chồng đi ra trận), nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn. Ông là người làng Nhân Mục, huyện thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông sống vào những năm đầu thế kỉ XVIII.

Về bản dịch của Chinh phụ ngâm hiện lưu hành hai bản dịch của Phan Huy Ích và Đoàn Thị Điểm. Phan Huy Ích quê ở Thiên Lộc , Nghệ An. Ông cũng là một người học rộng tài cao, ông đỗ tiến sĩ năm 26 tuổi. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Dụ Am văn tậpDụ Am ngâm lục. Dịch giả thứ hai là Đoàn Thị Điểm (1705-1748), bà sinh ra tại mảnh đất Văn Giang Kinh Bắc nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Bà không chỉ đẹp người mà lại còn có tài văn chương. Tác phẩm tiêu biểu bao gồm bản dịch Chinh phụ ngâm Truyền kì tân phả.

Nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu bản dịch của Nhà thơ Đỗ Hoàng, để chư vị cùng thưởng thức và phẩm bình.

Đỗ Hòang 

KHÚC NGÂM VỢ LÍNH
(Chinh phụ ngâm)

Đỗ Hoàng dịch thơ

I


1- Cõi đất trời quay cuồng bụi gió, (1)
Phận má hường thương khó bao phiên! (2)
Cao xanh thăm thẳm giăng miền (3)
Ai làm nên nỗi đảo điên đất bằng? (4)


5- Trống Trường Thành đánh trăng náo động, (5)
Lửa Cam Tuyền cháy bỏng mây xanh (6)
Tuốt gươm việc lớn chín lần, (7)
Nửa đêm nhận lệnh tướng quân lên đường.

II


Ba trăm năm dân thường êm ấm, (8)
10- Áo lính này vật phẩm võ quan (9)
Sứ thần cấp tốc truyền ban, (10)
Việc quân là lớn sá màng chuyện riêng.


Thân dũng sỹ cung tên mang vác, (11)
Buổi lên đường phó thác vợ con, (12)
15- Bóng cờ giục giã héo hon
Tiếng tiêu ngoài ải, nỗi hờn trong song. (13)

Chàng trai trẻ, con dòng tướng lĩnh, (14)
Bỏ sách đèn mưu tính việc binh. (15)
Một lòng dâng hiến anh minh,
20- Thước gươm quyết rửa tội hình Hung Nô (16)

Trai anh hùng nấm mồ da ngựa, (17)
Coi chết chóc nhẹ tựa tơ hồng! (18)
Theo quân xa biệt khuê phòng,
Vung roi cầu Vị, bềnh bồng gió Tây.(19)

25- Hói đầu cầu nước đầy xanh mướt,
Lối bên cầu cỏ mượt như tơ
Tiễn chàng lòng thiếp ngẫn ngơ,
Ngựa thuyền, thuỷ bộ bên bờ biệt ly! (20)

Dòng nước xanh sầu bi chẳng vợi,
30- Cỏ thơm tươi lại nối thêm buồn.
Dặn lời tay nắm lệ tuôn,
Bước đi mỗi bước sầu vương mấy lần.

Tình thiếp gửi trong ngần trăng sáng,
Dõi lòng chàng ngoài áng Thiên Sơn. (21)
35- Múa gươm tiễn chén rượu buồn (22)
Cung tên nhằm thẳng vào đồn sói lang. (23)

Bắt Lâu Lan theo chàng Giới Tử (24)
Hàng Man Khê học cụ Phục Ba. (25)
Áo chàng ráng đỏ sao sa, (26)
40- Ngựa chàng cất bước như là tuyết bay. (27)

Tiếng nhạc ngựa chuyển lay tiếng trống (28)
Nước mắt rơi ướt bỏng bờ mi,
Buồn tênh cái lúc chia ly,
Chiến tranh kẻ ở người đi sao đành!... (29)

III

45- Hà Lương rẽ đường xanh mấy nẻo, (30)
Nhìn mặt nhau dạ héo như dưa,
Bên đường cờ xí phất phơ,
Càng trông, càng thấu thẩn thờ hồn mai.

Đạo quân trước chiếm đài trại Liễu, (31)
50- Ngựa chiến sau tuần tiễu Hà Dương (32)
Kỵ binh tiếp ứng lên đường,
Thuỳ dương biết thiếp đoạn trường này không? (33)

Bông mai rụng nảo lòng xa ngái,
Lính giết nhau máu tái lênh lang,
55- Trông mây, thiếp biết xa chàng,
Đoái sông, ngoảnh núi mơ màng phu quân!

Chàng mất dấu, mấy phần mưa gió,
Thiếp quay về vò võ phòng loan. (34)
Ngoái nhìn kỷ vật bàn hoàn, (35)
60- Non xanh mây lạnh, đa đoan não nề.

Chốn Hàm Dương trăm bề chàng nhớ,(36)
Nơi Tiêu Tương, thiếp cố vời theo. (37)
Hàm Dương cây cỏ vắng teo, (38)
Tiêu Tương mây khói, suối đèo buồn bơ! (39)

65- Cây Hàm Dương ngẩn ngơ nguồn cội,
Sóng Tiêu Tương vời vợi nghìn trùng.
Càng trông thăm thẳm mông lung,
Lưng trời ngăn ngắt, một vùng dâu xanh.

Dâu xanh trải như thành, như luỹ. (40)
70- Ai sầu hơn thiếp ý, lòng chàng.
Ai gây ra cuộc hỗn mang? (41)
Biệt ly đôi ngả, muôn vàn tang thương!

IV

Từ thuở chàng theo đường gió bụi,
Biết thân chàng lầm lủi nơi mô?
75- Xưa nay chinh chiến trận đồ, (42)
Tấm thân muôn dặm, nấm mồ táng đâu? (43)


Gió thổi rát thêm sầu mặt lạnh,
Dòng nước sâu, ngựa tránh chân xiêu.
Kê yên, gối trống sớm chiều, (44)
80- Màn trời, chiếu đất, trải nhiều đắng cay!


Bên Thành Luỹ, Hán nay chiếm đóng (45)
Thanh Hải đồn chật bóng Hồ Lang (46)
Một miền Thanh Hải thương tang. (47)
Núi cao máu rớt, suối ngàn lệ rơi!


85- Trên non xanh, tưyết phơi từng phiến,
Dưới lòng khe ẩn hiện hình ma,
Thương người áo giáp xông pha,
Nhớ về sầu nỗi quê nhà lạnh tăm!


Gấm vua ban tình thâm một thuở,
90- Gian nan càng rạng rỡ tài trai,
Bao miền viễn xứ ruổi dài,
Hết Hàm Dương lại ngược đài Tiêu Quan. (48)


Sương rơi lạnh cây ngàn điểm chốt,
Gió bụi khô mai một hình dong,
95- Lên cao trông sắc vân mòng,
Nỗi buồn này tự trong lòng buồn ra!

V

Chốn Đông Nam, chàng xa biền biệt. (49)
Chỗ giao tranh, thiếp biết nơi nao?
Đời trai gắn manh chiến bào, (50)

100- Chết chóc coi nhẹ bồng mao ngoài ngàn! (51)

Ân nghĩa chúa đã ban từ trước, (52)
Trải khổ nghèo, ao ước vinh thăng.
Non Kỳ lạnh lẽo treo trăng (53)
Bến Phì gió lửa mắc giăng lưới trời. (54)


105- Hồn lính chết tơi bời gió đánh, (55)
Mặt lính nhàu trắng lạnh trăng soi, (56)
Lính hèn phận cỏ, tôi đòi,
Nào ma nào bỏ sức hơi gọi hồn! (57)


Bao cuộc chiến đầu non, cuối bãi,
110- Có ai qua van vái tình thương?
Chiến trường mấy kẻ hồi hương, (58)
Tướng Siêu tóc bạc như sương mới về! (59)


Nghĩ chàng trải sơn khê cách trở,

Ba thước gươm ngựa đỡ nhung yên. (60)
115 Sầu trong cỏ rả triền miên,
Lạnh lùng trăng tái tận miền quan san. (61)


Tiếng kêu vọng, thét vang đầu ngựa,
Trên thành cao dao rựa tên bay, (62)
Công danh cám dỗ nhường này, (63)

120- Nhọc nhằn vất vả chẳng ngày nghỉ ngơi.

Nỗi nhọc nhằn không lời ca thán,
Việc quân cơ năm tháng nào yên.
Biết ai gửi nỗi niềm riêng,
Thiếp bên rèm lạnh, chàng miền khói sương! (64)

VI

125- Trong rèm lạnh, thảm thương phận thiếp,
Ngoài cõi xa khốn kiếp thân chàng.
Tưởng là cá nước một đàn,
Biết đâu cách trở đôi đàng nước mây.


Thiếp nghĩ thân mình đây phận gái,

130- Chàng đã từng là phái Vương Tôn. (65)
Nam Bắc cách trở sóng cồn, (66)
Để người thức sớm trải hôm dãi dầu.


Khách phong lưu đứng đầu tuổi trẻ, (67)

Nét hào hoa suôn sẻ tình duyên.
135- Thương thay đôi lứa thuyền quyên,
Dặm nghìn xa ngái, hàn huyên được nào. (68)


Nhớ chàng xưa biết bao hào phóng, (69)
Bên thuỳ dương rợp bóng chim về.
Ngày nào chàng sẽ hồi quê? (70)

140- Cuốc kêu giục giã ngày về cố hương!

Cuốc than sầu, thảm thương oanh hót.
Trước lầu kêu, thảng thốt én bay, (71)
Nhớ chàng trung liệt lòng này.
Tuyết mai đã thấm những ngày gió giông.


145- Hỏi chàng thư ngày mong trở lại, (72)
Chàng hẹn hò khi hái đào hoa,
Giờ đào níu gió đông qua. (73)
Phù dung toá hoá sông xa hao gầy. (74)
Lại hẹn núi Lũng Tây năm ấy (75)


150- Suốt ngày dài, nào thấy tăm hơi.
Bướm tàn, thiếp búi trâm lơi, (76)
Để người đứng khóc, lệ rơi mưa dàn.
Chỗ thôn vắng, tiếng đàn réo rắc
Như là lời thầm nhắc đến chàng


155- Hán Dương cầu nọ hẹn sang, (77)
Ngày tàn, người vẫn mơ màng khói sương,
Gió hoang thổi tang thương vạt áo,
Giữa tầng không ảo nảo tấm thân.
Khóc than lệ rỏ trăm lần,
160- Hàn Giang dậy sóng chìm dần chiều hong! (78)


(còn nữa)

6 nhận xét :

  1. Đặng Trần Côn khi viết về quê quán nên viết như thế nào. Viết là làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội liệu có đúng. Có lẽ khi thời của Đặng Trần Côn thì huyện Thanh Trì thuộc tỉnh Hà Đông. Còn viết thuộc TH Hà Nội thì phải gọi là phường...,quận Thanh Xuân.
    Còn nói về Phan Huy Ích, có lẽ cũng phải phân biệt thời nào thì viết thế nào. Khi tôi viết về làng tôi, làng Đại Định, ông Phan Văn Thản hương sư là thày của anh tôi từ năm 1945. Theo chỉ dẫn, cách đây mấy năm tôi về dự hội làng của thày, ngày 18 - 3. Làng tên là Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, ở làng thày Thản là Phan Huy Thản, hậu duệ của những Phan Huy Ôn, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú... Bàn thờ có mấy bức họa của các vị. Xin được xem xét nên viết thế nào cho phải, cho loại chúng tôi ít am tường không bị nhầm lẫn. Viết là Phan Huy Ích quê ở Thiên Lộc, Nghệ An như tác giả bài viết hay là làng Phúc Đức xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, Sơn Tây; hay là làng Phúc Đức, xã Sài sơn, huyện Quốc oai, TP Hà Nội.
    KHÚC NGÂM VỢ LÍNH - Bản dịch MỚI của "Chinh Phụ Ngâm"
    Tễu Blog - xuandienhannom - Tôi tặng Blog này cho các bạn
    xuandienhannom.blogspot.com

    Trả lờiXóa
  2. Xem bản chữ Hán của ĐTC vả so với bản dịch nôm của ĐTĐ thì thấy ĐTĐ dùng tiếng nôm vào loại "thần kỳ" có một không hai vào buổi ấy! Nay vẫn thấy chưa văn nhân nào có tài vượt qua Bà. Thật là cảm phục lắm thay!

    Trả lờiXóa
  3. Không hơn được bản dịch cũ,dù mới dịch !

    Trả lờiXóa
  4. Ông này không hiểu được nguyên tác của Đặng tiên sinh nên dịch trệ lắm!

    Trả lờiXóa
  5. Ông Đỗ Hoàng dịch nghe âm hưởng kém nhiều so với bản dịch của các cụ. Vậy thì dịch làm gì cho mất công.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi vẫn thích bản dịch xưa mà tôi đã đọc cách đây 60 năm:
    Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
    Khách má hồng nhiều nỗi trân chuyên
    Xanh kia thăm thẳm tầng trên
    Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

    Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
    Cõi cam tuyền mờ mịt giấc mây
    Chín lần gươm báu trao tay
    Nửa đêm chuyển hịch sáng ngày xuất chinh ...

    Nhớ lõm bõm mấy dòng vậy mà thấy hay hơn mới lạ chứ.
    Cũng như Bỉ vỏ thì nay chả xin phép cụ cố mà hình như lại đổi tên Làm đĩ

    Trả lờiXóa