Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

ÔNG NGUYỄN ÁI QUỐC CHẾT RŨ TÙ Ở HỒNG KÔNG NĂM 1931, NẾU ...


Chuyện luật sư Loseby không tố cáo, mà bao che, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931 
Ls. Trần Hồng Phong

Bào chữa là một trong những quyền cơ bản, cổ xưa và quan trọng nhất của con người. Pháp luật của tất cả các nước trên thế giới - trong đó có Việt Nam, Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc ghi nhận và tôn trọng quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, được xét xử bởi một phiên tòa công khai, nghiêm minh. Để thực hiện quyền bào chữa, từ lâu đã xuất hiện chế định luật sư. Luật sư là người có nghĩa vụ, xứ mệnh bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Nói một cách đơn giản, trách nhiệm của luật sư là gỡ tội, không được phép làm tăng nặng/xấu đi tình trạng pháp lý của nghi can, bị can, bị cáo.

Sách về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931 được xuất bản rất nhiều tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Điều này cũng giống như trách nhiệm của bác sỹ là chữa bệnh cho bệnh nhân, không phân biệt bệnh nhân là phe "ta" hay phe "địch", giàu hay nghèo, quan hay dân. Trong khi đó, trách nhiệm phát hiện và chứng minh tội phạm là của Nhà nước, của các cơ quan tiến hành tố tụng: như Công an, Viện kiểm sát và cả Tòa án (thông qua xét xử).



Từ trước đến nay, pháp luật Việt Nam cũng quy định như trên. Và điều đó là hợp lý, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Thế nhưng, tại kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra tháng 5/2017, dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự và một vài ý kiến của đại biểu Quốc Hội đã đề nghị sửa đổi Bộ luật hình sự hiện hành theo hướng buộc người luật sư phải tố giác hành vi có dấu hiệu phạm tội của thân chủ (đối với những tội danh liên quan đến an ninh quốc gia). Nói một cách đơn giản, là luật sư bị buộc phải đi tố cáo thân chủ!

Theo tôi, việc luật sư bị buộc (bởi luật) phải đi tố thân chủ của mình, là không hợp lý về mặt pháp luật, đạo đức và cả quyền con người. Vì lẽ:

- Trong khi nhận trách nhiệm bào chữa, giảm nhẹ cho thân chủ, luật sư lại đi tố cáo thân chủ của mình, tức làm xấu đi tình trạng pháp lý của thân chủ, chính là sự phản bội đối với khách hàng. Xét về mặt đạo đức, điều ấy thể hiện luật sư là một người hai vai, không đàng hoàng và không thể đàng hoàng.

- Không thể viện dẫn rằng những tội về an ninh quốc gia là nghiêm trọng, nên luật sư phải tố cáo thân chủ. Vì như đã nói, đây không phải là trách nhiệm của người luật sư. Vì luật sư là người bào chữa chứ không phải là người kết tội. Điều này là chân lý rõ ràng, không cần phải bàn cãi.

- Nếu luật sư đi tố cáo thân chủ, thì liệu có ai dám nhờ đến luật sư? Khi đó, quyền bào chữa của bị can bị cáo nghiễm nhiên bị hạn chế, ảnh hưởng, không được bảo đảm một cách chính đáng và thực chất.

Thiết nghĩ không cần thiết phải dài dòng về những vấn đề đã mang tính chân lý, là thành tựu của nhân loại, là bản chất tốt đẹp của loài người. Tôi chỉ muốn kể lại câu chuyện sau đây: câu chuyện về Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam), đã được luật sư Loseby và gia đình ông, che dấu, giúp đỡ trốn thoát khỏi Hồng Kông năm 1931.

Đây là một câu chuyện có thật 100%, rất nhiều sách, tài liệu, báo chí đã xuất bản. Ai cũng có thể  dễ dàng tìm đọc. Câu chuyện ấy như sau:

Nguồn: Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931 (báo Nghệ An) Ghi chú: Danh từ "Người" chỉ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh)
............

Ngày 6/6/1931,  Mật thám Pháp ở Đông Dương và mật thám Anh ở Hồng Kông đã bắt được Nguyễn Ái Quốc - một "trùm cộng sản" tại địa chỉ "186 Tam Lung - Hongkong. Tuy nhiên, trong toàn bộ diễn tiến của vụ án, Nguyễn Ái Quốc chỉ khai mình là Tống Văn Sơ - một nhà buôn. Chứ không thừa nhận mình là Nguyễn Ái Quốc.

Qua giới thiệu, Nguyễn Ái Quốc được Loseby, một luật sư nổi tiếng lúc đó, đang hành nghề ở Hồng Kông giúp đỡ. Tống Văn Sơ cảm ơn sự quan tâm của luật sư đối với mình, và tỏ ý băn khoăn vì không có tiền để trả công cho ông. Luật sư nói: "Tôi nhận giúp vì danh dự chứ không phải vì tiền. Tôi sẽ ra sức cứu giúp, mong người tù hãy tin tưởng và hãy nói, cung cấp cho luật sư những điều gì có thể giúp trong việc bênh vực… "

Vụ án này đã trải qua 9 phiên toà xét xử, từ ngày 31/7/1931 đến 19/9/1931. Bào chữa cho Tống Văn Sơ, tham gia tranh tụng tại phiên tòa có luật sư J.C Jenkin và luật sư Loseby. Cả hai luật sư đã hết lòng bào chữa cho Tống Văn Sơ.

Kết quả xét xử: Toà án Viện Cơ mật Hoàng Gia Anh tuyên trả tự do cho Tống Văn Sơ, bằng cách cho Người được tự do lựa chọn nơi mình đến. 

Ngày 28/12/1932, Tống Văn Sơ được tự do và đi đến Singapore. Nhưng ngay khi đi đến Singapore, Tống Văn Sơ lại bị buộc quay trở lại Hồng Kông, không được phép nhập cảnh.

Ngày 19/1/1933, Nguyễn Ái Quốc lại bị bắt giam tại Hồng Kông. Ngay khi ấy, Người đã kịp thời viết thư báo tin cho luật sư Loseby và nhờ ông giúp đỡ. Luật sư đã đề nghị Thống đốc HongKong can thiệp, và Thống đốc đã buộc phải ra lệnh thả Tống Văn Sơ và hạn trong ba ngày phải rời khỏi Hồng Kông.

Một lần nữa gia đình luật sư Loseby lại bênh vực và cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù. Kế hoạch di chuyển và bí mật tổ chức cho Tống Văn Sơ trốn đã được vạch ra. Khi ở tạm thời trong Ký túc xá Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (YMCA), khi thì ở ngay trong nhà của luật sư Loseby, liên tục di chuyển chỗ ở 3-4 lần, cuối cùng ngày 22/1/1933, Nguyễn Ái Quốc đã cải trang thành một thương gia Trung Quốc giàu có, đi xuồng ra khơi bằng chính chiếc cano công vụ của Thống đốc Pin do ông bà Loseby bí mật bố trí.  

Ngày 25/1/1933, tàu cập bến Hạ Môn. Ở Hạ Môn một thời gian, Người lên Thượng Hải, và sau khi nhờ bà Tống Khánh Linh giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc được với Quốc tế Cộng sản và trở về Liên Xô an toàn sau đó.

Sau khi Tống Văn Sơ thoát khỏi Hương Cảng, luật sư Loseby vẫn chưa cảm thấy yên tâm, ông liền nghĩ ra một “diệu kế” là tung tin Tống Văn Sơ tức lãnh tụ An Nam Nguyễn Ái Quốc đã chết trong bệnh viện ở Hương Cảng. Báo chí bắt được tin đó đã nhanh chóng cho đăng tải ngay. 

30 năm sau, lúc này Nguyễn Ái Quốc đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh và không quên ân nhân của mình. Ông đã mời gia đình luật sư Loseby đến thăm Hà Nội năm 1960. Thông tin chi tiết xem tại đây:  Bác Hồ đón tiếp gia đình luật sư Loseby qua lời kể của người phiên dịch

.....................

Qua câu chuyện trên cho thấy:

1. Luật sư Loseby và đồng nghiệp của mình không những không tố cáo, mà còn bao che, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc trốn thoát khỏi Hồng Kông. Ông đã làm điều đó vì thiên chức của người luật sư, chứ không phải vì tiền. Điều luật sư Loseby đã làm cũng không bị cấm chính quyền Hồng Kông cấm, dù việc Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông cũng liên quan đến an ninh quốc gia ở xứ sở này.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết ơn người luật sư đã bào chữa, che dấu cho mình. Thiết nghĩ đây là tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mà đảng viên nào cũng cần hiểu và học tập.

3. Nếu luật Hồng Kông quy định luật sư bị buộc phải tố cáo thân chủ, thì có lẽ câu chuyện vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông sẽ có kết quả khác đi.
Nguồn: Blog Bình Luận Án.

-------------------

Luân Lê

Ông Hồ Chí Minh bị bắt giam ở Hồng Kông vì can tội gây nguy hiểm đến an ninh của quốc gia Pháp. Bà Nguyễn Thị Thuý quê ở Bắc Cạn, làm tiến sỹ, luật sư, được cử sang bên đó thay thế cho ông Loseby vì không tin tưởng luật sư ngoại quốc để bào chữa cho ông Nguyễn Ái Quốc, lúc đó có tên là Tống Văn Sơ.

Kết quả thế nào thì các vị biết rồi đấy. Ông Cụ chịu một lúc hai tội vì vừa bị đế quốc Pháp buộc tội là thành phần cộng sản nguy hiểm gây phương hại an ninh quốc gia, vừa chịu thêm một tội do bà luật sư kia tố giác với biện lý.

Thế là Cụ hết đường về Pác Pó.



6 nhận xét :

  1. Liên đoàn LS VN mô mở mồm ra chứ,chả lẽ lại chịu kiếp làm bò cho người ta rọ mõm vậy sao?

    Trả lờiXóa
  2. Bà tiến sĩ luật cũng cố phát biểu để cho có tiếng nói với người ta,có điều không biết cái bằng tiến sĩ luật là thật hay giả nữa ?Chưa có luật của bà tiến sĩ mà đã đầy những oan sai rồi .Nếu đưa luật của Bà vào thì tốt hơn hết là khỏi nhờ luật sư và các luật sư nên bỏ nghề

    Trả lờiXóa
  3. Nếu theo quan điểm ngu xuẩn của đại biểu cuốc hụi tiến xỹ lật xư nguyễn thị thúy thì không cần đến nghề luật sư, không cần tổ chức luật sư nữa và trong vụ án năm xưa, nếu bà Thúy được mời bào chữa cho ông Hồ chí minh thì bà Thúy đã toa rập với cảnh sát và chính quyền Hồng-công và bà đã kết luận rằng: ông hồ chí minh đã rõ ràng đã cùng một lúc phạm vào hai tội lớn: vì vừa là thành phần "Việt Tân"(ý lộn:Việt Cộng) là tổ chức khủng bố nguy hiểm gây phương hại an ninh quốc gia LH Pháp, vừa chịu thêm một tội do làm gián điệp cho Nga Sô để "tuyên truyền lật đổ chế độ" . và vì thế Bà Thúy đã giúp cho ông Hồ bị thực dân pháp cho đi theo Mác LÊ từ năm 1931 rồi.
    Luật sư mà buộc phải làm theo lệnh chính quyền để tìm cách bỏ tù bị cáo bằng mọi giá thì làm luật sư làm cảnh trang trí cho chế độ à? tước bằng luật sư của bà Thúy đi là vừa.

    Trả lờiXóa
  4. Chất lượng của Đại biểu QH ở VN chỉ vậy thôi, bởi họ có phải do dân cử dân bầu đâu. Còn họ là người của ai, đại diện cho ai, dám nói gì và không dám nói gì, nói vì ai...thì....ai cũng biết cả, bản thân họ cũng biết họ là ai rồi. Vậy thì những phát biểu ngô nghê ấy thốt ra từ những cái miệng ấy là không có gì là lạ cả.

    Trả lờiXóa
  5. Bố tiên sư cái thằng thực dân, mày bắt rồi mày thả! Mày rách việc thế!

    Trả lờiXóa
  6. mất tiền mời luật sư để bị kết tội?! sao chị thúy không đề nghị đổi tên "luật sư" thành tên "mật thám" cho phù hợp với công việc!? công nhận nhóm lợi ích của chúng mạnh thật!!!

    Trả lờiXóa