Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

BỘ VĂN HÓA DẸP LOẠN DANH HIỆU NGHỆ NHÂN, CÂY DI SẢN

'Dẹp loạn' danh hiệu nghệ nhân, 'cây di sản'...
Cây thị cổ thụ làng Phước Tích trong lễ trao bằng công nhận “Cây di sản” tháng 6-2015 - Ảnh: THÁI LỘC.
 
'cây di sản'... 

Tuổi trẻ 
12/03/2017 09:44 GMT+7
 
TTO - Bộ VH-TT&DL vừa yêu cầu các hội trong cả nước dừng hàng loạt việc cấp chứng nhận tôn vinh các danh hiệu nghệ nhân, “Cây di sản”…
 
Chiều 10-3, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị chỉ đạo dừng việc chứng nhận tôn vinh nghệ nhân, công nhận “VN linh thiêng cổ tự”, chứng nhận “Cây di sản”...


Nhiều danh hiệu 
không có giá trị pháp lý

Công văn của Bộ VH-TT&DL đề nghị Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN, Liên hiệp các hội UNESCO VN, Hội Sinh vật cảnh VN dừng việc tổ chức vinh danh và công nhận “Cây di sản”; cấp bằng cho hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống VN; bằng công nhận “VN linh thiêng cổ tự”; bằng chứng nhận nghệ nhân văn hóa dân gian; bằng chứng nhận tôn vinh nghệ nhân...

Bộ cũng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng không tổ chức các hoạt động nêu trên trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Công văn của bộ nêu rõ: theo Luật di sản văn hóa thì thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích thuộc Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; Luật thi đua khen thưởng quy định việc phong tặng danh hiệu nhà nước thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Vì vậy, việc tổ chức vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận là trái với thẩm quyền của các tổ chức hội.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ chiều 11-3, ông Phạm Xuân Phúc - phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL - khẳng định: “Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức đó không có chức năng vinh danh, nên tất cả các danh hiệu chứng nhận, bằng công nhận... của các hội này đã trao trước đây đến bây giờ đều không có giá trị pháp lý. Nhiều địa phương phản ánh đến chúng tôi là nhiều hiệp hội cứ về địa phương, không thông qua chính quyền địa phương, tùy tiện trao bằng chứng nhận và thu tiền của 
mọi người”.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận hiện vẫn chưa có các chế tài xử lý những trường hợp như thế. “Nhưng nếu cứ để các đơn vị này tùy tiện thì sẽ thành loạn danh hiệu, thật giả khó phân biệt, gây hiểu nhầm cho xã hội. Tôi biết có đơn vị tổ chức vinh danh thu của mỗi người đến mấy chục triệu đồng, thậm chí còn mạo danh nhiều cơ quan của Nhà nước” - ông cho biết.

“Không có chuyện 
thu tiền để đổi lấy 
danh hiệu”

Ông Nguyễn Xuân Thắng - chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO VN - nói rằng: “Nếu cơ quan thẩm quyền đã có ý kiến thì chúng tôi phải tuân thủ. Tuy nhiên, không phải một bộ có ý kiến là luôn đúng”.

Ông Thắng giải thích bởi các hội trao danh hiệu không nhân danh Nhà nước mà chỉ trao với danh nghĩa của các tổ chức. Trả lời câu hỏi về việc có hay không hành vi trục lợi từ việc cấp danh hiệu của các hiệp hội, ông Thắng phân trần: có thể có những hiệp hội có các hoạt động thu tiền đóng góp của nhân dân, nhưng đó không phải là “mua bằng, mua danh hiệu”. 

Ông cũng nói rằng Liên hiệp các hội UNESCO VN không thu tiền khi làm những việc này.

Trong khi đó, ông Đỗ Phượng - chủ tịch Hội Sinh vật cảnh VN - cho biết hội này không trao bằng chứng nhận “Cây di sản” mà chỉ trao bằng chứng nhận “Cây di tích lịch sử văn hóa”. Ông cũng khẳng định đơn vị của ông vẫn tiếp tục làm việc bình thường (tiếp tục trao bằng chứng nhận “Cây di tích lịch sử văn hóa” - PV).

“Khi nào Bộ VH-TT&DL hoặc cơ quan có thẩm quyền nhà nước gửi văn bản đến hội chúng tôi thì chúng tôi sẽ trả lời họ” - ông Phượng đáp. Trả lời về vấn đề thu tiền, trục lợi từ việc vinh danh này, ông Phượng nói “bên chúng tôi không có chuyện đó đâu”.

Còn TS Nguyễn Ngọc Sinh - chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - khẳng định hội là đơn vị trao các bằng chứng nhận “Cây di sản VN”, nhưng đơn vị này tuyệt đối không có chuyện thu tiền để đổi lấy danh hiệu.

 Bộ VH-TT&DL có nhầm lẫn (?)
Trong chiều 11-3, một vị đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, đơn vị công nhận danh hiệu “Cây di sản VN”, cho biết không nhận được văn bản nói trên của Bộ VH-TT&DL và vẫn đang tìm hiểu thông tin.
Lý do tìm hiểu, theo vị này: “Trong các đơn vị Bộ VH-TT&DL gửi công văn thì không có chúng tôi, cũng không nhắc đến tên của hội chúng tôi, nhưng lại có nhắc đến danh hiệu mà hội chúng tôi đang thực hiện, đó là Cây di sản VN”.
Vị này cũng cho rằng nhiều khả năng bộ đang “tuýt còi” việc công nhận danh hiệu “Cây di tích lịch sử văn hóa” của Hội Sinh vật cảnh VN, và việc nhắc đến “Cây di sản” là có thể do... bị nhầm. (TH.LỘC).
V.V.TUÂN

5 nhận xét :

  1. Trong thời đại "ưu việt xhcn" này thì "danh hiệu" nghệ nhân,di sản,kỉ lục,nghệ sĩ...cứ nhảy loạn như cào cào.
    Bộ VH coi chừng bị các "hội" kiện vì đã can thiệp vào việc làm ăn của họ đấy.

    Trả lờiXóa
  2. Ở nước ngoài, việc trao các danh hiệu kiểu này do các tổ chức hội, chứ không do nhà nước. Nhưng ở ta thì cả Nhà nước hay hội trao đều không tin được, vì đều có tiêu cực, ăn tiền.

    Trả lờiXóa
  3. Cây đứng lù lù hàng trăm năm, ai khiến công nhận cây di sản.Công trình kiến trúc đứng lù lù hàng trăm năm, ai khiến rỗi hơi cấp bằng công nhận di tích. Người ta kiếm sống bằng nghề nào đó từ thủa nảo thủa nào,bây giờ đã quá tuổi xưa nay hiếm, động hề gì mà phải cất công làm cái danh hiệu nghệ nhân dân gian (hát xẩm, đúc đồng chẳng hạn).Ngứa mắt hơn nữa, nghệ nhân gói bánh chưng! Chao ôi, đất nước đa số nông dân, nhà nào ít ra cũng có một người biết gói bánh chưng.Cả nước mấy chục triệu nghệ nhân gói bánh chưng nhỉ!Quẫn quá!

    Trả lờiXóa
  4. Thật ngu ngốc khi phân lọai kiểu "NSƯT; NSND"... Nghệ sĩ có tài thì xã hội kêu họ là "Nghệ sĩ nổi tiếng".

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đề nghị phải xếp
    Cây di sản Mào Gà
    Xứng Vũ Khiêu nghiên cứu
    Gần tròn thế kỷ qua

    Trả lờiXóa