Nữ điêu khắc gia Điềm Phùng thị. Ảnh: Internet.
KỶ NIỆM LẦN GẶP BÀ ĐIỀM PHÙNG THỊ (1996)
Nguyễn Xuân Diện
Tôi đến Huế lần đầu vào mùa hè năm 1996. Lần ấy là chuyến tham quan xứ Huế. Cả đoàn nghỉ ở Khách sạn Hương Giang. Người hướng dẫn viên du lịch cho đoàn là một cô gái Huế luôn mặc tà áo dài màu tím và tay cầm chiếc nón Huế. Giọng cô dịu dàng, cử chỉ ân cần chu đáo. Cô nói, được làm hướng dẫn cho đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm là một vinh dự, nhưng cô cũng rất lo lắng, vì các bác các cô trong đoàn đều là những nhà chuyên môn, đều đọc được chữ Hán Nôm trên di tích, và nơi đoàn ở luôn có các ông Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, Nguyễn Đình Thảng đến thăm.
Chuyến đi ấy, đoàn chúng tôi còn được dẫn đi thăm lăng Gia Long bằng thuyền- lăng ở xa trung tâm nên ít đoàn đến thăm được. Cô dịu dàng lịch thiệp, mà giọng Huế của cô thật dễ thương quá đi! Qua lời giới thiệu của cô, chúng tôi biết cô là một người rất hiểu và yêu Huế. Gần kết thúc chuyến du lịch, một bác trong đoàn hỏi thăm gia cảnh, mới biết cô tên là Nguyễn Hữu Tường Loan - một cái tên thật đẹp. Cô chưa xây dựng gia đình, nhưng người bạn trai và là người chồng chưa cưới của cô là Trần Đức Anh Sơn! Àh! Ra thế! Trần Đức Anh Sơn thì tôi có duyên hạnh ngộ tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 1995, và khi ấy đã được anh tặng cho cuốn sách anh viết về Huế...
Ngoài chương trình thăm với đoàn, tôi còn đi lẻ đến hai nơi là Nhà thờ Sào Nam Phan Bội Châu ở Bến Ngự và nhà trưng bày Điềm Phùng thị. Thăm nhà thờ Phan Bội Châu trong một chiều Huế nhiều mây, lọt vào giữa khu vườn nhỏ bé với những hàng bia cũ, không khỏi chạnh lòng thương nhớ Hãn Mạn tử tiên sinh. Một sự nghiệp chưa thành. Dẫu vấn biết câu: “Chớ đem thành bại luận anh hùng”, nhưng Phan tiên sinh không đi trọn vẹn con đường, cũng là điều đáng tiếc!
Thăm nhà trưng bày Điềm Phùng thị, may mắn được gặp bà và được bà mời dùng trà trong phòng khách. Khi biết tôi làm việc về ngành Hán Nôm thì bà phấn chấn lắm, vì tượng của bà là được tạo nên từ bảy mẫu tự (modul) chữ Hán. Bà ân cần trò chuyện với một cậu bé 26 tuổi là tôi và đưa đi giới thiệu mấy tác phẩm bằng giấy và vải đang làm trong xưởng. Khi ra về, bà lấy một catalogue ra và đề tặng tôi. "Gởi em Nguyễn Xuân Diện. 7/8/96" và chữ ký Điềm Phùng Thị.
Về sau, khi có dịp công tác ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi may mắn được tới chiêm bái Đài tưởng niệm Liệt sĩ của Hương Trà tọa lạc trên thị trấn Tứ Hạ. Đài tưởng niệm này do Bà Điềm Phùng Thị thiết kế và giám sát công việc thi công từ lúc khởi công. Bà coi đây là quà tặng của bà đối với Huế.
Vậy là, ngoài các tác phẩm đang lưu trữ tại Nhà trưng bày Điềm Phùng thị ở số 1 Phan Bội Châu, Huế thì Đài Liệt sĩ Hương Trà là tác phẩm lớn nhất (về chiều cao, quy mô) mà Nữ sĩ Điềm Phùng Thị để lại cho hậu thế, cho Thừa Thiên Huế! Và Hương Trà thật may mắn thay!
HN, ngày 7 tháng 4 năm 2011
Nguyễn Xuân Diện
Nguyễn Xuân Diện
Một trong những trang blog GIÁ TRỊ VÀ BỔ ÍCH cho cộng đồng! Cám ơn TS Nguyễn Xuân Diện!
Trả lờiXóaBây giờ Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị chuyển đến ghép chung với nhà trưng bày của họa sĩ Lê Bá Đảng ở đường Lê Lợi rồi. Huế muốn biến trục đường Lê Lợi dọc sông Hương thành tuyến phố trưng bày văn hóa, nghệ thuật.
Trả lờiXóa