Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

NHÂN DỊP KHA TIỆM LY TIÊN SINH RA CHƠI HÀ THÀNH

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện & Thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế)


NHÂN DỊP KHA TIỆM LY TIÊN SINH RA CHƠI HÀ THÀNH

Xin đăng lại bài viết của Nguyễn Xuân Diện, ngày 28 tháng 4 năm 2017:


Lời dẫn: Dưới đây là bài Tựa, viết cho tập tản văn Hương xưa còn đó của Kha Tiệm Ly. Khi trình bản thảo cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang để Hội hỗ trợ kinh phí xuất bản, bài Tựa byêu cầu bỏ đi vì đó là bài của tác gi Nguyễn Xuân Diện. Kha Tiệm Ly hỏi Cục Xuất bản về việc có cấm in bài của Nguyễn Xuân Diện không, thì được Cục Xuất bản là cơ quan cao nhất về xét duyệt bản thảo trả lời là không có vấn đề gì. Nhưng Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang vẫn quyết loại bỏ bài Tựa của Nguyễn Xuân Diện cùng một số bài trong tập sách; nếu không thì Hội này sẽ không h trợ 10 triệu cho tác giả.  

Thi sĩ Kha Tiệm Ly quyết không bỏ bài Tựa của Nguyễn Xuân Diện và bất cứ bài nào trong bản thảo; và không thèm nhận 10 triệu đồng hỗ trợ của Hội nữa mà tự bỏ tiền ra in sách.

Cũng thanh bần như Kha Tiệm Ly, Nguyễn Xuân Diện không có tiền giúp thi sĩ in sách, chỉ có thmua 10 cuốn để tặng bạn bè. Nhưng cảm nghĩa khí của Thi sĩ Kha Tiệm Ly, Nguyễn Xuân Diện muốn ngỏ lời với các anh chị em khắp cả nước cùng mua sách của Kha Tiệm Ly, vì ngoài giá trị của cuốn sách còn để tỏ lòng mến mộ một nhân cách thi nhân và lưu lại cuốn sách là kỷ niệm của một tình bạn vong niên, dù chưa một lần gặp mặt. Xin đa tạ!

Gửi chút hương xưa cho người mới


Lời Tựa cho tập tản văn HƯƠNG XƯA CÒN ĐÓ
Tác giả: Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế).

.
Trên tay quý vị là tập tản văn Hương xưa còn đó của Kha Tiệm Ly – một văn nhân rất quen biết trong giới cổ văn nước nhà. Kha Tiệm Ly là một trong những bút danh của Thái Quốc Tế. Ông sinh năm Đinh Hợi (1947) tại xã An Quy, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Đàn ông tuổi Đinh Hợi thường có tâm tính phóng khoáng, lãng mạn và có sức lôi cuốn luôn quyến rũ mọi người. Kha Tiệm Ly có dáng hình nhỏ nhắn, hơi có vẻ khắc khổ. Và ông quyến rũ người đời bằng văn chương.

Kha Tiệm Ly thử sức và trải nghiệm với nhiều thể loại như văn, thơ, phú, kịch bản điện ảnh, cổ nhạc. Thể loại nào ông cũng được tạo được những nét riêng biệt và độc đáo. Và trong những thể loại mà ông viết, thì thể phú ông đã thành công nhất và để lại nhiều tác phẩm trong lòng người đọc. Phú là thể loại khó viết vì đó là thể văn khoa trương, phô bày đủ mọi vẻ của ngôn từ và ý tứ, viết hơi quá tay là thành ra sáo rỗng và phô. Kha Tiệm Ly với vốn văn chương được nuôi dưỡng từ gia đình và họ tộc, ông viết phú đủ kiến thức để phô diễn nhưng sự tiết chế đủ để vần điệu và ý tứ thâm trầm sâu sắc của một người giàu lòng trắc ẩn, nhiều trải nghiệm và khoan dung. Phú Kha Tiệm Ly được giới cổ học đón nhận nồng nhiệt, truyền tụng và phẩm bình khen ngợi. Những người hoài cổ, có chút hiểu biết về Hán học khắp trong Nam ngoài Bắc đều phục tài làm phú và văn tế của Kha Tiệm Ly.

Nhưng, trên tay chư vị là một tập tản văn, gói ghém trong tiêu đề của tập sách là mấy chữ Hương xưa còn đó. Một người am hiểu văn chương cổ điển như Kha Tiệm Ly nhất định phải là người hiếu cổ. Tập tản văn này, vừa giống như một biên khảo, có phong vị riêng của một tay bút già dặn, vừa như một du khảo dẫn dắt người đọc vào khu rừng ngôn từ địa phương, lối thưởng ngoạn xưa cũ nay cơ hồ như đã thành dĩ vãng.

Này là thú đi câu, là lối tiêu khiển thanh tao hưởng nhàn của các cụ ngày xưa, được Kha Tiệm Ly thuật lại thật tỉ mỉ, công phu và đầy vẻ thích thú.

Này là những câu chuyện về các gánh hát cải lương ở những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, mà đối với người già thì còn như in trong ký ức, còn với người trẻ thì như một cổ tích xa xôi, nay nhờ bút pháp và sự cường ký của Kha Tiệm Ly mà bỗng hiện ra rất sống động trên mặt giấy. Rồi đi với đó là câu chuyện những nghệ sĩ dân gian sau cánh gà sân khấu...

Rồi Kha Tiệm Ly lại dẫn người đọc vào thế giới của những ngày xưa trong các làng quê Nam Bộ như tục kiêng cữ, cách ăn mặc, chế biến các món ăn dân gian gắn với thân phận những người phụ nữ tảo tần sau chái nhà, đôi khi là những đối đáp trên những cánh đồng mùa vụ.

.

Nổi bật trong tập tản văn của Kha Tiệm Ly là hình ảnh và dáng vóc của một Mỹ Tho xưa, chưa xa nhưng đã bắt đầu lặn vào ký ức người già bởi tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa quá nhanh. Cảnh quan, con người, nghề nghiệp, miệt vườn và những cổ tục cùng phong khí cơ hồ cứ chìm khuất ở đời thực nhưng hiển hiện mồn một trong trang sách của Kha Tiệm Ly.

Không có vốn sống, vốn văn hóa và sự trải nghiệm từ tấm bé; nếu không gắn bó máu thịt với quê hương và đất đai phong thổ và đắm chìm trong hương xưa của những ngày tháng cũ thì không thể có được những trang viết như thế. Kha Tiệm Ly chinh phục và quyến rũ không chỉ bằng vốn hiểu biết, hay sự cường ký mà trước hết là bằng tình tự của một tay hiếu cổ lúc nào cũng đăm đắm níu giữ những ký ức xưa và muốn gửi cho người sau, người mới.

Vì thế, ta yêu quê hương đồng đất đã hiện ra trong trang văn của Kha Tiệm Ly, ta cũng yêu luôn cái con người viết ra nó, vừa hào mại lại vừa chân chất, vừa có cái uy quyền của bậc thức giả trải đời, lại thêm cả cái ân cần của một người hiếu khách và chân tình.

Tôi là người Sơn Tây, xứ Đoài - quê của Tản Đà, Quang Dũng - nơi chỉ có một loài mây trắng lững lờ bay như một nghìn năm trước. Tôi chưa từng đến những nơi được nói trong trang sách của Kha Tiệm Ly, mà cũng chưa từng hạnh ngộ ông, nhưng từ lâu đã ngưỡng mộ văn chương ông, nay thật quá bất ngờ khi ông dành cho hân hạnh được đọc bản thảo Hương xưa còn đó. Rồi hơn thế, lại được ông ưu ái dành cho vinh dự được viết lời tựa cho tập tản văn này.

Chưa đến đất ấy, chưa gặp người ấy, mà đọc xong tập tản văn đã thấy gần gũi, thân thương, đã như ngồi bên chén rượu cùng nhau đàm luận văn chương và thế sự. Thế thì, quý vị còn chờ gì nữa mà không ngồi xuống với chúng tôi bên chén rượu chứa đẫy chân tình, để cầm lấy chút “hương xưa còn đó”.

Hà Nội, giữa thu năm Bính Thân
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
--------


8 nhận xét :

  1. Xin hỏi Tễu tác phẩm có mang phong thái của Vũ Trung tùy bút không?

    Trả lờiXóa
  2. Ha ha..cái Hội văn học nghệ thuật tỉnh làm gì mà thâm thù học giả Nguyễn Xuân Diện thế!
    Học giả Nguyễn Xuân Diện có bao giờ giao lưu với cái thứ đồ Hội văn học nghệ thuật tỉnh này đâu mà có thái độ bần tiện thế?
    Hay cái Hội văn học nghệ thuật tỉnh này ghen tị với tài năng của học giả Nguyễn Xuân Diện? Nếu ghen tị thì phải cố mà nghiên cứu giỏi hơn, ai lại đi dìm người tài như thế, thành ra cái Hội văn học nghệ thuật trở thành trò cười cho người đời nhạo báng!
    Tôi nghiệp cho cái thứ đồ hội văn học nghệ thuật này thật đấy! Xin thành thật chia buồn cho cái nhân cách tồi tàn của quý Hội văn học nghệ thuật tỉnh nhé! Cố lên mà siêu thoát!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi muốn mua một quyển . Giá đề là 90.000 vnđ ,nhưng cước vận chuyển là bao nhiêu để chuyển khoản luôn một lần cho tiện .

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đăng kí mua 1 cuốn. TS NXD cứ để "ngâm tôm" ở Viện Hán Nôm cho tôi 1 cuốn. Sẽ có ngày tôi đến "làm việc" sẽ nhận. Được không TS? Nếu thời gian ngâm lâu, tôi xin trả cả "lãi tiết kiệm".

    Trả lờiXóa
  5. Vào tiki.vn đăng ký mua

    Trả lờiXóa
  6. Thông cảm cho hội nhà văn, họ không quyết định được cả số phận của mình

    Trả lờiXóa