Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Phùng Hồng Kổn: GÀ, LỢN TRONG TRANH ĐÔNG HỒ



GÀ, LỢN TRONG TRANH ĐÔNG HỒ 

Phùng Hồng Kổn 

“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” 

Gà và lợn là hai con vật được nhắc tới đầu tiên trong bài ca dao về ẩm thực của người xưa. Bài này hẳn là được sinh ra từ những làng quê  đất Việt, nơi những người nông dân trồng lúa nước, chăn nuôi gia cầm, gia súc. Có một làng quê như thế, nhưng không chỉ nhìn gà, lợn dưới góc độ ẩm thực, mà cao hơn nhiều, đưa gà lợn lên tranh – với bao ước mơ, khát vọng gửi gắm vào bức tranh đó.


Làng Đông Hồ (nay gọi là Đông Khê, thuộc xã Song Hồ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh) có nghề làm tranh từ thế kỉ thứ XVI. Tranh được in màu trên giấy Dó quét điệp. Màu được chế từ những chất liệu thiên nhiên: Đen từ lá tre; Trắng từ con Điệp ở biển; Xanh từ lá Chàm; Đỏ từ gỗ cây Vang hoặc đất đỏ ; Vàng từ hoa hòe…. Đề tài của tranh Đông Hồ rất phong phú, bài viết này chỉ đề cập tới hai con vật Gà và Lợn.

Trước đây làng Đông Hồ có tên là Đông Mại (gọi Nôm là làng Mái) thuộc Tổng Đông Hồ, huyện Siêu Loại phủ Thuận An trấn Kinh Bắc. Kinh Bắc là miền đất có bề dầy lịch sử văn hiến: Luy Lâu (nay là xã Thanh Khương thuộc Thuận Thành) là phủ thủ của quận Giao Châu thời Bắc thuộc, chùa Dâu (Thuận Thành ) là cái nôi của Phật Giáo Việt nam; Đình Bảng (Từ Sơn) là quê hương của nhà Lý, một vương triều thịnh trị thời phong kiến…Những hoạt động văn hóa dân gian ở Kinh Bắc vô cùng pong phú và đa dạng, xin điểm qua một vài hoạt động có liên quan đến tranh Đông Hồ.

Thi Nuôi gà béo ở Lạc Thổ (tổng Đông Hồ huyện Thuận Thành) và Đại Bái (Gia Lương): Gà được chọn những con chân cao, mình dài, khung xương ức rộng, cổ cao, đầu to, mỏ khoằm, cứng, mào săn. Gà được nuôi trong cũi, chia từng ngăn, cho ăn viên bột gạo độn cám mịn, mối trắng (nuôi bằng rơm  rạ) - có con nặng tới 7, 8 kg, béo tròn đến mức khi gà bước đi hai âu cánh xệ xuống rung rung theo nhịp bước. Giống gà này gọi là gà Hồ, từ xưa đã là một trong ba giống gà nổi tiếng khắp nước là gà Hồ (Bắc Ninh), gà Mía (Sơn Tây) và gà Đông Tảo (Hưng Yên).

Thi nuôi lợn thờ  ở Ném Thượng (Tiên Sơn): Từ tháng 7 năm trước, mỗi giáp phải nuôi một con - thường là lợn ỉ. Chiều tối mồng 5 tháng giêng mang ra đình làm lễ. Những “ông lợn” được chọn béo húp híp, ục ịch, da láng bóng lang hồng, nặng hàng tạ. Trưa mồng 6 là lễ chém lợn: Quan Đám làm lễ xong lấy hai con dao thờ trao cho hai thanh niên dã được lựa chọn trong hai giáp. Hai thanh niên này bước lên trước hương án làm lễ rồi lùi về, mỗi người đứng bên một cũi lợn. Hiệu lệnh bằng trống, chiêng vừa dứt thì các quan viên mở nhiễu điều phủ cũi, xua lợn ra. Mỗi thanh niên phải chém một nhát đứt đôi một con lợn, nhát chém phải cắt ngang lợn, sát hai chân trước, không được làm đứt lòng.

Những con gà, con lợn mang giải cho chủ nhân của nó chắc hẳn rất đẹp. Nhưng các nghệ nhân Đông Hồ vẽ gà lợn vào tranh đã không tả thực như nó vốn có mà đã cách điệu rất nhiều. Màu sắc, đường nét rất thô mộc, dân dã nhưng mang tính ước lệ cao. Những con gà, con lợn trên tranh Đông Hồ đã cõng trên lưng mình cả một bầu tâm tư, khát vọng của những ngời nông dân thuở trước.


Đông Hồ có nhiều loại tranh gà:

Gà mẹ con : Gà mẹ và mười chú gà con được bố cục gọn ghẽ trong một hình chữ nhật nằm ngang, mỗi chú gà con một vẻ, con nào cũng “nghịch”- đang rỉa lông rỉa cánh hay đang nghỉ ngơi trên lưng mẹ - bỗng dỏng cổ sau tiếng cục cục của gà mẹ,  hướng về phía con mồi của mẹ. Cái “động” của gà con kết hợp với cái “tĩnh” của gà mẹ, lại đặt trong cái tĩnh của hình chữ nhật. “Động” biểu thị  cho “dương”, “Tĩnh” biểu thị cho “âm”. Tông màu nóng (đỏ, vàng) là chủ đạo, khiến cho đàn gà thêm rực rỡ trong bầu trời tràn ngập nắng. Cũng như tranh lợn đàn, bức tranh này biểu trưng cho mong ước của người nông dân: “con đàn cháu đống”, gia đình đông vui, hạnh phúc. 


Gà Đại cát - Nghinh xuân  (đón xuân tốt lành): Hai con  gà đối xứng nhau, hình thể, lông cánh, lông đuôi mang tính ước lệ hơn là tả thực. Chữ đại cát được tác giả đưa vào tranh đã đúc kết mong ước từ ngàn năm và cũng là mong ước hàng ngày  của mọi người nông dân. Người nông dân trồng lúa nước chỉ mong mưa thuận gió hoà; chăn nuôi thì chỉ mong các con vật hay ăn chóng lớn, cuộc đời chỉ mong khoẻ mạnh, con đàn cháu đống v.v... tất cả đều là những ước mơ giản dị -  điều lành lớn. Đôi tranh này có bố cục khác hẳn tất cả các tranh còn lại.

Trong những tranh khác, chữ - tuy cũng là một phần trong bố cục của tranh, những chỉ chiếm một phần nhỏ, còn ở đây chữ và các hoa văn trang trí chiếm nửa bức tranh - tác giả đã nhấn mạnh ước vọng của người nông dân - đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới.

Gà dạ xướng - Nhật minh : Một chú gà trống đứng co một chân (Kim kê độc lập - tư thế giống gà đại cát), mào, cánh, đuôi, lông mã  được cách điệu rất đẹp. Trên tranh có chữ “Dạ xướng ngũ canh hoà” (Đêm gáy năm canh đều đặn). Vế kia của tranh, vẫn chú gà đó quay trở lại, và dòng chữ “Nhật minh tam tác thuỵ” (Ngày mang tới ba điều lành). Theo quan niệm xưa, tiếng gà gáy xua tan tà ma, quỷ quái, mang tới may mắn.

Kê cúc (gà trống  bên cây cúc): Chú gà hùng dũng, một chân gân guốc xoạc ra, chân kia bám vào tảng đá, vươn mình lên như sắp gáy- mà cũng như sắp bước vào một trận quyết chiến. Nói theo cách của hội hoạ hiện đại, bức tranh này sử dụng bảng màu “tương túc” (tương phản và bổ túc). Hai màu tương phản: đỏ - xanh (tuy đỏ đã ngả nâu) và màu trung gian: vàng. Những chiếc lông cánh, lông đuôi của con gà: xanh - vàng - đỏ, rồi xanh - đỏ - vàng, có chỗ lại: xanh - đỏ - xanh  cùng những mảng vàng lớn - khiến cho thị giác người xem bị cuốn hút mạnh mẽ, chỉ có ba màu mà ta cảm thấy màu sắc như trùng trùng điệp - ấn tượng rất mạnh.Theo các nghệ nhân cao tuổi, hình ảnh gà trống oai phong, hùng dũng tượng trưng năm đức tính của  người đàn ông: Văn, võ, dũng nhân, tín.

- Cái mào đỏ tựa như chiếc mũ cánh chuồn - tượng trưng cho Văn.

- Chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, dùng để  chọi - tượng trưng cho Vũ.

- Thấy địch thủ, gà trống dũng cảm xông vào, chiến đấu đến cùng - biểu thị của Dũng.

- Kiếm được mồi cùng gọi nhau ăn - biểu thị của  Nhân.

- Hàng ngày gà gáy sang canh không bao giờ sai, nó đánh thức  mọi người dạy đúng giờ - biểu thị của  Tín.

Trên tranh  không có chữ gì nhưng một bài thơ vịnh chú gà này của nghệ nhân Hiền Năng lại được truyền tụng. Bài thơ có tám câu mà đã sử dụng tới bốn câu phương ngôn về gà:

                     Gà trống 
                      Xưa vốn cùng chung một mẹ mà
                      Khôn ngoan đá đáp với người ta
                      Gáy lên bạn hỡi xem trời sáng
                      Báo để người nghe tỉnh giấc ra
                      Rõ vẻ giống tông đầu mỏ thế
                      Lẽ đâu ăn quẩn cối xay nhà
                      Mặc ai vờ vịt trông ra quốc
                      Thực giống Hồ đây chẳng phải pha.
Các cụ kể lại, năm ấy (khoảng 1915) cụ Chánh Hoàn gả con gái cho anh Phán Vinh, cụ Đám Giác đã mừng đám cưới bằng một mẫu tranh mới: Gà thư hùng : Một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Trên tranh có dòng chữ nôm “Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”- một lời chúc thật sâu sắc! (Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh). Gà mái có bố cục theo Đường xoắn ốc - tạo nên sự nũng nịu. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên - tạo nên tư thế  chủ gia đình,  che trở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc , đầm ấm trong một gia đình.      

Tranh lợn có:  Lợn đàn , Lợn độc,  Lợn ăn dáy - tất cả đều béo mũm mĩm  - “mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn”. Những bức tranh lợn được diễn tả bằng ngôn ngữ ước lệ nhưng cũng chứng tỏ cá nghệ nhân đã quan sát rất kĩ nguyên mẫu, đó là giống lơn ỉ thuần chủng. Giống lợn này thường có màu đen hoặc lang hồng, lưng võng, bụng xệ, trên thân thường có những đám lông mọc thành khoáy tròn. Theo kinh nghiệm của nhà nông thì những con lợn nào mà trên lưng có dải lông mọc khác chiều với chỗ khác thì đó là giống tốt. Điều này đã được các nghệ nhân nhấn mạnh bằng  một vệt màu sẫm. Để làm nổi bật cái má và cái đùi nung núc mỡ, họa sỹ vẽ hẳn một mảng màu hình lưỡi liềm. Điều thú vị nữa là cái mũi, nếu ta nhìn nghiêng – để trông thấy cả mình con lợn – thì không thể trông thấy hai lỗ mũi của nó. Ơ đây tác giả đặt điểm nhìn từ cả phía bên cạnh lẫn phía trước, vì vậy đã thể hiện rõ cái “mõm gầu giai” của con lơn. Chúng ta thấy rõ những tranh lợn này có mối liên hệ với tục nuôi lợn thờ ở Niệm Thượng Từ Sơn. Dù thời gian trôi đi, các bản khắc có thể mòn, sứt nét, hỏng - nhiều nghệ nhân đã khắc những bản mới, có thể  thay đổi đôi chút - nhưng một điểm bất biến ở tranh lợn là: Trên mỗi con đều có hai cái khoáy đựơc thể hiện bằng biểu tượng  âm dương.




Từ xa xưa, con người ở phương đông, qua trải nghiệm cuộc sống đã đúc rút ra triết lý âm dương. Ban đầu là những khái niệm rất cụ thể: Giống cái : âm, giống đực: dương, Đất : âm (biểu tượng là hình vuông), Trời : dương (biểu tượng là hình tròn), dần dần người ta đã suy ra nhiều cặp đối lập phổ biến khác: Phía bắc, lạnh - thuộc âm, phía nam, nóng - thuộc dương; Mùa đông : âm, mùa hè : dương; Đêm : âm, ngày; dương và còn rất nhiều cặp âm dương khác: Mềm - cứng; Tĩnh - động; Chậm - nhanh; Tối - sáng; Đen - đỏ; Thấp - cao...

Về sau người ta lại phát hiện ra những quy luật cơ bản của nguyên lý âm dương:

- Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương, trong dương có âm.

- Âm và dương luôn gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hoá cho nhau, âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương; dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.

Tranh cổ Đông Hồ luôn có đôi, bản thân hình thức đôi tranh đã thể hiện triết lý âm dương. Nội dung tranh lại  càng làm  rõ điều  này:  Ông tơ - bà nguyệt (ông tơ-dương, bà nguyệt - âm; Văn trường - Vũ trường (văn - âm, vũ - dương); Hứng dừa - đánh ghen (hứng dừa: êm đềm, hạnh phúc - âm, đánh ghen: bất hạnh, náo động - dương); Dạ xướng ngũ canh hoà - Nhật minh tam tác thuỵ (đêm - âm, ngày - dương) v.v...      

Riêng các tranh  lợn thì các nghệ nhân Đông Hồ vẽ hẳn biểu tượng âm dương lên mình mỗi con.
Lợn đàn - biểu hiện sự sinh sôi nảy nở - phản ánh tín ngưỡng phồn thực, lợn độc - “nhất khoảnh anh hùng”, lợn ăn dáy - quy luật sinh tồn, tất thảy đều hoà hợp âm dương - đó là quy luật của cuộc sống.

                                


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét