Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Trần Đình Sử: KÍNH MỜI CÁC BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỰ

GS. Trần Đình Sử

Trần Đình Sử

KÍNH MỜI CÁC BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỰ 

Buổi giới thiệu sách "Âm tiết tiếng Việt và Ngôn từ thi ca" của Nguyễn Quang Hồng và Phan Diễm Phương (Nxb ĐHQG Hà Nội) sẽ do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức vào 14h30 chiều thứ Bảy 8-4-2017, tại quán Cafee 3A Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

DẪN CHƯƠNG TRÌNH: PHẠM XUÂN NGUYÊN
Giới thiệu: GS. Trần Đình Sử

ý TƯỞNG CỦA TÁC GIẢ 


• Trên đại thể, công trình này nghiêng về nghiên cứu những vấn đề của ngôn từ thi ca trên bình diện ngữ âm, và qua đó tìm mối liên hệ giữa âm thanh và ý nghĩa, xác định những giá trị mỹ cảm từ những biểu hiện ngữ âm trong tác phẩm thi ca tiếng Việt. […]Đây là một trong những thử nghiệm tiếp cận đề tài nghiên cứu ngôn từ thi ca tiếng Việt theo phương pháp liên ngành ngữ học và văn học.

• Cần thừa nhận rằng giữa các nền thi ca dân tộc cũng có nhiều hiện tượng là tương đồng, mang tính phổ quát. Tuy nhiên mức độ tương đồng giữa chúng là rất khác nhau, tùy thuộc vào loại hình ngôn ngữ và truyền thống văn hóa dân tộc. Bởi vậy, sẽ không phải bất cứ khái niệm thi học nào từ các nền thi học nước ngoài, cũng là thích dụng đối với thi liệu Việt Nam.

• Chúng tôi xuất phát từ những định đề của R. Jakobson về “ngôn từ thi ca” và “chức năng thi ca”, tiến hành minh định một loạt khái niệm cần thiết dùng cho phân tích giá trị mỹ cảm của các yếu tố ngữ âm trong thi ca Việt (một đôi khi có so sánh với một số nền thi ca khác). Chúng tôi nhận thấy ở chức năng thi ca có hai khía cạnh cần được đặc biệt chú ý, đó là giá trị “liên kết” và giá trị “gợi tả” của các yếu tố ngữ âm trong ngôn từ thi ca.

• Trong ngôn từ thi ca luôn đề lên hàng đầu sự chia cắt ngôn từ ra thành các vế tương đương, và ở từng vị trí trên các vế tương đương ấy, người ta thực hiện sự lựa chọn những gì đồng nhất và/hoặc khác biệt, tạo nên sự láy lại hoặc đối lại giữa các vế tương đương. Hiệu quả của sự dụng công này là tạo nên vẻ đẹp hình thức cho ngôn từ hoặc tô đậm những ấn tượng âm thanh trong mối liên quan với những ấn tượng về ý nghĩa mang tính mỹ cảm trong ngôn từ.

• Cái cơ chế đơn tiết (monosyllabism) với âm tiết mang thanh điệu và truyền thống văn hóa Việt chính là cốt cách, là linh hồn của tiếng Việt và thơ ca Việt. […]Dẫu cách tân thế nào mặc lòng, nhà thơ Việt Nam hiện đại cũng khó lòng đạt tới một tâm thức thi ca chung với công chúng, nếu anh ta chỉ chăm chăm hướng tới sự “hòa nhập” với ngôn ngữ và thi ca nước ngoài, mà quên đi cái cốt cách, cái linh hồn của tiếng Việt và văn hóa Việt, vốn đã làm nền tảng cho thi luật Việt Nam từ bao đời nay.
-----------
Vài nét về diễn giả Trần Đình Sử:
(Giới thiệu của Salon Cà phê thứ 7)

Giáo sư, Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH SỬ sinh năm 1940 tại Huế. Nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ông là nhà lý luận phê bình được đào tạo chính quy nhất từ Liên Xô và Trung Quốc. Là nhà khoa học hàn lâm, Trần Đình Sử đã giới thiệu lý thuyết về Thi pháp học về Việt Nam và áp dụng thành công (Thi pháp Truyện Kiều, thi pháp thơ Tố Hữu). Trần Đình Sử suốt đời theo dõi đời sống lý luận và đời sống văn học Việt Nam một cách sát sao, vì vậy tiếng nói của ông là tiếng nói của một người có thẩm quyền.

Với 77 tuổi đời, ông vẫn hàng ngày cặm cụi bên bàn làm việc nhiều giờ, đọc trực tiếp những bài viết, công trình mới nhất từ nguyên bản tiếng Nga và tiếng Trung trên bản điện tử, vẫn viết với cường độ mà nhiều người trẻ cũng khó theo kịp. Trần Đình Sử vẫn luôn đổi mới, bỏ lại phía sau những gì đã lỗi thời, lạc hậu, trì trệ và áp đặt thô thiển – mặc dù có khi chính cái đó cũng đã mang lại danh vọng cho ông, để lên đường, chặng mới của hành trình đổi mới lý luận văn học.

Ông vừa được trao Giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh 2017 ở hạng mục Nghiên cứu.

• Tác phẩm chính: Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại (1993), Những thế giới nghệ thuật thơ (1995), Lí luận và phê bình văn học (1996), Dẫn luận thi pháp học (1998), Thi pháp văn học trung đại (1998), Thi pháp truyện Kiều (2002), Trên đường biên của lí luận văn học (2015).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét