Bà Nguyễn Thị Xuân Lan (1929 - 2017).
Đế của tượng
Người Đô Thị
20/03/2017 - 10:43 AM
20/03/2017 - 10:43 AM
Được
tin bà Nguyễn Thị Xuân Lan (vợ cố học giả Nguyễn Kiến Giang) đã từ trần
lúc 22h15 ngày 19.3 (22.2 âm lịch) tại nhà riêng. Lễ viếng từ 10h đến
11h30, thứ 5 ngày 23.3 (26.2 âm lịch) tại Nhà tang lễ thành phố (địa
chỉ 125 Phùng Hưng, Hà Nội). Người Đô Thị Online thành kính chia buồn
cùng tang quyến.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan từng làm việc
trong hệ thống chính quyền cách mạng từ năm 1950 và nghỉ hưu năm 1985.
Là đảng viên hơn 50 năm tuổi đảng, bà Xuân Lan luôn sát cánh bên người
chồng mà bà trọn đời yêu quý, kính trọng, bất chấp những thăng trầm,
hoạn nạn đã đến với ông và gia đình. Cả sáu người con của ông bà, dưới
sự giáo dưỡng của gia đình mà bà là trụ cột, đều là những trí thức viên
chức có uy tín đã và đang làm việc ở các lĩnh vực kiến trúc, sử học,
kinh tế. Người con trai duy nhất của ông bà trong sáu người con là Tiến
sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo Viện Hàn lâm
khoa học Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Xuân Lan từng xuất hiện với tư cách
nhân vật trong bài viết "Đế của tượng" của nhà văn Dạ Ngân, đăng tải
trên Người Đô Thị số 53 (phát hành ngày 29.9.2016) Người Đô Thị Online
xin giới thiệu lại cùng bạn đọc.
Chưa đầy một thế kỷ, đất nước đi qua ba cuộc chiến tranh, Hà Nội lưu
giữ trong nó tầng tầng ký ức bi thương. Sẽ có người nói, thủ đô oai hùng
chứ, ít ra cũng bi tráng chứ. Độ lùi thời gian cho phép người sau có
chữ của thế hệ mình, bi thương, vì vậy có những tượng đài luôn cất ở
phần đế của nó những số phận câm.
“Miền Bắc thiên đường của các con tôi”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”,
thơ ca trẩy hội ấy phủ dụ tôi suốt những năm tháng chiến tranh với Mỹ
và sau đó. Thú thật, không được truyền cảm hứng ấy, chắc tôi đã không đi
trót con đường mà ba tôi thời Việt Minh đã chọn.
Bà Xuân Lan sinh năm 1929, từng làm
việc ở bộ phận y tế thuộc Ty công an Quảng Bình; kế toán Tổng công ty
bách hóa Hà nội... Trước khi nghỉ hưu, bà có vài chục năm làm
chủ tịch
công đoàn Tổng công ty lâm sản Việt Nam. Ảnh TLGĐ
Và rồi tôi đặt chân lần đầu lên Hà Nội một cách muộn màng. Cái nghèo
khổ đập vào mắt và đập vào tai những câu chuyện vỉa hè tung tóe của
những trí thức trung niên sung sức ngôn từ. “Còn những người của bộ tộc
tà-ru nữa em ơi”, Nguyễn Quang Thân chồng tôi buồn bã tự trào (hồi ấy Chuyện kể năm 2000 của
Bùi Ngọc Tấn mới ở dạng bản thảo “nước một”). Tôi choáng váng. Thì ra,
nhiều tên tuổi trong giới tinh hoa thủ đô là “con dân” của bộ tộc tà-ru
(tù ra). Thế là tôi được chồng chở đi ngang về tắt với những con người
vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân của lịch sử ấy, đơn giản vì những
người đó ở tầng đáy của Hà Nội, họ chìm sâu vì sức nặng của chính họ.
Chung quanh chúng tôi, không hiếm những số phận ấy, tôi nói vậy vì mỗi
một con người bị đày đọa đều kéo theo vợ con, cha mẹ, họ hàng, bè bạn...
của họ.
Ngõ hẹp của Hà Nội những năm đầu của thập kỷ 1990 còn giống nhau ở
mùi than tổ ong từ những cái bếp né bên lối đi. Vợ chồng tôi còn lên
lịch ủ sao cho hai ngày là năm viên than chứ không phải tốn sáu viên,
chi li là thuộc tính, căn tính chứ không chỉ là phẩm chất. Nghèo và cảnh
giác là hai thứ tôi ghi nhận từ những phận người Hà Nội mà tôi cố gắng
thâm nhập. Bếp lò không ai ăn cắp nhưng cái đặt trên đó phải coi chừng,
vì vậy mới có cảnh nồi hay ấm thường có dây lòi tói khóa lại!
Mùi than tổ ong ngõ Lương Sử C có gì khác so với những ngõ khác, tôi
nhớ lại. Đã hơn 20 năm kể từ lần đầu tôi được chồng đèo bằng chiếc Chaly
đến nhà học giả Kiến Giang. Buổi tối mùa thu se buồn, vì vậy mà mùi
than tổ ong đặc trưng hơn, hay là vì tôi tò mò quá nên ấn tượng đậm hơn,
khó phai mờ? Lại nghe chồng tự trào “Phải có bộ nhớ đặc biệt để nhớ
đường vì bọn anh toàn chơi với những tay trong ngõ nghèo mà còn hay sinh
sự!”. Bấy giờ Kiến Giang không còn đi thái nhân trần độ nhật nữa mà
phong lưu bằng ngòi bút rồi, dư luận vỉa hè Hà Nội kháo nhau. Trong ngõ
Lương Sử C sặc mùi than tổ ong phổ cập (dù vợ ông chưa bao giờ “dám”
dùng than bởi bệnh phế quản mãn tính), căn hộ cấp bốn khoảng bốn chục
mét vuông trong khu tập thể khiêm nhường giờ đã là ngôi nhà ba tầng
khang trang, như có phép màu cổ tích.
Chấm dứt thời người Hà Nội kín đáo thó từng vốc cát từng viên gạch ở
những công trình công cộng đem về để dành, hay nhận từng vài ký xi măng
lẻ qua đường bưu điện từ người thân ở đâu đó gửi cho để vá víu chỗ nọ
chỗ kia. Hà Nội bung ra một hình ảnh mạnh ai nấy marathon trong ý thức
“tự cứu trước khi trời cứu”. Nguyễn Quang Thân lại rỉ tai “Kiến Giang
viết như thở, viết như thiên mệnh nhưng có thể sau này những cuốn anh ấy
nhờ người khác đứng tên sẽ không trở về được với chính chủ. Đời là thế.
Thôi, có nhuận bút bù đắp cho vợ con đã!”.
Bà Xuân Lan và những trang viết hồi ức cuộc đời. Ảnh N.Đ
Nữ chủ nhân, bà Nguyễn Thị Xuân Lan (bằng tuổi với chồng), khi đó đã
ngoại lục tuần. Người nhỏ nhất trong số sáu người con của ông bà cũng đã
xong đại học. Sáu người con, hùng hậu khi ông bà về già nhưng khi Kiến
Giang “gặp nạn” (từ riêng của gia đình để ám chỉ chín năm ông bị tù và
quản chế xa nhà) thì gánh nặng ấy là bao nhiêu cho người vợ và chính
những đứa con? Thời gian khỏa lấp, tôi thấy bà Xuân Lan thời điểm tôi
gặp bóng dáng một thời xuân sắc nhưng làm sao thấy được nước mắt của
chín năm “trực diện”với tai ách, khi ấy “khóc phải kín, khóc phải giỏi”
để còn cho các con, họ hàng, lối phố người ta nhìn vào. Khóc với các con
là khóc xả nhưng không quên cứng cỏi, khóc với bạn bè là khóc nhịn để
người ta đừng thương cảm quá và khóc cho riêng mình thì sao? Tôi hình
dung, cốt cách con nhà học thức như bà (ba của bà là y sĩ Đông dương)
thì khóc đầm gối mà mắt không sưng để sáng ra các con không yếu đuối
buông xuôi!
Thoăn thoắt bước, thoăn thoắt nói và làm: “Anh của hai vị đang ở trên
tầng ba, lên đi lên đi”. Tuýp phụ nữ như bà miền Bắc định nghĩa là
“mỏng mày hay hạt” và miền Nam của tôi gọi đùa là “mi-nhon cho tới
chết”. Bên trong ngôi nhà ông Kiến Giang marathon làm nên để bù đắp cho
vợ con khi ấy vẫn là những thứ mộc mạc sơ sài, dấu ấn của thời nửa chiến
tranh nửa hòa bình và bao cấp. Giá sách nổi tiếng của ông giờ đã hao
gầy nhiều, những thanh gỗ thùng có từ khi ông du học ở Liên Xô về sau
khi ông gặp nạn đã được vợ con kết sạp để nằm trong những ngày đông, và
những quyển sách quý đã “một đi không trở lại” hôm ông bị dẫn đi. “Còn
người là còn của”, câu ấy chí lý với gia đình ông - bộ óc của ông, cốt
cách của ông là gia sản cho vợ con chứ không phải nhà cao và đồ quý.
Cái bếp ga Ý là món quà ông dành cho bà Lan trong ngôi nhà mới dù như
đã mô tả, mùi than tổ ong lưu cửu của dân phố vẫn ập vào hành hạ bệnh
phế quản của bà mỗi khi trở trời trái gió. Bà tặc lưỡi, đã từng có chín
năm địa ngục bởi ghẻ lạnh, khinh khi, đàm tiếu... thì mọi thứ tệ hại
khác chẳng nhằm nhò gì. Chúng tôi cùng chuẩn bị cho bữa cơm khách đạm
bạc như hai chị em xa cách lâu ngày. “Anh của cô” là cụm từ chỉ Kiến
Giang trong câu chuyện với tôi, cách nói đặc biệt của riêng bà nghe thật
gần gũi và ấm cả người nghe. “Anh của cô hay khách, nghe báo các vị
đến, chị chạy đi chợ chiều từ hôm qua cho nó rẻ!”.
Các con của bà nhớ lại, năm 1963, họ đã loáng thoáng nghe bà can
ngăn, tranh luận và cả khóc lóc với những điều ông đang nung nấu dù động
cơ của ông không phải bàn cãi. Bà có dự cảm của người sinh ra để gắn bó
với ông. Quả nhiên mọi thứ diễn ra lúc con út mới có năm tuổi, mười giờ
đêm, người ta đến đưa ông đi, mọi thứ tung lên, rối bời. Một nách sáu
con, bà bắt đầu cuộc chống chọi với không chỉ đói và rách theo nghĩa
đen, chống chọi ấy thường tình, tôi cũng là con của tù nhân chính trị
thời Ngô Đình Diệm tôi biết chứ. Sự chống chọi của bà Lan theo chúng tôi
là phi thường vì có người nhà “bị tù ta”, ba chữ ấy đủ diễn tả sức nặng
của cây thập ác bà mang khi ấy.
Bây giờ trong tâm tưởng của bà và các con là những cái mốc như thể
những nhát đẽo của nhà điêu khắc. Bốn đứa con lớn Thuần, Thục, Tuấn,
Thanh đang ở nơi sơ tán, hai con nhỏ Tú, Thảo ở Hà Nội với ba mạ và
chứng kiến thời điểm khởi đầu đoạn đời ba “bị tù ta” với mấy từ mơ hồ
cho đến tận hôm nay: “xét lại”! Mẹ gởi hai con nhỏ cho mệ (bà nội), lên
chỗ sơ tán khóc với bốn đứa con mà không biết giải thích thế nào. Đành
dối con và dối những người nông dân tốt bụng đang đùm bọc con mình “ba
chúng đi B”. Ba đi B phải tự hào sao mẹ khóc lén suốt thế? Cây kim trong
bọc lâu ngày... rồi cũng đến lúc những đứa con chứng kiến và chia sẻ
với mẹ những khinh miệt, châm chọc đến rớm máu trong mấy ngàn ngày ba bị
đẩy đi biền biệt... Thôi thì chiến tranh, xem như chồng biền biệt như
mọi người đàn ông thời đó biền biệt. Tết nào trong tay nải bà gửi thăm
ông cũng là sáu lá thư của sáu đứa con viết riêng cho ba nhưng ông không
hồi âm vì chỗ ông ở đâu có giấy bút!
Bà Xuân Lan và người con thứ hai:
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục (Trưởng khoa Kiến trúc và khoa Sau đại học -
Đại học Kiến trúc Hà Nội; Viện trưởng viện nghiên cứu Định cư). Ảnh N.Đ.
Mạ và sáu con nhao ra làm mọi việc của người bần cùng để tồn tại
trong ghẻ lạnh người đời thời kỳ đau đớn ấy. Bà như một diễn viên trên
cái sân khấu không có màn nhung, khán giả là sáu đứa con nhìn vào từng
hành vi, cử động, vẻ mặt dáng hình của mẹ để bám víu, động viên (đôi khi
tán thưởng nữa). Bà tin và yêu chồng hơn cả những ngày trăng mật xưa và
tin các con có bộ gène tốt, có nền tảng giáo dục cao và tin ở hoàn cảnh
tôi luyện con người. Thảy đều giống cha, khả năng xã hội học rất đậm
nhưng để tránh số phận phiền phức, bà định vị chúng đi khoa học tự
nhiên. Nhưng rồi thiên hướng đã tụ chúng lại: dịch giả, kiến trúc sư,
nhà sử học và nghề giáo... Có câu “nhìn con biết mẹ”, quả nhiên, thời
gian đã không phụ công người lao khổ. Dù không ai được phép xuất ngoại
du học vì “nhân thân xấu” nhưng trong mắt tôi, những người con của ông
bà Kiến Giang thực sự là những con người tử tế đúng như ông bà mong ước.
Gẫm ra ở xứ ta, vài ba chục năm thì thang giá trị thay đổi một lần.
Nhà cải cách Kim Ngọc từng bị “ném đá” một ngày lại sáng rỡ gương mặt
hiền nhân. Những người từng mang án Nhân văn giai phẩm mấy chục năm một
ngày lại được rình rang xướng danh trên sân khấu giải thưởng. Còn với
riêng chúng tôi, Kiến Giang - nhà xã hội học xuất sắc của Việt Nam -
cùng với Xuân Lan là cặp đôi vàng của những người nhiều long đong bởi
kích cỡ của họ quá lớn.
Khi tôi viết bài này, sau ba năm Kiến Giang từ giã cõi đời còn đang
lắm phi lý xô bồ, vợ ông, bà Xuân Lan yếu đi nhanh và tôi không được
gặp. Nhưng may mắn cho tôi, các con của ông bà đang có việc vui ở Sài
Gòn và thú thực, nhìn họ quây quần với nhau, tôi biết đó là tất cả những
gì ông và bà để lại cho đời. Đó là tình yêu tôn kính bà dành cho ông và
điều đó thấm vào các con để rồi, giữa họ là hương vị của những người
trân quý nhau, trân quý danh tiếng trí tuệ và bản lĩnh của cha mình và
trân quý cả những ngày u buồn cũ.
Điều gì làm nên ta, là số phận của chính ta, sẽ không là ta nếu cay nghiệt khước từ hay nguyền rủa nó.
Hai mươi năm rồi đó em ơi
Mấy ngày buồn và mấy ngày vui
Anh biết tình em còn nguyên vẹn
Anh chỉ còn em còn em thôi
Vì anh đời em thành đơn chiếc
Anh có ngờ đâu có ngờ đâu
Xin lỗi em xin lỗi suốt đời.
(Nguyễn Kiến Giang và Nguyễn Thị Xuân Lan cưới nhau năm 1952. Bài thơ này ông viết tặng bà sau ngày ông “gặp nạn”, năm 1967, được bà Lan chia sẻ trong một dịp vào TP.HCM).
Mấy ngày buồn và mấy ngày vui
Anh biết tình em còn nguyên vẹn
Anh chỉ còn em còn em thôi
Vì anh đời em thành đơn chiếc
Anh có ngờ đâu có ngờ đâu
Xin lỗi em xin lỗi suốt đời.
(Nguyễn Kiến Giang và Nguyễn Thị Xuân Lan cưới nhau năm 1952. Bài thơ này ông viết tặng bà sau ngày ông “gặp nạn”, năm 1967, được bà Lan chia sẻ trong một dịp vào TP.HCM).
Dạ Ngân
Hai Cụ đã có rất nhiều công lao đóng góp cho đất nước. Là những trí thức tinh hoa của dân tộc mà hai Cụ gặp không ít sóng gió cuộc đời. Truyền thống ấy lại tiếp tục được chắp cách cho các con của Cụ hiện nay. Tôi cũng may mắn được học trực tiếp TS. Nguyễn Quốc Tuấn, con trai cả của Cụ, một trong những người rất có trí tuệ, có trí nhớ xuất chúng; ông cũng đã có những đóng góp không nhỏ trong nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành Tôn giáo ở Việt Nam. Hiện Ông đang làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Tôn giáo. Thế mới biết truyền thống gia đình cũng như yếu tố di truyền quan trọng như thế nào. Cầu mong hai Cụ được vãng sanh Miền Cực Lạc. Nam Mô Vô Lượng Phật Quang A Di Đà Phật !
Trả lờiXóaTôi cảm phục cả cụ Xuân Lan lẫn chị Dạ Ngân. Ngày trước nghe phổ biến tuyên truyền cụ Kiến Giang phản động mà thấy chờn chợn. Về sau tìm hiểu mới biết cụ hết lòng vì dân vì nước. Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng bị quy phản động, nhưng đến đám tang mới thấy lòng dân ngưỡng mộ "phản động" đến mức nào. Nhân đây đề nghị nhà nước xem xét lại khái niệm và chính sác đối với phản động.
Trả lờiXóa